Ý kiến của VCCI về dự thảo Luật

Thứ Sáu 11:23 24-04-2009

Kính gửi: ỦY BAN KINH TẾ CỦA QUỐC HỘI

Thời gian qua, các quy định về đầu tư xây dựng cơ bản chồng chéo, mâu thuẫn, phiền phức đã làm các nhà đầu tư cũng như các cơ quan quản lý Nhà nước mất rất nhiều thời gian trong việc thực hiện các thủ tục liên quan theo quy định của pháp luật. Do đó, việc soạn thảo Luật sửa đổi các luật liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản là hết sức cần thiết, một mặt góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho hoạt động này trong thời gian qua do sự chồng chéo, mâu thuẫn, bất hợp lý giữa các văn bản pháp luật liên quan cùng điều chỉnh, một mặt thúc đẩy sự phát triển của lĩnh vực xây dựng cơ bản của nước ta.

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), với tư cách là đại diện của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, rất hoan nghênh Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có chỉ đạo sâu sát và Chính phủ đã kịp thời soạn thảo Dự thảo Luật quan trọng này. Do thời gian gấp và yêu cầu cấp thiết cần phải sửa đổi, Dự thảo Luật được soạn thảo theo trình tự rút gọn là hợp lý, phù hợp với quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Tuy nhiên, việc soạn thảo Dự thảo Luật này cũng cần phải đảm bảo tính minh bạch, công khai, tiếp nhận ý kiến góp ý của các đối tượng chịu sự tác động trực tiếp, đặc biệt là doanh nghiệp có liên quan, để đảm bảo Dự thảo Luật khi ban hành thực sự đáp ứng được yêu cầu cải cách hành chính. 

Ngày 08 tháng 04 năm 2009, tại Hà Nội, VCCI đã phối hợp với Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức Hội thảo lấy ý kiến doanh nghiệp cho Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản. Trên cơ sở tổng hợp ý kiến của các đại biểu, kết hợp với nghiên cứu của các chuyên gia của VCCI về các vấn đề còn có ý kiến khác nhau, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam xin gửi tới Quý cơ quan những ý kiến của mình đối với Dự thảo Luật này như sau:

1.      Tính hợp lý của các quy định trong Dự thảo Luật

Về cơ bản, Dự thảo Luật đã có những quy định sửa đổi, bổ sung các luật liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản như Luật Xây dựng, Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Đất đai, … hợp lý, phù hợp với thực tiễn, tinh giản được thủ tục hành chính trong lĩnh vực đầu tư xây dựng, như: cho phép người có thẩm quyền quyết định đầu tư tự chịu trách nhiệm về việc thẩm định thiết kế cơ sở khi thẩm định dự án để quyết định đầu tư (sửa đổi khoản 2 Điều 59 Luật Xây dựng); trao quyền tự chủ trong việc thi tuyển thiết kế kiến trúc cho người quyết định đầu tư (sửa đổi Điều 55 Luật Xây dựng); bãi bỏ yêu cầu phải có chứng chỉ hành nghề của người đứng đầu công ty trong hồ sơ đăng ký kinh doanh đối với các công ty kinh doanh ngành, nghề mà theo quy định của pháp luật phải có chứng chỉ hành nghề (sửa đổi khoản 4, Điều 16; khoản 5, Điều 17; khoản 5, Điều 18; khoản 5 Điều 19 Luật Doanh nghiệp); Báo cáo đánh giá tác động môi trường không phải lập đồng thời với báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án (sửa đổi khoản 2 Điều 19 Luật Bảo vệ môi trường); quy định thẩm quyền thu hồi đất của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đối với trường hợp thực hiện dự án đầu tư mà trong diện tích đất thu hồi có người đang sử dụng là hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư, người Việt Nam định cư ở nước ngoài thuộc đối tượng được mua nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam (sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 44 Luật Đất đai); bãi bỏ Giấy chứng nhận đầu tư đối với Dự án đầu tư trong nước (sửa đổi Điều 45 Luật Đầu tư); …

2.      Những góp ý cụ thể khác

2.1.           Quy định về việc tách Giấy chứng nhận đầu tư và Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (Điều 50 Luật Đầu tư)

Luật Đầu tư hiện hành quy định “Giấy chứng nhận đầu tư đồng thời là Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh” (Điều 50). Dự thảo Luật sửa đổi quy định tách Giấy chứng nhận đầu tư và Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, nhà đầu tư nước ngoài phải tiến hành thủ tục cấp Giấy chứng nhận đầu tư tại cơ quan quản lý về đầu tư theo quy định về đầu tư và thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh tại cơ quan đăng ký kinh doanh theo quy định về đăng ký kinh doanh.

Có ý kiến cho rằng, việc tách Giấy chứng nhận đầu tư và Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh sẽ tạo thêm thủ tục hành chính cho nhà đầu tư nước ngoài khi tham gia đầu tư tại Việt Nam. Tuy nhiên, Dự thảo Luật tách hai loại giấy này là hợp lý. Vì, bản chất pháp lý của hai Giấy này là khác nhau. Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh xác lập địa vị pháp lý của chủ thể kinh doanh, tức là doanh nghiệp, trong khi Giấy chứng nhận đầu tư chỉ xác lập tính hợp pháp của một hành vi kinh doanh của doanh nghiệp. Khi tách Giấy chứng nhận đầu tư và Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, nhà đầu tư nước ngoài muốn đầu tư vào Việt Nam sẽ phải thực hiện đăng ký kinh doanh để được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh độc lập với việc cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho dự án đầu tư.

Đề nghị, Dự thảo Luật quy định tách Giấy chứng nhận đầu tư và Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh đối với nhà đầu tư nước ngoài lần đầu đầu tư vào Việt Nam.

2.2.           Quy định về việc điều chỉnh giá hợp đồng (Điều 57 Luật Đấu thầu)

Dự thảo Luật sửa đổi vấn đề điều chỉnh giá hợp đồng như sau “Việc điều chỉnh giá hợp đồng chỉ được thực hiện trong trường hợp Nhà nước thay đổi chính sách thuế, do biến động giá đột biến có ảnh hưởng trực tiếp đến giá hợp đồng hoặc hợp đồng có thời gian thực hiện trên 18 tháng”, “Việc điều chỉnh hợp đồng chỉ áp dụng trong thời gian thực hiện hợp đồng theo hợp đồng đã ký. Giá hợp đồng sau điều chỉnh không  được làm tăng tổng mức đầu tư đã duyệt”.

Quy định trên là chưa hợp lý, chưa phù hợp với thực tiễn, bởi tổng mức đầu tư được lập trước khi đấu thầu, sau đấu thầu mới ký hợp đồng xây lắp. Vì thế điều chỉnh hợp đồng tăng lên do biến động giá tăng lên thì đương nhiên sẽ vượt tổng mức đầu tư. Việc duyệt lại tổng mức đầu tư đã làm chậm tiến độ thi công và cũng gây ra phiền phức cho nhà đầu tư.

Mặt khác, quy định “giá hợp đồng sau điều chỉnh không được làm tăng tổng mức đầu tư đã duyệt” mâu thuẫn với khoản 2 Điều 40 sửa đổi của Luật Xây dựng, trong đó, cho phép người có thẩm quyền quyết định việc điều chỉnh dự án làm tăng tổng mức đầu tư đã duyệt, cụ thể là “khi điều chỉnh dự án làm thay đổi địa điểm, quy mô, mục tiêu dự án hoặc vượt tổng mức đầu tư đã được phê duyệt thì chủ đầu tư phải báo cáo người quyết định đầu tư quyết định”.

Đề nghị Ban soạn thảo bỏ quy định “giá hợp đồng sau điều chỉnh không được làm tăng tổng mức đầu tư đã duyệt” để đảm bảo tính thống nhất trong các quy định và bảo đảm quyền lợi hợp pháp cho nhà đầu tư.

2.3.           Về quy định bãi bỏ Giấy chứng nhận đầu tư đối với Dự án đầu tư trong nước (Điều 45 Luật Đầu tư)

Dự thảo Luật quy định “Dự án đầu tư trong nước không phải làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận đầu tư”.

Có ý kiến cho rằng, việc bỏ Giấy chứng nhận đầu tư đối với Dự án đầu tư trong nước chỉ là đơn giản hóa thủ tục một cách hình thức, vì nếu bỏ Giấy chứng nhận đầu tư thì nhà đầu tư sẽ gặp khó khăn trong việc thực hiện các thủ tục về đất đai (xin giao đất, thuê đất) hay thủ tục vay vốn ngân hàng.

Tuy nhiên, việc bãi bỏ Giấy chứng nhận đầu tư đối với Dự án đầu tư trong nước là hợp lý, góp phần tinh giản thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho nhà đầu tư. Nếu thực tế nhà đầu tư gặp khó khăn trong việc thực hiện các thủ tục về đất đai, vay vốn ngân hàng, đề nghị rà soát các quy định của pháp luật về đất đai, tài chính để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhà đầu tư.

Đề nghị, Dự thảo Luật giữ nguyên quy định: “Dự án đầu tư trong nước không phải làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận đầu tư”.

2.4.           Về việc thống nhất Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất

Thống nhất Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất, giao cho một cơ quan làm đầu mối thực hiện là cần thiết, hợp lý. Điều này, đơn giản hóa được hồ sơ, thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, tạo thuận lợi cho đối tượng chịu sự tác động nói chung, doanh nghiệp nói riêng. Mặt khác, việc thống nhất hai loại giấy này cũng phù hợp với tinh thần của Nghị quyết số 07/2007/QH12 ngày 12/11/2007 về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2008 thông qua kỳ họp tháng 11/2007 của Quốc hội khóa XII[1].

Đề nghị Dự thảo xem xét đưa vấn đề này vào.

Trên đây là những ý kiến của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam trân trọng gửi tới Quý cơ quan. Rất mong cơ quan soạn thảo lưu ý xem xét, cân nhắc để hoàn thiện Dự thảo.

Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của Quý cơ quan.

 

CHỦ TỊCH

VŨ TIẾN LỘC



[1] "Rà soát, sửa đổi những vướng mắc trong Luật đất đai, Luật nhà ở và các luật có liên quan đến cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất...Thống nhất cấp một loại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cùng với quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất trên cơ sở Luật đất đai, giao cho một cơ quan làm đầu mối thực hiện; đơn giản hoá hồ sơ, thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; phấn đấu đến năm 2010 cơ bản hoàn thành việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với tất cả các loại đất trên phạm vi toàn quốc.

Các văn bản liên quan