VCCI_Góp ý Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung các Nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công Thương
VCCI_Góp ý dự thảo Nghị định hướng dẫn chi tiết và biện pháp thi hành Luật Chăn nuôi
Kính gửi: Cục Chăn nuôi
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Trả lời Công văn số 3491/BNN-CNngày 21/05/2019 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc đề nghị góp ý đối với dự thảo Nghị định hướng dẫn chi tiết và biện pháp thi hành Luật Chăn nuôi (sau đây gọi tắt là Dự thảo), trên cơ sở tham khảo ý kiến chuyên gia và doanh nghiệp, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) có một số ý kiến ban đầu như sau:
- Quy định chung về thực hiện thủ tục hành chính
Dự thảo dành riêng Điều 4 để quy định chung về việc thực hiện các thủ tục hành chính. Nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và đảm bảo sự phù hợp với Nghị định 63/2010/NĐ-CP về kiểm soát thủ tục hành chính, đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung thêm một số quy định sau:
- Thứ nhất, cơ quan tiếp nhận không được phép yêu cầu thêm thành phần hồ sơ so với những thành phần hồ sơ đã được quy định tại Nghị định này.
- Thứ hai, cơ quan tiếp nhận chỉ được trả lời về tính đầy đủ của thành phần hồ sơ một lần.
- Thứ ba, với các bản dịch tiếng Việt từ tài liệu chữ nước ngoài, cho phép doanh nghiệp được lựa chọn một trong hai hướng sau: (1) cho phép doanh nghiệp tự dịch tự chịu trách nhiệm về tính chính xác của bản dịch, hoặc (2) doanh nghiệp có thể sử dụng dịch vụ công chứng bản dịch, khi đó cơ quan tiếp nhận không được phép từ chối hồ sơ vì lý do bản dịch không chính xác.
- Sửa đổi các danh mục
Dự thảo hiện đang quy định việc sửa đổi các danh mục theo định kỳ hằng năm hoặc định kỳ 03 năm, gồm Điều 5.2 – Danh mục giống vật nuôi cần bảo tồn, Điều 6.2 – Danh mục giống vật nuôi cấm xuất khẩu, Điều 21.2 – Danh mục động vật khác được phép chăn nuôi. Đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung quy định xử lý trường hợp cá nhân, tổ chức đề xuất việc bổ sung hoặc loại bỏ khỏi danh mục. Theo đó, nếu Chính phủ, Bộ NNPTNT hoặc Cục Chăn nuôi nhận được đề xuất của cá nhân, tổ chức thì Bộ sẽ tiến hành rà soát, đánh giá và báo cáo Chính phủ xem xét, quyết định.
- Thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận với cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi
Điều 8 Dự thảo quy định thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất thức ăn chăn nuôi như sau: (i) Cục Chăn nuôi với các cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi bổ sung (có hoặc không sản xuất thêm các loại thức ăn khác); (ii) Sở NNPTNT với các cơ sở sản xuất các loại thức ăn chăn nuôi khác. Việc quy định thẩm quyền cấp phép của Cục Chăn nuôi thường sẽ gây tốn kém về chi phí và mất thời gian hơn đối với các doanh nghiệp so với Sở NNPTNT. Trong khi đó, nếu các điều kiện kinh doanh được quy định đủ rõ ràng, minh bạch thì các Sở NNPTNT hoàn toàn có thể thực hiện toàn bộ các công việc này. Nhằm đơn giản hoá thủ tục hành chính, giảm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp, đề nghị cơ quan soạn thảo sửa đổi quy định theo hướng giao toàn bộ thẩm quyền cấp phép cho các Sở NNPTNT.
- Mẫu bản thuyết minh điều kiện cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi
Mẫu số 02.TACN về bản thuyết minh điều kiện cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi yêu cầu doanh nghiệp kê khai các biện pháp bảo vệ môi trường (điểm e mục 4). Tuy nhiên, việc kê khai các biện pháp bảo vệ môi trường trong Mẫu 02.TACN là không cần thiết do cơ sở sản xuất đã có nghĩa vụ thực hiện đăng ký kế hoạch bảo vệ môi trường hoặc lập bản đánh giá tác động môi trường. Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo loại bỏ nội dung về các biện pháp bảo vệ môi trường tại Mẫu 02.TACN.
Góp ý tương tự với Mẫu số 02.ĐKCN về bản thuyết minh về điều kiện chăn nuôi.
- Kiểm tra duy trì điều kiện sản xuất thức ăn chăn nuôi (Điều 8.7)
Dự thảo quy định tần suất kiểm tra duy trì điều kiện sản xuất thức ăn chăn nuôi là 12 tháng một lần. Hiện nay, Chính phủ đang có chủ trương cắt giảm số lần thanh kiểm tra doanh nghiệp theo kế hoạch. Chỉ thị 20 của Thủ tướng yêu cầu: “Khi xây dựng, phê duyệt kế hoạch thanh tra hàng năm không để xảy ra tình trạng thanh tra, kiểm tra quá 01 lần/năm đối với doanh nghiệp”. Trường hợp có sự trùng lặp về kế hoạch thanh tra, kiểm tra thì các cơ quan nhà nước phối hợp với nhau để tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành. Như vậy, tần suất kiểm tra 12 tháng một lần của dự thảo là quá dày, đề nghị cơ quan soạn thảo quy định giãn cách hơn. Hơn nữa, cần nghiên cứu áp dụng biện pháp quản lý rủi ro khi thanh tra, kiểm tra. Ví dụ, doanh nghiệp nào có kết quả kiểm tra trước đó tốt thì tần suất kiểm tra sau đó ít hơn, doanh nghiệp nào có kết quả kiểm tra trước đó không tốt thì tần suất kiểm tra cao hơn.
- Tiêu chí vật nuôi được sử dụng thức ăn chăn nuôi chứa kháng sinh để phòng bệnh ở giai đoạn con non
Điều 9 Dự thảo quy định tiêu chí vật nuôi được sử dụng thức ăn chăn nuôi kháng sinh để phòng bệnh ở giai đoạn con non. Tuy nhiên, quy định này mới chỉ đề cập đến một số loại vật nuôi cơ bản như lợn, gà, vịt, ngan, chim cút, thỏ, bê, nghé, dê cừu mà chưa quy định đối với các loại vật nuôi khác. Điều này dẫn đến câu hỏi là có được sử dụng thức ăn chăn nuôi có kháng sinh để phòng bệnh cho con non ở các loại vật nuôi khác không? Đề nghị cơ quan soạn thảo làm rõ vấn đề này.
- Mẫu đơn đề nghị nhập khẩu thức ăn chăn nuôi
Mẫu số 05.TACN về đơn đề nghị nhập khẩu thức ăn chăn nuôi yêu cầu doanh nghiệp phải kê khai cả thời gian xuất/nhập khẩu và cửa khẩu xuất/nhập. Thông thường, khi nhập/xuất thức ăn chăn nuôi theo giấy phép, doanh nghiệp phải xin được giấy phép mới dám thực hiện việc gửi hàng. Tại thời điểm xin phép, doanh nghiệp khó có thể biết được chính xác thời gian và cửa khẩu xuất/nhập. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo bỏ nội dung này tại Mẫu số 05.TACN.
- Hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện chăn nuôi
Điều 18.2 của Dự thảo yêu cầu cơ sở chăn nuôi nộp bản sao (chứng thực) văn bản chứng minh chủ sở hữu được sử dụng đất để xây dựng trang trại chăn nuôi. Tuy nhiên, yêu cầu này đã vượt quá yêu cầu về điều kiện chăn nuôi trang trại tại Điều 55 Luật Chăn nuôi. Đề nghị cơ quan soạn thảo bỏ quy định này.
- Mẫu đơn đề nghị cấp lại Giấy chứng nhận đủ điều kiện chăn nuôi
Mẫu số 03.ĐKCN về mẫu đơn đề nghị cấp lại Giấy chứng nhận đủ điều kiện chăn nuôi yêu cầu có sự xác nhận của Ủy ban nhân dân về chủ trang trại và lĩnh vực sản xuất. Không rõ việc xác nhận này nhằm mục đích gì, liệu UBND có trả lại đơn này cho chủ trang trại sau khi giải quyết thủ tục hành chính không mà cần xác nhận trực tiếp lên tờ đơn? Đề nghị cơ quan soạn thảo loại bỏ hoặc giải trình rõ nội dung này.
- Danh mục vật nuôi khác được phép chăn nuôi
Việc quy định danh mục vật nuôi khác được phép nuôi là phương pháp quản lý chọn cho, người dân và doanh nghiệp chỉ được phép làm những gì pháp luật cho phép. Phương pháp quản lý này vừa gây rủi ro rất lớn cho các hoạt động sản xuất kinh doanh bình thường vừa cản trở rất lớn đến sự sáng tạo, khả năng phát triển những hình thức chăn nuôi mới, những loài vật nuôi mới.
- Chỉ cần cơ quan quản lý “quên” một loại vật nuôi nào đó sẽ khiến toàn bộ hoạt động của các cá nhân, tổ chức trên thực tế trở thành bất hợp pháp. Ví dụ, hiện nay trong danh mục này không có loài trùn quế, điều này khiến cho toàn bộ hoạt động nuôi trùn quế hiện nay là bất hợp pháp và các cá nhân, tổ chức đã đầu tư nuôi trùn quế có thể sẽ bị mất trắng tài sản hoặc lâm vào nợ nần bất kỳ lúc nào.
- Trường hợp một cá nhân, tổ chức nào đó phát hiện ra cơ hội kinh doanh mới, nuôi một loài sinh vật mới cho giá trị kinh tế cao nhưng không có trong danh mục thì sẽ không thể tiến hành kinh doanh. Như vậy sẽ làm mất cơ hội phát triển của nền kinh tế Việt Nam.Ví dụ, hiện nay có nhiều người thử nghiệm nuôi côn trùng để làm thức ăn chăn nuôi cho lợn, gà, thuỷ sản và có nhiều hứa hẹn thành công.
Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo có quy định mở về các loại động vật khác được phép nuôi trong Phụ lục VII để tạo điều kiện cho sự phát triển kinh tế xã hội.
- Mật độ chăn nuôi
Phụ lục VI của dự thảo quy định về mật độ chăn nuôi của các vùng. Dựa trên phụ lục này, các tỉnh thành phố sẽ ban hành quy định về mật độ chăn nuôi cho tỉnh thành của mình (chưa rõ có chi tiết đến cấp quận huyện, xã phường không!?). Do diện tích của các vùng sinh thái hầu như không thay đổi, diện tích các tỉnh thành phố cũng không đổi, nên bản chất quy định này được hiểu sẽ giới hạn số lượng bao nhiêu con lợn, bao nhiêu con gà được nuôi tại mỗi đơn vị hành chính. Nhiều doanh nghiệp e ngại liệu đây có phải là sự can thiệp quá mức của Nhà nước vào thị trường, không phù hợp với các quy luật thị trường hay không?
Về bản chất, với cách quy định về mật độ chăn nuôi tại Phụ lục VI hiện nay có thể không khác với quy hoạch chăn nuôi trước đây, được lập để xác định vùng nào được nuôi bao nhiêu, con gì. Thậm chí, quy hoạch chăn nuôi trước đây chỉ mang tính tham khảo, định hướng thì quy định này mang tính bắt buộc thông qua việc cấp phép cho các trang trại phải phù hợp với mật độ chăn nuôi. Lưu ý rằng quy hoạch chăn nuôi đã được bãi bỏ bởi Điều 13.2 của Luật Quy hoạch, cấm các quy hoạch “về đầu tư phát triển hàng hóa, dịch vụ, sản phẩm cụ thể, ấn định khối lượng, số lượng hàng hóa, dịch vụ, sản phẩm được sản xuất, tiêu thụ”. Quy định tại Điều 13.2 của Luật Quy hoạch nhằm mục đích hạn chế sự can thiệp của Nhà nước vào các quyết định của thị trường. Việc sản xuất khối lượng, số lượng hàng hoá bao nhiêu nên để thị trường quyết định tốt hơn là Nhà nước quyết định. Như vậy, cần cân nhắc lại quy định tại Phụ lục VI của dự thảo, dường như đang có dấu hiệu trái với tinh thần của Luật Quy hoạch.
Ngoài ra, một số địa phương cũng phản ánh tình trạng giới hạn mật độ chăn nuôi như vậy là quá thấp. Chẳng hạn như Đồng Nai hiện nay, theo quy định này thì sẽ không được phép mở thêm trang trại mới, trong khi tiềm năng phát triển kinh tế chăn nuôi ở Đồng Nai vẫn còn rất lớn do ở đây rất thuận lợi về giao thông. Thậm chí, nếu theo Phụ lục VI dự thảo thì khu vực có mật độ chăn nuôi lớn nhất là Đồng bằng sông Hồng cũng chỉ được phép nuôi tối đa 1.020 con lợn (hoặc 458 con trâu hoặc 507 con bò thịt hoặc 250 con bò sữa) trên mỗi km2trong điều kiện không nuôi thêm bất kỳ loại vật nuôi nào khác[1].
Nếu cho rằng việc quản lý mật độ chăn nuôi như tại Phụ lục VI là nhằm bảo vệ môi trường hoặc phòng dịch bệnh thì cũng không hợp lý. Vì việc bảo vệ môi trường và phòng dịch bệnh hoàn toàn có thể được thực hiện bằng rất nhiều biện pháp kỹ thuật khác (như khoảng cách an toàn, biện pháp phòng dịch) chứ không nên áp dụng biện pháp ấn định số lượng vật nuôi tại mỗi địa phương.
Với những lý do đó, đề nghị cơ quan soạn thảocân nhắc lại về việc quy định mật độ chăn nuôi tại phụ lục VI.
- Quản lý sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi
Chương VI (từ Điều 24 đến Điều 26) của dự thảo quy định về sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi. Hiện nay, việc quản lý các chế phẩm sinh học trong xử lý chất thải đã được quy định tại Nghị định 60/2016/NĐ-CP. Các quy định tại dự thảo này chồng chéo rất nhiều với quy định tại Nghị định 60/2016/NĐ-CP. Điều này khiến các cơ sở sản xuất chế phẩm sinh học xử lý chất thải chăn nuôi sẽ phải cùng lúc đáp ứng hai nhóm quy định, gây tốn kém và không cần thiết. Theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp và chuyên gia, trong các sản phẩm xử lý chất thải thì chỉ có các chế phẩm sinh học mới có nguy cơ lớn ảnh hưởng đến môi trường, còn các sản phẩm vô cơ thì nguy cơ này rất thấp. Do đó, việc quản lý tập trung vào các chế phẩm sinh học là phù hợp. Đề nghị cơ quan soạn thảo bỏ nội dung này trong dự thảo, toàn bộ công tác quản lý các loại chế phẩm sinh học xử lý chất thải sẽ được áp dụng chung theo pháp luật về bảo vệ môi trường.
Trên đây là một số ý kiến ban đầu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam về dự thảo Nghị định hướng dẫn chi tiết và biện pháp thi hành Luật Chăn nuôi. Rất mong cơ quan soạn thảo cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện Dự thảo này.
Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của Quý Cơ quan./.
[1][1]Thậm chí mức này rất thấp nếu so sánh với mật độ dân số Hà Nội năm 2019 là 2.398 người/km2, mật độ dân số quận Hoàn Kiếm là 33.662 người/km2.