Theo dõi (0)

Dự thảo Nghị định quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và nội dung thông tin trên mạng

Ngày đăng: 01:38 22-04-2012 | 3054 lượt xem

Cơ quan chịu trách nhiệm soạn thảo

Bộ Thông tin và Truyền thông

Trạng thái

Đã xong

Đối tượng chịu tác động

N/A,

Phạm vi điều chỉnh

Tóm lược dự thảo

NGHỊ ĐỊNH
QUẢN LÝ, CUNG CẤP, SỬ DỤNG DỊCH VỤ INTERNET
VÀ NỘI DUNG THÔNG TIN TRÊN MẠNG
(Dự thảo 3)

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Viễn thông ngày 23 tháng 11 năm 2009;
Căn cứ Luật Công nghệ Thông tin ngày 29 tháng 6 năm 2006;
Căn cứ Luật Báo chí ngày 28 tháng 12 năm 1989, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Báo chí ngày 12 tháng 6 năm 1999;
Căn cứ Nghị định số 25/2011/NĐ-CP ngày 06/4/2011 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Viễn thông;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông,

NGHỊ ĐỊNH:

Chương I 
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Nghị định này quy định chi tiết đối với việc quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và nội dung thông tin trên mạng, bao gồm quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ Internet, tài nguyên Internet, trang thông tin điện tử, dịch vụ mạng xã hội trực tuyến, dịch vụ nội dung trên mạng viễn thông, dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng; đảm bảo an toàn thông tin và an ninh thông tin trên Internet; quyền và nghĩa vụ của các tổ chức, cá nhân tham gia việc quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và nội dung thông tin trên mạng.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Nghị định này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân trong nước, tổ chức, cá nhân nước ngoài trực tiếp tham gia hoặc có liên quan đến việc quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và nội dung thông tin trên mạng.
Điều 3. Giải thích từ ngữ
1. Internet là hệ thống thông tin toàn cầu sử dụng giao thức Internet và tài nguyên Internet để cung cấp các dịch vụ và ứng dụng khác nhau cho người sử dụng.
2. Dịch vụ Internet là một loại hình dịch vụ viễn thông, bao gồm dịch vụ truy nhập Internet và dịch vụ kết nối Internet:
a) Dịch vụ truy nhập Internet là dịch vụ cung cấp cho người sử dụng Internet khả năng truy nhập đến Internet.
b) Dịch vụ kết nối Internet là dịch vụ cung cấp cho các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truy nhập Internet khả năng kết nối với nhau để chuyển tải lưu lượng Internet.
3. Giấy phép cung cấp dịch vụ Internet là giấy phép cung cấp dịch vụ viễn thông loại hình dịch vụ Internet.
4. Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet là doanh nghiệp viễn thông có giấy phép kinh doanh dịch vụ viễn thông bao gồm một hoặc cả hai loại hình dịch vụ Internet quy định tại khoản 2 Điều này (gọi tắt là Giấy phép cung cấp dịch vụ Internet).
5.  Trạm trung chuyển Internet (Internet eXchange Point - IXP)  là một mạng lưới hoặc hệ thống thiết bị Internet, được một tổ chức hoặc doanh nghiệp thiết lập để truyền tải lưu lượng Internet giữa các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trên Internet.
6. Đại lý Internet là tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ truy nhập Internet cho người sử dụng Internet thông qua “Hợp đồng đại lý Internet” ký với doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truy nhập Internet để hưởng hoa hồng hoặc bán lại dịch vụ truy nhập Internet để hưởng chênh lệch giá.
7. Người sử dụng dịch vụ truy nhập Internet là tổ chức, cá nhân giao kết hợp đồng sử dụng dịch vụ với doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truy nhập Internet hoặc chủ điểm truy nhập Internet công cộng để sử dụng các ứng dụng và dịch vụ trên Internet. 
8. Điểm truy nhập Internet công cộng là địa điểm cung cấp cho người sử dụng khả năng truy nhập Internet, bao gồm:
a) Địa điểm hoạt động của Đại lý Internet;
b) Điểm truy nhập Internet công cộng của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truy nhập Internet;
c) Điểm truy nhập Internet công cộng tại các khách sạn, nhà hàng, sân bay, bến tàu, bến xe, quán cà phê và các địa điểm cộng cộng khác. 
9. Tài nguyên Internet là tập hợp tên và số thuộc quyền quản lý của Việt Nam, được quy hoạch thống nhất để bảo đảm cho hoạt động Internet, bao gồm:
a) Tên miền quốc gia Việt Nam “.vn”, địa chỉ Internet, số hiệu mạng, các tên và số khác được các tổ chức quốc tế phân bổ cho Việt Nam thông qua Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC). 
b) Tên miền quốc tế, địa chỉ Internet, số hiệu mạng, các tên và số khác được các tổ chức quốc tế phân bổ cho các tổ chức, cá nhân sử dụng tại Việt Nam. 
10. Nhà đăng ký tên miền “.vn” là tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ đăng ký, duy trì tên miền quốc gia “.vn”.
11. Nhà đăng ký tên miền quốc tế tại Việt Nam là doanh nghiệp cung cấp dịch vụ đăng ký, duy trì tên miền quốc tế tại Việt Nam.
12. Mạng trong Nghị định này được hiểu là mạng viễn thông di động, mạng viễn thông cố định, Internet, mạng máy tính (WAN, LAN).
13. Trò chơi điện tử trên mạng là trò chơi được cung cấp trên mạng thông qua hệ thống máy chủ của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng và được sử dụng trên các thiết bị đầu cuối của người chơi như: các loại máy tính, thiết bị di động, thiết bị điều khiển và các thiết bị đầu cuối khác. Trò chơi điện tử trên mạng bao gồm: 
a) Trò chơi có sự tương tác giữa nhiều người chơi với nhau đồng thời thông qua hệ thống máy chủ trò chơi của doanh nghiệp.
b) Trò chơi chỉ có sự tương tác giữa người chơi với hệ thống máy chủ trò chơi của doanh nghiệp.
c) Trò chơi có sự tương tác giữa nhiều người chơi với nhau nhưng không có sự tương tác giữa người chơi với hệ thống máy chủ trò chơi của doanh nghiệp.
d) Trò chơi được tải về qua mạng, không có sự tương tác giữa người chơi với nhau và giữa người chơi với hệ thống máy chủ trò chơi của doanh nghiệp.
14. Cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng là việc thiết lập hệ thống thiết bị,  triển khai các phần mềm mà doanh nghiệp có quyền sử dụng hợp pháp để cung cấp cho người sử dụng khả năng chơi các trò chơi điện tử trên mạng.
15. Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng là doanh nghiệp được cấp giấy phép cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng.
16. Người sử dụng dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng (gọi tắt là người chơi) là cá nhân chơi trò chơi điện tử trên mạng thông qua việc giao kết hợp đồng với doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng.
17. Điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng là địa điểm cung cấp cho nhiều người chơi khả năng truy cập và chơi các trò chơi điện tử trên mạng, bao gồm:  
a) Điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng; 
b) Điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng của đại lý Internet.
c) Điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng của tổ chức, cá nhân khác.
18. Điểm thưởng: Là các hình thức thưởng tương đương cách tính điểm mà người chơi nhận được trong quá trình tham gia trò chơi.
19. Vật phẩm ảo: Là hình ảnh đồ họa của một đồ vật, một nhân vật theo quy tắc nhất định do nhà sản xuất trò chơi đó thiết lập. Vật phẩm ảo chỉ tồn tại trong trò chơi mà nó được khởi tạo
20. Thông tin trên mạng là thông tin được cung cấp, truyền đưa, thu thập, xử lý, lưu trữ và trao đổi thông qua mạng.
21. Thông tin công cộng là thông tin của một tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân cung cấp đồng thời cho nhiều đối tượng được tiếp cận thông tin mà không cần xác định trước danh tính cụ thể khi lưu trữ, truyền đưa trên mạng.
22. Dịch vụ nội dung trên mạng viễn thông di động, cố định là dịch vụ cung cấp thông tin công cộng cho thuê bao viễn thông di động, cố định thông qua việc sử dụng kho số viễn thông do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp.
23. Nguồn tin chính thức là những thông tin được đăng, phát trên báo chí Việt Nam hoặc trên các trang thông tin điện tử của các cơ quan Đảng, Nhà nước phù hợp với quy định pháp luật về báo chí, về bản quyền.
24. Nguồn tin hợp pháp là thông tin của các tổ chức, doanh nghiệp được quyền phát hành thông tin và chịu trách nhiệm về thông tin đó theo quy định của pháp luật.
25. Thông tin tổng hợp là thông tin được tổng hợp từ nhiều nguồn thông tin hoặc nhiều loại hình thông tin về một hoặc nhiều lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội.  
26. Đăng lại thông tin chính thức là việc trích dẫn nguyên văn, chính xác từ nguồn tin chính thức, không bình luận và phải ghi rõ tên tác giả, tên cơ quan của nguồn tin chính thức, thời gian đã đăng, phát thông tin đó. 
27. Trang thông tin điện tử (website) là một hoặc tập hợp nhiều trang thông tin được trình bày dưới dạng ký hiệu, số, chữ viết, hình ảnh, âm thanh và các dạng thông tin khác phục vụ cho việc cung cấp, sử dụng và trao đổi thông tin trên Internet. Trang thông tin điện tử của tổ chức, cá nhân tại Việt Nam được phân loại như sau: 
a) Báo điện tử.
b) Trang thông tin điện tử tổng hợp là trang thông tin điện tử của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp cung cấp thông tin tổng hợp trên cơ sở đăng lại thông tin chính thức.
 c) Trang thông tin điện tử nội bộ là trang thông tin điện tử của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp cung cấp thông tin về chức năng, quyền hạn, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, dịch vụ, sản phẩm, ngành nghề và các thông tin cần thiết khác phục vụ cho  hoạt động của chính cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đó và không đăng lại thông tin chính thức.
d) Trang thông tin điện tử cá nhân là trang thông tin điện tử do cá nhân thiết lập để cung cấp, trao đổi thông tin của chính cá nhân đó, không đại diện cho tổ chức hoặc cá nhân khác và không đăng lại thông tin chính thức. Trang thông tin điện tử của cá nhân có thể do cá nhân tự thiết lập hoặc thiết lập sử dụng dịch vụ mạng xã hội (blog).
đ) Trang thông tin điện tử ứng dụng chuyên ngành là trang thông tin điện tử của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ ứng dụng trong các lĩnh vực công nghệ thông tin, phát thanh truyền hình, thương mại, tài chính, ngân hàng, văn hóa, y tế, giáo dục và các lĩnh vực chuyên ngành khác trên Internet. 
28. Dịch vụ mạng xã hội là dịch vụ cung cấp cho cộng đồng người sử dụng Internet khả năng tương tác, chia sẻ, lưu trữ và trao đổi thông tin với nhau, bao gồm dịch vụ tạo trang thông tin điện tử cá nhân (blog), diễn đàn (forum), trò chuyện trực tuyến (chat), chia sẻ hình ảnh và các hình thức dịch vụ tương tự khác.
29. An ninh thông tin là đặc tính của thông tin đặc trưng bởi khả năng bảo đảm tính bí mật, tính toàn vẹn và tính sẵn sàng của thông tin.
a) Bảo đảm tính bí mật là bảo đảm tính riêng tư (thông tin được sử dụng cho đúng đối tượng) và bảo mật (ngăn chặn việc tiết lộ thông tin).
b) Bảo đảm tính toàn vẹn là bảo đảm sự chính xác (ngăn chặn việc phá hoại hoặc thay đổi thông tin bất hợp pháp) và bảo đảm tính xác thực (tin cậy) của thông tin.
c) Bảo đảm tính sẵn sàng là bảo đảm tính khả dụng (sử dụng thông tin kịp thời và tin cậy) và bảo đảm khả năng phục hồi (khôi phục thông tin bị hỏng, mất mát).
30. Bảo đảm an ninh thông tin trên Internet là các hoạt động quản lý, nghiệp vụ và kỹ thuật thực hiện kiểm soát và bảo vệ thông tin và hệ thống thông tin trong quá trình truyền đưa, lưu trữ, xử lý thông tin trên mạng Internet nhằm bảo đảm an ninh thông tin. Bảo đảm an ninh thông tin bao hàm các nội dung bảo vệ và bảo mật thông tin, an toàn dữ liệu, an ninh máy tính và an ninh mạng.
31. Bảo đảm an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội trên Internet là các hoạt động quản lý, kiểm soát, phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, đấu tranh chống các hành vi lợi dụng Internet để xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội và lợi ích của công dân; phòng, chống lộ, mất bí mật nhà nước qua Internet; điều tra và truy tố tội phạm mạng.
32. Sự cố an ninh thông tin trên mạng Internet là sự kiện đã, đang hoặc có khả năng xảy ra gây mất an ninh thông tin trên mạng Internet được phát hiện thông qua việc giám sát, đánh giá, phân tích của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan hoặc được cảnh báo từ các chuyên gia, tổ chức về lĩnh vực an ninh thông tin trong nước và trên thế giới (sau đây được gọi tắt là “sự cố an ninh thông tin” hay “sự cố mạng Internet”).
Điều 4. Chính sách phát triển và quản lý
1. Thúc đẩy việc sử dụng Internet trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo, y tế,  nghiên cứu khoa học, công nghệ; đưa Internet băng rộng đến trường học, công sở, hộ gia đình, khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
2. Khuyến khích phát triển các nội dung, ứng dụng phục vụ cho người Việt Nam trên Internet.  
3. Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn việc sử dụng thông tin, các tiện ích, ứng dụng trên Internet đến mọi tầng lớp trong xã hội để tăng năng suất lao động, tạo việc làm và nâng cao chất lượng cuộc sống.
4. Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, hướng dẫn pháp luật về Internet. Có biện pháp bảo vệ trẻ em khỏi tác động tiêu cực của Internet và ngăn chặn những hành vi lợi dụng Internet gây ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, vi phạm đạo đức, thuần phong mỹ tục và vi phạm các quy định của pháp luật. Tăng cường công tác quản lý các điểm truy nhập Internet công cộng và các điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng công cộng.
5. Khuyến khích và tạo điều kiện sử dụng rộng rãi tên miền quốc gia “.vn” và thế hệ địa chỉ Internet IPv6. 
6. Tăng cường hợp tác quốc tế về Internet trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, bình đẳng, các bên cùng có lợi, phù hợp với pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Điều 5. Các hành vi bị cấm
1. Lợi dụng việc cung cấp, sử dụng Internet và thông tin trên mạng nhằm mục đích:
a) Chống lại nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam; gây phương hại đến an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội; phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân; tuyên truyền chiến tranh xâm lược, khủng bố; gây hận thù, mâu thuẫn giữa các dân tộc, sắc tộc, tôn giáo;
b) Tuyên truyền, kích động bạo lực, dâm ô, đồi trụy, tội ác, tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan, phá hoại thuần phong, mỹ tục của dân tộc.
2. Tiết lộ bí mật nhà nước, bí mật quân sự, an ninh, kinh tế, đối ngoại và những bí mật khác do pháp luật quy định.
3. Đưa thông tin xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân.
4. Quảng cáo, tuyên truyền, mua bán hàng hoá, dịch vụ bị cấm; truyền bá tác phẩm báo chí, văn học, nghệ thuật, xuất bản phẩm bị cấm.
5. Cản trở trái pháp luật, gây rối, phá hoại hệ thống máy chủ tên miền quốc gia, hệ thống thiết bị cung cấp dịch vụ Internet và thông tin trên mạng, việc truy cập thông tin và sử dụng hợp pháp các dịch vụ trên Interrnet của tổ chức, cá nhân.
6. Dùng thông tin cá nhân giả mạo để cung cấp thông tin công cộng và sử dụng dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng; Sử dụng trái phép tài nguyên Internet, mật khẩu, khoá mật mã, thông tin riêng của các tổ chức, cá nhân. 
7. Phát tán các nội dung thông tin giả mạo cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp khác, thông tin sai sự thật xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân. Tạo đường dẫn trái phép đối với tên miền của tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân. Gửi thư điện tử rác hay quảng cáo trái pháp luật.
8. Tạo ra, cài đặt, phát tán các phần mềm độc hại, vi rút máy tính, để thực hiện một trong những hành vi quy định tại Điều 71 Luật Công nghệ thông tin. Xâm nhập trái phép, chiếm quyền điều khiển hệ thống thông tin nhằm tạo lập công cụ tấn công trên Internet hay nhằm thực hiện các hành vi bị cấm quy định tại Điều 70 và Điều 72 Luật Công nghệ thông tin

Lĩnh vực liên quan

Phiên bản 1

Dự thảo

Ngày nhập

22/04/2012

Đã xem

3054 lượt xem

Thông tin tài liệu

Số lượng file 1

Cơ quan soạn thảo Bộ Thông tin và Truyền thông

Loại tài liệu Nghị định

Đăng nhập để theo dõi dự thảo

Ý kiến của VCCI

Ý kiến về dự thảo ( 0 ý kiến )

Văn bản vui lòng gửi tới địa chỉ (có thể gửi qua fax hoặc email):
Ban pháp chế VCCI - số 9 Đào Duy Anh, Đống Đa, Hà Nội.
Điện thoại: 024 3577 0632 / 024 3577 2002 - số máy lẻ : 355. Fax: 024 3577 1459.
Email: xdphapluat@vcci.com.vn / xdphapluat.vcci@gmail.com