VCCI_Góp ý Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung các Nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công Thương

Thứ Năm 11:37 22-08-2019

Kính gửi: Vụ Pháp chế, Bộ Công Thương

Trả lời Công văn số 5231/BCT-PC về việc đề nghị góp ý Dự thảo Nghị định sửa đổi một số Nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Công Thương (sau đây gọi tắt là Dự thảo), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, trên cơ sở ý kiến của doanh nghiệp, có một số ý kiến như sau:

  1. Về sửa đổi, bổ sung một số quy định của Nghị định 116/2017/NĐ-CP quy định điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô
  2. Những quy định tại Nghị định 116 được sửa đổi tại Dự thảo

Dự thảo đã sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến yêu cầu về an toàn, vệ sinh lao động, phòng cháy, chữa cháy của các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô, theo đó:

  • Bỏ các điều kiện “có đủ nhân lực, phương án bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động theo quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động” (khoản 3 Điều 7); “đáp ứng đủ điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy, phương án chữa cháy theo quy định của pháp luật phòng cháy, chữa cháy” (khoản 4 Điều 7); “có đủ các hồ sơ về bảo vệ môi trường đối với nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường” (khoản 5 Điều 7) (Điều 2 Dự thảo);
  • Bổ sung quy định về trách nhiệm bảo đảm chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước và ô tô nhập khẩu tại Điều 6 theo đó yêu cầu “trong quá trình sản xuất, lắp ráp ô tô doanh nghiệp phải đảm bảo các quy định bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động theo quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động và các quy định về phòng cháy và chữa cháy theo quy định của pháp luật phòng cháy, chữa cháy” (Điều 1 Dự thảo)

Việc sửa đổi, bổ sung các quy định trên là không thay đổi về điều kiện sản xuất, lắp ráp ô tô, các doanh nghiệp vẫn phải đáp ứng các điều kiện về an toàn, vệ sinh lao động, phòng cháy và chữa cháy theo quy định của pháp luật liên quan. Quy định tại Nghị định 116 và Dự thảo đều dẫn chiếu chung chung theo hướng “theo quy định của pháp luật về …”. Xét bản chất, dù Dự thảo có quy định hay không thì doanh nghiệp cũng phải đáp ứng các điều kiện về an toàn, vệ sinh lao động; phòng cháy và chữa cháy; bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật. Vì vậy, việc Dự thảo bổ sung Điều 1 về các quy định này là không cần thiết. Đề nghị Ban soạn thảo bỏ quy định tại Điều 1 Dự thảo.

Góp ý tương tự đề nghị Ban soạn thảo bỏ khoản 2 Điều 3 Dự thảo về bổ sung quy định dẫn chiếu yêu cầu tổ chức phát điện phải đảm bảo các quy định bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động, phòng cháy và chữa cháy.

  1. Những quy định tại Nghị định 116 chưa được sửa đổi tại Dự thảo

Thời gian qua, VCCI nhận được nhiều ý kiến từ các doanh nghiệp sản xuất và nhập khẩu ô tô nước ngoài về một số vướng mắc liên quan đến quy định tại Nghị định 116, cụ thể:

  • Nghị định 116 yêu cầu kiểm tra, thử nghiệm về khí thải và an toàn kỹ thuật cho từng lô xe ô tô nhập khẩu (tại mục 2, điểm a, khoản 2, điều 6). Quy định này làm tăng chi phí cho doanh nghiệp và các doanh nghiệp kiến nghị thay đổi theo hướng chứng nhận, thử nghiệm lần đầu và chấp nhận kết quả cho các lô hàng tiếp theo có cùng kiểu loại nếu không có sự thay đổi về thông số kỹ thuật;
  • Nghị định 116 quy định “Lô xe nhập khẩu là các ô tô thuộc một tờ khai hàng hóa nhập khẩu của doanh nghiệp nhập khẩu ô tô” (khoản 10 Điều 3). Có nghĩa, nếu 1 lô hàng có cùng vận đơn, cùng hóa đơn, cùng cảng đích, có số thuế nhập khẩu từ 12 chữ số sẽ phải làm thủ tục khai báo hải quan bằng giấy mà không sử dụng được hệ thống VNACCS, vì phải tách tờ khai để giảm trị giá. Nếu tách tờ khai sẽ phải lấy ít nhất 2 xe ô tô nhập khẩu thay vì 1 xe đi làm mẫu. Điều này sẽ gia tăng chi phí cho doanh nghiệp  Doanh nghiệp đề nghị  bổ sung sửa đổi điểm nàythành“một lô xe nhập khẩu là một lô hàng mà các ô tô có chung một vận đơn
  • Nghị định 116 yêu cầu các doanh nghiệp nhập khẩu ô tô phải cung cấp Giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại của cơ quan thẩm quyền nước ngoài (viết tắt là VTA, tại mục 1 điểm a khoản 2 Điều 6). Một số doanh nghiệp cho biết, các hãng có xe nhập nguồntừNhật Bản đều không thể có VTA do Chính phủ Nhật không có cơ chế hoặc quy định về cấp VTA. Doanh nghiệp kiến nghị chấp thuận phương án thay thế VTA bằngmột trong nhiều giấy chứng nhận kiểu loại linh kiện được cơ quan có thẩm quyền nước ngoài cấp.

Trên đây là những vướng mắc và kiến nghị của doanh nghiệp, đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc, xem xét để sửa đổi Nghị định 116 hoặc giải đáp để đảm bảo tính minh bạch của chính sách.

  1. Sửa đổi, bổ sung một số điều, khoản của Nghị định 137/2013/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều cảu Luật Điện lực và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực

Dự thảo có nhiều điều chỉnh quy định điều kiện về nhân lực trong hoạt động điện lực theo hướng thu hẹp lĩnh vực chuyên môn trong điều kiện về bằng cấp của nhân lực, cụ thể:

  • Về điều kiện cấp giấy phép tư vấn đầu tư xây dựng công trình nhà máy nhiêt điện (khoản 10 Điều 3 Dự thảo):

Dự thảo đã bổ sung thêm chuyên ngành của đội ngũ chuyên gia tư vấn (thủy điện, điện gió, điện mặt trời) và bỏ các chuyên ngành về “thủy lợi, địa chất, môi trường và các chuyên ngành tương tự”. Như vậy, so với quy định hiện hành thì phạm vi về điều kiện chuyên môn của đội ngũ chuyên gia tư vấn bị thu hẹp lại, điều này đồng nghĩa với việc sẽ có ít người đáp ứng được điều kiện tham gia vào hoạt động tư vấn xây dựng công trình nhà máy nhiệt điện. Đồng thời, quy định này có thể tạo ra sự xáo trộn về nhân lực của các công ty đang được cấp phép khi phải bổ sung thêmnhân lực mới để phù hợp với điều kiện mới. Điều này tác động trực tiếp đến hoạt động của các doanh nghiệp đã được cấp phép. Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo giải trình và đánh giá tác động đối với việc thay đổi điều kiện ở trên.

  • Góp ý tương tự đối với sửa đổi về điều kiện nhân lực của các hoạt động tư vấn đầu tư xây dựng công trình đường dây và trạm biến áp (khoản 11 Điều 3 Dự thảo) (bỏ chuyên ngành “môi trường hoặc chuyên ngành tương tự”); hoạt động tư vấn giám sát thi công công trình nhà máy nhiệt điện (khoản 13 Điều 3 Dự thảo) (bỏ chuyên ngành “địa chất, kinh tế, tài chính hoặc các chuyên ngành tương tự”); hoạt động giám sát thi công công trình đường dây và trạm biến áp (khoản 15 Điều 3 Dự thảo) (bỏ “chuyên ngành tương tự”) .
  1. Về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 87/2018/NĐ-CP về kinh doanh khí

Một số điều chỉnh đối với quy định về điều kiện kinh doanh khí tại Dự thảo là hợp lý. Tuy nhiên, Nghị định 87/2018/NĐ-CP vẫn còn một số quy định về điều kiện kinh doanh cần được xem xét để sửa đổi, cụ thể:

Trong điều kiện kinh doanh khí, Nghị định 87 yêu cầu thương nhân phải có hợp đồng thuê cơ sở vật chất với thời hạn thuê tối thiểu ví dụ:

  • Điều kiện đối với thương nhân xuất khẩu, nhập khẩu khí (Điều 6): Có cầu cảng hoặc có hợp đồng thuê tối thiểu 05 năm cầu cảng thuộc hệ thống cảng Việt Nam đã được cấp có thẩm quyền cho phép sử dụng;
  • Điều kiện đối với thương nhân sản xuất, chế biến khí (Điều 7): Có phòng thử nghiệm chất lượng khí hoặc có hợp đồng thuê tối thiểu 01 năm của thương nhân, tổ chức có phòng thử nghiệm đủ năng lực thử nghiệm các chỉ tiêu theo quy định tại quy chuẩn kỹ thuật quốc gia;
  • Điều kiện đối với thương nhân kinh doanh pha chế khí (Điều 9): có phòng thử nghiệm chất lượng khí hoặc có hợp đồng thuê tối thiểu 01 năm với tổ chức đủ năng lực thử nghiệm các chỉ tiêu theo quy định tại quy chuẩn kỹ thuật quốc gia;
  • Điều kiện đối với cửa hàng bán lẻ LPG chai (Điều 10): Có hợp đồng tối thiểu 01 năm bán LPG chai với thương nhân có giấy chứng nhận đủ điều kiện còn hiệu lực theo quy định tại Nghị định này, trừ trường hợp cửa hàng trực thuộc của thương nhân;

Yêu cầu thời hạn tối thiểu của hợp đồng thuê là chưa hợp lý, can thiệp vào quyền thỏa thuận của các bên trong hợp đồng. Mặt khác, về mặt quản lý, yêu cầu thời hạn tối thiểu không đảm bảo chắc chắn là thương nhân đáp ứng điều kiện là có quyền sử dụng cơ sở vật chất bởi vì, trong mối quan hệ hợp đồng các bên có thể chấm dứt hợp đồng bất kì thời điểm nào (cả đơn phương hoặc đồng thuận).

Vì vậy, để đảm bảo tính hợp lý, đề nghị Ban soạn thảo bổ sung quy định trong Dự hảo bỏ yêu cầu tối thiểu về số năm thuê trong hợp đồng tại các điều khoản trên.

Trên đây là một số ý kiến ban đầu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đối với Dự thảo Nghị định sửa đổi một số Nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Công Thương.Rất mong quý Cơ quan soạn thảo cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện.

Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của quý Cơ quan.