Góp ý của Đại biểu Quốc hội Điểu K`Ré – Đắk Nông

Thứ Năm 11:04 17-06-2010

Kính thưa Quốc hội,

Kính thưa Chủ tọa phiên họp,

Qua gợi ý thảo luận của Chủ tọa kỳ họp đối với dự thảo Luật thanh tra (sửa đổi), tôi xin phát biểu 3 vấn đề cụ thể như sau:

Vấn đề thứ nhất, về địa vị pháp lý của cơ quan thanh tra, qua kết quả khảo sát thực hiện Luật thanh tra năm 2004, tại phụ lục số 3 do Thanh tra Chính phủ cung cấp cho thấy những hạn chế, vướng mắc của Luật thanh tra hiện hành, trong đó nổi lên một vướng mắc hết sức quan trọng đó là vị trí, vai trò của cơ quan thanh tra. Theo quy định của Luật thanh tra hiện hành và dự thảo Luật thanh tra (sửa đổi) trình Quốc hội cho ý kiến thì các tổ chức thanh tra Nhà nước được tổ chức theo nguyên tắc song trùng lãnh đạo, vừa chịu sự chỉ đạo trực tiếp của thủ trưởng cơ quan quản lý Nhà nước, vừa chịu sự lãnh đạo về tổ chức công tác nghiệp vụ của thanh tra Nhà nước cấp trên.

Việc quy định này nhằm đề cao vai trò chỉ đạo, điều hành của thủ trưởng cơ quan quản lý Nhà nước cùng cấp đối với cơ quan thanh tra Nhà nước, nhưng đồng thời cũng đã làm hạn chế tính độc lập tương đối về tổ chức, tính tích cực chủ động trong việc thực hiện quyền quyết định thanh tra, việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của thanh tra Nhà nước, đặc biệt trong công tác phòng, chống tham nhũng. Trên thực tế các tổ chức thanh tra Nhà nước ở các cấp gần như lệ thuộc hoàn toàn vào cơ quan hành chính cùng cấp về các phương diện như tổ chức, biên chế, chương trình kế hoạch, kinh phí hoạt động, tuyển dụng, bổ nhiệm v.v...Việc quy định Chánh thanh tra cấp tỉnh, Chánh thanh tra cấp huyện do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cùng cấp bổ nhiệm, miễn nhiệm ,cách chức theo Khoản 2, Điều 16 và Khoản 2, Điều 19. Quy định này khiến hoạt động thanh tra khó có thể độc lập khách quan khi đối tượng thanh tra chủ yếu là cán bộ, công chức trong bộ máy hành chính và chủ thể tham gia chủ yếu là người có chức vụ, quyền hạn trong bộ máy đó. Vì vậy tôi đề nghị để tăng cường hiệu lực, hiệu quả của thanh tra, của hoạt động thanh tra, một mặt cần phải đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp. Mặt khác phải đảm bảo tính độc lập tương đối của các cơ quan thanh tra với 9 cơ quan.

Vì lý do đó tôi kiến nghị với Quốc hội xem xét Khoản 2, Điều 16 và Khoản 2, Điều 19 theo hướng: Chánh thanh tra tỉnh do Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh đề nghị, Tổng thanh tra Chính phủ bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức. Chánh thanh tra cấp huyện do Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện đề nghị, Chánh thanh tra tỉnh bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức.

Vấn đề thứ hai, việc quy định cụ thể khái niệm Chánh thanh tra hành chính và Chánh thanh tra chuyên ngành trong dự thảo luật là hết sức cần thiết. Sự phân biệt thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành xuất phát từ quan niệm coi thanh tra là chức năng thiết yếu của quản lý nhà nước. Tuy nhiên sự phân biệt này nhìn chung vẫn chưa đủ rõ, vì thế trong quá trình thực hiện sẽ dẫn đến chồng chéo phạm vi chức năng, quyền hạn của thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành.

Minh chứng cho điều này trong thực tế thời gian vừa qua Thanh tra Chính phủ cùng các tổ chức thanh tra nhà nước khác đã tiến hành những cuộc thanh tra lớn về các dự án đầu tư công trình giao thông, hoạt động của ngân hàng nhà nước, hoạt động của các ngân hàng thương mại ngoài quốc doanh, việc quản lý và sử dụng đất đai, thanh tra việc chấp hành chính sách pháp luật về thuế v.v.... Nhưng để phân biệt các cuộc thanh tra này là thanh tra chính hay thanh tra chuyên ngành theo Khoản 2, Khoản 3, Điều 5 của dự thảo luật là rất khó. Vì thế tôi đề nghị cần phải cân nhắc cụ thể nên hay không nên quy định thanh tra chuyên ngành trong dự thảo luật để tránh sự chồng chéo chức năng nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan thanh tra.

Vấn đề thứ ba, về thanh tra nhân dân, tôi đồng ý với quan điểm không quy định về thanh tra nhân dân trong Luật thanh tra (sửa đổi), vì hoạt động của thanh tra nhân dân hoàn toàn khác với thanh tra Nhà nước, tuy nhiên hiện nay ta chưa có Luật về hoạt động giám sát của nhân dân. Tôi đề nghị vẫn giữ nguyên Chương thanh tra nhân dân trong Luật thanh tra (sửa đổi) cho đến khi nào Quốc hội ban hành Luật hoạt động giám sát của nhân dân, khi đó bỏ Chương thanh tra nhân dân trong Luật thanh tra (sửa đổi) bởi các nguyên nhân sau:

Thanh tra nhân dân là một trong những hình thức thực hiện quyền giám sát của nhân dân đối với hoạt động của chính quyền cơ sở xã, phường, thị trấn, cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp và doanh nghiệp Nhà nước. Đặc trưng của thiết kế tổ chức thanh tra nhân dân là khả năng khách quan và độc lập, nếu được tổ chức đúng các Ban thanh tra nhân dân bao gồm những đại diện của nhân dân ít bị phụ thuộc vào các ràng buộc về hành chính tổ chức, thường là những người có uy tín cao trong quần chúng. Mặt khác thanh tra nhân dân là sự bảo đảm tính công khai của quá trình thanh tra xử lý vụ việc nhờ áp lực của dư luận xã hội do dễ tiếp cận với thông tin nóng của quần chúng thông qua hoạt động của Ban thanh tra nhân dân, Mặt trận Tổ quốc có thêm điều kiện hiểu rõ tình hình xã, phường, phát huy có hiệu quả hơn chức năng tổ chức, động viên giáo dục quần chúng và chức năng giám sát.

Tuy nhiên hạn chế của thanh tra nhân dân trong thời gian qua là việc tiến hành xem xét đánh giá chứng cứ, đánh giá khía cạnh khác nhau của vấn đề không bảo đảm toàn diện chặt chẽ và tuân theo những thủ tục pháp lý cần thiết, vì thế tính chuyên nghiệp của hoạt động thanh tra nhân dân, tính kiểm tra của xã hội chưa đạt được những kết quả như mong muốn. Để thanh tra nhân dân hoạt động có hiệu quả và phát huy được tính đặc trưng của nó tôi đề nghị nếu giữ lại Chương thanh tra nhân dân trong Luật thanh tra (sửa đổi) thì cần quy định thêm 1 điều ở chương này đó là quy định về hình thức hoạt động của Ban thanh tra nhân dân cho phù hợp với điều kiện thực tế và cần làm rõ những cơ chế quan trọng bảo đảm cho hiệu quả hoạt động, đó là khả năng kết hợp với các công cụ tác động của Nhà nước, nguồn lực chuyên môn, điều kiện, thời gian, vật chất cho hoạt động v.v... Trên đây là một số vấn đề tôi rất quan tâm, xin đề nghị và Ban soạn thảo nghiên cứu. Tôi xin hết ý kiến, xin cảm ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan