VCCI góp ý Dự thảo Nghị định về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp
VCCI góp ý Dự thảo Thông tư quy định người điều khiển phương tiện, NV phục vụ, trang thiết bị, chất lượng dịch vụ trên phương tiện vận tải khách du lịch
Kính gửi: Vụ Vận tải, Bộ Giao thông vận tải
Trả lời Công văn số 11441/BGTVT-VT của Bộ Giao thông vận tải về việc đề nghị góp ý Dự thảo Thông tư quy định điều kiện của người điều khiển phương tiện, nhân viên phục vụ, trang thiết bị, chất lượng dịch vụ trên phương tiện vận tải khách du lịch (sau đây gọi tắt là Dự thảo), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, trên cơ sở ý kiến của doanh nghiệp, có một số ý kiến như sau:
- Về phạm vi điều chỉnh (Điều 1)
Điều 1 Dự thảo quy định phạm vi điều chỉnh của Thông tư là “hướng dẫn việc thực hiện điều kiện của người điều khiển phương tiện, nhân viên phục vụ, trang thiết bị, chất lượng dịch vụ trên phương tiện du lịch”. Điều này được hiểu, Thông tư sẽ quy định điều kiện áp dụng cho phương tiện du lịch trong vận tải đường hàng không, đường biển, đường thủy nội địa, đường sắt, đường bộ theo tinh thần của khoản 1 Điều 45 Luật du lịch.
Tuy nhiên, toàn bộ Dự thảo chỉ quy định các điều kiện áp dụng cho hai phương thức vận tải bằng đường bộ và đường thủy nội địa. Để đảm bảo sự rõ ràng, đề nghị Ban soạn thảo sửa đổi quy định tại Điều 1 theo hướng phạm vi điều chỉnh áp dụng trong vận tải đường bộ và vận tải đường thủy nội địa.
- Về quy định về điều kiện của nhân viên phục vụ trên phương tiện vận tải khách du lịch
Trong các văn bản góp ý trước đây liên quan đến yêu cầu chất lượng của nhân viên phục vụ trên phương tiện vận tải, VCCI cho rằng yêu cầu về điều kiện đối với đối tượng này là không cần thiết và không nhằm bảo đảm cho lợi ích công nào nếu nhìn dưới góc độ quản lý nhà nước. Với thị trường cạnh tranh về dịch vụ vận tải nói chung, dịch vụ vận tải du lịch nói riêng như hiện nay, thì yếu tố thị trường sẽ buộc các doanh nghiệp tự nâng cao chất lượng dịch vụ, trong đó có các nghiệp vụ cho nhân viên phục vụ. Tuy nhiên, vì điều kiện về người phục vụ được yêu cầu trong Luật du lịch 2017 nên Dự thảo quy định về các điều kiện đối với người phục vụ là phù hợp về mặt pháp lý. Nhưng, để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, đề nghị Ban soạn thảo quy định các điều kiện theo hướng đơn giản và thông thoáng.
Quy định về điều kiện của nhân viên phục vụ trên phương tiện vận tải khách du lịch dường như chưa đáp ứng được yêu cầu trên, cụ thể:
- Đối với nhân viên phục vụ trên phương tiện đường bộ (Điều 6)
Theo quy định tại Điều 6 Dự thảo nhân viên phục vụ trên phương tiện đường bộ phải được tập huấn nghiệp vụ theo quy định của pháp luật đối với hoạt động vận tải và nghiệp vụ du lịch. Việc yêu cầu nhân viên phục vụ phải được tập huấn 2 nghiệp vụ là quá mức cần thiết, trong khi trình độ, năng lực của nhân viên phục vụ không ảnh hưởng nhiều đến các trật tự công để buộc nhà nước phải quản lý trong lĩnh vực giao thông vận tải và du lịch.
Do đó, để đảm bảo thuận lợi cho doanh nghiệp, đề nghị Ban soạn thảo (i) quy định gộp chung vào một khóa tập huấn cho nhân viên phục vụ trên phương tiện đường bộ; và (ii) việc tập huấn có thể được thực hiện theo chương trình tập huấn nội bộ hoặc của các trung tâm dạy nghề, miễn là bao gồm đủ các nội dung quy định (không cần thiết Bộ trưởng hai Bộ phải quy định về việc tập huấn đơn giản này)
- Đối với nhân viên phục vụ trên phương tiện vận tải khách du lịch bằng đường thủy nội địa (Điều 7)
Góp ý tương tự, đề nghị Ban soạn thảo gộp chung vào một khóa tập huấn cho nhân viên trên phương tiện thủy nội địa và việc tập huấn được tiến hành theo chương trình nội bộ hoặc của trung tâm dạy nghề
- Góp ý khác
- Quy định về trang thiết bị trên phương tiện vận tải khách du lịch bằng đường bộ (khoản 4 Điều 8 Dự thảo): Đề nghị Ban soạn thảo quy định rõ các loại thông tin cần phải niêm yết trên ô tô
- Quy định về chất lượng dịch vụ trên phương tiện vận tải khách du lịch bằng đường bộ (khoản 1 Điều 10 Dự thảo): Đề nghị Ban soạn thảo bỏ quy định “có biển hiệu “XE Ô TÔ VẬN TẢI KHÁCH DU LỊCH” theo quy định của Chính phủ” vì đây không phải là nội dung liên quan đến chất lượng dịch vụ trên phương tiện vận tải;
- Quy định dẫn chiếu: Một số quy định tại Dự thảo dẫn chiếu các điều kiện theo hướng “theo quy định của Bộ Giao thông vận tải”. Vì đây là Thông tư của Bộ Giao thông vận tải vì vậy, để đảm bảo có thể triển khai được ngay đề nghị Ban soạn thảo hoặc dẫn chiếu tới văn bản cụ thể của Bộ có quy định (trường hợp đã có văn bản này) hoặc quy định ngay tại Dự thảo (trường hợp chưa có văn bản này).
Trên đây là một số ý kiến ban đầu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đối với đề nghị góp ý Dự thảo Thông tư quy định điều kiện của người điều khiển phương tiện, nhân viên phục vụ, trang thiết bị, chất lượng dịch vụ trên phương tiện vận tải khách du lịch. Rất mong quý Cơ quan soạn thảo cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện.
Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của quý Cơ quan.