Góp ý của Đại biểu Quốc hội Hồ Trọng Ngũ – Ninh Thuận

Thứ Năm 11:16 17-06-2010

Kính thưa Quốc hội

Kính thưa Đoàn Chủ tịch.

Về Luật thanh tra (sửa đổi) tôi xin có một số ý kiến như sau:

Thứ nhất, chúng tôi cũng nhận thấy tính cấp thiết phải sửa đổi đạo luật này vì các quy định của Luật thanh tra năm 2004 có những điểm mà không đáp ứng với yêu cầu thực tiễn, thực ra ngay từ khi ban hành luật này cũng đã có vấn đề mà cho đến nay chúng ta thấy nó chưa phù hợp với thực tiễn. Tuy nhiên cũng như nhiều lĩnh vực khác là có những vấn đề mà có thể nói chúng ta thấy rằng nó chưa giải quyết thấu đáo về mặt lý luận. Ở đây chúng tôi thấy để giải quyết vấn đề của thanh tra thì một mặt chúng ta phải nhất quán với những lý luận xây dựng Nhà nước của chúng ta cũng như là tuân thủ có quy định của Hiến pháp và pháp luật trên cơ sở phải giải quyết những vấn đề thực tiễn bức xúc.

Về địa vị pháp lý của cơ quan thanh tra tôi cho rằng biểu đạt trong Tờ trình số 20 ngày 2 tháng 4 năm 2010 thì hợp lý hơn so với báo cáo Tờ trình bổ sung của Chính phủ. Tuy nhiên chính báo cáo giải trình này cho ta nhận thức thêm được một điều là do giải quyết vấn đề nhận thức nó chưa được thấu suốt về bản chất của thanh tra, cho nên hàng loạt những vấn đề trong đạo luật này là chúng ta thấy còn mắc míu với nhau và mắc với những vấn đề thực tiễn.

Các ý kiến của các đại biểu nêu ra thì chúng tôi thấy cũng là rất khác nhau, mỗi người đều có lý lẽ của mình, nhưng mà để xâu chuỗi lại thì một giải pháp thống nhất tôi thấy còn rất là khó, cái chính là do chúng ta cần phải nhận thức thấu đáo về bản chất của thanh tra.

Trong mục về địa vị pháp lý của cơ quan thanh tra thì ở trong Tờ trình bổ sung tôi thấy nêu bên cạnh việc thực hiện chức năng quản lý Nhà nước như một Bộ thì thanh tra còn có trách nhiệm giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét đánh giá việc thực hiện chính sách pháp luật của cơ quan tổ chức và cá nhân, chúng tôi nghĩ ngược lại cái chính thanh tra trước hết phải có trách nhiệm giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, đánh giá việc thực hiện chính sách pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Bởi vì chúng ta đã thống nhất với trong lý luận cũng như trong nhiều đạo luật chúng ta đã nói thanh tra trước hết là chức năng thiết yếu của quản lý. Bất cứ hệ thống quản lý nào có quản lý phải là thanh tra. Quan niệm nó có là lĩnh vực quản lý nhà nước không thì đó là vấn đề rất đáng tranh luận, làm rõ. Chúng tôi nhất trí, người đứng đầu cơ quan thanh tra của nhà nước phải là một thành viên Chính phủ, với chức năng nhiệm vụ, vị trí vai trò những vấn đề ông ta quyết định nó xứng đáng được như vậy.

Thanh tra có nhất thiết là một bộ quản lý ngành không thì đó là vấn đề vô vùng tranh cãi, cần phải làm rõ về mặt lý luận. Tôi thấy bản chất của vấn đề ở chỗ chúng ta phải trở lại khái niệm rất cơ bản của thanh tra, đó là chức năng thiết yếu, chức năng cơ bản của quản lý nhà nước. Thanh tra làm toàn bộ mọi việc như một lĩnh vực quản lý nhà nước khác, nếu cắt thanh tra ra như một phân đoạn của quá trình quản lý thì nó quá trình quản lý không còn ý nghĩa gì cả, nó phải giúp cho hệ thống quản lý thực hiện nhiệm vụ mà bản thân hệ thống đó phải thực hiện, bất cứ hệ thống nào cũng có chức năng hướng nội và chức năng hướng ngoại. Chức năng thanh tra mà ta gọi là thanh tra hành chính bản chất của nó chính là chức năng hướng nội, nó bảo đảm cho hệ thống tồn tại và phát triển bình thường để thực hiện chức năng của nó. Còn chức năng hướng ngoại thì tùy thuộc vào lĩnh vực quản lý Nhà nước. Chính vì thế có lĩnh vực thì có thanh tra, có lĩnh vực thì không.

Tôi cũng không đồng ý với những đại biểu cho rằng tất cả mọi lĩnh vực đều phải có tổ chức thanh tra chuyên ngành, không nhất thiết. Nếu lĩnh vực quản lý Nhà nước ấy không cần thực hiện chức năng hướng ngoại để bảo đảm như vậy thì không cần thiết. Trong khi lĩnh vực thì phải rất nhiều thanh tra chuyên ngành. Ví dụ, ngành công an, người ta phải làm quản lý Nhà nước về trật tự an toàn giao thông thì có cả một bộ máy cảnh sát giao thông làm thanh tra chuyên ngành, có cả bộ máy cảnh sát hình sự, cảnh sát kinh tế làm thanh tra về lĩnh vực để phục vụ cho đấu tranh phòng, chống tội phạm trên lĩnh vực đó. Hoặc Bộ Y tế cần thanh tra về bảo đảm an toàn thực phẩm. Nhưng có những lĩnh vực quản lý Nhà nước không nhất thiết phải có bộ máy đó, bởi vì nó phụ thuộc vào nhiệm vụ của hệ thống quản lý ấy hướng ngoại đến đâu và nó có cần bộ máy thanh tra không, nó có cần bộ máy để giúp cho thủ trưởng, bộ máy quản lý ấy thực hiện quản lý Nhà nước ở đấy không. Chỗ này cần làm rõ, nếu không làm rõ việc này thì ngay cả quan điểm thanh tra nhân dân đến đâu trong đạo luật này cũng là vấn đề. Chính vì thế mà chúng ta bàn cãi. Khi ta nói thanh tra nhân dân như một thiết chế để giúp cho nhân dân tham gia quản lý Nhà nước, để tăng cường tính dân chủ vào hệ thống của chúng ta, tham gia chứ không phải chức năng cố hữu quản lý của bộ máy nhà nước, bởi vì thanh tra theo tôi biết là chức năng của bộ máy quản lý. Giải quyết đến mức độ nào là theo quan điểm của chúng ta nhưng phải nhận thức như vậy.

Điểm thứ hai rất đáng phải phân biệt, tôi đồng ý với ý kiến của đại biểu Đinh Xuân Thảo đã nêu mặc dù đại biểu chưa phân tích sâu. Việc hình thành một đơn vị để thực hiện thanh tra trong một lĩnh vực nào đó từ đó khẳng định chức năng quản lý nhà nước trên lĩnh vực cụ thể đó. Bộ máy đó phải do thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước bộ, ngành đó quyết định, thấy cần thiết để giúp họ quản lý nhà nước trên lĩnh vực đó.

Quốc hội, Chính phủ cần nắm Bộ trưởng và Trưởng ngành, ông ta được giao quản lý một lĩnh vực nào đó thì ông ta phải chịu trách nhiệm về lĩnh vực đó và ông ta phải tổ chức bộ máy giúp ông ta thực hiện chức năng quản lý. Thanh tra là tai mắt giúp xem thực hiện chính sách pháp luật có đúng không để uốn nắn kịp thời. Tôi thấy trong thực tiễn chúng ta có 2 xu hướng sai lầm, một là chúng ta quá buông lỏng công tác thanh tra, song song với nó ở đôi chỗ chúng ta lại quá lạm dụng công tác thanh tra.

Buông lỏng thanh tra ở chỗ như báo chí đã nêu thanh tra chỗ nào thì tìm ra vi phạm ở đó, chứng tỏ thanh tra không được tiến hành một cách thường xuyên như một chức năng quản lý nhà nước, nếu tiến hành thường xuyên chắc không có lỗi đó. Mặt khác có chỗ chúng ta lại lạm dụng thanh tra, lúc nào cũng thanh tra, cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp rất sợ, vì hình như là có vấn đề, tại sao lại như vậy, nếu thanh tra thường xuyên thì cũng không có chuyện đó. Chúng ta còn lạm dụng ở chỗ cứ thanh tra là xử lý, thanh tra chắc là có lỗi, có khuyết điểm để xử lý. Cả hai khuynh hướng ấy đều không đúng. Tôi nghĩ là ngay đạo luật này cũng phải giải quyết mặt thực tiễn của vấn đề đó.

Chúng tôi thấy để giải quyết vấn đề này thì phải nghiên cứu nhất quán quan điểm xây dựng bộ máy Nhà nước của chúng ta cũng như những vấn đề cải cách hành chính và thực hiện quản lý Nhà nước.

Vì thời gian không có nhiều. Tôi chỉ xin một vài ý kiến như vậy.

Xin cám ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan