Góp ý của ông Nguyễn Như Phát – Viện trưởng Viện Nhà nước và Pháp luật
Bộ luật dân sự năm 2005 ra đời đã khẳng định vị trí “luật gốc” của Bộ luật trong một hệ thống pháp luật dân sự thống nhất. Cùng với Bộ luật dân sự năm 2005, Luật Thương mại, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh chứng khoán, và nhiều đạo luật khác được ban hành, sau đó, đã thể hiện tính thống nhất của hệ thống luật tư (luật dân sự) ở Việt Nam. Các đạo luật này đã kịp thời quán triệt và cụ thể hoá các quan điểm chỉ đạo của Đảng ta về bảo vệ, tôn trọng quyền sở hữu và tự do hợp đồng, góp phần thúc đẩy việc xây dựng đồng bộ thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Các quy định trong Bộ luật dân sự 2005 nói chung, chế định sở hữu tài sản và hợp đồng đã có tính khái quát cao hơn. Đặc biệt đã ghi nhận một cách đầy đủ các quyền con người về dân sự.
Tuy nhiên, sau một thời gian thực hiện, nhiều vấn đề mới nảy sinh và những bất cập của Bộ luật dân sự cần phải nhanh chóng khắc phục để Bộ luật dân sự có thể đảm đương vai trò là luật gốc.
Nguyên nhân của những vướng mắc và bất cập thể hiện trong Bộ luật là:
- Chưa có quan điểm rõ ràng về vai trò, vị trí và giá trị “gốc” của Bộ luật dân sự trong hệ thống pháp luật “tư”; vấn đề về giá trị phổ quát của Bộ luật dân sự trong hệ thống pháp luật không được nhận thức đúng trong lập pháp và thực thi pháp luật, tạo không ít mâu thuẫn trong hệ thống văn bản hiện hành và thực tiễn pháp lý.
- Nhiều vấn đề học thuật cơ bản không được làm rõ trong Bộ luật, nhiều khái niệm cơ bản hoặc là thiếu chính xác, hoặc là không được định nghĩa, trong khi, việc giải thích pháp luật ở Việt Nam còn chưa hiện hữu và các tài liệu khoa học không được coi là “tài liệu tham khảo” trong áp dụng pháp luật.
- Bộ luật dân sự chưa có liều lượng “cân đối” khi điều chỉnh các nhóm quan hệ xã hội của đời sống dân sự. Có vấn đề được ghi nhận và quy phạm hóa khá chi tiết và cụ thể và có tính hệ thống song lại có những vấn đề được ghi nhận theo tinh thần ngược lại.
- Chưa tạo tiền đề rõ ràng để sử dụng án lệ theo tinh thần Nghị quyết 49.
Về ý kiến cụ thể, đề xuất sửa đổi Bộ luật dân sự, tôi cho rằng:
Thứ nhất: cần cơ cấu lại bố cục phần về nghĩa vụ hợp đồng để tạo sự thống nhất và chặt chẽ của phần này.
Thứ hai: sửa đổi, bổ sung nhiều điều khoản liên quan đến các khái niệm trong các chế định tài sản và quyền sở hữu, nghĩa vụ và hợp đồng. Sau đây là những bất cập cần nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung.
1. Về Chế định sở hữu tài sản
- Có rất nhiều khái niệm cần phải sửa đổi, bổ sung (ví dụ như khái niệm về “quyền sở hữu tài sản” tại Điều 181 Bộ luật dân sự 2005).
- Cần có những quy định riêng biệt thành 1 chế định về quyền chiếm hữu. Đây là chế định rất quan trọng. Trong nền kinh tế thị trường, trên một tài sản có rất nhiều chủ thể với nhiều cấp độ và mức độ chiếm hữu mà pháp luật phải xác định rõ. Bộ luật dân sự - đạo luật gốc của hệ thống luật tư phải giải quyết vấn đề này làm cơ sở cho các quy định trong các luật chuyên ngành điều chỉnh các quan hệ tài sản trong quá trình dịch chuyển. Đây cũng là cơ sở để xác định và phân biệt quyền sở hữu với các loại vật quyền khác. Sự phân biệt này đã tồn tại trong hệ thống pháp luật La Mã cổ đại và trong các Bộ luật dân sự hiện đại. Bộ luật dân sự năm 2005 đã có một số quy định về “các quyền khác đối với tài sản để phân biệt mức độ và phạm vi quyền này so với quyền sở hữu, các phương thức bảo vệ chúng: hạn chế về nội dung và phụ thuộc vào quyền sở hữu. Tuy nhiên, Bộ luật dân sự chưa thể hiện rõ tính độc lập của các loại vật quyền trong quan hệ với quyền sở hữu. Trong điều kiện chế độ sở hữu toàn dân đối với đất đai và một số loại tài sản đặc biệt theo quy định của Hiến pháp, để bảo vệ quyền của các chủ thể quyền sử dụng đất, các loại bất động sản khác, việc ghi nhận chế định vật quyền đối với một số chủ thể được giao đất, thuê đất là hết sức cần thiết.
- Cần thống nhất quan điểm về bất động sản: sự thống nhất giữa đất đai và tài sản gắn liền với đất.
- Cần thống nhất quy định về tính công khai về sở hữu và các quyền bất động sản – yêu cầu đăng ký tất cả các loại quyền đối với bất động sản. Đây là biện pháp quan trọng để bảo vệ sự an toàn cho các chủ thể khi tham gia các quan hệ liên quan đến bất động sản. Trong thời gian qua, mọi sự lừa đảo, lạm dụng trong các giao dịch bất động sản, đều do các quy định Bộ luật dân sự chưa đầy đủ, pháp luật đăng ký các loại quyền đối với bất động sản chưa hoàn thiện. Trên thực tế, các quy định của Bộ luật dân sự thường bị một số chủ thể lợi dụng, đặc biệt là các chủ thể đại gia đầu cơ trong lĩnh vực bất động sản. Theo các quy định hiện hành tại Điều 168, Điều 134 BLDS 2005, đăng ký vừa là điều kiện chuyển quyền sở hữu, vừa là điều kiện đối kháng với người thứ ba. Vì vậy, các cá nhân mua căn hộ, mua nhà ở, các loại tài sản trong tương lai luôn ở trong tình trạng “bấp bênh” không được bảo vệ. Cộng thêm quy định về sự vô hiệu của giao dịch dân sự do vi phạm điều kiện về hình thức như trong Điều 134 BLDS 2005 thì bất lợi luôn luôn thuộc về bên “yếu thế” trong các giao dịch dân sự. Mặt khác, là sự “khuyến khích” lợi dụng pháp luật, vi phạm nguyên tắc trung thực, đảm bảo chữ tín trong quan hệ dân sự.
- Cần quy định việc đăng ký các loại quyền tài sản, quyền sở hữu đối với bất động sản là cơ chế pháp lý nhằm đảm bảo công khai các loại quyền đó của các chủ thể để đảm bảo sự an toàn trong các giao dịch dân sự.
- Về các hình thức sở hữu:
Các hình thức sở hữu trong BLDS năm
2005 hoàn toàn là một đặc thù riêng có trong pháp luật Việt
Nếu xét về chế độ sở hữu thì chỉ có chế độ công hữu và chế độ tư hữu. Công hữu: sở hữu toàn dân và tập thể; tư hữu: sở hữu tư nhân, có thể là cá nhân và sở hữu chung. Trong đó có sở hữu chung hợp nhất và sở hữu chung theo phần (chia phần).
Nhân đây tôi kiến nghị khẩn cấp bỏ ngay chế độ đăng ký sở hữu nhà và đất (quyền sử dụng) của hộ gia đình (tài sản vợ chồng), theo đó phải ghi nhận tên cả hai người trong giấy chứng nhận vì đối tượng của quyền sở hữu của hôn nhân là sở hữu chung hợp nhất mà chủ sở hữu chính là hôn nhân (cả vợ và chồng) không thể phân chia nên việc làm như hiện nay chứng tỏ là không hiểu gì về sở hữu chung hợp nhất và tạo nhận thức sai lầm trong thực tiễn pháp lý.
Tài sản thuộc sở hữu toàn dân nhưng khi đã giao cho tổ chức, cá nhân, cơ quan nào đó thì tuỳ từng trường hợp cụ thể, quy chế pháp lý sẽ có thể là theo luật công (quản lý nhà nước), có thể là theo luật tư. Ví dụ: đất đai giao cho cá nhân, hộ gia đình để sản xuất nông nghiệp sẽ theo quy chế khác với đất đai giao cho các tổ chức, cơ quan công quyền, nếu đất đai giao cho đơn vị tổ chức kinh doanh bất động sản thì quy chế pháp lý đối với loại tài sản bất động sản thì quy chế pháp lý đối với loại tài sản bất động sản đó phải tuân theo luật dân sự.
Vì vậy, trong điều kiện Việt Nam, một mặt, vẫn phải ghi nhận các chế độ sở hữu theo Hiến pháp, đồng thời trong Bộ luật dân sự, là các hình thức sở hữu: toàn dân, sở hữu tập thể, sở hữu pháp nhân, sở hữu tư nhân và sở hữu chung; Mặt khác, cần bổ sung các quy định mang tính nguyên tắc trong bộ luật dân sự làm cơ sở cho các quy chế pháp lý đối với các loại tài sản đặc thù do các luật chuyên ngành điều chỉnh. Ví dụ: quyền sử dụng đất, sở hữu trí tuệ, nhà chung cư, các loại giấy tờ có giá v.v…
2.
Về chế định hợp đồng
Tự do hợp đồng là phương thức thực hiện quyền sở hữu tài sản và quyền tự do kinh doanh. Bộ luật dân sự năm 2005 đã mở rộng và cụ thể hoá đầy đủ hơn so với Bộ luật dân sự năm 1995 nguyên tắc tự do cam kết thoả thuận.
Tuy nhiên, để các quy định của Bộ luật dân sự nói chung, của chế định hợp đồng nói riêng đảm bảo là những quy định mang tính nền tảng, cơ sở chung cho các quy định luật chuyên ngành, thích ứng với thể chế thị trường, cần có những sửa đối, bổ sung sau đây:
- Nên thống nhất dùng khái niệm hợp đồng, bỏ cụm từ “dân sự”.
- Cần sắp xếp lại cơ cấu phần nghĩa vụ - hợp đồng để có sự thống nhất chặt chẽ hơn, khắc phục sự trùng lặp những quy định về nghĩa vụ, hợp đồng cũng như sự rời rạc, thiếu gắn kết.
- Các quy định về hợp đồng, giao dịch cần khái quát cao hơn. Xác định một cách rõ ràng, cụ thể tính chất của các đối tượng để có các quy phạm thích ứng: hoặc là quy phạm mệnh lệnh, tuỳ nghi, tuỳ nghi lựa chọn; tăng cường các quy phạm tuỳ nghi và tuỳ nghi lựa chọn; tăng cường các quy định về trách nhiệm pháp lý của các bên trong các hợp đồng cụ thể.
- Các quy định trong Bộ luật dân sự hiện hành vừa quá tự do cho kẻ mạnh, không an toàn cho kẻ yếu. Điều này thể hiện ở chỗ: tự do hợp đồng nhưng chế độ trách nhiệm pháp lý do vi phạm hợp đồng không rõ ràng, khó áp dụng, không khả thi. Trong điều kiện kinh tế hiện nay, cần tăng cường các quy định cụ thể rõ ràng hơn về điều kiện thương mại chung trong Bộ luật dân sự, tăng cường bảo vệ người tiêu dùng trong các loại hợp đồng “gia nhập” (vấn đề này cần được nghiên cứu một cách cụ thể và đầy đủ hơn). Điều 407 Bộ luật dân sự năm 2005 chưa đủ căn cứ chặt chẽ để bảo vệ tự do hợp đồng một cách lành mạnh! Những quy định của Bộ luật dân sự là cơ sở gốc cho các quan hệ hợp đồng kinh tế thương mại, lao động… Vì vậy, cần nghiên cứu so sánh để bổ sung vào Bộ luật sửa đổi.
- Sửa đổi các quy định về các khái niệm hợp đồng cụ thể cho chính xác hơn, phù hợp với bản chất pháp lý của mỗi loại hợp đồng.
Nguyễn Như Phát
Viện Nhà nước và Pháp luật