VCCI_Góp ý Dự thảo Nghị định về kinh doanh thuốc lá

Thứ Ba 10:44 06-10-2020

Kính gửi: Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương

Trả lời Công văn số 6727/BCT-CN của Bộ Công Thương về việc lấy ý kiến Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá về kinh doanh thuốc lá (sau đây gọi tắt là Dự thảo), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam có một số ý kiến ban đầu như sau:

  1. Doanh nghiệp bán lẻ sản phẩm thuốc lá

Theo quy định tại Dự thảo thì “Doanh nghiệp bán lẻ sản phẩm thuốc lá” là “doanh nghiệp mua sản phẩm thuốc lá từ doanh nghiệp phân phối sản phẩm thuốc lá hoặc doanh nghiệp bán buôn sản phẩm thuốc lá để bán trực tiếp cho người tiêu dùng” (khoản 12 Điều 3); “thương nhân bán lẻ sản phẩm thuốc lá được mua sản phẩm thuốc lá từ thương nhân phân phối sản phẩm thuốc lá hoặc thương nhân bán buôn sản phẩm thuốc lá để bán tại các địa điểm được cấp phép” (khoản 6 Điều 28).

Các quy định trên được hiểu doanh nghiệp bán lẻ sản phẩm thuốc lá sẽ không được mua sản phẩm từ doanh nghiệp sản xuất thuốc lá, doanh nghiệp bán lẻ sản phẩm thuốc lá khác để bán trực tiếp cho người tiêu dùng. Điều này chưa thật hợp lý, bởi với nguyên tắc quản lý kinh doanh thuốc lá là kiểm soát “về mức cung cấp thuốc ra thị trường (bao gồm sản lượng sản xuất và nhập khẩu thuốc lá)” (khoản 3 Điều 4 Dự thảo), Nhà nước đã kiểm soát số lượng sản phẩm thuốc lá cung cấp ra thị trường – đảm bảo mục tiêu quản lý quan trọng trong lĩnh vực này (kiểm soát nguồn cung). Các thương nhân có giấy phép thực hiện các hoạt động mua bán sản phẩm thuốc lá với nhau đều bị khống chế trong tổng sản lượng này, do đó không cần thiết phải kiểm soát về các chủ thể được thực hiện các hoạt động mua bán sản phẩm hàng hóa. Mặt khác, quy định này cũng can thiệp vào quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp một cách chưa hợp lý.

Vì vậy, để đảm bảo tính hợp lý, đề nghị Ban soạn thảo bổ sung quy định doanh nghiệp bán lẻ sản phẩm thuốc lá, thương nhân bán lẻ sản phẩm thuốc lá được quyền mua sản phẩm thuốc là từ thương nhân/doanh nghiệp sản xuất thuốc lá, thương nhân/ doanh nghiệp bán lẻ thuốc lá khác.

  1. Một số quy định về hồ sơ thực hiện thủ tục hành chính chưa đảm bảo tính minh bạch

Dự thảo có nhiều quy định liên quan đến thủ tục hành chính. Các quy định về trình tự, thủ tục khá rõ ràng, cụ thể, tuy nhiên một số quy định về hồ sơ đề nghị cấp phép chưa đảm bảo tính minh bạch, cụ thể:

Trong các quy định về hồ sơ xin cấp giấy phép, Dự thảo quy định doanh nghiệp phải cung cấp các tài liệu chứng minh đáp ứng được điều kiện kinh doanh (ví dụ: trong hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện đầu tư trồng cây thuốc lá phải có “tài liệu chứng minh doanh nghiệp đầu tư trực tiếp vùng trồng; tài liệu chứng minh có quy mô đầu tư trồng cây thuốc lá ít nhất 100 ha/vụ mỗi năm trong đó có 1 vùng trồng với diện tích trồng tối thiểu 40 ha” (khoản 3, 4 Điều 8 Dự thảo); …). Không rõ tài liệu nào sẽ chứng minh được các điều kiện kinh doanh tương ứng với từng loại giấy phép quy định tại Dự thảo? Việc không quy định cụ thể các loại tài liệu này sẽ tạo ra nhiều cách hiểu khác nhau giữa các đối tượng áp dụng và có nguy cơ sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp khi thực hiện các thủ tục hành chính.

Để đảm bảo tính minh bạch, đề nghị Ban soạn thảo quy định rõ ràng, cụ thể các loại tài liệu trong các hồ sơ đề nghị cấp giấy phép, cụ thể tại các Điều 8, 13, 34, 36 Dự thảo.

  1. Một số quy định có tính chất là “giấy phép con” và chưa đảm bảo tính minh bạch

Dự thảo có một số quy định có tính chất là “giấy phép con” (yêu cầu doanh nghiệp phải xin phép/xác nhận từ cơ quan nhà nước có thẩm quyền mới được cấp giấy phép kinh doanh), tuy nhiên Dự thảo lại không có quy định về trình tự, thủ tục hoặc dẫn chiếu tới văn bản có quy định về vấn đề này, cụ thể:

  • Văn bản xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp huyện xác nhận diện tích cây trồng thuốc lá tại mỗi vùng trồng (khoản 5 Điều 8 Dự thảo);
  • Bộ Công Thương đồng ý cho doanh nghiệp nhập khẩu nguyên liệu thuốc lá, giấy cuốn điếu thuốc lá; đăng ký hạn ngạch thuế quan mặt hàng nguyên liệu thuốc lá để sản xuất sản phẩm thuốc lá tiêu thụ trong nước (điểm c khoản 2 Điều 34);
  • Bộ Công Thương đồng ý cho doanh nghiệp nhập khẩu, sử dụng nguyên liệu thuốc lá, giấy cuốn điếu thuốc lá để thực hiện sản xuất khẩu hoặc gia công xuất khẩu sản phẩm thuốc lá (điểm d khoản 3 Điều 8 Dự thảo);
  • Bộ Công Thương đồng ý cho doanh nghiệp nhập khẩu nguyên liệu thuốc lá để sản xuất xuất khẩu hoặc gia công xuất nguyên liệu thuốc lá cho đối tượng nước ngoài (điểm d khoản 4 Điều 8 Dự thảo);
  • Bộ Công Thương đồng ý bằng văn bản việc thuê, mượn, chuyển nhượng máy móc thiết bị chuyên ngành thuốc lá của các doanh nghiệp sản xuất còn dư năng lực sản xuất sản phẩm thuốc lá (điểm b khoản 2 Điều 20);
  • Bộ Công Thương chấp thuận kế hoạch mở rộng và phát triển thị trường phân phối của Nhà cung cấp sản phẩm thuốc lá (điểm d khoản 1 Điều 25)

Kinh doanh thuốc lá là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, “thuốc lá” là sản phẩm có tác động trực tiếp đến sức khỏe con người vì vậy cần phải có các biện pháp quản lý chặt chẽ nhằm đảm bảo lợi ích công cộng này. Tuy nhiên, các biện pháp quản lý thông qua hình thức về thủ tục hành chính cần được thiết kế một cách minh bạch để các doanh nghiệp có thể nhận biết và thực hiện một cách thuận lợi. Đề nghị Ban soạn thảo quy định rõ các thủ tục để có được các loại giấy phép trên hoặc dẫn chiếu tới văn bản có quy định.

  1. Điều kiện cấp Giấy phép sản xuất sản phẩm thuốc lá (Điều 16)
  • Doanh nghiệp có được sản xuất sản phẩm thuốc lá trước khi được cấp Giấy phép sản xuất sản phẩm thuốc lá?

Theo quy định tại khoản 1 Điều 16 Dự thảo thì một trong các điều kiện để được cấp Giấy p hép sản xuất sản phẩm thuốc lá là “doanh nghiệp đang sản xuất sản phẩm thuốc lá”. Điều này có thể đưa đến cách hiểu, các doanh nghiệp trước khi được cấp Giấy phép sản xuất sản phẩm thuốc lá có thể sản xuất sản phẩm thuốc lá. Điều này dường như chưa thống nhất với quy định tại khoản 2 Điều 4 Dự thảo “tổ chức, cá nhân sản xuất, mua bán sản phẩm thuốc lá … phải có giấy phép theo quy định”.

Đề nghị Ban soạn thảo điều chỉnh lại quy định tại quy định tại khoản 1 Điều 16 Dự thảo để đảm bảo tính thống nhất trong quy định về ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện này.

  • Điều kiện về sử dụng và đầu tư nguyên liệu thuốc lá được trồng trong nước

Theo quy định tại khoản 2 Điều 16 Dự thảo thì tùy thuộc vào nguồn gốc vốn mà doanh nghiệp có phải đáp ứng điều kiện về sử dụng và đầu tư nguyên liệu thuốc lá được trồng trong nước, theo đó:

  • Doanh nghiệp không có vốn đầu tư nước ngoài phải đáp ứng tỷ lệ sử dụng nguyên liệu trong nước theo lộ trình (năm 2021 phải đạt tối thiểu 15%, từ 2021 đến 2024 mỗi năm tăng tỷ lệ lên 5%, sau năm 2025 đạt tỷ lệ 40%)
  • Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài không cần phải đáp ứng điều kiện trên

Quy định trên cần được xem xét ở các điểm sau:

  • Việc phân biệt điều kiện cấp giấy phép kinh doanh dựa trên nguồn vốn của doanh nghiệp là chưa hợp lý, tạo ra sự bất bình đẳng giữa các doanh nghiệp trong cùng điều kiện. Điều kiện kinh doanh phải được áp dụng bình đẳng giữa các doanh nghiệp muốn tham gia vào ngành, nghề này;
  • Theo phản ánh của Hiệp hội thuốc lá Việt Nam (được thể hiện trong điểm 2.7 Mục IV Tờ trình), “do điều kiện đất đai, thổ nhưỡng của Việt Nam nguyên liệu nội địa chưa thể đáp ứng yêu cầu phối chế các nhãn thuốc lá, đặc biệt là các nhãn trung và cao cấp”, “nếu buộc các doanh nghiệp sản xuất thuốc lá trong nước phải sử dụng phần lớn nguyên liệu lá trồng trong nước sẽ làm cho người tiêu dùng từ bỏ các sản phẩm thuốc lá hợp pháp sản xuất trong nước … và tìm kiếm sản phẩm thay thế bằng các sản phẩm nhập lậu”; “gia tăng chi phí vận hành cho các công ty sản xuất thuốc lá sản xuất thuốc lá nhãn trong nước làm suy yếu sức cạnh tranh của doanh nghiệp”. Như vậy, có thể thấy, theo phản ánh của doanh nghiệp, dựa trên điều kiện thực tế thì việc yêu cầu doanh nghiệp không có vốn đầu tư nước ngoài phải đáp ứng tỷ lệ tiêu thụ nguyên liệu trong nước sẽ gây khó khăn và ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước, đồng thời gia tăng nguy cơ thuốc lá nhập lậu thâm nhập vào thị trường.
  • Mục tiêu của việc áp đặt điều kiện về sử dụng và đầu tư nguyên liệu được trồng trong nước là nhằm tăng tỷ lệ vùng trồng, bảo vệ quyền lợi của người lao động. Tuy nhiên, Nhà nước nên áp dụng biện pháp quản lý hướng đến nâng cao chất lượng nguyên liệu trong nước thay vì áp đặt tỷ lệ cứng về việc sử dụng nguyên liệu được trồng trong nước.

Từ những phân tích trên, đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc, xem xét bỏ quy định về tỷ lệ sử dụng nguyên liệu trong nước theo lộ trình áp dụng cho doanh nghiệp không có vốn đầu tư nước ngoài.

  1. Sản lượng sản xuất và nhập khẩu sản phẩm thuốc lá

Một trong những biện pháp quản lý kinh doanh thuốc lá là “Nhà nước thực hiện kiểm soát về mức cung cấp thuốc lá ra thị trường (bao gồm sản lượng sản xuất và nhập khẩu thuốc lá)” (khoản 3 Điều 4 Dự thảo).

Bộ Công Thương sẽ công bố tổng sản lượng sản xuất của toàn ngành thuốc lá (khoản 1 Điều 19 Dự thảo). Trên cơ sở kết quả kinh doanh của doanh nghiệp sản xuất thuốc lá trong 03 năm và dự kiến kế hoạch sản xuất kinh doanh của 05 năm tiếp theo, Bộ Công Thương xem xét và công bố sản lượng được phép sản xuất và nhập khẩu của từng doanh nghiệp sản xuất thuốc lá trong giai đoạn 05 năm tiếp theo trong Giấy phép sản xuất sản phẩm thuốc lá của doanh nghiệp (khoản 3 Điều 19 Dự thảo).

Tổng sản lượng sản xuất của toàn ngành thuốc lá là 7,214 tỷ bao (khoản 1 Điều 20).

Với các quy định về tổng sản lượng sản xuất và nhập khẩu sản phẩm thuốc lá ở trên, đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc, xem xét vấn đề sau:

Với mức tổng sản lượng sản xuất của toàn ngành thuốc lá được xác định “cứng” là 7,214 tỷ bao và trường hợp các doanh nghiệp có cấp Giấy phép sản xuất thuốc lá đã được Bộ Công Thương công bố sản lượng được phép sản xuất và nhập khẩu trong Giấy phép thì giải quyết trường hợp các doanh nghiệp mới muốn gia nhập thị trường này như thế nào? Cơ quan nhà nước sẽ từ chối cấp giấy phép mới kể cả trong trường hợp doanh nghiệp đáp ứng được điều kiện cấp Giấy phép sản xuất sản phẩm thuốc lá? Hay là cơ quan nhà nước sẽ điều chuyển năng lực sản xuất giữa các doanh nghiệp sản xuất đã có giấy phép và doanh nghiệp mới gia nhập thị trường?

Để đảm bảo tính minh bạch về chính sách, đề nghị Ban soạn thảo giải trình và thể hiện rõ trong Dự thảo những vấn đề trên.

  1. Điều chuyển năng lực sản xuất sản phẩm thuốc lá của doanh nghiệp

Theo quy định tại khoản 3 Điều 20 Dự thảo thì Bộ Công Thương sẽ điều chuyển năng lực sản xuất sản phẩm thuốc lá từ doanh nghiệp còn dư năng lực sản xuất nhưng chưa khai thác hết năng lực và không có phương án khả thi để khai thác năng lực sản xuất sang doanh nghiệp được cấp giấy phép sản xuất, có thị trường phát triển nhưng đã hết năng lực sản xuất.

Tuy nhiên, Dự thảo lại không quy định về cách thức điều chuyển năng lực sản xuất này, ít nhất ở các điểm: doanh nghiệp phải thực hiện thủ tục nào để có được sự điều chuyển năng lực sản xuất sản phẩm thuốc lá? Trong trường hợp không có sự thỏa thuận giữa các doanh nghiệp sản phẩm thuốc lá, thì Bộ Công Thương sẽ thực hiện điều chuyển dựa trên cơ sở nào? Hình thức của việc điều chuyển năng lực sản xuất sẽ là gì (quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền? điều chỉnh giấy phép sản xuất?)?

Đề nghị Ban soạn thảo quy định rõ những vấn đề trên.

  1. Một số góp ý khác
  • Điều 21 Dự thảo và Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá không quy định rõ về thẩm quyền chấp thuận giữa Bộ trưởng Bộ Công Thương và Thủ tướng Chính phủ về trường hợp doanh nghiệp sản xuất sản phẩm thuốc lá mang nhãn hiệu thuộc sở hữu của doanh nghiệp nước ngoài để tiêu thụ tại Việt Nam. Đề nghị Ban soạn thảo quy định rõ để đảm bảo thuận lợi khi thực hiện;
  • Trình tự, thủ tục đầu tư nước ngoài theo hình thức liên doanh sản xuất sản phẩm thuốc lá:

Điểm c khoản 2 Điều 24 Dự thảo quy định, “trong thời gian 30 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ và văn bản đề nghị của doanh nghiệp, Bộ Công Thương xem xét, quyết định hoặc trình cấp có thẩm quyền”. Quy định này là không rõ về cấp nào có thẩm quyền? Thời gian cấp có thẩm quyền quyết định là bao lâu kể từ thời điểm Bộ Công Thương trình? Điều này có thể khiến cho quy trình thủ tục hành chính bị kéo dài và gây khó khăn cho các nhà đầu tư. Đề nghị Ban soạn thảo quy định rõ những vấn đề này;

  • Đề nghị Ban soạn thảo quy định rõ về trình tự, nguyên tắc chỉ định các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm thuốc lá thực hiện nhập khẩu đối với sản phẩm thuốc lá quy định tại khoản 2 Điều 29 Dự thảo.

Trên đây là một số ý kiến ban đầu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đối với Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá về kinh doanh thuốc lá. Rất mong quý Cơ quan soạn thảo cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện.

Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của quý Cơ quan.