VCCI_Góp ý Dự thảo Đề xuất sửa đổi Nghị định 72 về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng

Thứ Tư 02:13 29-07-2020

Kính gửi:  Vụ Pháp chế – Bộ Thông tin và Truyền thông

Trả lời Công văn số 1398/BTTTT-PC ngày 21/04/2020 của Bộ Thông tin và Truyền thông về việc đề nghị góp ý Dự thảo Hồ sơ đề nghị xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 72/2013/NĐ-CP ngày 15/7/2013 của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng (sau đây gọi tắt là Dự thảo), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), trên cơ sở ý kiến của doanh nghiệp, có một số ý kiến ban đầu như sau:

  1. Liên kết sản xuất tin bài giữa trang tin với cơ quan báo chí

VCCI đồng tình và hoan nghênh cơ quan soạn thảo đã có những chính sách cho phép doanh nghiệp được liên kết với cơ quan báo chí để sản xuất tin bài, từ đó giúp tạo thêm nguồn tin bài có chất lượng cho độc giả. Tuy nhiên, Dự thảo hiện yêu cầu các trang tin liên kết phải sử dụng tên miền thứ cấp của tên miền báo điện tử. Quy định này là không cần thiết, vì các lý do sau:

  • Xét về mặt quản lý nội dung trên trang tin liên kết, Dự thảo đã quy định cơ quan báo chí phải chịu trách nhiệm về nội dung, và do vậy có thể đảm bảo về chất lượng của các tin bài.
  • Xét về mặt quản lý hình thức, các quy định chỉ cần hướng tới minh bạch thông tin cho người đọc (chẳng hạn: quy định các thông tin cụ thể về trang tin, cơ quan báo chí liên kết trên giao diện) mà không cần phải yêu cầu trang tin sử dụng tên miền thứ cấp của cơ quan báo chí. Việc này vừa đảm bảo các mục tiêu quản lý, vừa đảm bảo quyền tự do lựa chọn của doanh nghiệp.

Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo bỏ quy định yêu cầu trang tin phải sử dụng tên miền thứ cấp của tên miền báo điện tử.

  1. Chính sách hạn chế “báo hóa” trang thông tin điện tử

Theo giải trình của cơ quan soạn thảo, tình trạng “báo hóa” đang được diễn ra dưới hai hình thức: (i) tự ý xào xáo tin bài, đặt tít gây sốc; (ii) sản xuất tin bài, sau đó “rửa nguồn” qua cơ quan báo chí.[1] Với hình thức (i), hiện nay Điều 36.1 Luật Báo chí đã có quy định yêu cầu trang thông tin điện tử tổng hợp phải trích dẫn nguyên văn, chính xác nguồn tin báo chí. Do vậy, nếu trang tin có dấu hiệu của việc tự ý biên soạn lại tin bài thì các cơ quan quản lý nhà nước đã có cơ sở pháp lý để xử lý, không cần thiết phải sửa đổi quy định. Với hình thức (ii), vấn đề khó khăn nhất là các trang tin đăng tin bài tự sản xuất nhưng lại có ghi rõ tên cơ quan báo chí, dù tin bài đó không hề xuất hiện trên các sản phẩm của cơ quan báo chí, khiến cho công tác quản lý, thanh kiểm tra gặp khó khăn.

Để giải quyết vấn đề này, Dự thảo đã đề xuất bổ sung các quy định, có thể được chia ra làm hai nhóm: (1) nhóm biện pháp liên quan đến minh bạch thông tin cho độc giả; và (2) nhóm biện pháp mang tính can thiệp hành chính. VCCI đồng tình với các biện pháp liên quan đến minh bạch thông tin cho độc giả, gồm quy định về đặt link gốc ngay dưới bài dẫn lại; quy định cụ thể các nội dung phải có trong giao diện tiêu đề… Các quy định này vừa giúp độc giả phân biệt được hình thức của trang tin vừa tạo thuận lợi cho cơ quan nhà nước trong việc quản lý. Chỉ cần thực hiện đủ nhóm các biện pháp minh bạch thông tin này là đủ để giải quyết vấn đề, không cần thiết phải sử dụng đến các biện pháp can thiệp hành chính như giới hạn nội dung trang thông tin điện tử (Điều 23.6.e) chỉ được đưa tin về một trong các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kinh tế, văn hóa, thể thao, giải trí, quảng cáo, an sinh xã hội. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo loại bỏ các quy định mang tính can thiệp hành chính vào hoạt động của các trang thông tin điện tử.

  1. Chính sách hỗ trợ mạng xã hội nhỏ

VCCI hoan nghênh và đánh giá cao cơ quan soạn thảo bước đầu đã có những chính sách phân loại quản lý với các mạng xã hội. Theo đó, mạng xã hội được phân loại thành mạng xã hội có lượng tương tác lớn (quản lý bằng hình thức cấp phép) và mạng xã hội có lượng tương tác thấp (quản lý bằng hình thức thông báo). Tuy nhiên, các mạng xã hội nhỏ, mới thành lập vẫn phải làm thủ tục hành chính và được Bộ gắn công cụ đo để theo dõi lượng truy cập. Theo phản ánh của các doanh nghiệp, hiện nay có thể sử dụng phương pháp xác định lượng truy cập từ Việt Nam nhờ đánh giá từ các nhà cung cấp hạ tầng dịch vụ internet. Cách thức này sẽ không cần áp dụng các công cụ đo phức tạp và giảm thủ tục hành chính đối với các mạng xã hội mới thành lập. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo sử dụng phương pháp xác định lượng truy cập từ thông tin của các nhà cung cấp dịch vụ internet và bỏ thủ tục thông báo đối với các mạng xã hội quy mô nhỏ.

  1. Chính sách hạn chế “báo hóa” mạng xã hội

Dự thảo dự kiến bổ sung các quy định nhằm hạn chế tình trạng “báo hóa” mạng xã hội. Xuất phát từ tình trạng một số mạng xã hội có giao diện giống với một tờ báo, và được quản trị viên đăng thông tin nhưng lại giả làm thông tin từ người dùng. Một số trường hợp còn giả danh báo chí để lừa đảo chiếm đoạt tài sản, thu lợi bất chính. Các biện pháp được cơ quan soạn thảo đề xuất mang nặng tính hành chính như phải hiển thị thông tin theo thời gian thực, không được sắp xếp thành các chuyên mục cố định, không được đăng tải bài viết có nội dung thể hiện như các sản phẩm báo chí. Trong khi đó, tình trạng này hoàn toàn có thể dễ dàng khắc phục bằng các biện pháp minh bạch thông tin để người đọc nhận biết rõ đâu là báo chí, đâu là mạng xã hội. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo thay thế các quy định quản lý hành chính cứng nhắc bằng các biện pháp minh bạch thông tin, ví dụ các yếu tố phải thể hiện trên giao diện của mạng xã hội để người truy cập có thể phân biệt.

  1. Các biện pháp quản lý mạng xã hội

Dự thảo đưa ra một số quy định hạn chế hoạt động của các mạng xã hội như không cho phép các mạng xã hội nhỏ được quyền thu phí người dùng, các mạng xã hội nhỏ không được cung cấp dịch vụ livestream, người dùng phải định danh 2 lớp mới được đăng tải bài viết, bình luận, tương tác. Các quy định này sẽ cản trở các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ mạng xã hội cho người dùng và ảnh hưởng đến quyền tự do kinh doanh của các doanh nghiệp.

  • Quyền thu phí dịch vụ của mạng xã hội

Dự thảo quy định chỉ các mạng xã hội được cấp phép mới có quyền thu phí dịch vụ dưới mọi hình thức. Không rõ quy định này nhằm mục đích gì nhưng sẽ can thiệp quá sâu vào quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp. Các mạng xã hội có hai nguồn thu chính là thu từ người dùng hoặc từ quảng cáo. Đối với mạng xã hội nhỏ, doanh nghiệp rất khó có thể bán được quảng cáo do chưa đủ lượt xem để thu hút các đối tác. Người dùng trả tiền cho các mạng xã hội chủ yếu để đỡ phải xem quảng cáo hoặc được sử dụng các dịch vụ gia tăng tốt hơn so với thành viên bình thường. Đây là hình thức kinh doanh hoàn toàn bình thường, hợp pháp và không có lý do gì để cấm đoán. Thêm vào đó, quy định này đi ngược lại với chính sách hỗ trợ mạng xã hội nhỏ mà cơ quan soạn thảo đặt ra. Theo phản ánh từ nhiều doanh nghiệp, trong giai đoạn đầu phát triển, họ có thể cần đến nguồn thu từ người dùng để duy trì và phát triển hoạt động do các nguồn thu khác chưa kịp hình thành. Quy định này có thể sẽ chặn đứng nguồn thu và cơ hội phát triển của các mạng xã hội nhỏ. Từ những lý do trên, đề nghị cơ quan soạn thảo bỏ quy định này.

  • Định danh người dùng trên mạng xã hội

Dự thảo bổ sung quy định mạng xã hội phải có giải pháp bảo đảm chỉ thành viên mạng xã hội (là các tài khoản đã được định danh 2 lớp (xác thực tài khoản với tên thật và số điện thoại) mới được tương tác (viết bài, đăng bình luận, livestream, tặng quà…). Tuy nhiên, quy định này cần cân nhắc ở các điểm sau:

Thứ nhất, quy định này tạo gánh nặng chi phí rất lớn cho các doanh nghiệp. Theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp, để đưa vào vận hành hệ thống định danh 2 lớp, các doanh nghiệp sẽ phải tốn rất nhiều chi phí để nâng cấp hệ thống và thuê nhân sự nhằm xác thực người dùng. Quy định này cũng đồng thời tạo ra một rào cản rất lớn với các doanh nghiệp startup muốn gia nhập thị trường;

Thứ hai, quy định này tạo ra bất lợi cho các doanh nghiệp nội địa. Không chỉ chịu bất lợi do gáng nặng về chi phí, các doanh nghiệp nội địa nếu phải tuân thủ quy định này còn có thể đối mặt với tình trạng mất người dùng. Với các người dùng hiện tại, họ có thể không thực hiện các yêu cầu xác thực để tiếp tục sử dụng dịch vụ mà chuyển sang dùng mạng xã hội khác. Với những người dùng tiềm năng, họ có thể không muốn thử sử dụng các mạng xã hội trong nước. Trong khi mạng xã hội xuyên biên giới không chịu sự điều chỉnh của các quy định này, các mạng xã hội trong nước sẽ chịu bất lợi rất lớn trong việc thu hút người dùng, từ đó vô hình chung tạo ra “bảo hộ ngược” cho các doanh nghiệp cung cấp nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới.

Từ những phân tích trên, đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc bỏ quy định này

  1. Cấp phép trò chơi

Hiện, Nghị định 72/2013/NĐ-CP quy định tất cả các trò chơi điện tử đều phải thực hiện thủ tục hành chính (cấp phép hoặc đăng ký) trước khi phát hành ra thị trường. Có một thực tế là bên cạnh những game phát hành thành công, có nhiều người chơi, thì cũng có rất nhiều game nhỏ có lượng người tải thấp, ít có khả năng gây ra tác hại cho xã hội. Tuy nhiên, việc áp dụng chính sách quản lý đồng nhất giữa tất cả các trò chơi điện tử dẫn đến thực trạng các game mới phát hành hoặc các nhà phát triển game non trẻ (startup) đang bị quản lý quá chặt, dẫn đến gặp khó khăn trong việc đưa sản phẩm ra thị trường.  Thay vào đó, việc quản lý những game nhỏ này có thể thực hiện bằng biện pháp hậu kiểm thay vì tiền kiểm như hiện tại, qua đó giảm nhẹ gánh nặng hành chính, giúp sản phẩm thuận tiện trong việc phát hành ra thị trường. Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc áp dụng phương pháp phân loại quản lý trong cấp phép trò chơi, tương tự chính sách quản lý mạng xã hội đã được đưa ra.

  1. Chính sách hỗ trợ game giáo dục

Dự thảo bổ sung quy định các doanh nghiệp phát hành trò chơi điện tử trên mạng phải phát hành trò chơi có nội dung giáo dục, và bảo đảm đạt tỷ lệ tối thiểu 10% số trò chơi được phát hành. Quy định này hướng đến mục đích tốt đẹp là nhằm tăng số lượng game giáo dục dành cho người dùng tại Việt Nam. Tuy nhiên, biện pháp này có thể sẽ không đạt được mục tiêu trên.

  • Thứ nhất, quy định này sẽ làm gia tăng chi phí cho các doanh nghiệp sản xuất game nội địa, nhưng lại không ảnh hưởng đến các doanh nghiệp nước ngoài, dẫn đến tình trạng bảo hộ ngược như đã đề cập.
  • Thứ hai, quy định này có thể sẽ dẫn đến tình trạng doanh nghiệp làm đối phó bằng cách đưa ra các game giáo dục với mức đầu tư thấp, không thu hút người chơi. Như vậy, mục tiêu để người dùng Việt Nam chơi game giáo dục sẽ không đạt được.
  • Thứ ba, việc phân loại game giáo dục và game khác sẽ gặp khó khăn trong một số trường hợp, nảy sinh thủ tục.

Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc lại biện pháp hành chính này. Thay vào đó, cơ quan soạn thảo có thể tham khảo các biện pháp hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp phát triển game giáo dục thông qua các biện pháp về thuế, phí hoặc ưu đãi về cấp tài nguyên internet, giải thưởng hoặc ưu đãi và quảng cáo game…

  1. Trách nhiệm của các kho ứng dụng

Dự thảo bổ sung trách nhiệm của các kho ứng dụng trong việc xử lý các ứng dụng/ dịch vụ vi phạm pháp luật. Để đảm bảo thuận lợi trong quá trình triển khai, đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc một số nội dung sau:

Thứ nhất, làm rõ khái niệm “vi phạm pháp luật Việt Nam”. Một trong những bất đồng giữa kho ứng dụng và cơ quan nhà nước trong khi thực hiện nghĩa vụ là thế nào được coi là “vi phạm pháp luật Việt Nam”, việc này được thực hiện theo trình tự, thủ tục cụ thể ra sao. Ví dụ, trường hợp cơ quan nhà nước cho rằng ứng dụng chưa thực hiện thủ tục đăng ký, cấp phép tại Việt Nam là vi phạm pháp luật Việt Nam. Tuy nhiên, các kho ứng dụng nước ngoài lại cho rằng chỉ những ứng dụng có nội dung không lành mạnh và đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền ra quyết định xử lý thì mới được coi là vi phạm pháp luật Việt Nam. Đây là vấn đề cần làm rõ để chính sách này có thể được thực hiện hiện quả hơn.

Thứ hai, cân nhắc lại chế tài yêu cầu dừng hoạt động nếu kho ứng dụng không tuân thủ các quy định trên. Các kho ứng dụng, đặc biệt là các kho ứng dụng xuyên biên giới (Apple Store và Google Play Store) được cài đặt và sử dụng bởi rất nhiều người dùng tại Việt Nam. Việc áp dụng chế tài này không chỉ ảnh hưởng đến việc vận hành của các kho này mà còn ảnh hưởng đến gần như toàn bộ người dùng điện thoại thông minh tại Việt Nam.

  1. Trách nhiệm của bên thanh toán

Dự thảo bổ sung quy định về trách nhiệm không được thanh toán cho các ứng dụng/dịch vụ vi phạm pháp luật cho các bên thanh toán. Hiện nay, bên cạnh phương pháp thanh toán trực tiếp cho ứng dụng/dịch vụ, xu hướng thanh toán hiện tại có thể thông qua các kho ứng dụng. Cụ thể, khi tiến hành thanh toán, dòng tiền từ phía khách hàng, thông qua ngân hàng hoặc các trung gian thanh toán, chuyển vào tài khoản của đơn vị quản lý kho ứng dụng, sau đó mới phân phối lại cho các ứng dụng/dịch vụ. Việc này sẽ khiến việc xác định khoản thanh toán nào dành cho ứng dụng/dịch vụ hợp pháp, khoản nào dành cho ứng dụng/dịch vụ bất hợp pháp. Khi đó, quy định này có thể trở nên không hiệu quả trên thực tế.

Thêm vào đó, việc yêu cầu các bên trung gian thanh toán không được thanh toán cho các ứng dụng, trò chơi, dịch vụ chưa thực hiện việc đăng ký, cấp phép cũng sẽ gây tranh cãi, tương tự như với các kho ứng dụng. Các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ thanh toán cho rằng họ chỉ có nghĩa vụ dừng thanh toán với một đối tác nào đó khi cơ quan nhà nước có yêu cầu, chứ không thể dừng thanh toán chỉ vì một ứng dụng, trờ chơi hay dịch vụ chưa làm thủ tục đăng ký, cấp phép. Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc lại quy định này.

Trên đây là một số ý kiến ban đầu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam về Dự thảo Hồ sơ đề nghị xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 72/2013/NĐ-CP ngày 15/7/2013 của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng. Rất mong cơ quan soạn thảo cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện Dự thảo này.

Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của Quý Cơ quan./.

[1] Mục 1.1, Chương II, Báo cáo đánh giá tác động.