Ý kiến của ThS Vũ Xuân Hưng – Đoàn Luật sư Tp.Hồ Chí Minh

Thứ Tư 15:55 20-03-2013

GÓP Ý CHO BẢN DỰ THẢO SỬA ĐỔI HIẾN PHÁP NĂM 1992 (THÁNG 12/2012)

Vũ Xuân Hưng[1]

PHẦN 1: NHỮNG ĐIỂM MỚI VÀ TIẾN BỘ CỦA DỰ THẢO SỬA ĐỔI HIẾN PHÁP 1992

1/ Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 phiên bản tháng 12/2012 (Dự thảo) có những điểm mới, tiến bộ đáng ghi nhận như sau:

Thứ nhất, Điều 4 khoản 3 Dự thảo khẳng định 3. Các tổ chức của Đảng và đảng viên hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật”. Điều này, một lần nữa khẳng định và chỉ rõ Đảng không nằm trên Pháp luật. Nếu Hiến Pháp hiện hành nêu:“Mọi tổ chức của Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật, Dự thảo đã quy định thêm đối tượng không chỉ là các tổ chức của Đảng mà kể cả các đảng viên phải hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật;

Thứ hai, khẳng định luôn chú trọng và tiếp tục không ngừng thừa nhận, tôn trọng và bảo vê quyền con người, thể hiện rất rõ khi trong Dự thảo đã sử dụng  lặp lại rất nhiều lần từ “Mọi người”; “Không ai”; “Nam, Nữ”; “Tổ chức, cá nhân” thay vì  cụm từ “Công dân” được sử dụng phổ biến trong Hiến Pháp hiện hành;

Thứ ba, Bảo vệ môi trường là trách nhiệm được Hiến định khi Dự thảo quy định tại Điều 68 (mới), đây là điểm mới đáng ghi nhận thể hiện sự quan tâm đúng mức vấn để bảo vệ môi trường của đảng và Nhà nước ta, điều này phù hợp với xu thế chung.

2/ Xây dựng Hiến pháp – Luật gốc (luật mẹ của các ngành luật), một số vấn đề lưu ý:

Các vấn đề về chủ quyền quốc gia, quyền con người cần được đặc biệt chú trọng và đề cập tại những điều đầu tiên của Hiến pháp.

Cần tránh xu hướng quy định quá chi tiết các vấn đề cụ thể đã được quy định trong các luật chuyên ngành, sẽ không khác một văn vản pháp luật thông thường khác, rất dễ lạc hậu với các điều kiện kinh tế xã hội vốn nhiều biến động. Vi dụ, Dự thảo đã bỏ Điều 42 của Hiến pháp hiện hành, không tiếp tục ghi nhận: “Nhà nước và xã hội phát triển du lịch, mở rộng hoạt động du lịch trong nước và du lịch quốc tế”. Theo tác giả là việc không quy định  này có thể dễ nhận biết tính được tính hợp lý của nó vì hoạt động du lịch tuy là rất quan trọng nhưng suy cho cùng cũng là một thành phần kinh tế là bộ phận cấu thành của nền kinh tế quốc dân, không nhất thiết phải ghi nhận riêng thành một tuyên bố hiến định (Điều 54 khoản 2 Dự thảo đã ghi nhận: “Các thành phần kinh tế đều là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân, cùng phát triển lâu dài, hợp tác, bình đẳng và cạnh tranh theo pháp luật”).

Khi sử dụng cụm từ “mọi người”, “công dân” cần xem xét kỹ lưỡng để xử dụng phù hợp với điều kiện kinh tế, chính trị, xã hội của Việt Nam, “mọi người” bao gồm cả người nước ngoài, người không có quốc tịch  có thể có quyền tự do kinh doanh không? (Điều 34 Dự thảo) hay chỉ nên là “công dân” người có quốc tịch Việt Nam và phải theo quy định của Luật (giới hạn của quyền tự do kinh doanh vì các lý do quốc phòng, an ninh, lợi ích công cộng); hoặc phải chăng “công dân” mới có quyền có nơi ở hợp pháp còn người nước ngoài, người không quốc tịch thì không có quyền này (Điều 36 Dự thảo). Tương tự, cần xem xét lại để sử dụng phù hợp các cụm từ “ theo quy định của pháp luật” và “theo quy định của luật”. Theo tác giả những vấn đề lớn có quan hệ trực tiếp đến quyền con người, đất đai, quyền tự do kinh doanh...nên “theo quy định của luật”, văn bản là Luật do Quốc hội và chỉ Quốc hội mới có quyền ban hành, chỉnh sửa; không nên  “theo quy định của pháp luật”, bao gồm cả những văn bản dưới luật, các văn bản do cơ quan cấp Bộ, Chính phủ ban hành sửa đổi, vốn rất biến động dễ đổi thay do nguyên nhân từ các yếu tố nhiều biến động trong đời sống và các nguyên nhân chủ quan khác.

PHẦN 2: BẢNG SO SÁNH GIỮA HIẾN PHÁP NĂM 1992 VỚI DỰ THẢO SỬA ĐỔI HIẾN PHÁP NĂM 1992 VÀ MỘT SỐ GÓP Ý CHI TIẾT (phần có góp ý – các điều khoản khác không có bên dưới là đồng ý với Dự thảo)

 LỜI NÓI ĐẦU

HIẾN PHÁP NĂM 1992

(ĐÃ ĐƯỢC SỬA ĐỔI, BỔ SUNG NĂM 2001)

DỰ THẢO SỬA ĐỔI HIẾN PHÁP NĂM 1992

Ý KIẾN GÓP Ý

Trải qua mấy nghìn năm lịch sử, nhân dân Việt Nam lao động cần cù, sáng tạo, chiến đấu anh dũng để dựng nước và giữ nước, đã hun đúc nên truyền thống đoàn kết, nhân nghĩa, kiên cường bất khuất của dân tộc và xây dựng nên nền văn hiến Việt Nam.

Từ năm 1930, dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện, nhân dân ta tiến hành cuộc đấu tranh cách mạng lâu dài, đầy gian khổ hy sinh, làm Cách mạng tháng Tám thành công. Ngày 2 tháng 9 năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập, nước Việt Nam dân chủ cộng hoà ra đời. Tiếp đó, suốt mấy chục năm, nhân dân các dân tộc nước ta đã liên tục chiến đấu, với sự giúp đỡ quý báu của bè bạn trên thế giới, nhất là các nước xã hội chủ nghĩa và các nước láng giềng, lập nên những chiến công oanh liệt, đặc biệt là chiến dịch Điện Biên Phủ và chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đánh thắng hai cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân và đế quốc, giải phóng đất nước, thống nhất Tổ quốc, hoàn thành cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân. Ngày 2 tháng 7 năm 1976, Quốc hội nước Việt Nam thống nhất đã quyết định đổi tên nước là Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam; cả nước bước vào thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, ra sức xây dựng đất nước, kiên cường bảo vệ Tổ quốc đồng thời làm nghĩa vụ quốc tế.

Qua các thời kỳ kháng chiến kiến quốc, nước ta đã có Hiến pháp năm 1946, Hiến pháp năm 1959 và Hiến pháp năm 1980.

Từ năm 1986 đến nay, công cuộc đổi mới toàn diện đất nước do Đại hội lần thứ VI của Đảng cộng sản Việt Nam đề xướng đã đạt được những thành tựu bước đầu rất quan trọng. Quốc hội quyết định sửa đổi Hiến pháp năm 1980 để đáp ứng yêu cầu của tình hình và nhiệm vụ mới.

Hiến pháp này quy định chế độ chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, quốc phòng, an ninh, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, cơ cấu, nguyên tắc tổ chức và hoạt động của các cơ quan nhà nước, thể chế hoá mối quan hệ giữa Đảng lãnh đạo, nhân dân làm chủ, Nhà nước quản lý.

Dưới ánh sáng của chủ nghĩa Mác - Lê nin và tư tưởng Hồ Chí Minh, thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, nhân dân Việt Nam nguyện phát huy truyền thống yêu nước, đoàn kết một lòng, nêu cao tinh thần tự lực, tự cường xây dựng đất nước, thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hoà bình, hữu nghị, hợp tác với tất cả các nước, nghiêm chỉnh thi hành Hiến pháp, giành những thắng lợi to lớn hơn nữa trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Trải qua mấy nghìn năm lịch sử, nhân dân Việt Nam lao động cần cù, sáng tạo, chiến đấu anh dũng để dựng nước và giữ nước, đã hun đúc nên truyền thống đoàn kết, nhân nghĩa, kiên cường, bất khuất của dân tộc và xây dựng nên nền văn hiến Việt Nam.

Từ năm 1930, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện, nhân dân ta tiến hành cuộc đấu tranh cách mạng lâu dài, đầy gian khổ, hy sinh, làm Cách mạng tháng Tám thành công. Ngày 2 tháng 9 năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập, nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời. Với khát vọng độc lập, tự do, bằng tinh thần tự lực, tự cường, cùng với sự giúp đỡ quý báu của bạn bè và nhân dân thế giới, nhân dân ta đã giành chiến thắng trong các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, thống nhất đất nước và làm nghĩa vụ quốc tế; xây dựng chủ nghĩa xã hội và tiến hành công cuộc đổi mới, giành được những thành tựu quan trọng, có ý nghĩa lịch sử.

Qua các thời kỳ kháng chiến kiến quốc, nước ta đã có Hiến pháp năm 1946, Hiến pháp năm 1959, Hiến pháp năm 1980 và Hiến pháp năm 1992. Mỗi bản Hiến pháp đều ghi nhận những thành quả cách mạng to lớn mà nhân dân  Việt Nam đã đạt được, tạo nền tảng vững chắc cho sự ổn định và phát triển đất nước.

Dưới ánh sáng của chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, thể chế hóa Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, thực hiện chủ quyền nhân dân, Hiến pháp này tiếp tục khẳng định ý chí của nhân dân và chủ quyền quốc gia; phát huy dân chủ, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; hoàn thiện Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; tôn trọng và bảo đảm quyền con người, quyền công dân; phát triển kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ, bảo vệ môi trường; thực hiện công bằng xã hội; tăng cường quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước trên thế giới.

Nhân dân Việt Nam, với truyền thống yêu nước, đoàn kết một lòng, xây dựng và thi hành Hiến pháp vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

1/ Cần nêu lại và sửa lại nội dung sau đây trong phần Lời mở đầu của Hiến pháp: “Hiến pháp này quy định chế độ chính trị; quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; kinh tế,  xã hội, văn hóa, giáo dục, khoa học công nghệ và mội trường; bảo vệ tổ quốc; cơ cấu, nguyên tắc tổ chức và hoạt động của các cơ quan nhà nước, thể chế hoá mối quan hệ giữa Đảng lãnh đạo, nhân dân làm chủ, Nhà nước quản lý”).

Lý do: Khái quát nhất nội dung của bản Hiến pháp và đây cũng chính là phạm vi điều chỉnh của Hiếp pháp.

2/ Cần thêm CHƯƠNG I

CHỦ QUYỀN QUỐC GIA hoặc sửa Chương I Dự thảo theo hướng:

CHƯƠNG I

CHỦ QUYỀN, CHẾ ĐỘ CHÍNH TRỊ

CHƯƠNG I     

CHẾ ĐỘ CHÍNH TRỊ

HIẾN PHÁP NĂM 1992

(ĐÃ ĐƯỢC SỬA ĐỔI, BỔ SUNG NĂM 2001)

DỰ THẢO SỬA ĐỔI HIẾN PHÁP NĂM 1992

Chương I

NƯỚC CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM - CHẾ ĐỘ CHÍNH TRỊ

Chương XI

QUỐC KỲ, QUỐC HUY, QUỐC CA, THỦ ĐÔ, NGÀY QUỐC KHÁNH

Chương I

CHẾ ĐỘ CHÍNH TRỊ

Chương I

CHỦ QUYỀN QUỐC GIA, CHẾ ĐỘ CHÍNH TRỊ

Điều 2

Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và tầng lớp trí thức.

Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công và phối hợp giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp.

Điều 2 (sửa đổi, bổ sung Điều 2)

Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức.

Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp.

Điều 2 Dự thảo cần sửa theo hướng thêm cụm từ “doanh nhân” vào câu:

“....Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân, doanh nhân và đội ngũ trí thức.

Lý do: Phù hợp, đồng bộ, thống nhất với Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 09/12/2011 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Thực tế: Đội ngũ Doanh nhân Việt Nam ngày càng lớn mạnh, là lực lượng quạn trọng, quyết định đến sự phát triển kinh tế đất nước.

Điều 5

Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước thống nhất của các dân tộc cùng sinh sống trên đất nước Việt Nam.

Nhà nước thực hiện chính sách bình đẳng, đoàn kết, tương trợ giữa các dân tộc, nghiêm cấm mọi hành vi kỳ thị, chia rẽ dân tộc.

Các dân tộc có quyền dùng tiếng nói, chữ viết, giữ gìn bản sắc dân tộc và phát huy những phong tục, tập quán, truyền thống và văn hoá tốt đẹp của mình.

Nhà nước thực hiện chính sách phát triển về mọi mặt, từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số.

Điều 5 (sửa đổi, bổ sung Điều 5)

1. Nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là quốc gia thống nhất của các dân tộc cùng sinh sống trên đất nước Việt Nam.

2. Các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp đỡ nhau cùng phát triển; nghiêm cấm mọi hành vi kỳ thị, chia rẽ dân tộc.

 3. Ngôn ngữ quốc gia là tiếng Việt. Các dân tộc có quyền dùng tiếng nói, chữ viết, giữ gìn bản sắc dân tộc và phát huy những phong tục, tập quán, truyền thống và văn hoá tốt đẹp của mình.

4. Nhà nước thực hiện chính sách phát triển toàn diện và tạo điều kiện để tất cả các dân tộc thiểu số phát huy nội lực, hoà nhập vào sự phát triển chung của  đất nước.

Điều 5, khoản 4 nên thêm cụm từ “nhân loại” vào cuối câu như sau:

4. Nhà nước thực hiện chính sách phát triển toàn diện và tạo điều kiện để tất cả các dân tộc thiểu số phát huy nội lực, hoà nhập vào sự phát triển chung của  đất nước, nhân loại.”

Điều 6

Nhân dân sử dụng quyền lực Nhà nước thông qua Quốc hội và Hội đồng nhân dân là những cơ quan đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân, do nhân dân bầu ra và chịu trách nhiệm trước nhân dân.

Quốc hội, Hội đồng nhân dân và các cơ quan khác của Nhà nước đều tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc tập trung dân chủ.

Điều 6 (sửa đổi, bổ sung Điều 6)

Nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước bằng các hình thức dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện thông qua Quốc hội, Hội đồng nhân dân và thông qua các cơ quan khác của Nhà nước.

Điều 6 cần chỉnh sửa theo hướng “...thông qua Quốc hội, Hội đồng nhân dân và thông qua các cơ quan khác của Nhà nước” thành: “...thông qua Quốc hội, Hội đồng nhân dân, các cơ quan khác của Nhà nước và thông qua các tổ chức đoàn thể được thành lập và hoạt động hợp pháp”.

Lý do: Thực tế các tổ chức đoàn thể xã hội đang và đã là nơi người dân thông qua đó thực hiện quyền lực nhà nước bẳng các hình thực dân chủ đại diện.

CHƯƠNG II

QUYỀN CON NGƯỜI, QUYỀN VÀ NGHĨA VỤ CƠ BẢN CỦA CÔNG DÂN

HIẾN PHÁP 1992

(ĐÃ ĐƯỢC SỬA ĐỔI, BỔ SUNG NĂM 2001)

DỰ THẢO SỬA ĐỔI HIẾN PHÁP 1992

Chương V

QUYỀN VÀ NGHĨA VỤ CƠ BẢN CỦA CÔNG DÂN

CHƯƠNG II

QUYỀN CON NGƯỜI,
QUYỀN VÀ NGHĨA VỤ CƠ BẢN CỦA CÔNG DÂN

Điều 50

Ở nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hoá và xã hội được tôn trọng, thể hiện ở các quyền công dân và được quy định trong Hiến pháp và luật.

Điều 15 (sửa đổi, bổ sung Điều 50)

1. Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, quyền con người, quyền công dân được Nhà nước và xã hội thừa nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật.

2. Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị giới hạn trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức, sức khỏe của cộng đồng.

Điều 15 khoản 2 cần thêm cụm từ “theo quy định của luật” như sau:Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị giới hạn trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức, sức khỏe của cộng đồng theo quy định của luật

Lý do: Tránh áp dụng tùy tiện, và chỉ khi luật có quy định mới được áp dụng. Bởi vì, quyền con người là thiêng liêng, tự nhiên do vậy cần được điều chỉnh bởi các luật. Luật do Quốc hội ban hành do vậy về trình tự xây dựng, thông qua, chỉnh sửa bổ sung phải tuân theo thủ tục nghiêm ngạt và chặt chẽ, đảm bảo tính ổn định.

Điều 49

Công dân nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là người có quốc tịch Việt Nam.

Điều 18 (sửa đổi, bổ sung Điều 49)

1. Công dân nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là người có quốc tịch Việt Nam.

2. Công dân Việt Nam không thể bị trục xuất khỏi lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, giao nộp cho Nhà nước khác.

3. Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam bảo hộ công dân Việt Nam ở nước ngoài.

Điều 18 khoản 3:

Cần sửa cụm từ: “..ở nước ngoài” thành “.. ở trong và ngoài nước”, khoản 3 nên là: “Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam bảo hộ công dân Việt Nam ở trong và ngoài nước”.

Điều 21 (mới)

Mọi người có quyền sống.

Điều 21 không nên quy định thành điều luật riêng mà nên ghép vào Điều 22 khoản 1 sửa Điều 22 thành Điều 21

Điều 71

Công dân có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về tính mạng, sức khoẻ, danh dự và nhân phẩm.

Không ai bị bắt, nếu không có quyết định của Toà án nhân dân, quyết định hoặc phê chuẩn của Viện kiểm sát nhân dân, trừ trường hợp phạm tội quả tang. Việc bắt và giam giữ người phải đúng pháp luật.

Nghiêm cấm mọi hình thức truy bức, nhục hình, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của công dân.

Điều 22 (sửa đổi, bổ sung Điều 71)

1. Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về tính mạng, sức khoẻ, danh dự và nhân phẩm.

2. Nghiêm cấm mọi hành vi tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử khác xâm phạm thân thể, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của con người.

3. Mọi người có quyền hiến mô, bộ phận cơ thể người và hiến xác theo quy định của luật. Việc thử nghiệm y học, dược học, khoa học hay bất kỳ hình thức thử nghiệm khác trên cơ thể người phải được người đó đồng ý.

Điều 22 nên sửa lại khoản 1 như sau: Điều 21 (các điều luật sau nên đánh lại số điều theo thứ tự phù hợp):

“1. Mọi người có quyền sống, có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về tính mạng, sức khoẻ, danh dự và nhân phẩm”.

Tại khoản 3 nên bỏ cụm từ: “Việc thử nghiệm y học, dược học, khoa học hay bất kỳ hình thức thử nghiệm khác trên cơ thể người phải được người đó đồng ý”.

Lý do: Vẫn đảm bảo tính hợp lý mà tránh được việc có quá nhiều điều luật nhất là có những điều luật chỉ là một tuyên ngôn quá ngắn hoặc đôi khi lại quá dài và chi tiết không cần thiết.

Điều 73

Công dân có quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở.

Không ai được tự ý vào chỗ ở của người khác nếu người đó không đồng ý, trừ trường hợp được pháp luật cho phép.

Thư tín, điện thoại, điện tín của công dân được bảo đảm an toàn và bí mật.

Việc khám xét chỗ ở, việc bóc mở, kiểm soát, thu giữ thư tín, điện tín của công dân phải do người có thẩm quyền tiến hành theo quy định của pháp luật.

Điều 23 (sửa đổi, bổ sung Điều 73)

1. Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình; có quyền bảo vệ danh dự, uy tín của mình.

Không được phép thu thập, lưu giữ, sử dụng và phổ biến thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình của người khác nếu không được người đó đồng ý.

2. Mọi người có quyền bí mật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác.

Việc bóc mở, kiểm soát, thu giữ thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác do pháp luật quy định.

Điều 23 khoản 1 cần thêm vào cuối câu cụm từ: “Trừ trường hợp theo quy định của luật”, nên sửa như sau:

“...Không được phép thu thập, lưu giữ, sử dụng và phổ biến thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình của người khác nếu không được người đó đồng ý Trừ trường hợp theo quy định của luật.

Lý do: Tránh việc lạm quyền hiến định từ những đối tượng vi phạm pháp luật, (xâm phạm lợi ích công cộng, an ninh quốc gia trật tự xã hội...); Chỉ có văn bản ở hình thức là Luật do Quốc hội ban hành mới được quy định điều này tránh việc ban hành văn bản pháp luật tùy tiện từ các cơ quan không phải Quốc hội.

Điều 58

Công dân có quyền sở hữu về thu nhập hợp pháp, của cải để dành, nhà ở, tư liệu sinh hoạt, tư liệu sản xuất, vốn và tài sản khác trong doanh nghiệp hoặc trong các tổ chức kinh tế khác; đối với đất được Nhà nước giao sử dụng thì theo quy định tại Điều 17 và Điều 18.

Nhà nước bảo hộ quyền sở hữu hợp pháp và quyền thừa kế của công dân.

Điều 33 (sửa đổi, bổ sung Điều 58) 

1. Mọi người có quyền sở hữu về thu nhập hợp pháp, của cải để dành, nhà ở, tư liệu sinh hoạt, tư liệu sản xuất, vốn và tài sản khác trong doanh nghiệp hoặc trong các tổ chức kinh tế khác; đối với đất được Nhà nước giao sử dụng thì theo quy định tại Điều 57 và Điều 58.

2. Quyền sở hữu tư nhân và quyền thừa kế được pháp luật bảo hộ.

Điều 33 khoản 2:

Nên sửa cụm từ “được pháp luật bảo hộ” thành “được Nhà nước bảo hộ” như sau: “Quyền sở hữu tư nhân và quyền thừa kế được Nhà nước bảo hộ”.

Lý do: Nếu được bảo hộ bởi Nhà nước sẽ mang tính ổn định lâu dài hơn việc được pháp luật bảo hộ (yếu tố dễ thay đổi hơn). Hơn nữa quy định như vậy sẽ đồng bộ với Điều 34 khoản 2, Điều 43 khoản 2 Dự thảo.

Điều 57

Công dân có quyền tự do kinh doanh theo quy định của pháp luật.

Điều 34 (sửa đổi, bổ sung Điều 57)

1. Mọi người có quyền tự do kinh doanh.

2. Nhà nước bảo hộ quyền tự do kinh doanh.

Điều 34 khoản 1 nên sửa cụm từ “Mọi người” thành “Công dân”  và thêm câu “Theo quy định của Luật” sau khoản 1. Cụ thể như sau: Công dân có quyền tự do kinh doanh theo quy định của Luật”.

Lý do: Không thể có quyền tự do kinh doanh bất chấp các lợi ích công cộng, an ninh quốc gia được.

Điều 62

Công dân có quyền xây dựng nhà ở theo quy hoạch và pháp luật. Quyền lợi của người thuê nhà và người có nhà cho thuê được bảo hộ theo pháp luật.

Điều 36 (sửa đổi, bổ sung Điều 62)

1. Công dân có quyền có nơi ở hợp pháp.

2. Nhà nước có chính sách tạo điều kiện để công dân có nơi ở.

Điều 36 khoản 1:

Nên sửa từ “công dân” thành “mọi người”, khoản 1 sẽ là: “Mọi người có quyền có nơi ở hợp pháp”. Như vậy, sẽ bao quát hơn bao quát hơn quyền con người là có quyền có chỗ ở.

Điều 73

Công dân có quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở.

Không ai được tự ý vào chỗ ở của người khác nếu người đó không đồng ý, trừ trường hợp được pháp luật cho phép.

Thư tín, điện thoại, điện tín của công dân được bảo đảm an toàn và bí mật.

Việc khám xét chỗ ở, việc bóc mở, kiểm soát, thu giữ thư tín, điện tín của công dân phải do người có thẩm quyền tiến hành theo quy định của pháp luật.

Điều 37 (sửa đổi, bổ sung Điều 73)

1. Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở hợp pháp.

2. Không ai được tự ý vào chỗ ở hợp pháp của người khác nếu không được người đó đồng ý.

Việc khám xét chỗ ở do luật định.

Điều 37 khoản 1 nên bỏ cụm từ “hợp pháp” và sửa theo hướng: “Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở.” và khoản 2 Điều 37 nên thay từ “vào” thành ‘xâm phạm” và bỏ cụm từ “hợp pháp” đồng thời thêm vào cuối câu “trừ trường hợp do luật định”, bỏ cụm từ “việc khám xét chỗ ở do luật định”. Đề nghị sửa khoản 2 như sau: “không ai được tự ý xâm phạm chỗ ở của người khác nếu không được người đó đồng ý trừ trường hợp do luật định”. Bởi vì, mọi người có quyền có nơi ở, việc người đó ở có hợp pháp hay không do luật định. Theo đó, chỉ khi luật cho phép thì mới được quyền xâm phạm đến chỗ ở của người khác. Thực tế, có rất nhiều trường hợp chỗ ở của anh là hợp pháp nhưng anh lại có hành vi vi phạm pháp luật và theo luật cơ quan có thẩm quyền có thể khám xét nơi ở của anh; ngược lại nếu anh chiếm dụng chỗ ở của người khác một cách không hợp pháp mà không ai có quyền xâm phạm?. Do vậy, cần quy định việc xâm phạm chỗ sở do luật định; Hơn nữa, cần dùng từ “xâm phạm’ thay cho từ “vào” vì đôi khi có những hành vi không nhất thiết phải vào nhà cũng đã được coi là xâm phạm nhà của người khác như không vào nhà nhưng ném đá vào nhà...

Điều 55

Lao động là quyền và nghĩa vụ của công dân.

Nhà nước và xã hội có kế hoạch tạo ngày càng nhiều việc làm cho người lao động.

Điều 56

Nhà nước ban hành chính sách, chế độ bảo hộ lao động.

Nhà nước quy định thời gian lao động, chế độ tiền lương, chế độ nghỉ ngơi và chế độ bảo hiểm xã hội đối với viên chức nhà nước và những người làm công ăn lương; khuyến khích phát triển các hình thức bảo hiểm xã hội khác đối với người lao động.

Điều 38 (sửa đổi, bổ sung Điều 55, Điều 56)

1. Công dân có quyền làm việc, lựa chọn việc làm, nghề nghiệp và nơi làm việc.

2. Nghiêm cấm các hành vi phân biệt đối xử, cưỡng bức lao động, sử dụng người lao động chưa thành niên trái pháp luật.

Điều 38 khoản 1 cần đổi cụm từ “công dân” thành “mọi người” vì quyền làm việc là quyền của bất kỳ ai.

Điều 39

Nhà nước đầu tư, phát triển và thống nhất quản lý sự nghiệp bảo vệ sức khoẻ của nhân dân, huy động và tổ chức mọi lực lượng xã hội xây dựng và phát triển nền y học Việt Nam theo hướng dự phòng; kết hợp phòng bệnh với chữa bệnh; phát triển và kết hợp y dược học cổ truyền với y dược học hiện đại; kết hợp phát triển y tế nhà nước với y tế nhân dân; thực hiện bảo hiểm y tế, tạo điều kiện để mọi người dân được chăm sóc sức khoẻ.

Nhà nước ưu tiên thực hiện chương trình chăm sóc sức khoẻ cho đồng bào miền núi và dân tộc thiểu số.

Nghiêm cấm tổ chức và tư nhân chữa bệnh, sản xuất, buôn bán thuốc chữa bệnh trái phép gây tổn hại cho sức khoẻ của nhân dân.

Điều 61

Công dân có quyền được hưởng chế độ bảo vệ sức khoẻ.

Nhà nước quy định chế độ viện phí, chế độ miễn, giảm viện phí.

Công dân có nghĩa vụ thực hiện các quy định về vệ sinh phòng bệnh và vệ sinh công cộng.

Nghiêm cấm sản xuất, vận chuyển, buôn bán, tàng trữ, sử dụng trái phép thuốc phiện và các chất ma tuý khác. Nhà nước quy định chế độ bắt buộc cai nghiện và chữa các bệnh xã hội nguy hiểm.

Điều 41 (sửa đổi, bổ sung Điều 39, Điều 61)

1. Công dân có quyền được bảo vệ sức khỏe; bình đẳng trong việc sử dụng các dịch vụ y tế và có nghĩa vụ thực hiện các quy định về phòng bệnh, khám bệnh, chữa bệnh.

2. Nghiêm cấm các hành vi đe dọa đến cuộc sống và sức khỏe của người khác và cộng đồng.

Điều 41 khoản 1 cần đổi cụm từ “công dân” thành “mọi người” vì quyền được bảo vệ sức khỏe là quyền của bất kỳ ai.

Điều 45 (mới)

Công dân có quyền xác định dân tộc của mình, sử dụng ngôn ngữ mẹ đẻ, tự do lựa chọn ngôn ngữ giao tiếp.

Điều 45 cần đổi cụm từ “công dân” thành “mọi người” vì quyền xác định dân tộc, sử dụng ngôn ngữ mẹ đẻ là quyền của bất kỳ ai.

Điều 80

Công dân có nghĩa vụ đóng thuế và lao động công ích theo quy định của pháp luật.

Điều 50 (sửa đổi, bổ sung Điều 80)

Mọi người có nghĩa vụ nộp thuế.

Điều 50 nên thêm cụm từ theo quy định của Pháp luật sau cuối câu. Nên sửa: Mọi người có nghĩa vụ nộp thuế theo quy định của pháp luật”. Bởi vì chỉ khi pháp luật có quy định thì mới phải nộp thuế và cần dùng theo quy định pháp luật thay vỉ theo luật, vì lĩnh vực thế là lĩnh vực khá động theo các điều kiện hoạt động của đối tượng chịu thuế do vậy rất cần có những chính sách, quy định pháp luật linh hoạt để điều chỉnh.

CHƯƠNG III

KINH TẾ, XÃ HỘI, VĂN HÓA, GIÁO DỤC, KHOA HỌC, CÔNG NGHỆ VÀ MÔI TRƯỜNG

HIẾN PHÁP NĂM 1992

(ĐÃ ĐƯỢC SỬA ĐỔI, BỔ SUNG NĂM 2001)

DỰ THẢO SỬA ĐỔI HIẾN PHÁP NĂM 1992

Chương II

CHẾ ĐỘ KINH TẾ

Chương III

VĂN HÓA, GIÁO DỤC, KHOA HỌC, CÔNG NGHỆ

CHƯƠNG III

KINH TẾ, XÃ HỘI, VĂN HÓA, GIÁO DỤC, KHOA HỌC, CÔNG NGHỆ VÀ MÔI TRƯỜNG

CHƯƠNG III

KINH TẾ, XÃ HỘI, VĂN HÓA, GIÁO DỤC, KHOA HỌC, CÔNG NGHỆ VÀ MÔI TRƯỜNG

Điều 39

Nhà nước đầu tư, phát triển và thống nhất quản lý sự nghiệp bảo vệ sức khoẻ của nhân dân, huy động và tổ chức mọi lực lượng xã hội xây dựng và phát triển nền y học Việt Nam theo hướng dự phòng; kết hợp phòng bệnh với chữa bệnh; phát triển và kết hợp y dược học cổ truyền với y dược học hiện đại; kết hợp phát triển y tế Nhà nước với y tế nhân dân; thực hiện bảo hiểm y tế, tạo điều kiện để mọi người dân được chăm sóc sức khoẻ.

Nhà nước ưu tiên thực hiện chương trình chăm sóc sức khoẻ cho đồng bào miền núi và dân tộc thiểu số.

Nghiêm cấm tổ chức và tư nhân chữa bệnh, sản xuất, buôn bán thuốc chữa bệnh trái phép gây tổn hại cho sức khoẻ của nhân dân.

Điều 40

Nhà nước, xã hội, gia đình và công dân có trách nhiệm bảo vệ, chăm sóc bà mẹ và trẻ em; thực hiện chương trình dân số và kế hoạch hoá gia đình.

Điều 62 (sửa đổi, bổ sung Điều 39, Điều 40)

1. Nhà nước ban hành chính sách đầu tư, phát triển sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ sức khỏe của nhân dân; huy động các nguồn lực để xây dựng nền y tế hiện đại, công bằng, hiệu quả; phát triển nền y học Việt Nam theo hướng kết hợp đông y và tây y, phòng bệnh và chữa bệnh; thực hiện bảo hiểm y tế toàn dân và tạo điều kiện để mọi người dân được chăm sóc sức khỏe; ưu tiên thực hiện chương trình chăm sóc sức khoẻ cho đồng bào miền núi, hải đảo, dân tộc thiểu số và các vùng đặc biệt khó khăn khác.

2. Nhà nước, xã hội, gia đình và công dân có trách nhiệm bảo vệ, chăm sóc sức khỏe người mẹ, trẻ em, thực hiện kế hoạch hóa gia đình, bảo đảm quy mô, cơ cấu dân số hợp lý, nâng cao chất lượng dân số.

Điều 62 khoản 1: Nên thêm cụm từ “đầu tư’ vào câu sau: “Nhà nước ban hành chính sách đầu tư, đầu tư phát triển sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ sức khỏe của nhân dân”. Vì Nhà nước cũng cần có trách nhiệm đầu tư bên cạnh việc huy động các nguồn lực trong xã hội cho các vấn đề về an sinh xã hội, chăm sóc sức khỏa nhân dân; tại khoản này cũng nên sửa cụm từ “mọi người dân” thành “mọi người” vì mọi người có quyền được chăm sóc sức khỏe. Khoản 1 nên sửa như sau:

“1. Nhà nước ban hành chính sách đầu tư, đầu tư phát triển sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ sức khỏe của nhân dân; huy động các nguồn lực để xây dựng nền y tế hiện đại, công bằng, hiệu quả; phát triển nền y học Việt Nam theo hướng kết hợp đông y và tây y, phòng bệnh và chữa bệnh; thực hiện bảo hiểm y tế toàn dân và tạo điều kiện để mọi người được chăm sóc sức khỏe; ưu tiên thực hiện chương trình chăm sóc sức khoẻ cho đồng bào miền núi, hải đảo, dân tộc thiểu số và các vùng đặc biệt khó khăn khác”.

Điều 41

Nhà nước và xã hội phát triển nền thể dục, thể thao dân tộc, khoa học và nhân dân.

Nhà nước thống nhất quản lý sự nghiệp phát triển thể dục, thể thao; quy định chế độ giáo dục thể chất bắt buộc trong trường học; khuyến khích và giúp đỡ phát triển các hình thức tổ chức thể dục, thể thao tự nguyện của nhân dân, tạo các điều kiện cần thiết để không ngừng mở rộng các hoạt động thể dục, thể thao quần chúng, chú trọng hoạt động thể thao chuyên nghiệp, bồi dưỡng các tài năng thể thao.

Điều 42

Nhà nước và xã hội phát triển du lịch, mở rộng hoạt động du lịch trong nước và du lịch quốc tế.

Bỏ Điều 41 và Điều 42 của Hiến pháp năm 1992

Không nên bỏ Điều 41 Hiến pháp hiện hành mà cần quy định như cũ. Xin trích bài viết sau làm dẫn chứng “Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ kính yêu đã dành trọn cả cuộc đời mình cho dân tộc Việt Nam. Người không chỉ là tấm gương sáng ngời về đạo đức, tác phong, lối sống mà Bác còn là tấm gương sáng về rèn luyện sức khoẻ. Vì vậy, có thể khẳng định, trong hệ thống tư tưởng Hồ Chí Minh, tư tưởng của Người về Thể dục thể thao có vị trí quan trọng, có giá trị cao trong nền văn hóa thể chất nước ta… Thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, mỗi chúng ta cần liên hệ bản thân, thực hành những chuẩn mực đạo đức của Người trong mọi lĩnh vực của cuộc sống. Rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại cũng chính là chúng ta đã góp phần xây dựng một dân tộc giàu về vật chất, mạnh về tinh thần... Quán triệt sâu sắc và thấm nhuần tư tưởng “Dân cường thì nước thịnh” của Bác (Xem thêm: Thiên Hà (tổng hợp) http://www.tdtt.gov.vn/tabid/90/ArticleID/10444/Default.aspx ngày 14/3/2013).

CHƯƠNG IX

CHÍNH QUYỀN ĐỊA PHƯƠNG

HIẾN PHÁP NĂM 1992

(ĐÃ ĐƯỢC SỬA ĐỔI, BỔ SUNG NĂM 2001)

DỰ THẢO SỬA ĐỔI HIẾN PHÁP NĂM 1992

Chương IX

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN VÀ UỶ BAN NHÂN DÂN

CHƯƠNG IX

CHÍNH QUYỀN ĐỊA PHƯƠNG

Điều 119

Hội đồng nhân dân là cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân, do nhân dân địa phương bầu ra, chịu trách nhiệm trước nhân dân địa phương và cơ quan Nhà nước cấp trên.

Điều 120

Căn cứ vào Hiến pháp, luật, văn bản của cơ quan Nhà nước cấp trên, Hội đồng nhân dân ra nghị quyết về các biện pháp bảo đảm thi hành nghiêm chỉnh Hiến pháp và pháp luật ở địa phương; về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách; về quốc phòng, an ninh ở địa phương; về biện pháp ổn định và nâng cao đời sống của nhân dân, hoàn thành mọi nhiệm vụ cấp trên giao cho, làm tròn nghĩa vụ đối với cả nước.

Điều 123

Uỷ ban nhân dân do Hội đồng nhân dân bầu là cơ quan chấp hành của Hội đồng nhân dân, cơ quan hành chính Nhà nước ở địa phương, chịu trách nhiệm chấp hành Hiến pháp, luật, các văn bản của các cơ quan Nhà nước cấp trên và nghị quyết của Hội đồng nhân dân.

Điều 124

Uỷ ban nhân dân trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn do pháp luật quy định, ra quyết định, chỉ thị và kiểm tra việc thi hành những văn bản đó.

Chủ tịch Uỷ ban nhân dân lãnh đạo, điều hành hoạt động của Uỷ ban nhân dân.

Khi quyết định những vấn đề quan trọng của địa phương, Uỷ ban nhân dân phải thảo luận tập thể và quyết định theo đa số.

Chủ tịch Uỷ ban nhân dân có quyền đình chỉ việc thi hành hoặc bãi bỏ những văn bản sai trái của các cơ quan thuộc Uỷ ban nhân dân và các văn bản sai trái của Uỷ ban nhân dân cấp dưới; đình chỉ thi hành nghị quyết sai trái của Hội đồng nhân dân cấp dưới, đồng thời đề nghị Hội đồng nhân dân cấp mình bãi bỏ những nghị quyết đó.

Điều 116 (sửa đổi, bổ sung các điều 119, 120, 123 và 124)

1. Hội đồng nhân dân là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân, do nhân dân địa phương bầu ra, chịu trách nhiệm trước nhân dân địa phương và cơ quan nhà nước cấp trên.

Căn cứ vào Hiến pháp, luật, văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên, Hội đồng nhân dân quyết định các biện pháp bảo đảm thi hành Hiến pháp và pháp luật ở địa phương, các vấn đề quan trọng của địa phương và giám sát hoạt động của các cơ quan nhà nước tại địa phương.

2. Uỷ ban nhân dân là cơ quan chấp hành của Hội đồng nhân dân, cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương. 

Chủ tịch Uỷ ban nhân dân và các thành viên Ủy ban nhân dân chịu trách nhiệm tập thể về hoạt động của Ủy ban nhân dân và chịu trách nhiệm cá nhân về việc thực hiện nhiệm vụ được giao trước Hội đồng nhân dân và cơ quan hành chính nhà nước cấp trên.

Điều 116 khoản 1: nên sửa cụm từ Căn cứ vào Hiến pháp, luật, văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên” thành “Căn cứ vào Hiến pháp, luật, văn bản pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên. Bởi vì, tránh những tùy tiện trong việc can thiệp của cấp trên làm mất tính chủ động của chính quyền cấp dưới thông qua các loại văn bản không phải là văn bản quy phạm pháp luật.

Điều 116 Khoản 2: Hiện nay chúng ta đang thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân quận, huyện, phường, nếu quy định Uỷ ban nhân dân là cơ quan chấp hành của Hội đồng nhân dân, cơ quan hành chính nhà nước ở địa phươngsẽ không phù hợp, nên sửa là: Uỷ ban nhân dân là cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương”.

Tp. Hồ Chí Minh, ngày 17/3/2013



[1] Ths. Luật sư – Đoàn Luật sư Tp.Hồ Chí Minh

Các văn bản liên quan