Góp ý của Đại biểu Quốc hội Nguyễn Hữu Hùng – Tiền Giang

Thứ Năm 11:08 17-06-2010

Kính thưa Đoàn Chủ tịch,

Kính thưa Quốc hội, qua dự án Luật thanh tra (sửa đổi), các tài liệu có liên quan, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật về dự án này, tôi thấy dự án luật này đã được cân nhắc trên nhiều khía cạnh để trình trước Quốc hội, trên cơ sở tổng kết Luật thanh tra năm 2004. Qua tiếp xúc với các cơ quan quản lý Nhà nước theo ngành và ý kiến của một số chuyên gia thống nhất cho rằng Luật thanh tra năm 2004 có nhiều bất cập và có những điểm chưa phù hợp với thực tiễn như việc tổ chức cơ quan thanh tra theo ngành, lĩnh vực, vị trí và tính độc lập tương đối trong hoạt động của thanh tra. Các quy định hoạt động thanh tra chưa đáp ứng yêu cầu nhanh nhạy, linh hoạt v.v... Những tồn tại bất cập đó trong dự án luật lần này đã được Chính phủ quan tâm và xử lý, tuy nhiên để góp phần hoàn thiện dự án luật, tôi xin tham gia một số ý kiến như sau:

Thứ nhất, tôi tán thành quy định về vị trí, vai trò, phạm vi, mục đích thanh tra đã được đề cập trong dự án luật, tuy nhiên tôi thấy việc quy định đó chưa thể hiện rõ định hướng tăng cường vai trò độc lập tương đối của thanh tra. Các quy định tại Khoản 1, Điều 2, Điều 7 và Điều 8 của dự án luật, tôi đề nghị cần khẳng định rõ hơn vị trí độc lập của cơ quan thanh tra. Cần bổ sung quy định tại Điều 8 là Thủ trưởng cơ quan thanh tra, Trưởng đoàn thanh tra, thanh tra viên phải tuân thủ quy định của pháp luật và chịu trách nhiệm trước pháp luật về hành vi quy định của mình .Trong trường hợp cơ quan quản lý Nhà nước cùng cấp không tán thành với quyết định của thanh tra thì thanh tra được chuyển hồ sơ vụ việc và báo cáo lên cơ quan cấp trên.

Thứ hai, về địa vị pháp lý của cơ quan thanh tra gồm thanh tra Chính phủ Điều 13, thanh tra tỉnh Điều 16, thanh tra huyện Điều 19. Tôi tán thành việc quy định thanh tra Chính phủ là cơ quan của Chính phủ có chức năng quản lý Nhà nước về công tác thanh tra và tiến hành thanh tra theo quy định của pháp luật. Quy định như vậy vừa khẳng định được vị trí quản lý Nhà nước của thanh tra Chính phủ đối với ngành thanh tra nói chung và sự chủ động trong việc tiến hành hoạt động thanh tra. Tuy nhiên, trong dự án Luật cần cân nhắc mấy ý như sau:

Thứ nhất cần cân nhắc quy định Tổng thanh tra Nhà nước là thành viên Chính phủ hay không, vì quy định như vậy sẽ vướng với quy định của Luật tổ chức Chính phủ hiện hành. Đồng thời cũng cần cân nhắc quy định, xem xét lại quy định tại Điểm a, Khoản 2, Điều 14 của dự thảo Luật. Trong đó quy định thanh tra Chính phủ, thanh tra việc thực hiện chính sách pháp luật, nhiệm vụ và trách nhiệm của Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân các cấp theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Tôi thấy quy định như vậy là chưa rõ và chưa phù hợp, cần ghi rõ là thanh tra việc thực hiện chính sách pháp luật, nhiệm vụ và trách nhiệm của Bộ, cơ quan ngang Bộ các cấp và Ủy ban nhân dân các cấp về công tác thanh tra, về tổ chức việc thi hành pháp luật về công tác thanh tra. Quy định như vậy thì mới đúng với phạm vi, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan thanh tra.

Vấn đề thứ ba, về tổ chức các cơ quan thanh tra Nhà nước và hoạt động thanh tra, tại Khoản 2, Điều 4 dự án luật có quy định "các cơ quan thanh tra Nhà nước bao gồm cơ quan thanh tra được thành lập theo cấp hành chính, cơ quan thanh tra được thành lập theo cơ quan quản lý, theo ngành và lĩnh vực". Đi đôi với các quy định đó, dự án Luật quy định hoạt động thanh tra bao gồm thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành. Qua nghiên cứu các quy phạm của dự án Luật có liên quan, tôi thấy việc kết hợp các quy định về tổ chức, hệ thống cơ quan thanh tra và hoạt động thanh tra rất rối và rất dễ gây nhầm lẫn. Nếu không quy định chặt chẽ dẫn đến có lĩnh vực, có ngành không tổ chức cơ quan thanh tra chuyên ngành thì sẽ bỏ sót việc thanh tra của mình. Liên quan đến quy định giải thích từ ngữ tại Khoản 2, Khoản 3 Điều 5, tôi đề nghị cần xác định rõ đối tượng của thanh tra chuyên ngành là thanh tra tổ chức và cá nhân thuộc phạm vi quản lý Nhà nước của ngành, nhưng không có quan hệ hành chính trực thuộc trong việc chấp hành các quy trình, qui phạm của ngành. Ví dụ như vấn đề thanh tra giao thông vận tải, thanh tra tần số vô tuyến điện, thanh tra khoáng sản v.v...

Vấn đề thứ tư, đối với thanh tra theo ngành, lĩnh vực, tôi thấy các quy định về tổ chức thanh tra theo ngành, lĩnh vực tại Mục 2, Chương II đã góp phần khắc phục được những hạn chế của luật hiện hành, coi đây là sự hợp pháp hóa tổ chức Thanh tra chuyên ngành đã hình thành trong thực tiễn trong mấy năm gần đây. Tuy nhiên tôi thấy cần xác định rõ thẩm quyền của Thanh tra Bộ, Thanh tra Tổng cục, Thanh tra Cục thuộc Bộ, Thanh tra Sở và Thanh tra Chi cục thuộc Sở.

Đối với hoạt động Thanh tra hành chính, tôi đề nghị chỉ quy định thanh tra Bộ thực hiện vì các Tổng cục, các Cục thuộc tổ chức của Bộ và phải chịu sự chỉ đạo điều hành của Bộ trưởng. Đối với hoạt động thanh tra chuyên ngành của Thanh tra Tổng cục, Thanh tra Cục, Thanh tra Sở, Thanh tra Chi Cục thì tùy theo từng cấp mà quy định thẩm quyền cho rõ ràng theo hướng tập trung vào nhiệm vụ của Thanh tra Chi cục thuộc Sở, Thanh tra Sở là chính, nó gắn nhiều với việc Thanh tra chấp hành pháp luật chuyên ngành của các tổ chức và cá nhân ở cơ sở. Còn Thanh tra Tổng cục, Thanh tra Cục chỉ thực hiện chức năng hướng dẫn và kiểm tra chính xác, tính hợp pháp của các kết luận thanh tra của Thanh tra Sở có như vậy mới có thể tránh được sự chồng chéo về nhiệm vụ và bảo đảm gọn về tổ chức.

Thứ năm, về hoạt động của thanh tra chuyên ngành tại Mục 2, Chương IV. Tôi thấy hoạt động của thanh tra chuyên ngành phải bảo đảm tính linh hoạt, nhanh nhạy, kịp thời, nên các quy định của mục này phải đáp ứng yêu cầu đó. Tôi đề nghị quy định theo hướng mở rộng thẩm quyền của thanh tra viên trong việc thanh tra đột xuất, thanh tra khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật của các tổ chức và cá nhân. Đối với các thủ tục hành chính phải gọn nhẹ, khi nào cần thì thành lập đoàn thanh tra, khi nào thì thanh tra viên được độc lập tiến hành thanh tra đều phải quy định rõ trong luật.

Thứ sáu, đối với quy định thanh tra trong quân đội nhân dân và công an nhân dân quy định tại Khoản 2, Điều 63, tôi thấy do đặc thù về tổ chức, chức năng, nhiệm vụ của Bộ Quốc phòng và Bộ Công an việc này nên giao cho Chính phủ quy định. Tuy nhiên cần phải sửa lại là tổ chức và hoạt động thanh tra quốc phòng và an ninh thì do Chính phủ quy định chứ không phải tổ chức hoạt động trong quân đội nhân dân hoặc trong công an nhân dân. Xin hết.

Các văn bản liên quan