Góp ý của Đại biểu Quốc hội Vi Thị Hương – Điện Biên

Thứ Sáu 09:25 26-11-2010

Kính thưa Chủ tọa kỳ họp,

Kính thưa các vị đại biểu.

Tôi xin tham gia ý kiến đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật tố tụng dân sự như sau.

Thứ nhất, về kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng dân sự, tôi không đồng tình với quan điểm Viện kiểm sát tham gia phiên tòa, phiên họp phát biểu quan điểm về việc giải quyết vụ án. Tôi thấy về lý luận kiểm sát viên tham gia phiên tòa, phiên họp phát biểu ý kiến về việc giải quyết vụ án là trái với nguyên tắc bảo đảm quyền tranh luận của đương sự và nguyên tắc quyền quyết định và tự định đoạt của đương sự. Trong quá trình giải quyết vụ án dân sự các đương sự có quyền chấm dứt, thay đổi các yêu cầu của mình hoặc thỏa thuận với nhau một cách tự nguyện, không trái pháp luật và đạo đức xã hội. Đây là 2 nguyên tắc xuyên suốt trong quá trình giải quyết vụ án kể từ lúc thụ lý hồ sơ cho đến xét xử sơ thẩm, phúc thẩm. Nguyên tắc này đảm bảo cho các đương sự có quyền thỏa thuận với nhau và Tòa án là người đứng giữa tôn trọng quyền thỏa thuận của các đương sự bởi việc dân sự là cốt ở đôi bên.

Về thực tiễn, khi thực hiện áp dụng Bộ luật tố tụng dân sự năm 2004, Tòa án xét xử vẫn có sự kiểm sát, xét xử của Viện kiểm sát. Tất cả thủ tục tố tụng như thông báo thụ lý, biên bản, hòa giải v.v... đều được gửi đầy đủ cho Viện kiểm sát. Trước đây khi thực hiện giải quyết tranh chấp dân sự tại Tòa án theo Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án dân sự, Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án kinh tế đã quy định Viện kiểm sát tham gia tố tụng, nhưng sau đó không thực sự cần thiết, mọi vụ án đều có sự tham gia của Viện kiểm sát nên Bộ luật tố tụng dân sự năm 2004 đã quy định lại Viện kiểm sát không tham gia tất cả các phiên tòa. Dự thảo luật lần này lại đưa Viện kiểm sát tham gia phiên tòa liệu có phải là một bước tiến hay không, có giải quyết được nguyên nhân sâu xa dẫn tới hạn chế bất cập trong giải quyết tranh chấp dân sự tại Tòa án hiện nay không hay đây lại là một bước lùi.

Thứ hai, về Hội đồng định giá. Tôi đồng ý với quan điểm giao đại diện cơ quan tài chính làm Chủ tịch Hội đồng định giá để đảm bảo tính khách quan bởi số tiền chi phí trong quá trình tiến hành định giá là do đương sự bỏ ra, nên giao cho một cơ quan khác không phải là Tòa án làm Chủ tịch Hội đồng định giá thì sẽ khách quan hơn. Vấn đề vướng mắc chúng tôi gặp phải khi thực hiện trên thực tế là khi thành lập Hội đồng định giá để tiến hành định giá một mảnh đất hay một tài sản gì đó mà lần thứ nhất chưa định giá được do nhiều lý do khác nhau, có thể là một thành viên trong Hội đồng định giá không đến, hoặc không thống nhất được quan điểm v.v... thì ai sẽ là người trả tiền chi phí cho lần định giá lần sau.

Thứ ba, tôi đồng tình với sửa đổi lần này tại Điều 199 và Điều 200 về sự vắng mặt của những người tham gia tố tụng. Tôi đề nghị Điều 200 phải ghi rõ: "trong trường hợp bị đơn không cử người đại diện tham gia phiên tòa thì tòa án vẫn tiến hành xét xử vắng mặt họ, trong trường hợp vụ án có nhiều bị đơn nếu một bị đơn không cử người đại diện tham gia phiên tòa thì Tòa án vẫn tiến hành xét xử vằng mặt họ". Điều này nhằm bảo vệ quyền lợi cho đương sự nhưng cũng công bằng với trường hợp đương sự cố tình kéo dài thời gian giải quyết vụ việc. Tuy nhiên Bộ luật tố tụng dân sự là một bộ luật lớn bao gồm rất nhiều tranh chấp, bao gồm tranh chấp dân sự, tranh chấp về kinh tế, tranh chấp về lao động và tranh chấp về hôn nhân gia đình mà tranh chấp hôn nhân gia đình thì đương sự không thể cử người đại diện tham gia tố tụng thay mình được, anh A không thể thành người đại diện thực hiện phiên tòa để ly hôn với chị B được.

Thứ tư, về thời hiệu kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tôi rất mong Ban soạn thảo cần xem xét kỹ qui định là: nếu đương sự mà có đơn yêu cầu kháng nghị trong thời hạn 1 năm thì không áp dụng thời hiệu kháng nghị vào trong Bộ luật tố tụng dân sự. Nhất là trong tình hình hiện nay có ý kiến cho rằng cơ chế giải quyết tranh chấp tại Tòa án hiện nay còn phức tạp kéo dài và đôi khi không có điểm dừng trên thực tế, bản án của Tòa án phải thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật, bản án của Tòa án là quyết định cuối cùng phải được thực thi và tôn trọng, nếu đặt vấn đề đúng, sai để xem xét lại đối với bản án đã hết thời gian kháng nghị thì hậu quả sẽ ra sao, đương sự có yên tâm hay không khi mà một vụ án đã được xét xử và có hiệu lực pháp luật nhưng trên đầu đương sự luôn luôn lơ lửng nguy cơ kháng nghị làm thay đổi phán quyết đó. Nhân dân sẽ nhìn vào cơ quan cầm cân nảy mực là tòa án như thế nào, khi tòa án lại tự xem xét lại vấn đề đúng sai đối với bản án mà tòa đã tuyên. Hơn nữa, trong dự thảo luật, lần này đã bổ sung quy định thời hiệu làm đơn yêu cầu giám đốc thẩm là 1 năm. Nếu chúng ta quy định thời hiệu kháng nghị giám đốc thẩm là 3 năm thì người có thẩm quyền kháng nghị là 2 năm để nghiên cứu, xem xét quyết định việc kháng nghị, sẽ không còn tình trạng gần hết thời hiệu kháng nghị mới có đơn yêu cầu giám đốc thẩm như hiện hành vì bộ luật hiện hành không quy định thời hiệu làm đơn yêu cầu. Vì vậy, tôi rất mong Ban soạn thảo xem xét, nghiên cứu kỹ vấn đề này trước khi đưa vào Luật sửa đổi lần này, không để ít trường hợp mà làm mất đi tính nghiêm minh của pháp luật và tạo được sự đồng thuận lớn của người dân.

Tôi xin hết ý kiến. Xin cảm ơn.

 

Các văn bản liên quan