Góp ý của Đại biểu Quốc hội Đặng Huyền Thái – TP Hà Nội

Thứ Năm 11:05 17-06-2010

Kính thưa Quốc hội,

Sau khi nghiên cứu văn bản về dự án Luật thanh tra (sửa đổi) và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội. Tôi xin tham gia một số ý kiến như sau:

Tôi cơ bản tán thành với Báo cáo thẩm tra dự án Luật thanh tra sửa đổi của Ủy ban Pháp luật, so với Luật thanh tra hiện hành thì dự thảo luật lần này có một số điểm tiến bộ hơn như đã xác định rõ hơn về vai trò, vị trí của các cơ quan thanh tra. Hoàn thiện hơn hệ thống tổ chức của các cơ quan thanh tra, đảm bảo tốt hơn tính chủ động và tự chịu trách nhiệm của các cơ quan thanh tra trong quá trình hoạt động; đảm bảo tốt hơn hiệu quả việc tiếp nhận xem xét, xử lý, giải quyết các kết luận của thanh tra. Đây là điều rất quan trọng, từ đó giúp cho việc xử lý tốt hơn những bức xúc trong xã hội, khắc phục những tồn tại và hạn chế của công tác thanh tra, hoạt động của các cơ quan thanh tra.

Tôi nhận thấy các vấn đề trên đã được đề cập đến nhưng vẫn còn những điểm chưa được làm rõ cần được xem xét thêm:

Một, về địa vị pháp lý của cơ quan thanh tra, như dự thảo nêu vẫn chưa thật rõ, chưa thể hiện cao tính độc lập và tự chịu trách nhiệm như một số bộ, ngành hoặc cơ quan tư pháp mà còn nặng nề về vai trò giúp việc, ví dụ các Điều 13, 14, 15 nói về Thanh tra Chính phủ và Tổng Thanh tra Chính phủ chủ yếu là vai trò giúp việc cho Chính phủ, quyền kiến nghị, đề nghị, yêu cầu và phải qua ý kiến của Thủ tướng Chính phủ trong khi Tòa án có quyền bác bỏ bản án Tòa án cấp dưới nếu thấy xử chưa đúng luật.

Khi các kiến nghị đình chỉ của Thanh tra Chính phủ không được thực hiện thì không có quy định gì hơn để giải quyết. Tình trạng thanh tra cấp dưới thiếu tôn trọng kết luận của Thanh tra cấp trên vẫn là phổ biến, chưa tạo sự chuyển biến rõ rệt trong vai trò quản lý theo hệ thống. Vì vậy, để thực sự tạo vị thế cho thanh tra trong những năm tới luật cần quy định rõ hơn, mạnh hơn về vị trí, quyền hạn của cơ quan thanh tra, đi đôi với đó là tính tự chịu trách nhiệm đối với quyết định của mình cần có chế định để thanh tra có quyền độc lập như đối với cơ quan kiểm toán, không nên coi quản lý theo hệ thống chỉ là hướng dẫn nhiệm vụ, báo cáo, kiểm tra.

Thứ hai, về thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành. Trong Điều 5 của dự thảo luật có giải thích khái niệm thanh tra trên 2 lĩnh vực này nhưng lại chưa rõ về nội dung trong lĩnh vực thanh tra hành chính. Thực tế rất khó phân biệt giữa chính sách pháp luật thuộc phạm vi quản lý của cơ quan hành chính Nhà nước với pháp luật chuyên ngành. Hai mảng chính sách này thường có sự đan xen, trong khi đó Điều 45 quy định thời hạn thanh tra hành chính là khác dài ngày và Điều 56 thì lại chưa quy định rõ thời hạn thanh tra chuyên ngành và giao cho Chính phủ quy định càng làm cho vấn đề thêm khó hiểu.. Tôi đề nghị cần quy định rõ hơn các vấn đề này trước khi quyết định.

Thứ ba là vấn đề xử lý, giải quyết các kết luận của thanh tra. Trong dự thảo có đề cập đến và có sự tiến bộ hơn so với trước, trong đó làm rõ hơn quyền và tính chủ động của cơ quan thanh tra, nhưng vẫn chưa rõ ai là người chịu trách nhiệm cuối cùng xử lý kết luận của thanh tra, có chăng chủ yếu vẫn chỉ là quyền chủ động kiến nghị với người đứng đầu chính quyền Nhà nước cùng cấp hoặc cao hơn nữa thì cũng chỉ báo cáo lên đến thanh tra cấp trên, như vậy vẫn sẽ còn tình trạng đùn đẩy, vòng vo, trì trệ, không biết ai chịu trách nhiệm cuối cùng hoặc rơi vào yên lặng. Tôi đề nghị là phải ghi rõ Chủ tịch Ủy ban nhân dân mỗi cấp ở địa phương hoặc Bộ trưởng hoặc Thủ tướng Chính phủ nếu vụ việc thuộc thẩm quyền của ngành hoặc Chính phủ phải chịu trách nhiệm cao nhất về việc xử lý vụ việc kết luận thuộc thẩm quyền thanh tra, như vậy sẽ rõ hơn về quan hệ của lãnh đạo đối với thanh tra.

Bốn là tôi chưa đồng tình với dự thảo luật về việc đưa nội dung về thanh tra nhân dân ra khỏi Luật thanh tra trong khi chưa có giải pháp hợp lý về việc tiếp tục thực hiện hoạt động của thanh tra nhân dân. Từ năm 1990 thanh tra nhân dân đã được thành lập theo Pháp lệnh thanh tra và Nghị định 241của Chính phủ 1991 đến nay đã là 20 năm. Năm 2004 Luật thanh tra có các Điều từ 58 đến 63 quy định về thanh tra nhân dân. Năm 2005 Thanh tra Chính phủ đã tổ chức hội nghị với Mặt trận Tổ quốc các tỉnh để góp ý dự thảo Nghị định của Chính phủ hướng dẫn thi hành. Tại Hội nghị này đã có nhiều ý kiến, kiến nghị song chưa được bổ sung, chỉnh sửa trong Nghị định 99 ngày 28/7/2005. Do đó có một số nội dung chưa đúng với luật và chưa phù hợp với thực tế.

Trong thời gian qua hoạt động của Ủy ban, của thanh tra nhân dân ở nhiều cơ sở có thể còn có nhiều ý kiến khác nhau, song ở thành phố Hà Nội đã đạt được một số kết quả bước đầu. Trong ba năm 2007 - 2009 đã có 13.060 vụ giám sát của nhân dân để kiến nghị các cấp chính quyền giải quyết trên các lĩnh vực chủ yếu là giải phóng mặt bằng xây dựng đô thị, đầu tư ở cộng đồng, đóng góp các loại phí của nhân dân, đơn thư khiếu nại và giám sát cán bộ, công chức Đảng viên ở khu dân cư. Đã có kết quả cụ thể trong việc đề xuất về thu hồi lại đất và tài sản khác. Thông qua đó có thể khẳng định đây là một phương thức quan trọng để tiếp tục phát huy quyền dân chủ của nhân dân trong hoạt động giám sát xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, giữ gìn kỷ cương của xã hội, thực hiện qui chế dân chủ ở xã, phường. Rất tiếc là báo cáo của Thanh tra Chính phủ không hề nêu được việc đánh giá hoạt động của thanh tra nhân dân mà chỉ nêu lý do sợ nhầm lẫn giữa hai loại hình thanh tra, để từ đó đề nghị đưa nội dung thanh tra nhân dân ra khỏi dự thảo luật. Điều đó có thể dẫn đến việc hoạt động thanh tra nhân dân càng dễ bị coi nhẹ, làm chững lại hoặc đình hoãn hoạt động của thanh tra nhân dân, đó là điều không hợp lý. Hơn nữa, lại đề nghị thanh tra nhân dân cứ hoạt động theo Luật thanh tra cũ, điều đó càng bất hợp lý hơn vì nếu dự thảo Luật thanh tra lần này được thông qua thì không còn luật cũ nữa. Tôi đề nghị Quốc hội nên xem xét thận trọng vấn đề này theo hai cách.

Thứ nhất, vẫn đưa nội dung của thanh tra nhân dân vào Luật thanh tra (sửa đổi) lần này để thanh tra nhân dân có cơ sở pháp lý hoạt động mà không bị đình hoãn, ảnh hưởng không tốt. Mặt khác, Chính phủ và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cần phối hợp tiến hành sơ kết hoạt động của thanh tra nhân dân, bổ sung, sửa đổi một số nội dung chưa phù hợp như đã nói ở trên.

Thứ hai, nếu không đưa vào hoạt động của thanh tra nhân dân trong luật này thì cần phải có sự chuẩn bị một luật riêng hoặc văn bản dưới luật về thanh tra nhân dân, ban hành đồng thời với việc ban hành Luật thanh tra (sửa đổi). Xin cảm ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan