Ý kiến tổng hợp của Phòng TM và Công nghiệp Việt Nam

Thứ Hai 18:06 22-05-2006
Sau khi tham khảo ý kiến của các doanh nghiệp và của các chuyên gia có liên quan, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổng hợp ý kiến về các điều khoản cụ thể như sau:

1) Điều 2:
- Khoản 1:
Đề nghị bổ sung thêm loại hình “Hợp tác xã” vì theo Luật Hợp tác xã thì HTX hoạt động như doanh nghiệp, nhưng trong Luật doanh nghiệp chung quy định loại hình doanh nghiệp: công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh và doanh nghiệp tư nhân; không có loại hình Hợp tác xã. Hiện nay kinh doanh vận tải bằng ô tô ngoài doanh nghiệp theo Luật doanh nghiệp, các hộ kinh doanh cá thể còn có sự tham gia của các Hợp tác xã vận tải (các đầu xe thuộc HTX vận tải hiện nay rất đông). Vì vậy để thể hiện đầy đủ tất cả các thành phần kinh tế là đối tượng áp dụng của Nghị định, khoản này được đề nghị sửa thành:

“Nghị định áp dụng đối với mọi Doanh nghiệp, Hợp tác xã, Hộ kinh doanh cá thể kinh doanh vận tải ...”

2) Điều 3: Đề nghị

- Làm rõ khái niệm Kinh doanh vận tải bằng ô tô là một ngành nghề. Còn việc kinh doanh bằng xe buýt, taxi… là loại hình kinh doanh chứ không phải là ngành nghề kinh doanh. Do vậy, thuật ngữ “kinh doanh vận tải bằng ô tô có điều kiện bao gồm các ngành nghề sau” sửa lại là “kinh doanh vận tải bằng ô tô có điều kiện bao gồm các loại hình sau”, sẽ chính xác hơn và cụ thể hơn.

- Có ý kiến đề nghị bổ sung một số loại hình kinh doanh khác đã xuất hiện trên thế giới, hoặc dự liệu sẽ có thể phát triển trong tương lai như ô tô ray, xe chạy trên cao…

- Đề nghị bổ sung và sửa đổi các khoản như sau :
[i]“5. Kinh doanh vận tải khách du lịch;
6. Kinh doanh vận tải hàng
7. Cho thuê phương tiện kinh doanh vận tải”[/i]

Bổ sung thêm khoản 5 vì vận chuyển khách du lịch khác với vận chuyển khách theo hợp đồng và chủ yếu do các công ty du lịch đảm nhận và có các qui định của ngành du lịch.

Bổ sung thêm khoản 7 vì trường hợp doanh nghiệp đăng ký kinh doanh vận tải có lúc không đủ xe để phục vụ cho hoạt động kinh doanh tại một thời điểm, phải thuê thêm xe của doanh nghiệp hoặc hộ kinh doanh cá thể kinh doanh vận tải bằng ô tô.

3) Điều 4:

- Đề nghị sửa đoạn cuối khoản 4 như sau “cước tính theo số ki-lô-mét xe chở khách và thời gian chờ đợi theo yêu cầu của khách được biểu thị trên đồng hồ tính tiền”

- Khoản 5 : Có ý kiến đề nghị giải thích như sau :
5. “Kinh doanh vận tải khách theo hợp đồng” là kinh doanh vận tải khách bằng ô tô không theo tuyến cố định được thực hiện theo hợp đồng vận tải đã được ký kết giữa đại diện người thuê vận tải có cùng nhu cầu đi lại theo một chương trình hoặc một kế hoạch thống nhất”

Đề nghị bỏ phần “kể cả hợp đồng vận chuyển khách du lịch” vì như đã đề nghị trong Điều 3 (vận chuyển khách du lịch có những quy định riêng của ngành du lịch khác với vận chuyển khách theo hợp đồng).

Và bổ sung thêm phần “có cùng nhu cầu đi lại theo một chương trình hoặc một kế hoạch thống nhất” vì thực tế hiện nay tồn tại rất nhiều chủ phương tiện không đăng ký kinh doanh vận tải khách theo tuyến cố định nhưng vẫn tổ chức bán vé lẻ sau đó hợp thức hoá hoạt động của mình dưới danh nghĩa “vận tải khách theo hợp đồng”. Đây là nguyên nhân gây rối loạn trật tự trong vận tải khách bằng ô tô hiện nay.

4) Điều 5:

- Có ý kiến cho rằng hiện tại trong lĩnh vực vận tải tồn tại rất nhiều xe ô tô tham gia kinh doanh vận tải nhưng không thuộc sơ hữu của doanh nghiệp đăng ký kinh doanh vận tải nên hiệu lực quản lý điều hành rất thấp (thường khoán trắng cho lái xe), vì vậy đề nghị bổ sung thêm điều kiện chung kinh doanh vận tải bằng ô tô là:

“Ô tô tham gia kinh doanh vận tải phải thuộc sở hữu chính chủ của doanh nghiệp hoặc hộ kinh doanh vận tải”.

- Khoản 2: cần nghiên cứu lại việc quy định ghi tên doanh nghiệp và hộ kinh doanh cá thể kinh doanh vận tải bên ngoài của xe. Vì nếu ghi đầy đủ như vậy sẽ rườm rà và mất mỹ quan. Nên đề nghị, có thể mã hoá việc ghi này sao cho đảm bảo yêu cầu nhưng gọn gàng, đảm bảo mỹ quan chung (đánh số hoặc in logo). Ngoài ra, cần thêm như sau: “Ô tô có ghi tên, số điện thoại doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể kinh doanh vận tải…”

- Khoản 3: Đề nghị sửa lại như sau “Doanh nghiệp có đăng ký giá cước với Sở Tài chính vật giá tỉnh, thành phố, nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính hoặc chi nhánh”

Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị chỉnh sửa nội dung khoản 3 như sau:
a) bỏ, không nên đưa vào điều kiện chung cho kinh doanh vận tải ô tô mà đưa vào thành điều kiện cụ thể trong loại hình kinh doanh vận tải ô tô khách theo tuyến cố định, vận tải ô tô khách bằng xe buýt và xe taxi là những loại hình kinh doanh mà sản phẩm đã được định hình cụ thể, ổn định trong thời gian dài và dễ lượng hoá được giá thành. Hơn nữa, các loại hình kinh doanh ô tô này mang tính đặc thù rất cao là phải kết hợp giữa kinh doanh với các định hướng, chính sách phục vụ cộng đồng của Nhà nước.

B) đối với kinh doanh vận tải ô tô khách theo hợp đồng và vận tải hàng hoá thì không bao gồm điều kiện này vì trong nền kinh tế thị trường nhu cầu vận tải khách theo hợp đồng và vận tải hàng hoá rất đa dạng, phức tạp, liên tục thay đổi. Phương thức đáp ứng nhu cầu của khách hàng của các doanh nghiệp cũng khác nhau nên việc định giá chuẩn, đăng ký với Sở Tài chính là không khả thi. Hơn nữa giá cước vận chuyển chính là sản phẩm cạnh tranh của mỗi doanh nghiệp trong cơ chế thị trường nên không thể công bố công khai và thực hiện cố định theo giá cước công bố được.

• Việc đăng ký giá cước với Sở Vật giá địa phương là có thể được nhưng việc thực hiện đúng giá cước thì không khả thi vì việc biến động đầu vào của lĩnh vực vận tải thì DN không có khả năng chủ động điều tiết (phải đi mua, thậm chí nhiên liệu do nhà nước áp giá...). Hơn nữa, việc thực hiện các hợp đồng vận chuyển thường trên cơ sở ghi nhớ với nhau, không có giá cước cụ thể, giá cước thị trường thường xuyên biến động theo thời vụ, theo đặc điểm của các tuyến đường trong cả nước, theo hệ số lợi dụng trong tài xế, hệ số lợi dụng quãng đường. Bản thân khách hàng của DN vận tải cũng có nhu cầu lựa chọn giá, họ luôn yêu cầu giá cước thấp có lợi cho họ. Trong khi bên cạnh các DNVT còn có các lực lượng vận tải của tư nhân, HTX vận tải, của các đơn vị không kinh doanh vận tải... cùng tham gia cạnh tranh giá cước vận tải. Đã xác định là cơ chế thị trường trong ngành vận tải hàng hóa đang lâm vào tình trạng cung vượt cầu; hạch toán kinh doanh thường xuyên bị lỗ do chi phí lớn hơn doanh thu. Chưa thấy có cuộc họp nào mổ xẻ vấn đề đó giữa doanh thu và chi phí trong lĩnh vực vận tải nói chung và vận tải hàng hóa nói riêng. Việc áp giá cước vận tải là không khả thi. Chỉ nên để ở mức độ thỏa thuận giữa bên khách hàng và bên vận tải.

- Khoản 4:
• Đề nghị thay “người trực tiếp điều hành hoạt động vận tải” bằng “người đứng đầu hoặc người đại diện pháp nhân”, đồng thời bổ sung tiếp sau cụm từ “chuyên ngành vận tải” bằng cụm “là ô tô hoặc quản lý kinh doanh” và bỏ từ “hoặc” sau cụm “trở lên”, thay bằng dấu phẩy (,).

• Đề nghị bổ sung cho đủ: "Người điều hành hoạt động vận tải của doanh nghiệp phải có trình độ chuyên môn chuyên ngành vận tải trong các DN vận tải ít nhất là 3 năm"

• Đề nghị điều chỉnh lại như sau :

4. “Đối với doanh nghiệp : người trực tiếp điều hành hoạt động vận tải của doanh nghiệp phải có trình độ chuyên môn chuyên ngành vận tải hoặc kinh tế hoặc quản trị từ trung cấp trở lên hoặc có thời gian làm công tác quản lý trong ngành vận tải ít nhất 03 năm"

• Đề nghị bổ sung thêm phần “hoặc kinh tế hoặc quản trị” và thay cụm từ “làm việc” bằng cụm “làm công tác quản lý” vì người trực tiếp điều hành hoạt động vận tải của doanh nghiệp có thể là người đứng đầu doanh nghiệp và nhất thiết không phải bắt buộc phải có chuyên ngành vận tải.

• Đề nghị bỏ phần “hoặc có thời gian làm việc trong ngành vận tải ít nhất 03 năm” vì khoảng thời gian này ai chứng nhận và đã làm về nghiệp vụ nào trong ngành vận tải để có thể là “người trực tiếp điều hành hoạt động vận tải của doanh nghiệp”

- Khoản 5:
Đề nghị bổ sung như sau: “có diện tích đỗ xe phù hợp với quy mô doanh nghiệp, trừ các hợp tác xã vận tải, đảm bảo yêu cầu phòng cháy, vệ sinh môi trường và trật tự giao thông”. Bổ sung thêm phần trên vì hiện nay các hợp tác xã vận tải hoạt động như doanh nghiệp nhưng chỉ làm dịch vụ hỗ trợ xã viên, xe của xã viên do xã viên quản lý, bãi đỗ xe của xã viên thường là ở nhà.

• Đề nghị bổ sung ý: “các DN chưa có bãi đỗ xe thì phải có địa điểm thuê bãi đỗ xe hợp lý, đảm bảo trật tự an toàn giao thông”
• Có ý kiến cho rằng khoản này quy định chưa sát thực tế vì nếu DN kinh doanh vận tải có lượng xe lớn từ 100 cái trở lên thì buộc phải đi đăng ký điểm đậu ở rất nhiều địa điểm khác nhau chứ không thể ở một điểm cụ thể được.

- Cần bổ sung một số nội dung quy định như sau:
• Các phương tiện đều phải được đăng kiểm và chỉ được lưu thông khi bảo đảm các quy định của cơ quan đăng kiểm
• Các phương tiện hoạt đồng đều phải đóng bảo hiểm cho phương tiện và bảo hiểm cho hành khách cũng như hàng hoá (nếu có)
• Nên nghiên cứu quy định bổ sung cách thu tiền: vé tuần, vé tháng, vé năm và vé tuyến.

5) Điều 6:

- Khoản 2: bổ sung tiếp sau cụm “9 ghế” bằng cụm “(kể cả ghế người lái)”, sửa số lượng “03 ô tô từ 9 ghế trở lên” thành “02 ô tô từ 9 ghế trở lên” (vì 02 ô tô là đủ để đảm bảo biểu đồ chạy xe được liên tục)

- Khoản 4: Có ý kiến đề nghị sửa các niên hạn như sau:
• Cự ly trên 300km, sửa “15 năm” thành “12 năm” đối với ô tô sản xuất để chở khách, sửa “12 năm” thành “10 năm” đối với ô tô chuyển đổi công năng trước ngày 01 tháng 01 năm 2002 từ các loại xe khác thành ô tô chở khách
• Cự ly từ 300km trở xuống, sửa “20 năm” thành “18 năm” đối với ô tô sản xuất để chở khách, sửa “17 năm” thành “15 năm” đối với ô tô chuyển đổi công năng trước ngày 01 tháng 01 năm 2002 từ các loại xe khác thành ô tô chở khách
• Vì chất lượng xe phụ thuộc rất nhiều vào tiêu chuẩn chất lượng của nhà sản xuất do vậy việc qui định tuổi xe như trong dự thảo là chưa đủ, cần phải bổ sung thêm qui định đối với các cự ly vận chuyển theo tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm (ô tô) của nhà sản xuất. Cụ thể, xe sản xuất theo các tiêu chuẩn chất lượng khác nhau (tiêu chuẩn Việt Nam, tiểu chuẩn ISO, tiêu chuẩn thị trường Châu Âu, …) thì có tuổi đời khai thác khác nhau. Vì vậy cần phải kết hợp thêm tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm vào qui định niên hạn sử dụng xe ô tô.

- Khoản 6: đề nghị thêm vào cuối là “theo quy định của Bộ GTVT”; đề nghị sửa "phù hiệu" bằng "bảng ghi tuyến".

- Bổ sung thêm khoản 7 “Người lái xe và nhân viên phục vụ trên xe phải được tập huấn về nghiệp vụ giao tiếp và vận tải hành khách do Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam tổ chức và cấp giấy chứng nhận”. Trong khi đó có ý kiến cho rằng, quy định người lái xe taxi phải có chứng chỉ do Hiệp hội vận tải Việt Nam cấp là không khả thi vì Hiệp hội ở Hà Nội nên chỉ doanh nghiệp tại Hà Nội hoặc một số địa phương lận cận mới điều kiện gặp gỡ. Vấn đề này nên giao cho Sở Giao thông vận tải cấp tỉnh chứng nhận sẽ phù hợp hơn và để cho doanh nghiệp có điều kiện hơn vì chứng chỉ tập huấn chỉ có giá trị tại địa phương. Cán bộ Hiệp hội tại Hà Nội khó có thể hiểu được điều kiện đường sá của địa phương nơi doanh nghiệp hoạt động.

6) Điều 7:

- Có ý kiến đề nghị bỏ hộ kinh doanh cá thể vì hộ cá thể không thể đáp ứng yêu cầu tổ chức điều hành chạy xe theo biểu đồ bởi tính chất riêng lẻ của hộ cá thể.

- Khoản 3: đề nghị sửa lại như sau: “Ô tô có từ 12 ghế trở lên (kể cả ghế người lái). Ô tô có từ 17 ghế trở lên (kể cả ghế người lái) phải là ô tô được sản xuất theo thiết kế dùng cho xe buýt, số chỗ đứng nhiều hơn số chỗ ngồi tương ứng với diện tích sàn xe theo quy định của Bộ GTVT”. Không thể ghi như dự thảo “sức chứa hành khách không phụ thuộc vào tải trọng đăng ký của ô tô” bởi sức chứa của xe buýt vẫn được thiết kế tương thích giữa diện tích sử dụng của sàn xe và trọng lượng hành khách (theo tiêu chuẩn).

7) Điều 8:

Có ý kiến đề nghị như sau:
- Kinh doanh vận tải taxi không nên có loại hình “hộ kinh doanh cá thể” vì cá thể có một xe không thể trang bị bộ đàm liên lạc, điện thoại như mong muốn, dễ sinh ra “taxi dù” lừa khách.
- Khoản 3: sửa niên hạn sử dụng “12 năm” thành “10 năm”
- Khoản 4:
• cần quy định “màu sơn thống nhất, đặc trưng” để chống xe dù và giúp khách dễ nhận biết, đồng thời tránh được hiện tượng mượn tên hãng taxi hoặc dịch vụ hợp đồng gửi xe đang gây hỗn loạn thị trường taxi ở các tỉnh, thành phố.
• đề nghị bổ sung như sau :
4. “ Có đăng ký màu sơn của xe, biểu trưng của doanh nghiệp, biển số xe phải đăng ký tại địa phương xe đang hoạt động và số điện thoại giao dịch với khách.”

- Khoản 5:
• bổ sung thêm: người lái xe ô tô phải có tư cách đạo đức nghề nghiệp tốt, trung thực (về mặt này các doanh nghiệp và các hộ kinh doanh vận tải phải chịu trách nhiệm đảm bảo tư cách lái xe của mình trước khách hàng cũng như các cơ quan có trách nhiệm vì hiện giờ có rất nhiều tai nạn giao thông mà do tài xế say xỉn, không có tư cách đạo đức đã gây ra)
• bỏ từ “phục vụ”, vì nội dung tập huấn bao gồm cả đạo đức nghề nghiệp của lái xe taxi, các quy định về vận chuyển khách bằng taxi, trong đó có yêu cầu và tiêu chí chất lượng phục vụ hành khách…
• vấn đề tổ chức và cấp chứng chỉ nên giao cho Sở GTVT
• Mặt khác, có ý kiến đề nghị bỏ khoản này, vì trong thực tế cạnh tranh các doanh nghiệp kinh doanh taxi đã phải đào tạo, tập huấn cho đội ngũ lái xe về nghiệp vụ giao tiếp và phục vụ khách. Lái xe thực hiện tốt các nghiệp vụ trên thì doanh nghiệp mới phát triển, mới cạnh tranh được với các doanh nghiệp khác.

8) Điều 9:
- Đề nghị thêm một ý: “Có đăng ký với Sở GTVT (GTCC) địa phương”
- Đề nghị làm rõ “điều kiện kinh doanh vận chuyển khách bằng ô tô theo hợp đồng, bao gồm cả hợp đồng du lịch, lễ hội…”
- Khoản 4: Các ý kiến đều đề nghị bỏ phần “phải có phù hiệu xe hợp đồng” và thực hiện theo quy định khoản 2, điều 5.
Và phần “Đối với vận chuyển khách du lịch phải có phù hiệu vận chuyển khách du lịch” đề nghị chuyển sang khoản “Điều kiện kinh doanh vận tải khách du lịch”như đã đề nghị trong điều 3.
- Thêm khoản 5 “Người lái xe và nhân viên phục vụ trên xe phải được tập huấn về nghiệp vụ giao tiếp và vận tải khách do Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam tổ chức và cấp giấy chứng nhận” (trái ngược với ý kiến thứ ba sửa đổi khoản 5 Điều 8)

9) Điều 10:
- Khoản 2: đề nghị sửa lại như sau “Ô tô có niên hạn sử dụng theo quy định tại Nghị định số 2/2004/NĐ-CP ngày 13 tháng 10 năm 2004 của Chính phủ”
Điều này Dự thảo Nghị định quy định quá đơn giản, đề nghị nên bổ sung cụ thể hơn như các điều kiện kinh doanh vận tải các ngành nghề trên như sau:
- Niên hạn sử dụng xe ô tô ?
- Điều kiện vận tải các loại hàng hoá đặc biệt ?

Đề nghị bổ sung thêm 02 điều phù hợp với 02 khoản ngành nghề đã đề nghị bổ sung trong điều 3 như sau:
“Điều kiện kinh doanh vận tải khách du lịch” với các quy định về điều kiện chung kinh doanh vận tải bằng ô tô và các quy định về vận chuyển khách du lịch, áp dụng các quy chế của ngành du lịch.
“Điều kiện cho thuê phương tiện kinh doanh vận tải” với các quy định phù hợp với ngành nghề kinh doanh.

10) Điều 6, 7, 8, 9, 10:

- Có ý kiến đề nghị nên quy định chung vào một điều khoản: điều kiện kinh doanh vận tải của các loại hình kinh doanh cụ thể, không cần thiết chia thành các điều khoản riêng, vì nội dung của các loại hình này có những điểm chung, bên cạnh đó chỉ có một vài đặc trưng riêng mà thôi.

- Quy định rõ trách nhiệm kiểm tra, giám sát việc đảm bảo đủ các điều kiện kinh doanh thuộc cơ quan nào và cơ quan nào có thẩm quyền xử lý hành vi vi phạm (không có đủ) các điều kiện kinh doanh theo quy định của Nghị định này, đặc biệt là quyền thu hồi có thời hạn hoặc vĩnh viễn Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh về ngành nghề vận tải bằng ô tô.

11) Điều 11:

- Khoản 1: đề nghị bỏ phần “và Khoản 4 Điều 9” như đã đề nghị ở Khoản 4 Điều 9.

- Khoản 2: đề nghị sửa lại cho phù hợp với nội dung quy định tại khoản 2 Điều 7 “Có đăng ký với Sở GTVT địa phương” về tham gia vận chuyển khách bằng xe buýt và khoản 3 Điều 7 “Ô tô có từ 12 ghế…theo quy định của Bộ GTVT” về tiêu chuẩn thiết kế sàn xe và mức chất đầy khách của xe buýt. Dự thảo Nghị định ghi nội dung khoản 2 Điều 11 là “quy định việc đăng kiểm…quy định tại khoản 7 Điều 7” là không đúng, vì việc đăng kiểm ô tô, kể cả xe buýt vẫn đang được thực hiện theo Điều 48 và Điều 50 của Luật Giao thông đường bộ và các quy định của Bộ GTVT ban hành theo khoản 5 Điều 48, khoản 6 Điều 50 Luật Giao thông đường bộ. Mặt khác, Dự thảo Nghị định không có khoản 7 tại Điều 7.

- Khoản 5: đề nghị sửa đổi phần “thực hiện quy định tại Điều 9” thành “thực hiện quy định tại Điều ... (Điều kiện kinh doanh vận tải khách du lịch)”

- Khoản 6: Đề nghị bổ sung "Tạo điều kiện để các văn bản hướng dẫn có liên quan đến các DN vận tải thường xuyên tới tận tay các DN vận tải. Phối hợp với UBND tỉnh, tp trực thuộc trung ương tạo điều kiện thuận lợi cho các DN vận tải vay vốn ưu đãi để đầu tư phương tiện vận tải"

12) Điều 12:

- Đề nghị viết lại như sau để tránh hiểu sai nội dung: “Phối hợp với UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo cơ quan Đăng ký kinh doanh của địa phương thực hiện việc thông báo cho Sở GTVT (GTCC) sở tại về các Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh đã cấp cho các doanh nghiệp, hộ cá thể có ngành nghề kinh doanh vận tải bằng ô tô (như Điều 13 Nghị định này) để kịp thời theo dõi quản lý và hướng dẫn chấp hành các quy định pháp luật về quản lý tổ chức và hoạt động vận tải đường bộ.”

13) Điều 13:
- Đề nghị thêm vào đầu câu cụm từ “Phối hợp với Bộ GTVT”.
- Bổ sung thêm việc Bộ Tài chính quy định việc đóng Bảo hiểm của các đơn vị, cá nhân kinh doanh vận tải bằng ô tô.

14) Điều 14:
Đề nghị sửa đổi phần “thực hiện quy định tại Điều 9” thành “thực hiện quy định tại Điều ... (Điều kiện kinh doanh vận tải khách du lịch)”

15) Điều 16:
- Khoản 3: đối với mục đề nghị nghiên cứu lại quy định “... đón, trả[u] khách tại các bến xe khách và [/u]các điểm dọc đường đã được công bố” vì mục này áp dụng cho kinh doanh vân tải khách bằng xe buýt thì được, nếu quy định cho kinh doanh vận tải khách theo tuyến cố định thì làm sao công bố hết các điểm đón và trả khách trên tuyến quốc lộ? Khách có thể đón hoặc xuống xe những nơi thuận tiện cho khách.

- Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị bỏ khoản 3 vì đã bao gồm trong những quy định về vận tải khách ở khoản 1 (và Bộ GTVT đã có Quyết định số 09/2004).

16) Điều 17:
- Đề nghị bỏ khoản 2 và thêm vào khoản 1 tiếp sau cụm từ “hàng hoá đường bộ” một đoạn “quy định về vận tải, xếp dỡ, bảo quản hàng nguy hiểm, hàng siêu trường, siêu trọng và” tiếp theo đó là “quy định về đảm bảo trật tự an toàn giao thông vận tải đường bộ”.

17) Điều 18:
- Khoản 3: Đề nghị bổ sung thêm: Việc tiến hành kiểm tra, thanh tra doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể kinh doanh vận tải bằng ô tô phải được tiến hành sao cho thuận tiện nhất đối với doanh nghiệp, không nên kéo dài thời gian gây ảnh hưởng đến công việc kinh doanh và cũng nên có hình thức thanh tra, kiểm tra với tần suất phù hợp sao cho phát hiện và ngăn chặn kịp thời các sai sót, vi phạm của doanh nghiệp vì đây là ngành kinh doanh đặc thù ảnh hưởng trực tiếp tới tài sản và tính mạng của nhân dân.

18) Điều 19:
- Đề nghị nghiên cứu lại điều này vì trách nhiệm của các Bộ, các cơ quan nhà nước là hướng dẫn, phối hợp hướng dẫn và kiểm tra vì vậy ở đây nếu “Doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể ... có quyền khiếu nại, tố cáo lên cấp có thẩm quyền hoặc khởi kiện tại Toà án theo quy định của pháp luật” sẽ gây nên sự hiểu lầm và khó hiểu vì doanh nghiệp ngay từ đầu chỉ cần khiếu nại, tố cáo để được giải quyết, không thể khởi kiện ra toà án.

19) Điều 20: Xử lý vi phạm
- Điều này chỉ quy định về xử lý vi phạm một chiều là “Doanh nghiệp và hộ kinh doanh cá thể vi phạm” không quy định xử lý vi phạm đối với “Cán bộ, công chức các cơ quan nhà nước”.

Vì vậy đề nghị bổ sung và điều chỉnh điều này như sau:
Cán bộ, công chức nhà nước, doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể vi phạm các quy định của Nghị định này tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự, ...” hoặc bỏ hẳn điều này vì quy định này là đương nhiên, có trong các văn bản pháp luật khác rồi.
Nếu không bỏ thì cần phải sửa lại vì “doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể không thể áp dụng hình thức xử lý kỷ luật mà chỉ áp dụng cho cá nhân”.

20) Một số ý kiến khác:
Có ý kiến đề nghị cần phải lập lại các quy định về trọng tải và bàn cân trọng tải cho các loại xe (bao gồm cả xe vận tải hàng hoá và xe chở khách…). Nên tính trọng tải theo đúng lưu hành của nhà thiết kế, chế tạo. Riêng về vận tải hàng hoá, không nên cân trọng tải xe tính theo đầu trục mà nên tính tổng trọng lượng xe và hàng theo thiết kế của xe. Nếu không giải quyết vấn đề này, tình trạng xe chở quá tải sẽ không thể kiểm soát được và gây hậu quả khôn lường về an toàn giao thông vận tải (làm hư hỏng cầu, đường, gây tai nạn đường bộ nghiêm trọng…)

Trên đây là một số ý kiến do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổng hợp kính gửi Bộ Giao thông Vận tải xem xét, chỉnh sửa để hoàn thiện Dự thảo.

Các văn bản liên quan