VCCI góp ý Dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm

Thứ Năm 10:43 09-11-2017

Kính gửi: Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế

Trả lời Công văn số 4791/BYT-ATTP của Bộ Y tế về việc đề nghị góp ý Dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm (sau đây gọi tắt là Dự thảo), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, trên cơ sở ý kiến của doanh nghiệp, hiệp hội, có một số ý kiến như sau:

  1. Các quy định liên quan đến “Giấy xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm”

Dự thảo có nhiều quy định về các hành vi vi phạm liên quan đến “Giấy xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm”.

Hiện tại, Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 38/2012/NĐ-CP[1] đang được sửa đổi, trong đó thủ tục công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm là một trong những quy định được sửa đổi theo hướng căn bản. Do đó, để đảm bảo tính thống nhất giữa các văn bản trong cùng hệ thống, đề nghị Ban soạn thảo theo dõi nội dung soạn thảo của Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 38 để điều chỉnh các quy định về “giấy xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm”.

  1. Chồng lấn giữa các quy định
  2. Vi phạm quy định về tăng cường vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm (Điều 8)

Khoản 3 Điều 8 Dự thảo quy định khung phạt tiền 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi “thực phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng không đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia hoặc không phù hợp với quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm”.

Hành vi tại khoản 3 đã bao gồm cả hành vi “tăng cường vi chất dinh dưỡng là vitamin, khoáng chất, chi vi lượng vào thực phẩm thuộc danh mục theo quy định nhưng sử dụng với hàm lượng vượt quá mức quy định cho phép” quy định tại khoản 1 Điều 8 với mức xử phạt là 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng (vì tăng cường vi chất dinh dưỡng vượt quá mức cho phép cũng tương ứng với hành vi tăng cường vi chat dinh dưỡng không đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật).

Như vậy, cùng một hành vi quy định tại khoản 1 có thể xác định mức phạt tiền ở hai khung xử phạt: khoản 1 và khoản 3. Điều này là chưa phù hợp với nguyên tắc, mỗi hành vi vi phạm tương ứng với một khung xử phạt.

Tương tự, hành vi tại khoản 3 cũng đã bao trùm cả hành vi quy định tại khoản 2 “tăng cường vi chất dinh dưỡng là vitamin, khoáng chất, chất vi lượng vào thực phẩm không thuộc danh mục theo quy định” bởi vì đều là hành vi “không phù hợp với quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm”.

Để đảm bảo tính minh bạch, đề nghị Ban soạn thảo loại trừ hành vi quy định tại khoản 1, 2 trong hành vi quy định tại khoản 3 Điều 8 Dự thảo.

  1. Vi phạm quy định về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm tươi sống có nguồn gốc thực vật (Điều 18)

Khoản 1 Điều 18 Dự thảo quy định xử phạt đối với hành vi “sản xuất, sơ chế, chế biến, kinh doanh thực phẩm tươi sống có nguồn gốc thực vật vi phạm một trong các điều kiện về bảo đảm an toàn thực phẩm theo quy định”.

Hành vi này sẽ bao trùm tất cả các hành vi còn lại của Điều 18, bởi vì hành vi vi phạm nào cũng là “vi phạm về điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm theo quy định”. Do vậy, để đảm bảo tính rõ ràng, đề nghị Ban soạn thảo loại trừ các hành vi quy định tại khoản còn lại trong hành vi quy đinh tại khoản 1.

  1. Khoảng cách khung mức xử phạt quá rộng

Dự thảo có một số quy định về khung mức phạt tiền khá rộng, điều này sẽ trao khá nhiều quyền cho cán bộ thực thi trong quyết định mức phạt tiền và tạo ra sự bất bình đẳng cho các đối tượng bị xử phạt. Ví dụ:

Khoản 4 Điều 7 Dự thảo quy định phạt tiền từ “70.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng chất, hóa chất, kháng sinh, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật bị cấm sử dụng trong sản xuất, chế biến thực phẩm để sản xuất, chế biến thực phẩm”. Khung xử phạt này có khoảng cách giữa mức sàn và trần lên tới 30.000.000 đồng, trong khi đó so sánh với các khung xử phạt khác trong cùng Điều, khoảng cách giữa mức sàn và trần chỉ dao động từ 5.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng.

Để đảm bảo tính minh bạch, đề nghị Ban soạn thảo rà soát toàn bộ Dự thảo, thu hẹp khung xử phạt đối với các khung xử phạt quá rộng tương tự như quy định tại khoản 4 Điều 7 trên.

  1. Xác định hành vi bị xử phạt chưa hợp lý và chưa thống nhất

“Vi phạm hành chính là hành vi có lỗi do cá nhân, tổ chức thực hiện, vi phạm quy định của pháp luật về quản lý nhà nước mà không phải là tội phạm và theo quy định của pháp luật phải bị xử phạt vi phạm hành chính.” (khoản 1 Điều 3 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012). Như vậy, khi xác định hành vi vi phạm cần phải xem xét yếu tố lỗi của đối tượng vi phạm. Rà soát Dự thảo nhận thấy một số hành vi bị xử phạt nhưng lại chưa xem xét đến yếu tố lỗi của chủ thể vi phạm. Ví dụ:

Điểm b khoản 5 Điều 16 Dự thảo quy định xử phạt đối với hành vi “vận chuyển thủy sản có tạp chất, trừ trường hợp được cơ quan có thẩm quyền cho phép”. Trong trường hợp, người vận chuyển là bên cung cấp dịch vu vận chuyển (không phải là chủ sở hữu hàng hóa) không thể biết được thủy sản họ vận chuyển có chứa tạp chất hay không? Hoặc bên thuê dịch vụ vận chuyển không có nghĩa vụ phải chứng minh chất lượng hàng hóa đối với bên vận chuyển. Trường hợp này, nếu xử phạt đối với hành vi vận chuyển thủy sản có tạp chất đối với người vận chuyển là chưa phù hợp với bản chất của hành vi vi phạm hành chính. Do đó, đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc, xem xét bỏ quy định tại điểm b khoản 5 Điều 16 Dự thảo.

Mặt khác, theo quy định tại khoản 4 Điều 18 Dự thảo thì yếu tố lỗi lại được xem xét khi đối tượng thực hiện hành vi vi phạm “xử phạt đối với hành vi bán, cung cấp thực phẩm tươi sống có nguồn gốc thực vật mà biết rõ là thực phẩm có sử dụng chất cấm …”. Trong khi đó, ở nhiều hành vi tương tự khác, yếu tố “biết rõ” lại không được xem xét khi xác định hành vi vi phạm, ví dụ: “hành vi thu gom, bảo quản, kinh doanh tạp chất do được đưa vào” (điểm d khoản 5 Điều 16 Dự thảo). Để đảm bảo tính thống nhất trong việc xác định hành vi vi phạm bị xử phạt, đề nghị Ban soạn thảo rà soát lại toàn bộ Dự thảo điều chỉnh lại các hành vi vi phạm tương tự như hành vi tại khoản 4 Điều 18 Dự thảo theo hướng chủ thể vi phạm phải “biết rõ” hành vi vi phạm.

  1. Các hành vi không cùng tính chất trong một khung xử phạt

Điểm đ khoản 2 Điều 21 Dự thảo quy định xử phạt đối với hành vi “không có sổ sách ghi chết việc thực hiện chế độ kiểm thực 3 bước theo hướng dẫn của Bộ Y tế hoặc có nhưng không ghi đầy đủ các nội dung theo quy định”. Xét bản chất, hai hành vi “không có sổ sách” và “có nhưng không ghi đầy đủ các nội dung” là khác nhau về tính chất, mức độ vi phạm. Do đó, việc xếp chung vào một khung xử phạt là chưa hợp lý. Đề nghị Ban soạn thảo tách thành 2 hành vi ở hai khung xử phạt khác nhau, trong đó hành vi “có nhưng không ghi đầy đủ các nội dung theo quy định” ở khung xử phạt nhẹ hơn.

Góp ý tương tự đối với các hành vi quy định tại điểm i khoản 2 Điều 12; khoản 2 Điều 29.

  1. Hình thức xử phạt bổ sung không tương ứng với hành vi vi phạm

Khoản 3 Điều 24 Dự thảo quy định “tước quyền sử dụng giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm từ 03 tháng đến 04 tháng đối với hành vi quy định tại khoản 2 Điều này”.

Khoản 2 Điều 24 Dự thảo quy định về các hành vi vi phạm:

  • (1) sử dụng giấy chứng nhận cơ sở sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm đã hết thời hạn (điểm a)
  • (2) sửa chữa, tẩy xóa làm sai lệch nội dung giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm (điểm b)
  • (3) sản xuất, kinh doanh mà không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm (điểm c)

Với 03 hành vi vi phạm trên thì hình thức xử phạt bổ sung chỉ thích hợp áp dụng đối với hành vi vi phạm (2) còn đối với với hành vi (1), việc tước giấy chứng nhận là không có ý nghĩa vì lúc này giấy chứng nhận đã hết thời hạn, hành vi (2) thì không có giấy chứng nhận để tước.

Do đó, đề nghị Ban soạn thảo điều chỉnh lại quy định tại khoản 3 theo hướng chỉ áp dụng cho hành vi quy định tại điểm b khoản 2.

  1. Một số khái niệm chưa rõ ràng

Dự thảo có một số quy định chưa rõ ràng, có thể tạo nhiều cách hiểu khác nhau giữa các đối tượng áp dụng và có nguy cơ tạo ra dư địa cho tình trạng nhũng nhiễu của các cán bộ thực thi, gây khó khăn cho doanh nghiệp, ví dụ:

  • Khoản 5 Điều 6 Dự thảo quy định xử phạt đối với hành vi “sử dụng phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm có chứa chất độc hại”. “Chất độc hại” là khái niệm chưa rõ, các chất nào được cho là chất độc hại?
  • Điều 13 Dự thảo xử phạt đối với các hành vi “không có đủ thiết bị, biện pháp phòng, chống côn trùng …” (điểm b khoản 1); “không có đủ trang thiết bị, dụng cụ phù hợp” (điểm a khoản 2); “không có đủ trang thiết bị, dụng cụ, phương tiện rửa và khử trùng …” (điểm b khoản 2); “không có biện pháp quản lý chất thải phù hợp trong khu vực sản xuất, kinh doanh thực phẩm, phụ gia thực phẩm …”. Như thế nào được cho là “đủ trang thiết bị”, “biện pháp quản lý chất thải phù hợp”?
  • Điểm b khoản 2 Điều 21 Dự thảo quy định xử phạt đối với hành vi “sử dụng dụng cụ ăn uống làm bằng vật liệu không an toàn”. Khái niệm “vật liệu không an toàn” là chưa rõ.
  • Điểm đ khoản 3 Điều 21 Dự thảo quy định xử phạt đối với hành vi “chế biến thực phẩm không bảo đảm an toàn”. Đây là quy định quá chung chung và khá mơ hồ, có thể bao trùm lên hết các hành vi vi phạm khác liên quan đến chế biến. Góp ý tương tự đối với quy định xử phạt đối với hành vi “kinh doanh thức ăn không bảo đảm an toàn” tại điểm đ khoản 2 Điều 22.

Đề nghị Ban soạn thảo quy định rõ các khái niệm trên hoặc dẫn chiếu tới văn bản quy định cụ thể các khái niệm này, trong trường hợp không thể quy định theo hướng rõ ràng hơn, đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc bỏ các quy định này.

Trên đây là một số ý kiến ban đầu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đối với Dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm. Rất mong cơ quan soạn thảo cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện Dự thảo này.

Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của quý Cơ quan.

 

[1] Nghị định 38/2012/NĐ-CP của Chính phủ hướng dẫn Luật an toàn thực phẩm