Góp ý của đại biểu Quốc hội Phạm Quốc Anh – Đồng Nai

Thứ Sáu 09:26 26-11-2010

Kính thưa các đồng chí chủ trì kỳ họp.

Kính thưa Quốc hội.

Tôi cho rằng việc sửa đổi, bổ sung Bộ Luật tố tụng dân sự kỳ này là chúng ta làm rất công phu. Tôi hội chuẩn lại nhưng vấn đề mà đồng chí cựu Chánh án của chúng ta trước đây phát biểu là việc dân sự là "xử thế nào cũng được". Nhưng tôi thấy việc sửa đổi, bổ sung lần này đã khắc phục được rất nhiều điểm để hạn chế "việc xử thế nào cũng được". Đúng như nhiều đại biểu đã phát biểu thì "việc dân sự cốt ở đôi bên", cho nên tôi thấy trong lần sửa đổi này đã chú ý đến điều đó rất nhiều.

Điểm thứ nhất là chứng cứ và trách nhiệm đưa chứng cứ thì tôi thấy đã được quy định rõ ràng và cụ thể hơn. Trách nhiệm cung cấp chứng cứ của cá nhân, cơ quan, tổ chức có thẩm quyền đã được ghi thành một điều là Điều 7 và nói rõ những việc cụ thể ấy. Tôi đề nghị các đồng chí rà soát lại xem chỗ này có đúng hay không, trong đó có nói "quản lý khi có yêu cầu của đương sự, tòa án và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính trung thực, đầy đủ, chính xác của việc cung cấp chứng cứ". Tôi cho chữ "tòa án" ở đây là nhầm, tức là các đương sự phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính trung thực, đầy đủ, chính xác của việc cung cấp chứng cứ, đưa chữ 'tòa án" vào đây tôi cho là các đồng chí cần xem lại. Tôi cho rằng việc dân sự là cốt ở đôi bên mà đôi bên quan trọng nhất trong việc giải quyết tranh chấp dân sự là chứng cứ, cho nên đôi bên phải đưa ra chứng cứ xác thực, trung thực và phải chịu trách nhiệm trước tòa án về việc này. Lần sửa đổi, bổ sung lần này tôi thấy các đồng chí đã rất chú trọng việc đó, tôi hoàn toàn nhất trí.

Điểm thứ hai là vai trò của viện kiểm sát, tôi thấy một thời gian dài vừa qua trong việc giải quyết tranh chấp dân sự có rất nhiều việc rất phức tạp, không nói rõ vai trò của viện kiểm sát. Chức năng của viện kiểm sát, là ở đâu có hoạt động của tòa án, hoạt động xét xử thì phải có vai trò của viện kiểm sát cho nên tôi tán thành với quy định về chức năng của viện kiểm sát ở đây. Viện kiểm sát có chức năng kiểm tra, giám sát hoạt động của tòa án có đúng pháp luật hay không, không phải là kiểm tra, giám sát bản thân vụ việc dân sự ấy đưa ra có đúng hay không. Trong luật này đã thể hiện tinh thần hoạt động giám sát của viện kiểm sát để kiểm sát hoạt động của tòa án có đúng pháp luật hay không, tôi cho việc dó là cần thiết, không phải Viện kiểm sát đi sâu vào từng vụ án chi tiết, nghiêng bên nọ, nghiêng bên kia. Tôi tìm hiểu Luật tố tụng dân sự kỳ này các đồng chí đã sửa chuyện đó, tôi tán thành quan điểm đó.

Điểm thứ ba, tôi hoan nghênh trong Luật tố tụng dân sự lần này có Điều 340 nêu rõ trách nhiệm của Tòa án trong việc giải quyết những vụ án có liên quan đến quyết định của trọng tài thương mại hay hỗ trợ của trọng tài thương mại. Tôi hy vọng Tòa án sẽ hình thành một bộ phận có liên quan để trực tiếp giải quyết những phán quyết của trọng tài thương mại, đúng như những việc của Điều 340 các đồng chí đã ghi.

Cuối cùng, tôi cho việc sửa đổi lần này có điều tốt là các đồng chí chú trọng đến các bước hòa giải, trong này ghi rất rõ trình tự, nội dung hòa giải, những yêu cầu hòa giải. Tôi thấy kinh nghiệm của Anh, Ấn Độ rất chú ý đến việc hòa giải trong tố tụng dân sự, trước khi đi vào xét xử cụ thể của tòa án chuyên ngành, đầu tiên là tách một tòa hòa giải riêng, làm đúng trình tự, cố gắng thuyết phục người ta hòa giải được với nhau, nếu không hòa giải được, có điểm nào mấu chốt còn lại, lúc đó mới chuyển sang tòa chuyên ngành. Cho nên trong việc sửa đổi lần này, các đồng chí đã ghi được trình tự, thủ tục hòa giải, ở Anh cũng rất chú trọng, 80% các vụ việc giải quyết tranh chấp của dân sự qua tòa hòa giải giải quyết. Cho nên tôi rất tán thành một số điểm về Bộ luật tố tụng dân sự lần này đã được sửa đổi bổ sung. Tôi cho rằng nếu chúng ta thực hiện đúng những điều quy định trong Bộ luật tố tụng dân sự lần này thì việc giải quyết án dân sự sẽ đỡ đi rất nhiều. Tôi xin hết ý kiến.

Các văn bản liên quan