VCCI góp ý Dự thảo Thông tư quản lý giống cây trồng ngắn ngày

Thứ Hai 09:54 01-02-2016

Kính gửi: Cục Trồng trọt

        Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Trả
lời Công văn số 10027/BNN-TT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ngày
11/12/2015 về việc đề nghị góp ý Dự thảo Thông tư về quản lý giống cây trồng ngắn
ngày (sau đây gọi tắt là Dự thảo), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam,
trên cơ sở ý kiến của doanh nghiệp, hiệp hội, có một số ý kiến như sau:

Thông
tư này có nhiều quy định liên quan đến thủ tục hành chính, vì vậy các quy định
cần phải rõ ràng, cụ thể, tạo cách hiểu thống nhất, để hạn chế các tiêu cực
phát sinh và tạo thuận lợi trong quá trình áp dụng. Một số quy định tại Dự thảo
chưa đáp ứng được yêu cầu này, đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc, xem xét để hoàn
thiện.

1.
Về
chỉ định cơ sở khảo nghiệm giá trị canh tác, giá trị sử dụng (VCU) đối với giống
cây trồng chính

Điều
5 Dự thảo quy định về trình tự, thủ tục chỉ định cơ sở khảo nghiệm giá trị canh
tác, giá trị sử dụng đối với giống cây trồng chính trong đó có quy định, sau
khi thực hiện các hoạt động thẩm định đánh giá tại chỗ các điều kiện thực hiện
khảo nghiệm VCU giống cây trồng chính, Cục trưởng Cục Trồng trọt sẽ trình Bộ
trưởng cho ý kiến về việc công nhận cơ sở đủ điều kiện thực hiện khảo nghiệm.
Và trên cơ sở ý kiến của Bộ trưởng thì Cục trưởng Cục Trồng trọt sẽ ký Quyết định
chỉ định cơ sở khảo nghiệm VCU.

Việc
trình tự thủ tục để chỉ định cơ sở khảo nghiệm VCU phải trải qua bước “xin ý kiến
của Bộ trưởng” trước khi cấp phép cho cơ sở khảo nghiệm dường như là chưa hợp
lý ở điểm:


Quy trình xem xét các điều kiện để cấp
phép thực hiện khảo nghiệm đã được tiến hành khá chặt chẽ bởi cơ quan, cá nhân
có chuyên môn trước đó. Kết quả kiểm tra này có thể đủ để cơ quan nhà nước có thẩm quyền (cụ thể ở đây là Cục Trồng trọt)
ra quyết định cấp phép hay không cho cơ sở khảo nghiệm. Việc thêm một bước
trình lên Bộ trưởng sẽ kéo dài thêm cho thủ tục cấp phép này.

Hơn nữa, về mặt thực tế, việc từng bộ hồ sơ cấp phép
phải xin ý kiến Bộ trưởng rồi mới cấp phép liệu Bộ trưởng có bị “quá tải” khi
phải giải quyết quá nhiều việc? Và vai trò của cơ quan chuyên môn ở đây thể hiện
như thế nào, khi được ủy quyền thực hiện quản lý trong lĩnh vực về giống cây trồng,
trong khi Bộ trưởng lại phải cho ý kiến đối với từng vụ việc cụ thể thuộc lĩnh
vực chuyên môn mà cơ quan này phụ trách.

Mặt khác, đối với thủ tục chỉ định lại cơ sở khảo
nghiệm sau khi thời hạn giấy phép hết hiệu lực thì lại do Cục trưởng Cục Trồng
trọt quyết định việc cấp phép lại mà không thấy có quy định về việc xin ý kiến
Bộ trưởng về vấn đề này, trong khi đó quy trình để chỉ định lại cũng gần như
tương tự như quy trình cấp phép từ đầu (cũng kiểm tra về việc đáp ứng các điều
kiện của cơ sở khảo nghiệm).


Theo Quyết định 663[1], Cục
Trồng trọt có chức năng quản lý hoạt động cơ sở khảo nghiệm, do đó, việc Cục cấp
Giấy chứng nhận cũng là phù hợp với chức năng, nhiệm vụ cũng như thẩm quyền.


Về tính minh bạch: Dự thảo cũng không
quy định trong khoảng thời gian bao lâu kể từ khi Cục trưởng Cục Trồng trọt
trình thì Bộ trưởng sẽ có ý kiến? Và Bộ trưởng sẽ dựa vào căn cứ nào để cho ý
kiến đồng ý hay không đồng ý đối với bản trình của Cục trưởng Cục Trồng trọt.
Thiếu vắng quy định về các vấn đề này sẽ khiến cho quy trình cấp phép trở nên
thiếu minh bạch.

Từ
những phân tích trên, đề nghị Ban soạn thảo sửa quy trình cấp phép cho
cơ sở khảo nghiệm tại Điều 5 theo hướng: bỏ quy trình xin ý kiến Bộ trưởng về
việc cấp phép cho cơ sở khảo nghiệm. Trong trường hợp có giải trình hợp lý về
việc giữ quy định này, đề nghị quy định rõ về thời hạn Bộ trưởng sẽ có ý
kiến kể từ ngày nhận bản trình của Cục trưởng Cục Trồng trọt và căn cứ để Bộ
trưởng cho ý kiến.

2.
Căn
cứ để cơ quan quản lý nhà nước tiến hành kiểm tra doanh nghiệp

Dự
thảo có một số quy định liên quan đến hoạt động kiểm tra doanh nghiệp của cơ
quan có thẩm quyền phục vụ cho mục tiêu quản lý Nhà nước. Tuy nhiên, một số quy
định về căn cứ kiểm tra còn chưa đủ rõ ràng, có thể khiến cho quyết định kiểm
tra dựa hoàn toàn vào ý chí chủ quan của cán bộ thực thi, ảnh hưởng đến quyền lợi
hợp pháp của doanh nghiệp, ví dụ:


Về
kiểm tra cơ sở khảo nghiệm:
Khoản 3 Điều 6 Dự thảo quy định,
ngoài hoạt động kiểm tra định kỳ có kế hoạch và thông báo trước, cơ quan quản
lý có thể tiến hành kiểm tra đột xuất trong “trường hợp cần thiết”. Việc kiểm
tra đột xuất là cần thiết, nhằm đảm bảo các doanh nghiệp thực hiện tốt và chấp
hành các quy định pháp luật. Tuy nhiên, cần đưa ra căn cứ cụ thể, rõ ràng
hơn
thay vì căn cứ chung chung “trường hợp cần thiết” (chẳng hạn như có căn
cứ về việc cơ sở khảo nghiệm không đáp ứng điều kiện theo quy định; …), để hạn
chế tình trạng lạm dụng quy định, gây khó khăn cho doanh nghiệp bằng việc kiểm
tra liên tục vì xét thấy “cần thiết”.

Góp ý tương tự đối với quy định tại điểm b khoản 1
Điều 10 Dự thảo.


Góp ý tương tự đối với căn cứ để tiến
hành kiểm tra trực tiếp hoạt động khảo nghiệm của tổ chức, cá nhân có giống cây
trồng mới tự khảo nghiệp quy định tại khoản 2 Điều 10 Dự thảo. Dự thảo cần
quy định cụ thể
hơn các trường hợp cơ quan nhà nước tiến hành kiểm tra trực
tiếp này.

3.
Quy
định về giấy phép nhưng lại thiếu trình tự, thủ tục cũng như tiêu chí để cấp
phép


Về
khảo nghiệm giống có tính trạng đặc thù
:

Khoản 4 Điều 8 Dự thảo quy định, trường hợp giống khảo
nghiệm có tính đặc thù, cơ sở khảo nghiệm không đủ điều kiện để khảo nghiệm, tổ
chức hoặc cá nhân có giống được phép tự
khảo nghiệm
sau khi có văn bản để nghị
và được sự đồng ý của Cục Trồng trọt
. Quy định này là không rõ về trình tự
thủ tục để có được sự đồng ý của Cục Trồng trọt cũng như các căn cứ để cơ quan
nhà nước có thẩm quyền này quyết định cho phép hay không? Để đảm bảo thuận lợi
trong quá trình thực hiện, đề nghị Ban soạn thảo quy định rõ trình tự thủ
tục cũng như căn cứ để cơ quan quản lý nhà nước quyết định đồng ý hay không?


Về
giống cây trồng được phép sản xuất kinh doanh
: Theo quy định
tại điểm a khoản 5 Điều 19 Dự thảo thì đối với những giống cây trồng ngắn ngày
không thuộc giống cây trồng chính, đang được sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam,
nhưng chưa có tên giống trong Danh mục giống cây trồng được phép sản xuất kinh
doanh được ban hành trước khi Thông tư này có hiệu lực, tổ chức, cá nhân đang sản
xuất, kinh doanh giống phải có “xác nhận của ít nhất 01 Sở Nông nghiệp và Phát
triển nông thôn nơi giống đang được sản xuất” để thực hiện thủ tục đề nghị đưa
giống vào Danh mục giống cây trồng được phép sản xuất, kinh doanh.

Tuy nhiên, Dự thảo lại không có quy định về trình tự,
thủ tục để có được giấy xác nhận này, cũng như căn cứ để Sở xác nhận hay từ chối
xác nhận.

Việc thiếu vắng quy định về thủ tục này sẽ tạo lúng
túng cho các đối tượng trong thực tế áp dụng, đặc biệt là gây khó khăn cho các
tổ chức, cá nhân có giống cây trồng đang được sản xuất, kinh doanh. Vì vậy, đề
nghị Ban soạn thảo
quy định về thủ tục này hoặc dẫn chiếu tới văn bản có
quy định.

4.
Một
số quy định khác chưa đảm bảo tính minh bạch


Về
điều kiện sản xuất thử
: Điểm b khoản 2 Điều 11 Dự thảo
quy định về điều kiện năng suất trong khảo nghiệm VCU so với giống đối chứng,
trong đó có quy định một số chỉ tiêu/đặc điểm khá cụ thể đối với một số giống
lúa như Indica, Japonica. Điểm chưa rõ ràng ở quy định này là: tại sao lại chỉ
yêu cầu các đặc điểm cụ thể đối với các loại giống lúa này trong khi các loại
giống lúa khác thì lại không thấy có quy định? Không rõ đối với các loại giống
khác thì cần phải đáp ứng tiêu chuẩn cụ thể nào không? Ban soạn thảo cần giải
trình rõ điều này để đảm bảo tính minh bạch trong chính sách.


Về
loại bỏ giống cây trồng ra khỏi Danh mục giống cây trồng được phép sản xuất
kinh doanh
: Điểm c khoản 1 Điều 20 Dự thảo quy định “Chủ sở hữu
giống cây trồng đề nghị đưa giống ra khỏi Danh mục giống cây trồng được phép sản
xuất, kinh doanh” là một trong những căn cứ để loại bỏ giống cây trồng ra khỏi
Danh mục. Điều này là hợp lý trong trường hợp chủ sở hữu giống không chuyển
giao quyền sử dụng, khai thác giống cây trồng cho một chủ thể khác. Nếu trong
trường hợp đã có sự chuyển giao quyền sử dụng, khai thác cho chủ thể khác (mà
không chuyển quyền sở hữu) thì trường hợp này, chủ sở hữu sẽ bị hạn chế quyền định
đoạt đối với giống cây trồng. Do đó, Dự thảo cần thiết kế lại căn cứ này để đảm
bảo quyền lợi cho các chủ thể khác có liên quan.

Trên đây là một số ý kiến ban đầu của Phòng Thương mại và
Công nghiệp Việt Nam đối với Dự thảo Thông tư về quản lý giống
cây trồng ngắn ngày. Rất mong cơ
quan soạn thảo cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện.

Ngoài ra gửi kèm theo một số góp ý cụ thể về Dự thảo mà một
số doanh nghiệp gửi cho Phòng Thương mại và Công nghiệp để Quý Cơ quan tham khảo.

Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của quý Cơ quan.

 


[1] Quyết định số
663/QĐ-BNN-TCCB của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ngày 04/04/2014
quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Trồng trọt.