Nhiều quan điểm khác nhau về lãi suất cơ bản
Dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Dân sự: Nhiều quan điểm khác nhau về lãi suất cơ bản
Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số
điều của Bộ luật Dân sự (BLDS) đang trong quá trình soạn thảo, lấy ý kiến của
các ban, ngành, cơ quan chức năng. Trong cuộc họp Ban Soạn thảo lần 2 vừa qua,
một số nội dung quan trọng đã được các đại biểu tập trung thảo luận nhưng vẫn
còn nhiều quan điểm khác nhau.
Nhiều ý kiến cho rằng, phạm vi sửa đổi của Dự Luật không chỉ bó hẹp trong 2 nội
dung: sở hữu tài sản và hợp đồng, mà cần sửa đổi toàn diện những quy định của
Bộ Luật Dân sự hiện không còn phù hợp. Nếu chọn phương án này cần thực hiện bài
bản, công phu hơn theo hướng Bộ Luật Dân sự là luật chung điều chỉnh các quan
hệ xã hội. Theo đó, BLDS chỉ quy định những vấn đề cơ bản mang tính phổ biến và
chung nhất, những vấn đề cụ thể phát sinh trong các lĩnh vực sẽ do các luật
khác quy định. Quán triệt quan điểm này, BLDS sẽ không lấn sân các luật chuyên
ngành và vẫn giữ vai trò đạo luật gốc trong việc điều chỉnh các quan hệ liên
quan; hạn chế tối đa sự can thiệp hành chính của Nhà nước vào các quan hệ dân sự,
tôn trọng và phát huy sự tự thoả thuận, tự quyết định và chịu trách nhiệm của
các chủ thể. Quán triệt quan điểm này, Dự thảo Luật sẽ được xây dựng theo hướng
Nhà nước cần tôn trọng các giao dịch hợp pháp của các cá nhân, tổ chức và tạo
điều kiện về mặt thủ tục hành chính để các giao dịch đó được thực hiện nhanh
nhất, thuận lợi nhất... Trong trường hợp sửa đổi toàn diện phải xây dựng BLDS
hiện đại, có tính đến luật pháp các nước khác, nhất là những nước có nét tương
đồng với Việt Nam.
Về các nội dung cụ thể, đặc biệt là việc quy định lãi suất cơ bản trong Bộ luật
Dân sự hiện vẫn còn nhiều quan điểm khác nhau. Theo quy định hiện hành thì: “
Lãi suất do các bên thoả thuận nhưng không được vượt quá 150% của lãi suất cơ
bản do Ngân hàng Nhà nước công bố đối với loại cho vay tương ứng. Trong trường
hợp các bên có thoả thuận về việc trả lãi, nhưng không xác định rõ lãi suất
hoặc có tranh chấp về lãi suất thì áp dụng lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà
nước công bố tương ứng với thời hạn vay tại thời điểm trả nợ”. Nhiều ý kiến cho
rằng, trên thực tế, lãi suất cơ bản không có ý nghĩa kinh tế, không tuân theo
nhu cầu của thị trường, mang nặng tính hành chính, chỉ định. Vì vậy, nên thay
lãi suất cơ bản thành lãi suất thực để NHNN sử dụng trong mối quan hệ với các
tổ chức tín dụng nhằm điều tiết thị trường. Mặt khác, theo quy định trên, lãi suất
cơ bản chính là công cụ để chống cho vay nặng lãi ở thị trường phi chính thức,
tuy nhiên điều luật này lại điều chỉnh cả hoạt động cho vay của các tổ chức tín
dụng trong thị trường chính thức. Trong khi hoạt động huy động vốn và cho vay
của các tổ chức tín dụng là phổ biến, có tác dụng thúc đẩy thị trường phát
triển. Cho vay nặng lãi chỉ là một hoạt động cá biệt, đơn lẻ. Như vậy, mặc dù
có sự khác nhau cơ bản giữa cho vay dân sự và cho vay thương mại, nhưng lại
dùng một quy định pháp luật để điều chỉnh chung là không hợp lý. Tuy nhiên,
nhiều đại biểu lại cho rằng không thể thả nổi lãi suất cơ bản, vấn đề là đưa ra
mức bao nhiêu thì hợp lý. Đây là vấn đề rất nhạy cảm và phức tạp nên cần xem
xét kỹ hơn và có sự thống nhất với ngân hàng.
Dự thảo đưa ra 2 phương án. Phương án thứ nhất: “1. Lãi suất vay do các bên
thoả thuận nhưng không được vượt quá 15%/năm. Tuỳ thuộc vào tình hình kinh tế,
xã hội, Chính phủ hoặc Ngân hàng Nhà nước quy định điều chỉnh mức lãi suất này.
2. Trong trường hợp các bên có thoả thuận về việc trả lãi, nhưng không xác định
rõ lãi suất hoặc có tranh chấp về lãi suất thì lãi suất cho vay là lãi suất
được quy định tại Khoản 1 Điều này.” Phương án thứ hai “1. Lãi suất vay do các
bên thoả thuận nhưng không được vượt quá 150% mức lãi suất do Ngân hàng Nhà
nước công bố dựa trên lãi suất cho vay bình quân kỳ hạn 6 tháng của các ngân
hàng thương mại lớn trên địa bàn tại thời điểm vay. 2 Trong trường hợp các bên
có thoả thuận về việc trả lãi, nhưng không xác định rõ lãi suất hoặc có tranh
chấp về lãi suất thì áp dụng mức lãi suất do Ngân hàng Nhà nước công bố dựa
trên lãi suất cho vay bình quân kỳ hạn 6 tháng của các ngân hàng thương mại lớn
trên địa bàn tại thời điểm vay. 3. Lãi suất đối với hoạt động huy động vốn và
cho vay vốn của các tổ chức tín dụng được thực hiện theo quy định của pháp luật
về ngân hàng.” Theo phương án này thì không sử dụng lãi suất cơ bản, Dự Luật sử
dụng công cụ trung gian là lãi suất cho vay bình quân của các ngân hàng thương
mại để xác định lãi suất vay, vì lãi suất của các ngân hàng thương là lãi suất
phản ánh đúng quy luật của thị trường, bám sát quan hệ cung - cầu tiền tệ, hạn
chế sự can thiệp mang tính hành chính của Nhà nước vào các quan hệ thương mại.
Dự thảo nên phân biệt quan hệ vay dân sự và quan hệ vay thương mại để phân biệt
2 loại đối tượng khác nhau. Nếu là quan hệ vay dân sự thì sẽ áp dụng quy định
của BLDS; quan hệ vay tín dụng, thương mại thì sẽ áp dụng theo pháp luật chuyên
ngành về ngân hàng, tín dụng.
Nguyên Nhung
Nguồn: Báo điện tử Đại biểu nhân dân- 3/3/2010