Góp ý của Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Nguyệt Hường – TP Hà Nội

Thứ Năm 11:17 17-06-2010

Kính thưa Đoàn Chủ tọa Kỳ họp,

Kính thưa Quốc hội.

Sửa đổi một đạo luật có nghĩa là nhằm làm cho nội dung của luật đó phù hợp hơn với thực tế, với đòi hỏi của đời sống xã hội. Luật thanh tra (sửa đổi) lần này cũng đã cơ bản hướng tới những mục tiêu đó. Tôi đánh giá rất cao và đồng tình với Báo cáo thẩm tra đã được soạn thảo rất kỹ lưỡng và có tính chuyên môn rất cao của Ủy ban Pháp luật và do đã đồng tình, cho nên cho phép tôi không nhắc lại những phân tích, những ý kiến kiến nghị, những đề xuất rất có giá trị đã nêu trong Báo cáo thẩm tra cùng các ý kiến của các đại biểu đã phát biểu trước tôi. Trong giới hạn thời gian phát biểu của mình, cho phép tôi được đề cập đến một vấn đề, đó là sự cần thiết phải thành lập cơ quan thanh tra tại Ban quản lý các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế và khu công nghệ cao. Một trong những nội dung đã được nêu trong Báo cáo giải trình.

Kính thưa Quốc hội.

Thực hiện chủ trương công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, những năm vừa qua đã có rất nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế ra đời. Những khu công nghiệp này đã thực sự tạo nên những động lực phát triển kinh tế - xã hội mạnh mẽ ở nhiều tỉnh và địa phương. Có thể kể ra đây những ví dụ điển hình như Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đồng Nai, Bình Dương, Vĩnh Phúc, Hải Dương, Bắc Ninh v.v...

Hiện nay chúng ta đã có 215 khu công nghiệp tại 63 tỉnh, thành phố với 63 Ban quản lý khu công nghiệp đã được thành lập. Việc thành lập các Ban quản lý này phải được Thủ tướng Chính phủ quyết định, vị trí trưởng ban quản lý khu công nghiệp cũng là do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm theo quy định tại Nghị định 36/CP của Chính phủ về hoạt động của khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao. Sau khi Nghị định 29/2008 ra đời thay thế cho Nghị định 36 thì Thủ tướng Chính phủ đã phân cấp để Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, thành phố bổ nhiệm chức danh trưởng Ban quản lý khu công nghiệp, hoạt động, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban quản lý khu công nghiệp bao gồm nhiều nội dung, trong đó có những chức năng cơ bản nào, cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư vào khu công nghiệp, quản lý và cấp chứng chỉ xây dựng, quản lý được tuyển dụng và sử dụng lao động an toàn vệ sinh lao động, quản lý hoạt động xuất nhập khẩu, môi trường, quản lý đất đai, thực hiện quy hoạch khu công nghiệp, xác nhận hợp đồng thuê lại đất có cơ sở hạ tầng, xác nhận việc chuyển nhượng giữa các nhà đầu tư và việc sử dụng con dấu quốc huy. Như vậy, có thể thấy rằng Ban quản lý khu công nghiệp mặc dù không phải là một cấp hành chính, nhưng Ban quản lý đã thực hiện chức năng quản lý của mình theo lĩnh vực cụ thể và lĩnh vực này có những đặc thù riêng, có tính chất tổng hợp liên quan đến nhiều lĩnh vực như tôi đã trình bày ở trên theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Trước khi có Nghị định 29 ra đời, Ban quản lý thực hiện chức năng, quyền hạn theo Điều 27 Nghị định 36/CP, theo đó hoạt động thanh tra của Ban quản lý khu công nghiệp chưa được xác định rõ ràng, vì vậy hiệu quả quản lý chưa được cao. cũng bởi chưa có quy định về Thanh tra Ban quản lý nên việc phối hợp với các cơ quan chuyên ngành, cụ thể như Thanh tra cấp Sở để xử lý một số vi phạm còn gặp nhiều lúng túng, thiếu đồng bộ chặt chẽ, gây phiền hà cho doanh nghiệp khu công nghiệp. Từ thực tế này, nhằm tăng cường vai trò quản lý của Ban quản lý khu công nghiệp, Nghị định 29/CP - 2008 đã quy định việc cần thiết phải thành lập tổ chức thanh tra tại Ban quản lý các khu công nghiệp để thực hiện công tác thanh tra theo đúng thẩm quyền.

Khoản 2, Điều 39 của Nghị định số 29 quy định Ban quản lý các khu công nghiệp, khu chế xuất xếp hạng 1, theo hướng dẫn của Bộ Nội vụ được phép thành lập Thanh tra. Tại Mục 3 văn bản số 344 của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 06/03/2009, Thủ tướng Chính phủ đã giao Thanh tra Chính phủ chủ trì phối hợp với Bộ Nội vụ hướng dẫn tổ chức hoạt động của Thanh tra Ban quản lý trong dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thanh tra năm 2004. Như vậy Nghị định 29 ra đời đã bước đầu xác lập nhiệm vụ của Ban quản lý về công tác thanh tra. Đây là điều kiện cơ bản để Ban quản lý các khu công nghiệp thực hiện chức năng, nhiệm vụ được Chính phủ giao. Hiện nay, việc cho phép thành lập và đi vào hoạt động của Thanh tra Ban quản lý các khu công nghiệp tại nhiều tỉnh địa phương như Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh, Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Long An, Đà Nẵng, Cần Thơ v.v... đã bắt đầu tăng cường được hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước của Ban quản lý, nâng cao công tác hậu kiểm, ngăn chặn và xử lý kịp thời các sai phạm, nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật của các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, đồng thời hạn chế được việc thanh tra chồng chéo của các sở chuyên ngành. Như vậy những căn cứ pháp lý và thực tế trên cho thấy việc thành lập, tổ chức thanh tra trong Ban quản lý các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao là một điều hết sức cần thiết nhằm thống nhất một đầu mối quản lý và thực hiện cải cách hành chính nhà nước.

Nếu quản lý nhà nước mà không có thanh tra, thiếu biện pháp và chế tài cụ thể thì Ban quản lý không thể thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, đồng thời không thể buộc các đơn vị chịu sự quản lý, thực hiện tốt các chính sách pháp luật và quy định của nhà nước là nguyên nhân gây chồng chéo cho công tác thanh tra mà trên thực tế đã diễn ra.

Từ thực tế và phân tích trên, tôi trân trọng đề nghị Quốc hội, Ban soạn thảo luật cho phép bổ sung thanh tra Ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế vào hệ thống các cơ quan thanh tra của nhà nước tại Điều 22 trong dự thảo luật sửa đổi lần này. Nhân đây tôi xin bày tỏ sự đồng tình cao với ý kiến của đại biểu Điểu Kré, đại biểu Huyền Thái và đại biểu Dung và một số đại biểu khác về việc thanh tra nhân dân. Đề nghị cho nghiên cứu ban hành Luật thanh tra nhân dân để đảm bảo quyền lợi và quyền dân chủ của nhân dân. Xin hết.

 

Các văn bản liên quan