VCCI_Góp ý Dự thảo Quyết định về nhập khẩu hàng hóa thuộc Danh mục sản phẩm CNTT đã qua sử dụng cấm nhập khẩu để nghiên cứu khoa học và thực hiện các hoạt động gia công sửa chữa cho thương nhân nước ngoài

Thứ Hai 13:53 15-07-2019

Kính gửi: Vụ Công nghệ thông tin – Bộ Thông tin và Truyền thông

Trả lời Công văn số 1377/BTTTT-CNTT ngày 03/05/2019 của Bộ Thông tin và Truyền thông về việc đề nghị góp ý Dự thảo Quyết định của Thủ tướng quy định việc nhập khẩu hàng hóa thuộc Danh mục sản phẩm công nghệ thông tin (CNTT) đã qua sử dụng cấm nhập khẩu để nghiên cứu khoa học và thực hiện hoạt động gia công sửa chữa cho thương nhân nước ngoài (sau đây gọi tắt là Dự thảo), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), trên cơ sở ý kiến của doanh nghiệp, có ý kiến ban đầu như sau:

  1. Điều kiện nhập khẩu hàng hoá để nghiên cứu khoa học

Chỉ thị 09/CT-TTg giao Bộ Thông tin và Truyền thông soạn thảo dự thảo Quyết định của Thủ tướng về nhập khẩu hàng hoá thuộc Danh mục sản phẩm công nghệ thông tin đã qua sử dụng cấm nhập khẩu, trong đó “quy định cụ thể, chi tiết về điều kiện, trình tự, hồ sơ cấp phépcơ quan xử lý” khi nhập khẩu để nghiên cứu khoa học và thực hiện hoạt động gia công sửa chữa cho thương nhân nước ngoài. Đối chiếu với dự thảo thì chưa có quy định về điều kiện nhập khẩu hàng hoá để nghiên cứu khoa học. Điều 4 của Dự thảo mới chỉ nêu Nguyên tắc của việc nhập khẩu hàng hoá chứ chưa nêu các điều kiện để được nhập/không nhập hàng hoá.

Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung thêm quy định về “điều kiện nhập khẩu hàng hoá thuộc Danh mục sản phẩm công nghệ thông tin đã qua sử dụng cấm nhập khẩu để nghiên cứu khoa học”. Các điều kiện này cần được quy định một cách cụ thể, chi tiết, minh bạch, giúp doanh nghiệp và cơ quan quản lý biết được trường hợp nào được nhập, trường hợp nào không được nhập.

  1. Nguyên tắc hàng hoá phải bảo đảm các quy định về an toàn, chất lượng, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật

Điều 4.1 của Dự thảo yêu cầu “Hàng hóa nhập khẩu phải bảo đảm các quy định liên quan về an toàn, chất lượng, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia”. Thông thường, khi nhập khẩu hàng hoá, cơ quan hải quan sẽ phân loại hàng hoá xem thuộc diện phải kiểm tra chất lượng trước khi nhập khẩu hay không. Nếu thuộc diện phải kiểm tra chất lượng thì tuỳ mặt hàng, cơ quan hải quan sẽ yêu cầu hàng hoá phải được đăng ký kiểm tra, hoặc đã được kiểm tra, hoặc đã có kết quả kiểm tra thì mới được thông quan hoặc đưa ra khỏi điểm tập kết giám sát hải quan. Quy định tại Điều 4.1 không rõ là hàng hoá có phải được kiểm tra trước khi nhập khẩu hay không, nếu có thì kiểm tra theo quy định nào, ai thực hiện kiểm tra, trình tự thủ tục nào.

Đây là những hàng hoá được nhập khẩu không nhằm mục đích tiêu dùng rộng rãi trong nước, chỉ để nghiên cứu khoa học và thực hiện hoạt động gia công sửa chữa cho thương nhân nước ngoài, do đó, sẽ rất khó để ban hành quy chuẩn kỹ thuật riêng. Nếu áp dụng các quy chuẩn kỹ thuật của sản phẩm mới, vốn được xây dựng cho các hàng hoá tiêu dùng đại trà, thì có thể sẽ không phù hợp.

Với các lý do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo sửa đổi quy định theo hướng làm rõ rằng: Hàng hoá chỉ cần có Giấy phép nhập khẩu được cấp theo quy định của Quyết định này là được thông quan, không cần thực hiện việc kiểm tra chất lượng khi nhập khẩu.

  1. Nguyên tắc không cho phép nhập khẩu hàng hoá mà các nước đã công bố loại bỏ

Điều 4.2 của Dự thảo quy định “Không xem xét, cho phép nhập khẩu hàng hóa đã qua sử dụng mà các nước đã công bố loại bỏ vì lạc hậu, chất lượng kém, gây ô nhiễm môi trường.” Quy định này là cần thiết nhưng chưa đủ minh bạch về mặt thủ tục. Nhằm tăng tính minh bạch của pháp luật, đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung quy định sau: “Khi cơ quan có thẩm quyền từ chối cấp phép nhập khẩu vì lý do tại Điều 4.2 của Quyết định này thì phải nêu rõ tài liệu hoặc dẫn chứng cho thấy có quốc gia khác đã công bố loại bỏ sản phẩm vì lý do lạc hậu, chất lượng kém, gây ô nhiễm môi trường”.

  1. Hồ sơ nhập khẩu hàng hoá để nghiên cứu khoa học

Điều 5.1.c của Dự thảo yêu cầu doanh nghiệp phải nộp cả hoá đơn, vận đơn khi xin phép nhập khẩu. Quy định này là không khả thi cho các doanh nghiệp vì khi chưa được cấp phép nhập khẩu thì các doanh nghiệp sẽ không mạo hiểm gửi hàng từ nước ngoài về, và như vậy thì chưa thể có hoá đơn, vận đơn. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo loại bỏ tài liệu này trong thành phần hồ sơ. Khi nhập khẩu, doanh nghiệp sẽ phải trình Giấy phép nhập khẩu cho cơ quan hải quan, và cơ quan hải quan sẽ có bản sao hoá đơn, vận đơn, hợp đồng tương ứng. Như vậy, cơ quan quản lý chuyên ngành công nghệ thông tin có thể kết nối với cơ quan hải quan để có được các thông tin này.

  1. Thời hạn làm thủ tục

Điều 5.2.b quy định thời hạn 3 ngày cho việc kiểm tra tính đầy đủ và hợp lệ của hồ sơ. So với nhiều thủ tục hành chính trong các lĩnh vực khác thì thời hạn như vậy là quá dài. Đề nghị cơ quan soạn thảo sửa đổi như sau:

  • Trường hợp nộp hồ sơ trực tiếp thì cơ quan tiếp nhận trả lời ngay tại chỗ về tính đầy đủ và hợp lệ của hồ sơ
  • Trường hợp nộp hồ sơ qua bưu điện hoặc trực tuyến thì cơ quan tiếp nhận trả lời về tính đầy đủ và hợp lệ của hồ sơ trong vòng 01 ngày làm việc (hoặc 8h làm việc).

Điều 5.2.c mới quy định thời hạn từ khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ đến khi báo cáo Thủ tướng xem xét, quyết định việc cấp phép. Tuy nhiên, toàn bộ dự thảo chưa có quy định về thời hạn từ khi nhận hồ sơ đến khi trả kết quả. Theo Nghị định 63/2010/NĐ-CP về kiểm soát thủ tục hành chính thì một thủ tục hành chính nhất thiết phải có quy định về thời gian trả lời. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung quy định về thời gian trả lời doanh nghiệp.

Góp ý tương tự đối với Điều 7.2.b và Điều 7.2.c của Dự thảo.

  1. Hồ sơ xin phép nhập khẩu nhằm mục đích gia công hàng hoá cho thương nhân nước ngoài

Điều 6 của Dự thảo quy định về các điều kiện để được gia công sửa chữa hàng hoá. Như vậy, các thành phần hồ sơ tại Điều 7.1 sẽ nhằm chứng minh doanh nghiệp xin cấp phép thoả mãn các điều kiện đặt ra tại Điều 6, những tài liệu không nhằm mục đích này không nên được đưa vào quy định về thành phần hồ sơ.

Điều 7.1.c của Dự thảo yêu cầu doanh nghiệp phải nộp: “Hồ sơ năng lực của doanh nghiệp bao gồm: cơ sở, nhà máy sản xuất; hệ thống dây chuyền, thiết bị, thực hiện hoạt động gia công sửa chữa phù hợp với từng loại sản phẩm; nhân lực đáp ứng quy mô sản xuất; năng lực tài chính”. Thành phần hồ sơ này là không cần thiết vì nó không nhằm chứng minh cho các điều kiện được cấp phép quy định tại Điều 6. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo bỏ Điều 7.1.c của Dự thảo.

Tương tự, Điều 7.1.e cũng yêu cầu doanh nghiệp phải nộp hợp đồng gia công hàng hoá với thương nhân nước ngoài. Trong khi hồ sơ này cũng không nhằm chứng minh điều kiện tại Điều 6. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo bỏ quy định này.

  1. Thẩm quyền tiếp nhận hồ sơ

Điều 7.2 quy định hồ sơ xin phép phải được gửi về Bộ Thông tin và Truyền thông. Tuy nhiên, các nội dung về điều kiện cấp phép tại Điều 6 chỉ tập trung vào việc doanh nghiệp phải “Có phương án, biện pháp xử lý phế liệu, phế thải của quá trình gia công, bảo đảm không gây ô nhiễm môi trường theo quy định pháp luật về bảo vệ môi trường” và được thể hiện tại thành phần hồ sơ “Văn bản của cơ quan quản lý môi trường phê duyệt dự án thực hiện hoạt động gia công theo quy định của pháp luật bảo vệ môi trường” tại Điều 7.1.d. Như vậy, nếu theo quy định về thẩm quyền tại dự thảo thì doanh nghiệp sẽ phải xin văn bản này tại cơ quan bảo vệ môi trường, sau đó đưa vào thành phần hồ sơ để nộp cho Bộ Thông tin và Truyền thông. Đề nghị cơ quan soạn thảo sửa đổi quy định theo hướng cơ quan về bảo vệ môi trường sẽ là đầu mối để thực hiện thủ tục, giúp cắt giảm được một thủ tục hành chính, doanh nghiệp chỉ phải qua một cửa để xin phép.

Trên đây là một số ý kiến ban đầu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam về Dự thảo Quyết định của Thủ tướng quy định việc nhập khẩu hàng hóa thuộc Danh mục sản phẩm công nghệ thông tin (CNTT) đã qua sử dụng cấm nhập khẩu để nghiên cứu khoa học và thực hiện hoạt động gia công sửa chữa cho thương nhân nước ngoài. Rất mong cơ quan soạn thảo cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện Dự thảo này.

Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của quý Cơ quan./.