Tóm tắt báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế về Dự thảo luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản

Thứ Sáu 11:01 24-04-2009

BÁO CÁO THẨM TRA SƠ BỘ CỦA ỦY BAN KINH TẾ QUỐC HỘI

VỀ DỰ THẢO LUẬT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU

CÁC LUẬT LIÊN QUAN ĐẾN ĐẦU TƯ XÂY DỰNG CƠ BẢN
Số 709/BC-UBKT12 ngày 15/4/2009

I.       Sự cần thiết ban hành Luật

Ủy ban Kinh tế tán thành với việc khẩn trương sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật có liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản như: Luật Xây dựng, Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư, Luật Đất đai, … Việc sửa đổi các luật trên mới giải quyết được tổng thể những vấn đề đang đặt ra: tình trạng yếu kém trong đầu tư xây dựng cơ bản xuất phát từ hệ thống văn bản còn vướng mắc, thủ tục quy định còn phiền hà, nội dung của một số luật và văn bản hướng dẫn thi hành chưa phù hợp với thực tế hoặc không thống nhất.

II.    Về phạm vi sửa đổi, bổ sung, tên gọi của Luật và quy trình Quốc hội xem xét, thông qua Dự án Luật

-          Về phạm vi sửa đổi: Ủy ban Kinh tế QH đề nghị, trước mắt chỉ nên tập trung sửa đổi, bổ sung những nội dung về quy trình, thủ tục đặc biệt là giai đoạn chuẩn bị đầu tư trong các luật liên quan trực tiếp đến đầu tư xây dựng cơ bản mà đa số nội dung về quy trình, thủ tục đầu tư xây dựng cơ bản được quy định trong Luật Xây dựng và Luật Đấu thầu. Nên, cần tập trung sửa đổi, bổ sung 2 luật này và một số quy định trong các luật có liên quan (Vì: Những vấn đề như quản lý và sử dụng đất đai, giá đền bù, bồi thường giải phóng mặt bằng, quy hoạch, phân cấp quản lý đầu tư, chủ đầu tư, ban quản lý dự án, quy trình, thủ tục đầu … đang được nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung một cách cơ bản ở các luật liên quan trong thời gian tới; Vấn đề bức xúc nhất hiện nay là tiến độ các dự án sử dụng vốn nhà nước còn rất chậm, số vốn xây dựng cơ bản không giải ngân được phải chuyển sang năm sau rất lớn mà nguyên nhân chính là thủ tục đầu tư xây dựng cơ bản còn nhiều vướng mắc; Thời gian để Quốc hội xem xét, thông qua Dự luật là rất gấp);

-          Về tên gọi của Luật: Ủy ban Kinh tế tán thành với tên gọi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản;

-          Về quy trình Quốc hội xem xét thông qua Dự án Luật: Ủy ban Kinh tế thẩy rằng, cần trình Quốc hội xem xét, thông qua Dự án Luật ngay tại kỳ họp thứ 5, vì yêu cầu đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng cơ bản ngay trong năm 2009 và 2010 để thực hiện các dự án đầu tư thuộc các lĩnh vực, các cấp, các ngành góp phần thực hiện các giải pháp ngăn chặn suy giảm kinh tế và với phạm vi sửa đổi, bổ sung tập trung vào những vấn đề vướng mắc, bức xúc nhất.

III.             Những nội dung sửa đổi, bổ sung cụ thể trong các Luật

1.      Về thống nhất các khái niệm, thuật ngữ trong luật

Cần thống nhất các thuật ngữ:

-          Báo cáo đầu tư

-          Báo cáo nghiên cứu khả thi

-          Báo cáo kinh tế - kỹ thuật

-          Chủ đầu tư

-          Chủ dự án

-          Vốn nhà nước

2.      Về sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng

-          Ủy ban Kinh tế tán thành nội dung sửa đổi các Điều: Điều 7 về hoạt động xây dựng có điều kiện; Điều 40 về điều chỉnh dự án đầu tư xây dựng; Điều 54 về các bước thiết kế xây dựng công trình; Điều 55 về thi tuyển thiết kế kiến trúc; Điều 59 về thẩm định thiết kế cơ sở;

-          Ủy ban Kinh tế cho rằng chưa cần thiết quy định trong Luật này về giám sát, đánh giá dự án đầu tư xây dựng công trình (sửa đổi Điều 39, Điều 43, bổ sung Điều 40a), bởi vì:

+ Điều 39 sửa đổi thẩm quyền quyết định đầu tư các dự án, công trình quan trọng quốc gia theo hướng Thủ tướng Chính phủ chỉ quyết định đầu tư các dự án, công trình quan trọng quốc gia sử dụng vốn nhà nước, Chính phủ phân cấp ủy quyền cho các Bộ, UBND cấp tỉnh quyết định các dự án, công trình quan trọng quốc gia khác. Các tiêu chí khác để đánh giá về dự án, công trình quan trọng quốc gia như: quy mô di dân, tác động môi trường, ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh hoặc di tích quốc gia … có giá trị quan trọng về lịch sử, văn hóa, cơ chế, chính sách đặc thù …

+ Điều 43 về quản lý chi phí dự án đầu tư xây dựng công trình. Ủy ban Kinh tế cho rằng việc cơ quan nhà nước ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật là phù hợp để tránh những rắc rối khi thanh tra, kiểm toán về sau và cũng là cở sở để lập và thẩm tra dự toán. Mặt khác, việc đánh giá năng lực, uy tín của các tổ chức xã hội, nghề nghiệp cũng còn là vấn đề đặt ra nên việc giao cho các tổ chức này công bố định mức, chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật để chủ đầu tư tham khảo, làm căn cứ xác định chi phí đầu tư có thể gây thêm vướng mắc và thiếu tính khả thi;

+ Bổ sung Điều 40a giám sát, đánh giá đầu tư xây dựng công trình. Ủy ban Kinh tế cho rằng, quy định này không có tính khả thi cao và đây không phải là vấn đề bức xúc thuộc thủ tục đầu tư xây dựng cơ bản, chưa nên đưa vào Luật lần này.

3.      Về sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu thầu

-          Ủy ban Kinh tế tán thành với nội dung sửa đổi về bảo đảm cạnh tranh trong đấu thầu (Điều 11) và bổ sung quy định về chế tài đối với một số hành vi vi phạm trong đấu thầu (bổ sung khoản 18 Điều 12 và sửa đổi Điều 75);

-          Về chỉ định thầu (Điều 20)

+ Mức chỉ định thầu: Ủy ban Kinh tế cho rằng về lâu dài thì cần tiến tới đấu thầu rộng rãi, hạn chế chỉ định thầu, nhưng trong tình hình suy giảm kinh tế, cần đẩy mạnh kích cầu đầu tư như hiện nay thì giao Chính phủ quy định hạnh mức chỉ định thầu nhằm linh hoạt hơn chỉ định thầu là cần thiết à tán thành với quy định của Dự luật.

+ Thủ tục chỉ định thầu (khoản 2) đã được hướng dẫn tại Nghị định 58/2009/NĐ-CP, nếu thấy cần thiết thì đề nghị sửa đổi, bổ sung trong Nghị định, không nên quy định trong Dự thảo Luật này;

-          Phân cấp trong đấu thầu: Ủy ban Kinh tế tán thành với sửa đổi Điều 61 về phân cấp cho chủ đầu tư phê duyệt hồ sơ mời thầu, phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu, quyết định xử lý tình huống trong đấu thầu vì những nội dung này tạo chủ động hơn cho chủ đầu tư;

-          Đề nghị không sửa đổi nội dung phân cấp cho chủ đầu tư phê duyệt kết quả đấu thầu như quy định tại Điều 31, 39, 40, 41 vì hiện tại nhiều chủ đầu tư còn hạn chế về năng lực và kinh nghiệm, khi được giao nhiều quyền hơn, tương đối khép kín từ phê duyệt cơ sở, hồ sơ mời thầu, tổ chức đấu thầu và thêm cả phê duyệt kết quả đấu thầu một mặt có thể dẫn tới lạm quyền mặt khác có thể lúng túng, sợ trách nhiệm, không dám triển khai thực hiện sẽ dấn đến chậm trễ trong việc triển khai thực hiện dự án, công trình.

4.      Sửa đổi, bổ sung Luật Đầu tư

-          Ủy ban Kinh tế cho rằng chưa cần thiết sửa đổi 4 điều đó là Điều 29 về đầu tư có điều kiện, Điều 32 về đối tượng và điều kiện ưu đãi đầu tư, Điều 49 về thủ tục thẩm tra đối với dự án thuộc danh mục lĩnh vực đầu tư có điều kiện, Điều 84 về theo dõi, giám sát và đánh giá hoạt động đầu tư vì những nội dung này liên quan chủ yếu về môi trường đầu tư nói chung;

-          Tán thành quy định dự án đầu tư trong nước không phải làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận đầu tư;

-          Ủy ban Kinh tế đề nghị vẫn cần có quy định đăng ký đầu tư đối với dự án đầu tư từ 15 tỷ đến dưới 300 tỷ đồng vì thủ tục đăng ký đầu tư rất đơn giản và là cơ sở để cơ quan quản lý nhà nước thống kê, tổng hợp tình hình đầu tư …

-          Tán thành việc tách Giấy chứng nhận đầu tư và Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (vì: mục đích của việc cấp hai giấy này là khác nhau; thẩm quyền cấp hai giấy này là khác nhau, việc tách ra không tạo ra gánh nặng cho nhà đầu tư nước ngoài)

5.      Sửa đổi, bổ sung Luật Doanh nghiệp

-          Ủy ban Kinh tế đề nghị không sửa đổi về chứng chỉ hành nghề và đăng ký lại doanh nghiệp FDI trong Dự thảo luật này vì không trực tiếp liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản;

-          Tán thành việc bỏ khoản 4 Điều 15 và Điều 20 để thống nhất với việc sửa đổi Luật Đầu tư về tách giấy chứng nhận đầu tư và giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh

6.      Về sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai

Ủy ban Kinh tế đề nghị không nên sửa một số điều của Luật Đất đai trong Dự thảo luật về đầu tư xây dựng cơ bản vì:

-          Dự án Luật sửa đổi, bổ sung Luật đất đai đang được chuẩn bị trình Quốc hội xem xét;

-          Thống nhất thành một giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà ở cần được sửa quy định có liên quan trong Luật Đầu tư và Luật Nhà ở.

7.      Sửa đổi, bổ sung Luật Bảo vệ môi trường và Luật Phòng cháy chữa cháy

Đề nghị Chính phủ giải trình thêm về tác động của việc sửa đổi 5 điều của 2  luật này vì, quy định chuyển từ “tiền kiểm” sang “hậu kiểm” sẽ phát sinh nhiều vấn đề do lực lượng thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực này mỏng và khó thực hiện “hậu kiểm” hết các dự án, công trình sau đầu tư, sẽ dẫn đến những vi phạm, gây hậu quả khó lường.

8.      Sửa đổi Luật thuế thu nhập doanh nghiệp

Ủy ban Kinh tế cho răng chưa nên sửa đổi Luật thuế thu nhập doanh nghiệp trong Dự án Luật này vì không liên quan trực tiếp đến trình tự, thủ tục đầu tư xây dựng cơ bản.

9.      Sửa đổi Nghị quyết 66/2006/QH11

Ủy ban Kinh tế cho rằng nội dung sửa đổi NQ là chưa thực sự bức thiết, vì:

-          Từ khi NQ có hiệu lực chưa có dự án nào thuộc diện này được trình QH quyết định chủ trương đầu tư

-          Theo Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Luật không được sửa NQ, nếu thấy cần thiết đề nghị Chính phủ trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung riêng về Nghị quyết.

10.  Một số ý kiến khác

Xem xét tính thống nhất, đồng bộ đối với các văn bản quy phạm pháp luật

-          Điều 101 Luật Xây dựng quy định về chỉ định thầu trong hoạt động xây dựng “các trường hợp đặc biệt khác được người có thẩm quyền quyết định đầu tư cho phép”, Điều 24 Luật Đấu thầu quy định: “Trường hợp gói thầu có đặc thù riêng biệt mà không thể áp dụng các hình thức lựa chọn nhà thầu quy định tại các Điều từ 18 đến 23 của luật này thì chủ đầu tư phải lập phương án lựa chọn nhà thầu bảo đảm mục tiêu cạnh tranh và hiệu quả kinh tế trình Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định”;

-          Về hình thức hợp đồng, Điều 48 Luật Đấu thầu quy định 4 hình thức hợp đồng: trọn gói, theo đơn giá, theo thời gian, theo tỷ lệ phần trăm. Điều 107 Luật Xây dựng quy định hợp đồng trong hoạt động xây dựng có thể có nhiều nội dung khác nhau và văn bản hướng dẫn quy định có 3 hình thức: trọn gói, đơn giá cố định và giá điều chỉnh;

-          Về quy định lựa chọn nhà thầu: điểm b khoản 1, Điều 96 quy định “chọn được nhà thầu có đủ điều kiện năng lực hoạt động xây dựng, năng lực hành nghề xây dựng phù hợp, có giá dự thầu hợp lý”, trong khi đó tại khoản 4 Điều 38 quy định “có chi phí thấp nhất trên cùng một mặt bằng”.


Đề nghị trong Tờ trình của Chính phủ nên trình bày việc sửa đổi, bổ sung các quy định theo nhóm vấn đề, tương ứng với từng khâu của công tác xây dựng cơ bản. Cần trình kèm theo Dự án Luật dự kiến về những nội dung hướng dẫn thi hành trong Nghị định để Quốc hội xem xét, cho ý kiến.

Các văn bản liên quan