VCCI_Góp ý Dự thảo Quyết định về nhập khẩu hàng hóa thuộc Danh mục sản phẩm CNTT đã qua sử dụng cấm nhập khẩu để nghiên cứu khoa học và thực hiện các hoạt động gia công sửa chữa cho thương nhân nước ngoài
VCCI_Góp ý Dự thảo Đề cương Nghị định quy định về danh mục hàng hóa nguy hiểm và quản lý hoạt động vận chuyển hàng hóa nguy hiểm
Kính gửi: Tổng cục Đường bộ Việt Nam,
Bộ Giao thông vận tải
Trả lời Công văn số 3633/BGTVT-VT ngày 19/04/2019 của Bộ Giao thông vận tải về việc đề nghị góp ý Dự thảo Đề cương Nghị định quy định về danh mục hàng hóa nguy hiểm và quản lý hoạt động vận chuyển hàng hóa nguy hiểm (thay thế Nghị định số 29/2005/NĐ-CP ngày 10/3/2005 và Nghị định số 104/2009/NĐ-CP ngày 09/11/2009 của Chính phủ quy định danh mục hàng hóa nguy hiểm và việc vận chuyển hàng hóa nguy hiểm) (sau đây gọi tắt là Dự thảo), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), trên cơ sở ý kiến của doanh nghiệp, có ý kiến ban đầu như sau:
Về giấy phép vận chuyển hàng nguy hiểm, hiện nay nhiều doanh nghiệp phản ánh việc xin giấy phép này gặp nhiều khó khăn, thời hạn giấy phép ngắn, chưa phù hợp với chủ trương cải cách thủ tục hành chính.
Đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc phương án phân loại nhiều dạng Giấy phép vận chuyển hàng nguy hiểm, cụ thể như sau:
Thứ nhất, Giấy phép vận chuyển hàng nguy hiểm cấp cho tổ chức cung cấp dịch vụ vận tải. Các đơn vị này sẽ có quyền cung cấp dịch vụ vận chuyển hàng nguy hiểm cho các tổ chức, cá nhân khác và phải chịu trách nhiệm cho hoạt động vận chuyển đó. Điều kiện cấp loại giấy phép này có thể yêu cầu tương đối cao về số lượng, trình độ của nhân lực, phương tiện, quy trình quản lý, vận chuyển… Tuy nhiên, đi kèm với đó là quyền cung cấp dịch vụ rộng rãi cho nhiều khách thuê vận chuyển, nhiều loại hàng hoá và hưởng thù lao. Loại giấy phép này không nên có quy định về thời hạn.
Thứ hai, Giấy phép vận chuyển hàng nguy hiểm cấp cho tổ chức vận tải nội bộ. Loại giấy phép này dành cho các doanh nghiệp cần vận chuyển một số loại hàng nguy hiểm của riêng mình và có đủ phương tiện, nhân lực để đáp ứng vận chuyển đúng loại hàng hoá đó. Điều kiện để cấp loại giấy phép này thấp hơn và phù hợp với đúng loại hàng hoá mà tổ chức đó vận chuyển. Tổ chức này không được phép chở thuê hàng hoá cho tổ chức, cá nhân khác. Thời hạn của loại giấy phép này được xác định theo niên hạn của phương tiện.
Trên đây là một số ý kiến ban đầu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam về Dự thảo Đề cương Nghị định quy định về danh mục hàng hóa nguy hiểm và quản lý hoạt động vận chuyển hàng hóa nguy hiểm hiểm (thay thế Nghị định số 29/2005/NĐ-CP ngày 10/3/2005 và Nghị định số 104/2009/NĐ-CP ngày 09/11/2009 của Chính phủ quy định danh mục hàng hóa nguy hiểm và việc vận chuyển hàng hóa nguy hiểm). Rất mong cơ quan soạn thảo cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện Dự thảo này.
Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của quý Cơ quan./.