VCCI_Góp ý Dự thảo Quyết định Thủ tướng Chính phủ phê duyệt kế hoạch thực hiện Kết luận 80-KL/TW về phổ biến, giáo dục pháp luat

Thứ Sáu 09:53 28-08-2020

Kính gửi: Bộ Tư pháp

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhận được công văn số 2962/BTP-PBGDPL ngày 13/8/2020 của Quý Bộ về việc góp ý dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch thực hiện Kết luận số 80-KL/TW ngày 20/6/2020 của Ban Bí thư về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị 32-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân (sau đây gọi tắt là Dự thảo) và công văn số 2961/HĐPH ngày 13/8/2020 đề nghị góp ý Dự thảo trên và dự thảo Báo cáo kết quả hoạt động của Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật (sau đây gọi tắt là Hội đồng) các cấp 6 tháng đầu năm và phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2020.

Trên cơ sở nghiên cứu các nội dung được dự thảo, VCCI cơ bản nhất trí với các nội dung của Dự thảo, bên cạnh đó có một số ý kiến bổ sung như sau:

I. Đối với dự thảo Kế hoạch thực hiện Kết luận số 80-KL/TW

  1. Đối với dự thảo Tờ trình

Về sự cần thiết xây dựng kế hoạch (mục I):

Dự thảo Tờ trình có nêu “thời gian vừa qua công tác PBGDPL vẫn còn bộc lộ những tồn tại, hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của quản lý nhà nước, quản lý xã hội bằng pháp luật trong giai đoạn phát triển mới của đất nước”, đề nghị Quý Cơ quan xem xét bổ sung ý “chưa đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về tìm hiểu, nâng cao kiến thức pháp luật của người dân, doanh nghiệp”, vì trên thực tế, mặc dù gần đây có nhiều đổi mới, nỗ lực trong công tác PBGDPL nhưng hiệu quả chưa cao, và đây cũng là nội dung được đánh giá là điểm tồn tại, hạn chế trong dự thảo báo cáo công tác 6 tháng đầu năm 2020 của Hội đồng.

Về nội dung cơ bản của Dự thảo Kế hoạch (mục II):

Dự thảo Tờ trình nêu 09 nhóm nhiệm vụ cụ thể, tuy nhiên, để rõ ràng hơn, đề nghị Quý Cơ quan cân nhắc nhóm các nhiệm vụ gắn với yêu cầu cụ thể nào trong 04 nội dung lớn của Kết luận 80-KL/TW.

Đối với nội dung 1.1: dự thảo Tờ trình nêu: Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, các tổ chức xã hội – nghề nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp tổ chức phổ biến, quán triệt sâu rộng các nội dung của Kết luận số 80-KL/TW cho các cấp bộ Đoàn, Hội, tổ chức, cá nhân thuộc phạm vi quản lý…”. Đề nghị Quý Cơ quan xem xét nội dung “thuộc phạm vi quản lý”. VCCI có hệ thống tổ chức, bộ máy, gọi chung là “cơ quan VCCI”, còn các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân hội viên, các cá nhân thành viên Ban Chấp hành VCCI là tham gia tự nguyện, không phải là đối tượng thuộc phạm vi quản lý. Nếu quán triệt sâu rộng các nội dung của Kết luận số 80-KL/TW cho toàn thể các thành viên là điều không khả thi. Do đó, chỉ nên quy định việc quán triệt nội dung của Kết luận số 80-KL/TW và ban hành văn bản hướng dẫn, triển khai Kết luận số 80-KL/TW trong hệ thống tổ chức mình là đủ.

Đối với nội dung 1.2: cần cân nhắc kỹ hơn việc thực hiện PBGDPL bằng tiếng nước ngoài thông dụng. Trong Kết luận số 80-KL/TW không có nội dung này. Nếu PBGDPL được thực hiện bằng tiếng nước ngoài thì rất tốt, quy nhiên, cần xác định tiếng nước ngoài thông dụng là tiếng của những nước nào, PBGDPL bằng tiếng nước ngoài gồm những nội dung gì. Nếu có các hoạt động tương đương như PBGDPL bằng tiếng Việt thì không khả thi trong bối cảnh hiện nay, vì nguồn lực có hạn và đối tượng phục vụ cũng không nhiều. Nên chăng cân nhắc phương án dịch Công báo ra một số tiếng nước ngoài thông dụng và truyền thông về địa chỉ có thể tìm được những thông tin này là đủ. Hiện nay đã có nhiều nhà cung cấp dịch vụ tra cứu văn bản pháp luật bằng tiếng Anh, nên tận dụng nguồn lực xã hội này.

“Kế hoạch giao Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam chú trọng hoạt động tư vấn, đối thoại chính sách pháp luật và bố trí vào các khung giờ thu hút đông đảo khán, thính giả”: nội dung này cần được cân nhắc thêm cho hợp lý, phù hợp thực tiễn. Kết luận số 80-KL/TW lưu ý “ưu tiên khung giờ thu hút đông đảo khán, thính giả đối với các chuyên trang, chuyên mục về pháp luật”, không nên bắt buộc bố trí vào các khung giờ thu hút đông đảo khán, thính giả, vì chưa xác định được khung giờ nào là thu hút đông đảo, nên tập trung cải tiến nội dung thì sẽ thu hút khán, thính giả, một số khung giờ (ví dụ như thời sự VTV1) đang thu hút đông đảo khán giả là cũng đang thực hiện nhiệm vụ chính trị;

Đối với nội dung 1.6: Tương tự như góp ý với nội dung 1.1: VCCI chỉ có cơ quan VCCI và các hội viên, các hội viên không phải là “đối tượng thuộc phạm vi quản lý”, đề nghị Quý Cơ quan cân nhắc sửa nội dung này với VCCI là “tổ chức phổ biến pháp luật bằng mô hình, cách thức phù hợp cho các doanh nghiệp hội viên”.

Đối với nội dung 1.7: giám sát thi hành pháp luật của các cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức, viên chức, trong đó có các văn bản, chính sách về PBGDPL. Đề nghị làm rõ hơn, là trong đó có thi hành các văn bản, chính sách về PBGDPL.

  1. Đối với dự thảo Kế hoạch

Dự thảo Kế hoạch được xây dựng đã bám sát nội dung của Chỉ thị 32-CT/TW với bốn nội dung lớn cần lưu ý. Dự

2.1. Về Đổi mới nội dung, hình thức PBGDPL bảo đảm phù hợp với nhu cầu xã hội và từng nhóm đối tượng, địa bàn (điểm 2 mục II)

Tương tự như góp ý ở trên đối với Dự thảo Tờ trình, đề nghị Quý Cơ quan xem xét việc thực hiện PBGDPL bằng tiếng nước ngoài thông dụng, như vậy sẽ tốn kém và tính khả thi không cao.

Đề nghị Quý Cơ quan xem xét nội dung nghiên cứu, ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong PBGDPL”, trí tuệ nhân tạo có thể được định nghĩa như một ngành của khoa học máy tính liên quan đến việc tự động hóa các hành vi thông minh, là trí tuệ do con người lập trình tạo nên với mục tiêu giúp máy tính có thể tự động hóa các hành vi thông minh như con người. Đây cũng chỉ là một trong những thành tựu của khoa học công nghệ hiện đại. Nên chăng, chỉ cần quy định việc áp dụng thành tựu khoa học công nghệ hiện đại trong PBGDPL là đủ, không nên bó hẹp vào một hay một số hình thức nào.

Về nội dung Tổ chức đối thoại chính sách pháp luật, giải đáp pháp luật và các vướng mắc phổ biến trong áp dụng pháp luật về các lĩnh vực, phạm vi do mình quản lý…, rất khó để xác định như thế nào là vướng mắc phổ biến để giải đáp, có thể có những vướng mắc không phổ biến nhưng lại nghiêm trọng, do đó, thông qua đối thoại, giải đáp pháp luật và các vướng mắc trong áp dụng pháp luật trong phạm vi quản lý bằng các hình thức phù hợp là hợp lý.

Về yêu cầu Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam (điểm d) “chú trọng hoạt động tư vấn, đối thoại chính sách pháp luật và bố trí vào các khung giờ thu hút đông đảo khán, thính giả…”: đề nghị Quý Cơ quan xem xét như đã góp ý ở Dự thảo Tờ trình.

2.2. Về Huy động các nguồn lực xã hội tham gia công tác PBGDPL (điểm 6 mục II)

Tương tự như đã góp ý ở trên, VCCI tổ chức phổ biến pháp luật cho cộng đồng doanh nghiệp và các hội viên (là doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân theo Điều lệ VCCI).

2.3. Về Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận trong công tác PBGDPL (điểm 7 mục II)

Mục này mở đầu bằng thuật ngữ “Đề nghị” (Đề nghị Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên…”, trong khi mục 6 ở trên không có “đề nghị”. Điều này gây hiểu chưa rõ là khuyến nghị hay bắt buộc thực hiện.

Đề nghị Quý Cơ quan xem xét sử dụng thuật ngữ cho thống nhất.

2.4. Về Phụ lục Danh mục nhiệm vụ, đề án kèm theo Kế hoạch

11 Đề án trong Phụ lục đã bám sát các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu (Mục II) của Kế hoạch. Đối với đề án số 8 do VCCI chủ trì thực hiện: “Tăng cường PBGDPL cho người dân, doanh nghiệp thông qua việc huy động nguồn lực xã hội tham gia giai đoạn 2022-2027”, đề nghị Quý Cơ quan xem xét điều chỉnh thành “Tăng cường PBGDPL cho doanh nghiệp thông qua việc huy động nguồn lực xã hội hóa giai đoạn 2022-2027” cho phù hợp với chứng năng, nhiệm vụ của VCCI đã được quy định trong Điều lệ do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Mặt khác, việc phổ biến giáo dục pháp luật cho người dân đã có lực lượng Công an nhân dân, Quân đội nhân dân và chính quyền địa phương, Mặt trận tổ quốc Việt Nam các cấp.

II. Đối với dự thảo Báo cáo kết quả hoạt động của Hội đồng phổ biến, giáo dục pháp luật các cấp 6 tháng đầu năm và phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2020

  1. Kết quả đạt được

Dự thảo Báo cáo chưa đề cập đến việc phổ biến tuyên truyền pháp luật hội nhập kinh tế quốc tế, đề nghi Quý Cơ quan xem xét bổ sung, là do chưa thực hiện, chưa chú trọng hay đã thực hiện mà chưa đưa vào Báo cáo.

Điểm 2 Mục I (Tư vấn xây dựng, ban hành, thực hiện Chương trình, Đề án về PBGDPL) trong Dự thảo nêu: Thực hiện nhiệm vụ xây dựng Cổng/Trang thông tin điện tử PBGDPL của tỉnh thuộc phạm vi Đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác PBGDPL giai đoạn 2019-2021”,  trong 6 tháng đầu năm 2020, một số địa phương đã hoàn thành xây dựng Trang thông tin điện tử PBGDPL; đã chạy thử nghiệm; các địa phương khác cũng đang triển khai dưới hình thức ban hành Đề án… Đây là hoạt động cụ thể của các địa phương, còn Hội đồng chỉ có vai trò tư vấn, không nên liệt kê đây là kết quả hoạt động cụ thể của Hội đồng. Nếu có đánh giá, cần đánh giá các nội dung của cổng/trang thông tin điện tử đó đã đáp ứng yêu cầu chưa, đã đúng theo tư vấn, hướng dẫn của Hội đồng hay chưa.

Đối chiếu với Mục tiêu cụ thể đặt ra trong Quyết định 471/QĐ-TTg Phê duyệt Đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật giai đoạn 2019-2021”, đối với hoạt động ở trung ương: a) Năm 2019, xây dựng Cổng thông tin điện tử phổ biến, giáo dục pháp luật dùng chung toàn quốc trên cơ sở nâng cấp trang Thông tin điện tử phổ biến, giáo dục pháp luật của Bộ Tư pháp; liên kết, chia sẻ, cập nhật đầy đủ thông tin về pháp luật đồng bộ, thống nhất trong cả nước, thì mục tiêu này đã đạt được đến mức độ nào, vai trò của Hội đồng ở đây chưa đề cập như đối với các địa phương. Do đó, đề nghị Quý Cơ quan xem xét bổ sung để đánh giá được toàn diện.

  1. Đánh giá chung

Ngoài những kết quả đạt được có nhiều điểm khởi sắc, nổi bật, Dự thảo Báo cáo cũng chỉ ra những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân, trong đó có những tồn tại, hạn chế từ nhiều năm. Do đó, cần lưu ý những tồn tại cần được ưu tiên khắc phục, khắc phục một cách triệt để, để có thể đưa vào Kế hoạch hoạt động 6 tháng cuối năm 2020 và năm tiếp theo.

Bên cạnh đó, Báo cáo cũng nên có phần đối chiếu, so sánh với Kế hoạch đã đặt ra từ đầu năm để đánh giá những mặt đạt được, chưa đạt được, nguyên nhân, để từ đó có định hướng, giải pháp khắc phục.

  1. Phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2020

Đề nghị Quý Cơ quan xem xét bổ sung vào Phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2020 những giải pháp để khắc phục những nội dung được đánh giá còn thiếu sót, chưa đạt tiến độ/mục tiêu đặt ra trong kế hoạch.

Kết luận số 80-KL/TW nêu rõ (mục 3. Tổ chức thực hiện): Ban cán sự đảng Chính phủ lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách để thực hiện có hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; kiện toàn Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật ở Trung ương; nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan tham mưu, quản lý nhà nước về phổ biến, giáo dục pháp luật thuộc Bộ Tư pháp.

Hội đồng nên có kế hoạch cụ thể để thực hiện nội dung nói trên. Trong đó, việc nghiên cứu, đổi mới cách thức hoạt động của Hội đồng cũng là một trong những nhiệm vụ để thực hiện nội dung này, có thể ghép vào nội dung tiếp theo ở điểm a.

Bên cạnh đó, những nội dung, nhiệm vụ cần gắn với chức năng, nhiệm vụ của Hội đồng, chứ không phải là nhiệm vụ cụ thể của các địa phương hay của đơn vị nào, ví dụ như:

  • Thực hiện các chương trình, đề án về PBGDPL năm 2020, trong đó hoàn thành việc xây dựng Trang thông tin điện tử PBGDPL của địa phương theo Đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác PBGDPL giai đoạn 2019-2021” (phần Phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm): đây là hoạt động cụ thể của các đơn vị, không phải là nhiệm vụ của Hội đồng;
  • Chủ động thông tin về những nội dung chính sách tại các dự thảo luật trong quá trình soạn thảo để tạo đồng thuận xã hội trong thực hiện: Hội đồng không trực tiếp làm việc này mà sẽ là tư vấn về những nội dung chính sách…;
  • Bố trí kinh phí phục vụ cho công tác PBGDPL nói chung, hoạt động của Hội đồng nói riêng theo kế hoạch đề ra: liệu Hội đồng có thể bố trí kinh phí được không?…

Đề nghị Quý Cơ quan xem xét một số nội dung đang bị lẫn giữa nhiệm vụ, phương hướng và giải pháp chủ yếu, ví dụ như: Chú trọng hoạt động tự kiểm tra, sơ kết, tổng kết, đánh giá, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác PBGDPL thuộc phạm vi quản lý là phương hướng, nhiệm vụ chứ không phải là giải pháp. Giải pháp của nhiệm vụ này là đánh giá, chấm điểm hiệu quả công tác PBGDPL, tổng kết kết quả hoạt động của Hội đồng các cấp năm 2020, xây dựng Kế hoạch hoạt động của Hội đồng năm 2021.

Trên đây là một số ý kiến của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đối với dự thảo góp ý dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch thực hiện Kết luận số 80-KL/TW ngày 20/6/2020 của Ban Bí thư về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị 32-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân và dự thảo Báo cáo kết quả hoạt động của Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật (sau đây gọi tắt là Hội đồng) các cấp 6 tháng đầu năm và phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2020, trân trọng gửi tới Quý Cơ quan xem xét, hoàn thiện dự thảo.

Trân trọng cảm ơn.

Các văn bản liên quan