VCCI góp ý Dự thảo Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm, kinh doanh xổ số
VCCI góp ý Dự thảo Thông tư quy định việc kiểm tra nhà nước về chất lượng hàng hóa lưu thông trên thị trường
Kính gửi: Cục Quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa
Tổng cục Tiêu chuẩn, Đo lường, Chất lượng
Trả lời Công văn số 2330/TĐC-QLCL của Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng về việc đề nghị góp ý Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 26/2012/TT-BKHCN ngày 12/12/2012 quy định việc kiểm tra nhà nước về chất lượng hàng hóa lưu thông trên thị trường (sau đây gọi tắt là Dự thảo), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, trên cơ sở ý kiến của doanh nghiệp, có một số ý kiến như sau:
- Về sửa đổi, bổ sung điểm a khoản 2 Điều 5 Thông tư 26 (khoản 2 Điều 1 Dự thảo)
Dự thảo sửa đổi quy định về căn cứ kiểm tra đột xuất về chất lượng hàng hóa quy định tại điểm a khoản 2 Điều 5 Thông tư 26 từ “theo yêu cầu của cơ quan quản lý chuyên ngành” thành “theo yêu cầu của cơ quan quản lý chuyên ngành, hoặc theo chỉ đạo của cơ quan quản lý cấp trên để đáp ứng kịp thời yêu cầu quản lý nhà nước về chất lượng hàng hóa”.
So với quy định hiện hành, Dự thảo đã bổ sung thêm mục đích của kiểm tra đột xuất về chất lượng hàng hóa xuất phát từ yêu cầu của cơ quan quản lý chuyên ngành, tuy nhiên quy định này chưa đủ rõ ràng (không rõ về phạm vi của “yêu cầu quản lý nhà nước về chất lượng hàng hóa” là như thế nào? Hoặc phạm vi này là quá rộng và có thể kiểm tra doanh nghiệp bất kì lúc nào vì bất kì lý do nào liên quan đến kiểm tra chất lượng hàng hóa) và có thể dễ bị lạm dụng để tiến hành kiểm tra và ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động của doanh nghiệp.
Để hạn chế tình trạng trên, đề nghị Ban soạn thảo xem xét quy định các căn cứ cụ thể, rõ ràng về việc kiểm tra đột xuất chất lượng hàng hóa theo yêu cầu của cơ quan quản lý, nếu không thể quy định rõ ràng hơn, đề nghị bỏ quy định tại điểm a khoản 2 Điều 5 Thông tư 26, các căn cứ còn lại quy định tại khoản 2 Điều 5 đã phản ánh đầy đủ, hợp lý căn cứ để kiểm tra đột xuất chất lượng hàng hóa.
- Về sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 9 Thông tư 26 (khoản 6 Điều 1 Dự thảo)
So với Thông tư 26, Dự thảo đã có một số sửa đổi, bổ sung quy trình xử lý trong trường hợp hàng hóa có kết quả thử nghiệm mẫu không phù hợp với tiêu chuẩn áp dụng, chứng nhận hợp chuẩn hoặc quy chuẩn kỹ thuật tương ứng.
Một số điểm sửa đổi trong quy trình này là chưa hợp lý :
- Người bán hàng không được quyền đề nghị đối với cơ quan kiểm tra thử nghiệm lại đối với mẫu lưu ở một tổ chức thử nghiệm được chỉ định khác trong trường hợp không nhất trí với kết quả thử nghiệm mẫu. Kết quả thử nghiệm này là căn cứ để cơ quan kiểm tra xử lý, kết luận cuối cùng. Có nghĩa, theo quy định tại Dự thảo thì kết quả thử nghiệm mẫu của cơ quan điều tra là kết luận cuối cùng, cho dù người bán hàng có đồng ý hay không.
Quy định này của Dự thảo dường như chưa hợp lý và chưa bảo đảm quyền lợi hợp pháp của doanh nghiệp. Doanh nghiệp có quyền không đồng tình với kết quả thử nghiệm và quyền yêu cầu kiểm tra lại ở một tổ chức thử nghiệm được chỉ định khác để đảm bảo các quyết định của cơ quan nhà nước ban hành là chính xác và phù hợp. Do đó, đề nghị Ban soạn thảo xem xét giữ lại quy định tại điểm d khoản 2 Điều 9 Thông tư 26, có nghĩa “người bán hàng có thể đề nghị bằng văn bản đối với cơ quan kiểm tra thử nghiệm lại đối với mẫu lưu ở một tổ chức thử nghiệm được chỉ định khác. Kết quả thử nghiệm này là căn cứ để cơ quan kiểm tra xử lý, kết luận cuối cùng. Chi phí thử nghiệm mẫu này do người bán hàng chi trả”.
- Để được lưu thông hàng hóa lại trên thị trường, người bán hàng sẽ phải khắc phục và báo cáo với cơ quan kiểm tra. Cơ quan kiểm tra sẽ tiến hành thử nghiệm lại mẫu và chỉ cho lưu thông khi kết quả thử nghiệm phù hợp. Như vậy, người bán hàng không được tự chứng minh bằng cách gửi bằng chứng cho cơ quan kiểm tra về việc đã khắc phục vi phạm như Thông tư 26, mà cơ quan nhà nước sẽ thực hiện kiểm tra lại kết quả khắc phục.
Quy định mới tại Dự thảo có thể giúp kiểm soát được chất lượng của sản phẩm hàng hóa vi phạm sau khi được khắc phục quay trở lại thị trường. Tuy nhiên, quy trình kiểm tra của cơ quan nhà nước trong trường hợp này lại chưa được quy định rõ ràng: trong khoảng thời gian bao lâu kể từ thời điểm cơ sở được kiểm tra báo cáo văn bản, cơ quan kiểm tra sẽ tiến hành kiểm tra, lấy mẫu thử nghiệm? trong khoảng thời gian bao lâu kể từ khi có kết quả thử nghiệm, cơ quan kiểm tra ra thông báo hàng hóa được tiếp tục lưu thông nếu kết quả kiểm tra, thử nghiệm lại phù hợp?
Việc thiếu vắng quy định về trình tự, thủ tục kiểm tra lại có thể khiến cho quy trình xử lý bị kéo dài, ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Do đó, đề nghị Ban soạn thảo quy định rõ về quy trình này.
Trên đây là một số ý kiến ban đầu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đối với Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 26/2012/TT-BKHCN ngày 12/12/2012 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quy định việc kiểm tra nhà nước về chất lượng hàng hóa lưu thông trên thị trường. Rất mong cơ quan soạn thảo cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện Dự thảo này.
Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của quý Cơ quan.