VCCI góp ý Dự thảo Nghị định quy định về quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường sắt

Thứ Hai 15:23 26-02-2018

Kính gửi: Vụ Kết cấu hạ tầng, Bộ Giao thông vận tải

Trả lời Công văn số 177/BGTVT-KCHT của Bộ Giao thông vận tải về việc đề nghị góp ý Dự thảo Nghị định quy định về quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường sắt (sau đây gọi tắt là Dự thảo), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, trên cơ sở ý kiến của doanh nghiệp, hiệp hội, có một số ý kiến như sau:

  1. Về quy định tháo dỡ tuyến, đoạn tuyến, ga đường sắt chuyên dùng

Chương II Dự thảo quy định về thủ tục tháo dỡ tuyến, đoạn tuyến, ga đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị trong khi đó lại không có quy định nào liên quan đến hoạt động tháo dỡ tuyến, đoạn tuyến, ga đường sắt chuyên dùng.

Điều này khiến cho việc thực hiện trên thực tế gặp khó khăn do không rõ về chính sách đối với hoạt động tháo dỡ cho loại đường sắt này (chủ đầu tư có phải xin phép cơ quan nhà nước có thẩm quyền nào không hay là được phép tự quyết định?).

Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo quy định rõ vấn đề này.

  1. Một số quy định thủ tục chưa rõ ràng
  • Thủ tục xin chấp thuận (Chương III)

Chương III Dự thảo quy định về phạm vi bảo vệ công trình, hành lang an toàn giao thông đường sắt, trong đó có các quy trình dạng thủ tục hành chính: chủ đầu tư có những hoạt động ảnh hưởng đến công trình, hành lang an toàn giao thông đường sắt thì trước khi thực hiện phải được cấp có thẩm quyền chấp thuận (ví dụ: phải được cấp có thẩm quyền phê duyệt trước khi thực hiện đối với các giải pháp kỹ thuật để không làm ảnh hưởng đến sự ổn định, tuổi thọ và bảo đảm an toàn cho công trình cầu đường sắt – khoản 6 Điều 10; …).

Đây được xem là một dạng thủ tục hành chính (xin phép), nhưng lại chưa được quy định rõ ràng về các nội dung liên quan, đặc biệt là về hồ sơ, trình tự, thủ tục để có được sự chấp thuận/phê duyệt của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Để đảm bảo tính minh bạch của quy định, đề nghị Ban soạn thảo quy định rõ các thủ tục này quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 9; khoản 6 Điều 10; điểm c khoản 2 Điều 11; điểm d khoản 1 Điều 13; Điều 14; điểm c khoản 1 Điều 18.

 

  • Xây dựng công trình thiết yếu trong phạm vi đất dành cho đường sắt (Điều 27):

Khoản 2 Điều 27 Dự thảo quy định trường hợp phải xây dựng công trình thiết yếu phục vụ quốc phòng, an ninh, kinh tế – xã hội trong hành lang an toàn giao thông đường sắt có chồng lấn với hành lang an toàn đường sắt, chủ đầu tư dự án phải được sự thống nhất của các cơ quan quản lý nhà nước, chuyên ngành có liên quan.

Đây được xem là một thủ tục hành chính, nhưng Dự thảo lại chưa có quy định nào trình tự, thủ tục để chủ đầu tư có được sự thống nhất của các cơ quan quản lý nhà nước (do một cơ quan nhà nước làm đầu mối hay chủ đầu tư phải gửi xin ý kiến của tất cả các cơ quan nhà nước khác? Hồ sơ để xin ý kiến là gì? …).

Đề nghị Ban soạn thảo quy định rõ về thủ tục này.

  1. Về khai thác tài nguyên và các hoạt động khác ở vùng lân cận phạm vi đất dành cho đường sắt (khoản 2 Điều 29)

Điểm a khoản 2 Điều 29 Dự thảo quy định “trước khi khai thác tài nguyên hoặc tiến hành hoạt động khác, chủ đầu tư công trình, tổ chức, các nhân phải có giải pháp kỹ thuật đảm bảo an toàn công trình, an toàn giao thông vận tải đường sắt, bảo vệ môi trường và phòng chống cháy nổ để lấy ý kiến của cơ quan quản lý nhà nước quản lý tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt, doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt hoặc doanh nghiệp kinh doanh đường sắt đô thị”.

Quy định này cần được xem xét ở các vấn đề sau:

  • Tính thống nhất: Theo quy định tại điểm b khoản 4 Điều 23 Luật đường sắt, thì trường hợp khai thác tài nguyên và các hoạt động khác ở vùng lân cận phạm vi đất dành cho đường sắt, không yêu cầu chủ đầu tư lấy ý kiến các chủ thể nêu trên. Do vậy, quy định tại Dự thảo là chưa thống nhất với Luật đường sắt;
  • Tính minh bạch: Các cơ quan nhà nước, các doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt/doanh nghiệp kinh doanh đường sắt đô thị sẽ cho ý kiến về vấn đề gì? Việc có ý kiến của các chủ thể trên có phải là cơ sở để chủ đầu tư khai thác tài nguyên/thực hiện các hoạt động khác không? Nếu có, thì hình thức của việc cho ý kiến này là gì (giấy chấp thuận??)? Giá trị pháp lý của các ý kiến này thế nào? (chỉ để tham khảo, để giải trình bổ sung hay buộc phải tuân theo).
  • Về mặt thủ tục, trong số các chủ thể cần lấy ý kiến có cơ quan nhà nước, như vậy việc lấy ý kiến cũng được xem là thủ tục hành chính và cần phải được quy định rõ về trình tự, thủ tục.

Từ những phân tích trên, đề nghị Ban soạn thảo:

  • Bỏ quy định phải lấy ý kiến của cơ quan quản lý nhà nước quản lý tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt, doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt hoặc doanh nghiệp kinh doanh đường sắt đô thị; và
  • Thay thế bằng quy định: chủ đầu tư sẽ phải lấy ý kiến của của cơ quan quản lý nhà nước và cơ quan nhà nước khi cho ý kiến sẽ phải tiến hành tham khảo ý kiến từ nhiều chủ thể có liên quan, trong đó có doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt hoặc doanh nghiệp kinh doanh đường sắt đô thị và chịu trách nhiệm về quyết định của mình.

Trên đây là một số ý kiến ban đầu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đối với Dự thảo Nghị định quy định về quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường sắt. Rất mong cơ quan soạn thảo cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện Dự thảo này.

Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của quý Cơ quan.