Quy định về lãi suất trong Bộ Luật dân sự, sửa theo hướng nào?
Quy định về lãi suất trong Bộ Luật dân sự, sửa theo hướng nào?
Bài viết "bỏ hay không bỏ lãi suất cơ bản" của bà Dương Thu Hương,
Tổng thư ký Hiệp hội ngân hàng Việt Nam trên Báo ĐTCK số 26, ra ngày 1/3/2010
đã thu hút được sự chú ý của nhiều độc giả, nhất là trong bối cảnh, NHNN vừa có
động thái tích cực trong việc cho phép các TCTD áp dụng lãi suất thỏa thuận đối
với các khoản vay trung và dài hạn phục vụ sản xuất kinh doanh. Nhằm cung cấp
thêm cho bạn đọc nhưng thông tin xung quanh vấn đề lãi suất, ĐTCK xin giới
thiệu bài viết tiếp theo của bà Dương Thu Hương về vấn đề này.Việc Quốc hội đang xem xét và cho ý kiến về Luật NHNN và
Luật các TCTD sửa đổi khiến vấn đề lãi suất trong Bộ Luật dân sự (khoản 1 Điều
476 BLDS 2005) ngày càng được nhiều người quan tâm.
Trong khi, mục tiêu của Luật Dân sự quy định lãi suất là để "chống cho vay
nặng lãi", thì mục tiêu của Luật NHNN và Luật các TCTD quy định, mọi "giá
cả" của hàng hoá tiền tệ (lãi suất, tỷ giá…) được hình thành trên quan hệ
cung cầu về vốn trên thị trường vốn và thị trường tiền tệ bắt buộc phải tuân
theo tính thị trường. Tuy nhiên, phạm vi điều chỉnh của Bộ Luật dân sự lại quy
định các chuẩn mực pháp lý cho cách ứng xử của cá nhân, pháp nhân…. Vì vậy, cả
cá nhân, các doanh nghiệp và các TCTD đều được coi như nhau và áp dụng cơ chế
như nhau.
Chính sự ép buộc phải thực hiện theo một mục tiêu duy nhất của Luật Dân sự nên
hoạt động của thị trường tiền tệ, hoạt động của ngân hàng trong thời gian qua
bị méo mó, ảnh hưởng không thuận lợi đến việc giúp cho thị trường tiền tệ phát
triển theo thông lệ quốc tế. Do vậy, bên cạnh việc xem xét và sửa đổi Luật NHNN
và Luật các TCTD, tôi cho rằng, cũng đã đến lúc cần phải xem xét sửa đổi quy
định về lãi suất trong Bộ Luật dân sự (khoản 1 Điều 476 BLDS 2005).
3 lý do cần thiết để sửa đổi Điều 476 BLDS 2005
Thứ nhất, trên thực tế, hoạt động cho vay nặng lãi là hoạt động phi chính thức,
cá biệt, đơn lẻ, chiếm một tỷ lệ rất nhỏ trong quan hệ ứng xử của xã hội. Trong
lúc đó hoạt động huy động vốn và cho vay của TCTD là hoạt động chính thức, có
thị trường chính thức được pháp luật công nhận và cho phép, mang tính phổ biến,
lại đang là một công cụ hữu hiệu giúp cho nền kinh tế quốc dân phát triển và
đang giúp cho GDP tăng trưởng hàng năm (tỷ lệ huy động vốn của hệ thống TCTD
trên GDP chiếm 114% năm 2008; tỷ lệ dư nợ tín dụng trên GDP chiếm 105% trong
năm 2008). Các số liệu này cho thấy sự đóng góp của quan hệ vay mượn trong hệ thống
TCTD đối với nền kinh tế quốc dân có vị trí quan trọng như thế nào. Vậy thì tại
sao lại lấy cơ chế điều chỉnh quan hệ phi chính thức, cá biệt, đơn lẻ, chiếm tỷ
lệ quá nhỏ trong nền kinh tế quốc dân, để sử dụng, áp dụng, điều chỉnh quan hệ
tín dụng chính thức, trên thị trường chính thức, mang tính phổ biến có đóng góp
lớn cho sự phát triển nền kinh tế quốc dân? Hành động cho vay nặng lãi trên thị
trường phi chính thức và hành động cho vay trên thị trường chính thức có giống
nhau về bản chất không mà lại gộp chung chúng vào một cơ chế để điều hành và kiểm
soát?
Thứ hai, việc sửa đổi Điều 476 BLDS 2005 sẽ trả lại tính thị trường cho hoạt
động ngân hàng. Vì thế, không có cớ gì khi thị trường hàng hoá được thị trường
hoá về giá cả mà thị trường tiền tệ lại bị đóng khung bởi trần lãi suất cho
vay, hơn nữa, lãi suất ấy không được hình thành trên quan hệ cung cầu về vốn.
Thứ ba, trong phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2006-2010
của văn kiện Đại hội Đại biểu Đảng cộng sản Việt Nam lần thứ 10 có chủ trương
"thực hiện chính sách lãi suất thoả thuận theo nguyên tắc thị
trường".
Với các lý giải trên, việc sửa đổi Điều 476 BLDS 2005 sẽ giúp tách bạch rõ và
điều chỉnh mục tiêu hoàn toàn khác nhau về bản chất của lãi suất giữa quy định
trong Luật Dân sự và Luật NHNN và Luật TCTD. Đồng thời, khắc phục những tồn tại
không thực tế của Điều 476.
Sửa Luật theo hướng nào?
Rất nhiều phương án sửa đổi Điều 476 đã được đưa ra bàn thảo, trong đó có hai
phương án mà tôi cho rằng có nhiều ưu điểm hơn cả. Cụ thể: một phương án đưa ra
là:
l Lãi suất cho vay do các bên thỏa thuận.
l Trong trường hợp các bên không có thỏa thuận hoặc có thỏa thuận nhưng không
rõ, hoặc trường hợp có tranh chấp về lãi suất, thì áp dụng lãi suất bằng mức
lãi suất trung bình của các ngân hàng thương mại tại thời điểm trả nợ.
Một phương án nữa là:
l Lãi suất vay do các bên thỏa thuận nhưng không được vượt quá 300% lãi suất
trái phiếu kho bạc thấp nhất của lần phát hành cuối cùng trước thời điểm cho vay.
Lãi suất đối với hoạt động huy động vốn và cho vay vốn của các TCTD được thực
hiện theo quy định của pháp luật về ngân hàng.
l Trong trường hợp các bên có thỏa thuận về việc trả lãi, nhưng không xác định
rõ lãi suất hoặc có tranh chấp về lãi suất thì áp dụng lãi suất trái phiếu Kho
bạc thấp nhất của lần phát hành cuối cùng trước thời điểm đến hạn trả nợ.
Theo quan điểm cá nhân, tôi cho rằng phương án thứ nhất đã tôn trọng nguyên tắc
của thị trường và đã lấy lãi suất cho vay được hình thành trên thị trường chính
thức để điều tiết các quan hệ vay mượn không có thoả thuận hoặc thoả thuận
không rõ ràng, có cơ sở cho toà xử lý. Tuy nhiên hiện nay, ngoài hệ thống tín
dụng chính thức, còn hơn 300 tổ chức tín dụng vi mô do Hội Liên hiệp phụ nữ,
Công đoàn, Hội nông dân… đang tự huy động và cho vay. Lãi suất cho vay hiện nay
của các tổ chức tài chính vi mô là 24%/năm. Do vậy, nếu quy định như khoản 2
của phương án thứ nhất sẽ không bao gồm được hoạt động của tài chính vi mô, hay
nói cách khác, các tổ chức này sẽ vi phạm luật và vì thế không hoạt động được,
vì vậy cần quy định mức 150% hay bao nhiêu đó của lãi suất cho vay bình quân
của các ngân hàng thương mại lớn trên địa bàn. Phương án này cũng có nhược điểm
là vẫn không tách được hoạt động của TCTD được điều chỉnh bởi luật TCTD.
Phương án thứ hai được xem là ưu điểm hơn phương án thứ nhất ở chỗ là đã quy
định rõ "lãi suất đối với huy động và cho vay của các TCTD được thực hiện
theo quy định về luật ngân hàng". Tuy nhiên, phương án này cũng có điểm
chưa tốt bởi nó lại lấy lãi suất trái phiếu kho bạc làm cơ sở, trong khi lãi
suất này không đại diện cho lãi suất thị trường bởi nó là lãi suất của Chính
phủ vay dân, vay doanh nghiệp. Với uy tín của Chính phủ nên trái phiếu này
không có rủi ro, vì vậy nó phải thấp nhất trong hệ thống lãi suất của thị
trường và không mang tính thị trường. Trong lúc các quan hệ vay mượn giữa dân
với dân, doanh nghiệp không phải TCTD với doanh nghiệp không phải TCTD; TCTD
với dân và với doanh nghiệp đều theo quan hệ cung cầu về vốn trên thị trường,
nó đại diện cho tính thị trường toàn diện nhất.
Chính vì vậy, tôi cho rằng, không nên đặt vấn đề điều chỉnh các chủ thể là ngân
hàng và TCTD trong Bộ Luật Dân sự, bởi hoạt động của TCTD vẫn rất cần đến những
vấn đề về thế chấp, cầm cố, bảo lãnh, đặt cọc, ký quỹ…trong Luật Dân sự. Duy
chỉ có Điều 476 về lãi suất nên sửa để tách ra phục vụ cho hai mục tiêu và hai
đối tượng đã kể trên và nên được chỉnh sửa theo hướng:
Lãi suất cho vay của các cá nhân và doanh nghiệp không phải là TCTD do các
bên thỏa thuận, nhưng không được vượt quá 150% lãi suất cho vay bình quân của
các NHTM lớn trên địa bàn tại thời điểm cho vay.
Lãi suất cho vay, huy động của các TCTD thực hiện theo quy định của Luật TCTD.
Sửa Luật… được gì?
Việc sửa đổi Điều 476 BLDS 2005 như trên sẽ chống cho vay nặng lãi ngoài
xã hội và có mức cụ thể cho toà án xử vì việc lấy lãi suất cho vay bình quân
của các NHTM lớn trên địa bàn trong từng thời kỳ thì NHNN địa phương đều
có thống kê, không có gì khó khăn. Việc sửa đổi này giúp hoạt động của TCTD
được thực hiện theo quy định của luật TCTD, luật chuyên ngành phù hợp với hoạt
động của TCTD, tháo gỡ những khó khăn hiện nay các TCTD đang bị "cứng
nhắc" trong khung trần và sàn về lãi suất. Thêm vào đó, sẽ trả lại tính
chất định hướng thị trường của lãi suất mà NHNN công bố.
Dù được gọi dưới tên gì (lãi suất cơ bản, hay lãi suất chủ đạo, lãi suất tái
chiết khấu, lãi suất liên ngân hàng...) do NHNN công bố thì tất cả chỉ nhằm
giúp cho NHNN phát đi tín hiệu mở rộng hay thắt chặt chính sách tiền tệ để kiểm
soát lạm phát, điều tiết thị trường; Các NHTM căn cứ vào mức lãi suất này để
điều chỉnh lãi suất kinh doanh của mình ở mức thích hợp phù hợp với quan hệ
cung cầu về vốn. Điều 476 BLDS 2005 được chỉnh sửa theo hướng nói trên sẽ vừa
giải quyết được mọi mâu thuẫn, lo ngại, lại vừa đảm bảo giữ vững được tính thị
trường cho hoạt động ngân hàng, đặc biệt là khi nước ta đang từng bước thực
hiện các cam kết khi gia nhập WTO.
Thứ Năm, 04/03/2010