VCCI góp ý Dự thảo Nghị định về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp

Thứ Sáu 16:01 17-11-2017

Kính gửi: Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Trả lời Công văn số 8471/BNN-KHT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc đề nghị góp ý Dự thảo Nghị định về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp (sau đây gọi tắt là Dự thảo), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, trên cơ sở ý kiến của doanh nghiệp, có một số ý kiến như sau:

  1. Về dự án liên kết

Theo quy định tại Dự thảo thì:

  • “Trình tự, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt Dự án liên kết thực hiện theo quy định của Luật đầu tư và các quy định hiện hành” (khoản 4 Điều 6 Dự thảo).
  • Một trong những điều kiện để được hưởng ưu đãi, hỗ trợ là “trường hợp có dự án liên kết thì được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của Luật đầu tư” (khoản 2 Điều 12 Dự thảo).

Các quy định trên có thể hiểu, các Dự án liên kết sẽ phải được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Tuy nhiên, theo quy định tại Luật đầu tư 2014, chỉ có một số dự án đầu tư phải xin chấp thuận chủ trương đầu tư/cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, các dự án đầu tư còn lại không phải thực hiện bất kì thủ tục đầu tư nào.

Như vậy, sẽ có trường hợp Dự án liên kết thuộc diện hưởng ưu đãi, hỗ trợ nhưng không được cấp nào phê duyệt theo Luật đầu tư 2014 cả.

Do đó, để đảm bảo tính thống nhất trong hệ thống pháp luật có liên quan, đề nghị Ban soạn thảo điều chỉnh quy định theo hướng:

  • Đối với khoản 4 Điều 6: Dự án liên kết chỉ phải tuân thủ các quy định về trình tự, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt theo Luật Đầu tư nếu thuộc các trường hợp cần phải xin chấp thuận chủ trương đầu tư hoặc cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư theo quy định tại Luật đầu tư; các trường hợp khác thì Dự án liên kết chỉ phải tuân thủ quy định từ khoản 1 đến khoản 3 Điều 6 này;
  • Đối với khoản 2 Điều 12: Hợp đồng liên kết, Dự án liên kết phải được công chứng, chứng thực. Trường hợp Dự án liên kết thuộc các trường hợp phải xin chấp thuận chủ trương đầu tư hoặc cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư theo quy định tại Luật đầu tư thì phải có Giấy chấp thuận chủ trương đầu tư/Giấy đăng ký chứng nhận đầu tư..
  1. Về thí điểm cơ chế phân chia lợi nhuận trong liên kết (Điều 11)

Theo quy định tại Dự thảo thì Chính phủ sẽ quy định tỷ lệ phân chia lợi nhuận giữa người sản xuất nguyên liệu và nhà máy chế biến đối với các sản phẩm nông nghiệp và sẽ  cho thí điểm đối với một số ngành hàng.

Quy định này có điểm bất cập sau:

  • Mối quan hệ giữa người sản xuất nguyên liệu và nhà máy chế biến đơn thuần là mối quan hệ tư, được xác lập trên cơ sở hợp đồng, thỏa thuận giữa hai bên. Việc nhà nước quy định tỷ lệ phân chia lợi nhuận giữa hai đối tượng này, mặc dù nhằm mục đích (suy đoán) bảo đảm quyền lợi cho người nông dân sản xuất nguyên liệu, nhưng lại là sự can thiệp hành chính vào mối quan hệ tư, do thị trường điều chỉnh, mâu thuẫn với các nguyên tắc cơ bản về hợp đồng trong Bộ luật Dân sự và Luật Thương mại.
  • Quy định này cũng mâu thuẫn với chính quy định tại khoản 1 Điều 3 Dự thảo theo đó “hợp tác, liên kết gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp (gọi chung là liên kết) là việc tự nguyện cùng chung sức, hỗ trợ lẫn nhau …”

Do đó, để đảm bảo tính hợp lý, đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc bỏ quy định tại Điều 11 Dự thảo.

  1. Một số góp ý khác
  • Về ưu đãi, hỗ trợ về đất đai và hạ tầng phục vụ liên kết (Điều 8)

Khoản 2 Điều 8 Dự thảo quy định “Dự án liên kết được hỗ trợ 30% vốn đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng phục vụ liên kết gồm: nhà xưởng, bến bãi, kho hàng phục vụ sản xuất, sơ chế, bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Tổng mức đầu tư không quá 10 tỷ”.  Không rõ “Tổng mức đầu tư” này được hiểu là gì:

+ Nếu là tổng mức vốn đầu tư (tổng giá trị đầu tư) xây dựng các công trình thì không hợp lý bởi trên thực tế khá nhiều các công trình xây dựng liệt kê tại khoản 2 có tổng mức đầu tư cho các công trình vượt quá 10 tỷ đồng rất nhiều, với điều kiện này thì số các trường hợp được hỗ trợ sẽ rất hạn chế nhiều;

+ Nếu là tổng mức vốn đầu tư mà Nhà nước có thể hỗ trợ đầu tư vào công trình (giới hạn mức hỗ trợ tối đa) thì hợp lý, vì nguồn vốn ngân sách là hạn chế, vì vậy phải có giới hạn cho việc hỗ trợ.

Đề nghị Ban soạn thảo làm rõ quy định này theo hướng giới hạn tổng mức hỗ trợ tối đa.

  • Về điều kiện để được ưu đãi, hỗ trợ (Điều 12)

+ Đề nghị Ban soạn thảo điều chỉnh lại điều kiện tại khoản 2 như mục 1 góp ý này

+ Đề nghị Ban soạn thảo bỏ quy định “Có cam kết bảo đảm các quy định về tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, an toàn vệ sinh thực phẩm, an toàn dịch bệnh và bảo vệ môi trường” (khoản 3). Lý do là dù có cam kết hay không thì các đối tượng cũng phải bắt buộc tuân thủ các quy định liên quan theo quy định của pháp luật. “Cam kết” không có ý nghĩa ràng buộc hay là căn cứ để xử lý đối với các đối tượng vi phạm.

Trên đây là một số ý kiến ban đầu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đối với Dự thảo Nghị định về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Rất mong cơ quan soạn thảo cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện Dự thảo này.

Ngoài ra gửi kèm theo một số góp ý cụ thể về Dự thảo mà một số doanh nghiệp gửi cho Phòng Thương mại và Công nghiệp để Quý Cơ quan cân nhắc, xem xét.

Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của quý Cơ quan.