VCCI góp ý Dự thảo Thông tư quy định việc kiểm tra nhà nước về chất lượng hàng hóa lưu thông trên thị trường
VCCI góp ý Dự thảo Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm, kinh doanh xổ số
Kính gửi: |
– Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm, Bộ Tài chính
– Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật, Bộ Tư pháp |
Trả lời Công văn số 11365/BTC-QLBH của Bộ Tài chính về việc đề nghị góp ý Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 98/2013/NĐ-CP ngày 28/8/2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm, kinh doanh xổ số (sau đây gọi tắt là Dự thảo) và Công văn số 735/GM-BTP của Bộ Tư pháp về việc mời tham gia Hội đồng thẩm định Dự thảo, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, trên cơ sở ý kiến của doanh nghiệp, hiệp hội, có một số ý kiến như sau:
- Sửa đổi khoản 1 Điều 7 Nghị định 98[1] (khoản 1 Điều 1 Dự thảo)
Dự thảo quy định phạt cảnh cáo đối với hai hành vi “công bố không đúng thời hạn một trong những nội dung trong Giấy phép thành lập và hoạt động hoặc Giấy phép đặt Văn phòng đại diện theo quy định của pháp luật” và “không công bố các nội dung hoặc nội dung sửa đổi, bổ sung tại Giấy phép đặt Văn phòng đại diện theo quy định của pháp luật”.
Xét bản chất, hai hành vi “công bố không đúng thời hạn” và “không công bố các nội dung” là khác nhau về mặt tính chất và mức độ vi phạm (ví dụ: hành vi công bố chậm 1, 2 ngày so với quy định thì không thể có mức độ mức độ nguy hiểm bằng hành vi “không công bố các nội dung”). Do đó, việc xếp chung hai hành vi này vào cùng một khung hình phạt dường như chưa phù hợp.
Đề nghị Ban soạn thảo tách hai hành vi này vào hai khung hình phạt khác nhau và xác định rõ số ngày tối đa không tuân thủ thời hạn công bố được xem là “không công bố các nội dung”, còn ít hơn số ngày tối đa trên, thì mức phạt tiền sẽ thấp hơn.
- Sửa đổi khoản 3, Điều 14 Nghị định 98 (khoản 5 Điều 1 Dự thảo)
Dự thảo sửa quy định xử phạt đối với hành vi “gian dối, giả mạo tài liệu trong hồ sơ yêu cầu bồi thường, trả tiền bảo hiểm đã nhận tiền bồi thường, trả tiền bảo hiểm” thành hành vi “gian lận trong kinh doanh bảo hiểm mà không đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự”.
So với quy định tại khoản 3 Điều 14 Nghị định 98 (xác định rõ hàng vi vi phạm) thì sửa đổi tại Dự thảo là chưa rõ ràng và thiếu cụ thể, và có thể không hợp lý ít nhất ở các điểm sau:
- Không rõ những hành vi nào được cho là “gian lận trong kinh doanh bảo hiểm”? Cần chú ý là “kinh doanh bảo hiểm” có phạm vi rất rộng, và vì vậy “gian lận trong kinh doanh bảo hiểm” có thể bao gồm rất nhiều hành vi, với mức độ ảnh hưởng, rủi ro có thể rất khác nhau.
- Điều 14 Nghị định 98 chỉ bao gồm các hành vi vi phạm quy định về bồi thường bảo hiểm, trả tiền bảo hiểm, tức là chỉ bao trùm một khía cạnh rất nhỏ của kinh doanh bảo hiểm
- Không phải hành vi gian lận trong bồi thường bảo hiểm, trả tiền bảo hiểm cũng có thể là đối tượng phải chịu xử phạt hành chính (ví dụ hành vi giả mạo tài liệu là hành vi ảnh hưởng tới trật tự quản lý hành chính và vì vậy có thể xử phạt, nhưng có những hành vi khác của nhân viên doanh nghiệp bảo hiểm trong vấn đề này chỉ ảnh hưởng tới lợi ích của doanh nghiệp bảo hiểm và thuộc quan hệ tư giữa doanh nghiệp với cá nhân nhân viên này)
Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo quy định rõ các hành vi được cho là gian lận trong kinh doanh bảo hiểm thuộc khung hình phạt này:
- Trong trường hợp không quy định cụ thể các hành vi này thì đề nghị giữ nguyên như quy định tại Nghị định 98.
- Trường hợp liệt kê cụ thể các hành vi thì cần chú ý xếp các hành vi gian lận có mức ảnh hưởng nghiêm trọng khác nhau vào các khung xử phạt khác nhau
Mặt khác, Dự thảo cũng đã bãi bỏ xử phạt hành vi “thông đồng với người thụ hưởng quyền lợi bảo hiểm để giải quyết bồi thường bảo hiểm, trả tiền bảo hiểm trái pháp luật” tại điểm b khoản 2 Điều 14 Nghị định 98. Có thể hành vi có tính chất tương tự như điểm b khoản 2 Điều 14 Nghị định 98 sẽ được diễn giải là “hành vi gian lận trong kinh doanh bảo hiểm” và bị xử phạt của khung phạt tiền tại khoản 3 Điều 14 Nghị định 98 được sửa đổi tại Dự thảo. Trong khi hành vi này được bỏ xử phạt trong Dự thảo thì hành vi gian lận tại khoản 3 Điều 14 lại được nâng mức xử phạt cao hơn so với quy định hiện hành. Điều này được giải thích như thế nào?
Trên đây là một số ý kiến ban đầu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đối với Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 98/2013/NĐ-CP ngày 28/8/2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm, kinh doanh xổ số. Rất mong cơ quan soạn thảo cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện Dự thảo này.
Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của quý Cơ quan.
[1] Nghị định 98/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm, kinh doanh xổ số