Sửa Bộ luật Dân sự: Không thể sửa riêng phần sở hữu, hợp đồng

Thứ Sáu 09:47 05-03-2010

Sửa Bộ luật Dân sự: Không thể sửa riêng phần sở hữu, hợp đồng

Nhiều đề xuất táo bạo nhưng… vi hiến. Phạm vi sửa đổi đến đâu, sửa cơ bản hay chỉ sửa đổi, bổ sung những vấn đề đang bức xúc?

Ban soạn thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Dân sự vẫn chưa thể quyết trong phiên họp ngày 26-2 mà tổ biên tập đang “vướng”, phải chờ tham vấn một số cơ quan có liên quan và xin ý kiến của Thường trực Chính phủ…

Theo chương trình của Quốc hội, lần sửa đổi này chỉ tập trung vào phần liên quan đến quyền sở hữu tài sản, hợp đồng mà thôi. Trong khi đó, các chuyên gia cho rằng việc sửa hai chế định quan trọng này đã đụng tới rất nhiều quy định khác của bộ luật.

Phó Chánh án TAND Tối cao Từ Văn Nhũ nói việc xây dựng một bộ luật đồ sộ mà lại quy định chi tiết thì “về mặt lý luận là mâu thuẫn và thực tế thì không thể thực hiện được”. Ông nhận xét thêm, Bộ luật Dân sự năm 2005 có nhiều vấn đề “nổi cộm”, “bức xúc” như xử lý di sản trong trường hợp hết thời hiệu khởi kiện về thừa kế; xử lý việc hoàn trả những gì đã nhận, khôi phục tình trạng ban đầu khi hợp đồng bị tuyên là vô hiệu. “Vì thực tế có tài sản như xe ôtô đã cũ; đất đai phát sinh lợi tức từ hoa màu… luật cũng chỉ dừng lại ở quy định chung chung, giải quyết thì vướng” - ông Nhũ nói.

Với hình thức một số loại giao dịch như hợp đồng mua bán nhà, đất phải được công chứng, chứng thực hoặc đăng ký mới có hiệu lực, tổ biên tập cho rằng nhiều khi “gây ra những khó khăn cho các bên giao dịch, thủ tục hành chính rườm rà; nhà nước can thiệp vào các quan hệ dân sự mà nhẽ ra các bên có toàn quyền trong việc định đoạt tài sản của họ”. Tổ biên tập đề xuất phương án: Giao dịch có hiệu lực ngay sau khi nó được xác lập chứ không phụ thuộc vào sự thừa nhận của nhà nước thông qua việc công chứng, chứng thực hay đăng ký. Tuy nhiên, phương án này bị ông Nhũ phản đối vì: “Nếu tôi bán nhà của người khác, hợp đồng có hiệu lực ngay thì chắc chắn xã hội sẽ rối loạn”. Đa số ủng hộ phương án sửa đổi theo hướng nếu giao dịch không tuân thủ về hình thức nhưng đã hoặc đang được thực hiện thì vẫn có hiệu lực. Nếu chưa thực hiện thì các bên có quyền yêu cầu tòa án buộc các bên thực hiện quy định về hình thức trong một thời hạn…

Các thành viên ban soạn thảo cũng tranh luận chưa ngã ngũ về vấn đề có nên bỏ quy định về lãi suất cơ bản trong Bộ luật dân sự…

Tổ biên tập đề nghị rút bớt xuống còn ba hình thức sở hữu nhưng ban soạn thảo cho là vi hiến.

ĐỨC MINH – Theo Pháp luật thành phố online ngày 27/2/2010

 

Các văn bản liên quan