VCCI_ Góp ý Dự thảo Thông tư hướng dẫn xác định giá khởi điểm để đấu giá cho thuê, chuyển nhượng có thời hạn quyền khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ

Thứ Sáu 16:31 15-03-2019

Kính gửi: Cục Quản lý giá, Cục Quản lý công sản – Bộ Tài chính

            Trả lời công văn số 1152/BTC-QLG ngày 24/01/2019 của Bộ Tài chính lấy ý kiến về Dự thảo Thông tư hướng dẫn xác định giá khởi điểm để đấu giá cho thuê, chuyển nhượng có thời hạn quyền khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ (sau đây gọi là Dự thảo), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), sau khi tham khảo ý kiến của các doanh nghiệp và chuyên gia, có một số ý kiến như sau:

VCCI ủng hộ việc cho thuê, chuyển nhượng tài sản công như hạ tầng giao thông đường bộ để các doanh nghiệp tư nhân khai thác và vận hành. Điều này giúp tài sản này được khai thác hiệu quả, mang lại nhiều giá trị gia tăng, tránh lãng phí, đồng thời cũng giúp tinh giản bộ máy Nhà nước. Tuy nhiên, trong quá trình cho thuê, chuyển nhượng rất dễ phát sinh nguy cơ xin cho, nhũng nhiễu, tiêu cực. Do đó, việc đưa ra một phương pháp xác định giá thuê, giá chuyển nhượng hợp lý, minh bạch sẽ giúp thu hút các doanh nghiệp tham gia thuê, nhận chuyển nhượng tài sản, đồng thời giảm nguy cơ bị lợi dụng để trục lợi.

  1. Phương pháp xác định giá khởi điểm cho thuê (Điều 5)

Điều 5 của Dự thảo quy định, giá khởi điểm đấu giá cho thuê được tính theo phương pháp chi phí hoặc phương pháp so sánh, trong đó ưu tiên phương pháp chi phí. Sau khi tham khảo ý kiến của nhiều chuyên gia và doanh nghiệp, VCCI nhận thấy, đối với tài sản là hạ tầng giao thông đường bộ thì phương pháp chi phí và so sánh không thực sự phù hợp.

Các tài sản như hạ tầng giao thông đường bộ có yếu tố địa tô chênh lệch rất lớn, doanh thu phụ thuộc rất nhiều vào vị trí của tài sản, mà ít phụ thuộc vào chi phí. Khi Nhà nước đầu tư các công trình hạ tầng, mục đích chính luôn là để phát triển kinh tế, xã hội, thậm chí cả quốc phòng, an ninh. Việc thu phí chỉ nhằm hoàn vốn đầu tư ban đầu. Tình trạng 2 công trình hạ tầng có chi phí đầu tư ngang nhau, nhưng do ở vị trí khác nhau nên doanh thu chênh lệch rất lớn.

Nếu áp dụng phương pháp chi phí để tính giá thuê, có thể sẽ dẫn đến tình trạng sẽ không có doanh nghiệp nào muốn tham gia đấu giá những tài sản tại khu vực vùng sâu vùng xa, hoặc những tài sản mới đi vào vận hành, các chi phí khấu hao, chi phí vốn vay còn lớn trong khi doanh thu lại chưa bảo đảm. Như vậy sẽ không bảo đảm mục tiêu thu hút tư nhân tham gia quản lý, vận hành hạ tầng giao thông đường bộ.

Khi cân nhắc việc có đầu tư thuê hạ tầng giao thông đường bộ để kinh doanh, các nhà đầu tư sẽ quan tâm nhiều nhất đến yếu tố doanh thu. Doanh thu khai thác công trình giao thông đường bộ phụ thuộc vào 3 yếu tố: lưu lượng xe, mức thu và thời gian thu. Đây đều là những yếu tố có thể tính toán hoặc kiểm soát được. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc việc ưu tiên sử dụng phương pháp thu nhập so với phương pháp chi phí và phương pháp so sánh để xác định giá khởi điểm.

  1. Lợi nhuận dự kiến Nhà nước thu được từ khai thác tài sản

Điều 6 của Dự thảo quy định một trong những thành phần để tính giá khởi điểm khi chuyển nhượng là “Tổng lợi nhuận dự kiến Nhà nước thu được từ việc khai thác tài sản trong thời gian chuyển nhượng”. Nội dung này không thực sự phù hợp với nguyên tắc đầu tư xây dựng các công trình giao thông đường bộ.

Cần thống nhất rằng Nhà nước đầu tư xây dựng các công trình giao thông đường bộ thì mục tiêu quan trọng nhất là cung cấp dịch vụ công cho người dân và doanh nghiệp, giúp phát triển kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng. Việc thu phí chỉ nhằm mục đích bù đắp chi phí bỏ ra chứ không thể bao gồm mục đích sinh lợi. Nếu Nhà nước thu phí sử dụng đường bộ lại bao gồm cả lợi nhuận thì đây là kinh doanh dịch vụ hạ tầng, không còn là cung cấp dịch vụ công cho người dân nữa. Việc Nhà nước thu lợi nhuận khi đầu tư hạ tầng sẽ làm tăng gánh nặng nộp phí đường bộ lên người dân và doanh nghiệp, trong khi người dân và doanh nghiệp đã nộp thuế để Nhà nước thực hiện công việc này.

Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo loại bỏ khoản lợi nhuận cho Nhà nước khi tính giá khởi điểm. Nếu có, Nhà nước chỉ nhận chi phí lãi vay với lãi suất hợp lý, tương đương lãi suất trái phiếu chính phủ.

Trên đây là một số ý kiến của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam về Dự thảo Thông tư hướng dẫn xác định giá khởi điểm để đấu giá cho thuê, chuyển nhượng có thời hạn khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ. Kính mong cơ quan soạn thảo xem xét, cân nhắc.

Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của Quý Cơ quan./.