VCCI_Góp ý Dự thảo Thông tư quy định hồ sơ và trình tự, thủ tục xử lý nợ theo Nghị quyết số 94/2019/QH14 của Quốc hội

Thứ Sáu 08:50 19-06-2020

Kính gửi: Tổng cục Thuế – Bộ Tài chính

Trả lời Công văn số 5576/BTC-TCT ngày 08/05/2020 của Bộ Tài chính về việc góp ý Dự thảo Thông tư quy định hồ sơ và trình tự, thủ tục xử lý nợ theo Nghị quyết số 94/2019/QH14 của Quốc hội (sau đây gọi tắt là Dự thảo), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) sau khi tham vấn một số doanh nghiệp, chuyên gia, có ý kiến ban đầu như sau:

  1. Trường hợp cá nhân chết, mất tích, mất năng lực hành vi

Điều 4.1 và Điều 7.1 của Dự thảo đang quy định theo hướng:

  • Trong trường hợp có giấy chứng tử, giấy báo tử, bản án, quyết định của Toà án tuyên bố một người đã chết, đã mất tích, đã mất năng lực hành vi dân sự thì cơ quan thuế đưa vào hồ sơ khoanh nợ, xoá nợ
  • Trong trường hợp không có các giấy tờ trên thì cơ quan thuế đề nghị UBND cấp xã hoặc công an cấp xã xác nhận một người đã chết, đã mất tích hoặc đã mất năng lực hành vi dân sự

Mặc dù vậy, do không có quy định rõ nên UBND cấp xã và công an cấp xã hiện không có chức năng và năng lực để xác nhận. Các quy định về điều kiện để xác định một người đã chết, đã mất tích hoặc đã mất năng lực hành vi dân sự được xác định tại Luật Hộ tịch và Bộ luật Dân sự. Theo Luật Hộ tịch và Nghị định 123/2015/NĐ-CP thì giấy tờ thay thế Giấy báo tử gồm: (1) Giấy báo tử do cơ sở y tế cấp, (2) văn bản xác nhận việc thi hành án tử hình do hội đồng thi hành án tử hình cấp,  (3) bản án, quyết định của Toà án tuyên bố một người đã chết; (4) văn bản xác nhận của cơ quan công an hoặc kết quả giám định của cơ quan giám định pháp y. Bộ luật Dân sự quy định Toà án có chức năng tuyên bố một người đã chết, đã mất tích, đã mất năng lực hành vi dân sự, chứ không giao chức năng này cho các cơ quan khác. Do đó, việc yêu cầu UBND cấp xã hoặc công an xã xác nhận có thể sẽ không khả thi. Khi các cơ quan này từ chối xác nhận thì cũng không có cách nào xử lý. Nguy hiểm hơn, nếu các cơ quan này không nắm chắc quy định của Bộ luật Dân sự mà xác định một cách tuỳ tiện thì có thể gây ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của người nộp thuế và các bên liên quan.

Theo quy định của Bộ luật Dân sự, khi một cá nhân nợ thuế mà chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự thì cơ quan thuế cũng được coi là “người có quyền, lợi ích liên quan” nên cơ quan thuế cũng có quyền yêu cầu Toà án tuyên bố người đó đã chết, đã mất tích, đã mất năng lực hành vi dân sự. Quy trình này mặc dù có thể sẽ kéo dài hơn so với xác nhận của UBND hoặc công an cấp xã, nhưng sẽ là phù hợp với quy định của Bộ luật Dân sự, có quy định chặt chẽ về trách nhiệm và thủ tục của Toà án, và giảm rủi ro pháp lý khi xác nhận không chính xác. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung quy định theo hướng: trong trường hợp chưa có giấy báo tử, giấy chứng tử (hoặc giấy tờ thay thế theo Nghị định 123 về hộ tịch) hoặc các quyết định của Toà án tuyên bố một người đã chết, đã mất tích hoặc đã mất năng lực hành vi dân sự thì cơ quan thuế nộp đơn yêu cầu Toà án ra tuyên bố người đó đã chết, đã mất tích hoặc đã mất năng lực hành vi dân sự theo quy định của pháp luật dân sự và tố tụng dân sự.

  1. Trường hợp doanh nghiệp phá sản

Điều 4.3 và Điều 7.3 của Dự thảo quy định trường hợp doanh nghiệp đã có quyết định thụ lý phá sản hoặc đã có đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản thì sẽ được đưa vào hồ sơ để khoanh nợ, xoá nợ. Tuy nhiên, sẽ có rất nhiều trường hợp doanh nghiệp lâm vào tình trạng phá sản nhưng không làm đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản. Điều này có thể khiến cho cơ quan thuế không có cơ sở để thực hiện các thủ tục tiếp theo.

Theo quy định của Luật Phá sản, bản thân cơ quan thuế cũng được coi là một chủ nợ của doanh nghiệp và có quyền yêu cầu mở thủ tục phá sản nếu doanh nghiệp nợ thuế quá 3 tháng. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung quy định hướng dẫn các cơ quan thuế theo hướng, nếu doanh nghiệp lâm vào tình trạng phá sản thì cơ quan thế tự mình nộp đơn yêu cầu toà án mở thủ tục phá sản, để có cơ sở khoanh nợ, xoá nợ thuế.

  1. Thủ tục hành chính khi người nộp thuế lập hồ sơ theo Điều 4.6 và Điều 4.7 Nghị quyết số 94/2019/QH14

Điều 8.3 của Dự thảo quy định về trường hợp người nộp thuế lập hồ sơ đề nghị xoá nợ thuế trong trường hợp người nộp thuế bị thiệt hại vật chất do thiên tai, thảm hoạ, dịch bệnh, hoả hoạn, tai nạn bất ngờ, và trường hợp người nộp thuế cung ứng hàng hoá, dịch vụ được thanh toán trực tiếp bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước. Đây là một thủ tục hành chính nhưng chưa được thiết kế với đầy đủ các nội dung theo quy định về kiểm soát thủ tục hành chính tại Nghị định 63/2010/NĐ-CP. Đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung theo đúng tiêu chuẩn về kiểm soát thủ tục hành chính nhằm tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình áp dụng.

Trên đây là một số ý kiến ban đầu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam về Dự thảo Thông tư quy định hồ sơ và trình tự, thủ tục xử lý nợ theo Nghị quyết số 94/2019/QH14 của Quốc hội. Rất mong quý Cơ quan cân nhắc.

Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của quý Cơ quan./.