Luật sư Nguyễn Bính Châu – Đoàn Luật sư Tp.Hồ Chí Minh: Góp ý về thực hiện Bộ luật dân sự

Thứ Năm 10:47 21-03-2013
                                  GÓP Ý VỀ THỰC HIỆN BỘ LUẬT DÂN SỰ

Tôi là LS Nguyễn Bính Châu, thuộc Đoàn Luật sư TP.HCM, tôi xin trân trọng cám ơn thư mời tham gia góp ý Luật Dân sự của quý cơ quan, và chúng tôi xin được góp ý chia sẻ một số điểm vướng mắc qua thực tiển, cần làm rõ trong Bộ Luật Dân sự, như sau:

1.      Quy định về hộ gia đình:

Theo Điều 106, 108, 109 Bộ Luật Dân sự: Hộ gia đình là các thành viên trong gia đình có tài sản chung, cùng đóng góp công sức để hoạt động kinh tế chung trong sản xuất, nông lâm ngư nghiệp. Có quan điểm giải thích cho rằng Hộ gia đình không phải là hộ khẩu.

Trên thực tế, UBND thường cấp quyền sử dụng đất cho hộ gia đình, nhưng sau này (khoản 20 - 30 năm) sau, các thành viên trong hộ lần lượt cắt hộ khẩu. Chủ hộ gia đình là cha chết, thì con trai trong hộ khẩu, lên thay chủ hộ và đăng ký là chủ hộ gia đình thay cho cha đã chết. Khi các anh em tranh chấp thừa kế thì thẩm phán căn cứ vào hộ khẩu hiện tại, (có một vợ và 3 con) cho rằng người cha trước đây là chủ hộ nhưng chỉ là một thành viên trong hộ khẩu (hộ gia đình) thôi. Gia đình người anh có 6 người: 1 người cha (đã chết)  2 vợ chồng và 3 con: tổng cộng 6 nhân khẩu ) vậy, nếu các anh em tranh chấp, thì chỉ được hưởng phần thừa kế của cha là 1/6 tài sản tranh chấp. Nhận định như vậy có đúng không? Tại sao đúng và tại sao sai? Và trên thực tế, Tòa án thường có khuynh hướng xét xử như trên. Do vạy, chúng tôi đề nghị Bộ Tư pháp và TANDTC nên có hướng dẫn rõ về thừa kế quyền sử dụng đất hộ gia đình.

2.      Quy định về Hợp đồng Vô hiệu:

Điều 12 Bộ Luật Dân sự có quy định về các điều kiện hiệu lực của giao dịch Dân sự:

1.      Người tham giao giao dịch phải có năng lực hành vi

2.      Mục đích và nội dung của giao dịch không vi phạm điều cấm của pháp luật, không trái đạo đức xã hội.

3.      Người tham gia giao dịch hoàn toàn tự nguyện.

4.      Vi phạm về hình thức khi ký kết hợp đồng trong trường hợp pháp luật có quy định giao dịch phải được thể hiện bằng văn bản, phải có công chứng hoặc chứng thực, phải đăng ký hoặc xin phép, thì phải tuân theo quy định đó. (Điều 124)

Trên thực tế, người Việt kiều thường nhờ người thân đứng tên mua nhà giùm hoặc nhờ mua hoá giá, hoặc hai bên mua bán chuyển nhượng nhưng bên bán chưa có đầy đủ giấy tờ, nên thường bị lật lọng hợp đồng, hoặc bị chiếm đoạt tài sản và thiệt thòi. Để việc giao dịch được đảm bảo tránh tiếp tay với sự lật lộng, chúng tôi đề nghị Bộ Tư pháp và TANDTC có hướng dẫn rõ các trường hợp hợp đồng vô hiệu. Nếu vào thời điểm xét xử tranh chấp mà bên mua trước đây nay đã có đủ điều kiện mua nhà, thì nghỉ nên buộc bên bán phải tiếp tục hoàn tất thủ tục chuyển quyền sở hữu cho bên mua.

3.      Quy định về tiền đặt cọc Hợp đồng thuê nhà

Theo quy định tại Điều 358 Luật Dân sự: Đặt cọc là việc một bên giao cho bên kua một khoản tiền hoặc kim khí quý, đá quý hoặc vật có giá trị khác trong một thời hạn để bảo đảm giao kết hay thực hiện họp đồng dân sự.Việc đặt cọc phải lập thành văn bản.

-          Trong trường hợp hợp đồng dân sự được giao kết thực hiện thì tài sản đặt cọc được trả lại cho bên đặt cọc hoặc được trừ để thực hiện nghia vụ trả tiền.

-          Nếu bên đặt cọc từ chối viêc giao kết thực hiện hợp đồng dân sự thì tài sản đặt cọc thuộc về bên nhận đặt cọc

-          Nếu bên nhận đặt cọc từ chối viêc giao kết, thực hiện hợp đồng dân sự, thì phải trả cho bên đặt cọc tài sản đặt cọc và một khoản tiền tương đương giá trị tài sản đặt cọc, trừ trường hợp có thoả thuận khác.

-          Luật đã không dự liệu trường hợp hai bên đã ký kết và thực hiện hợp đồng, nhưng do điều kiện khó khăn khách quan, một bên phải đề nghị chấm dứt thanh lý hợp đồng trước thời hạn. Vậy tiền đặt cọc trong trường hợp này phải xử lý ra sao? Điều này rất thưòng xảy ra đối với các hợp đồng thuê mặt bằng làm trường học, kho xưởng mà ta cần nghiên cưu và hướng dẫn giải quyết sao cho công bằng và phù hợp với đạo lý.

4.      Quy định về tài sản chung vợ chồng

Về nguyên tắc, tài sản do vợ chồng tạolập trong thời kỳ hôn nhân hoặc cả hai vợ chồng đều cùng đăng ký được coi là tài sản chung, Tuy nhiên, có những trường hợp người chồng tự ý dăng ký ghi thêm tên mình vào tài sản này khi cấp đổi sổ mới. Cần xem xét trường hợp người chủ sở hữu bị lừa dối hoặc hiểu lầm nên để cho vợ hay chồng đứng tên chung tài sản riêng của mình, để bảo đảm quyền lợi chính đáng cho người chủ sở hữu thật sự.

Ngày xưa ông bà ta đã biết bảo vệ sự bền vững của hôn nhân, bảo vệ người phụ nữ tránh được cảnh đau lòng bất hạnh. Bộ Luật Hồng Đức có quy định về ly hôn, như sau: có 7 trường hợp người chồng được quyền bỏ vợ (thất xuất) như  sau: (Không con, dâm, không thờ cha mẹ chồng, lắm điều, trộm cắp, ghen tuông, bị bệnh khó chữa.) Tuy nhiên, Luật cũng quy định hết sức nhân bản: người chồng không có quyền ly hôn bỏ vợ trong ba trường hợp (tam bất khứ) sau: Người vợ đã để tang nhà chồng 3 năm; khi lấy nhau nghèo mà sau giàu có; (tiền bần tiện hậu phú quý) khi lấy nhau có bà con mà khi bỏ lại không có bà con để trở về (hữu sở thú, vô sở quy)

Hiện nay,trong xã hội nảy sinh hiện tượng chồng xin ly hôn với vợ già vợ cũ để được chia tài sản, (bán nhà ôm cầm sang thuyền khác) phụ rẫy người đã hy sinh gần hết cuôc đời chung sống với mình bất kể nhân nghĩa, một cách hết sức dễ dàng do Luật Gia đình ta quy định còn quá đổi sơ khai, không đưa chế tài có lỗi trong hôn nhân, cứ tài sản vợ chồng là cộng đồng sở hữu phải chia đôi cho hai vợ chồng, bất kể ai là người có lỗi trong hôn nhân.  Do vậy, chúng ta cũng nên nghiên cứu chế tài việc có lỗi trong hôn nhân để bảo vệ người vợ có con nhỏ có điều kiện giữ được căn nhà, ổn định đời sống và chăm sóc nuôi dạy con nhỏ. Nếu ly hôn do lỗi của người chồng hoặc người vợ, thì Toà án có quyền giao phần sở hữu cho người không có lỗi nhiều hơn, nhằm bảo vệ quyền lợi của người không có lỗi trong hôn nhân và hạn chế một phần mục đích ly hôn để chia tài sản, pháp luât đứng về phe vi phạm Luật Hôn nhân gia đình.

5.      Quy định về di chúc chung vợ chồng

- Điều 664 Bô Luật Dân sự có ghi rõ:

1.      Vợ chồng có thể sửa đổi bổ sung thay thế huỷ bỏ di chúc chung bất cứ lúc nào.

2.      Khi vợ hoặc chồng muốn sửa đổi bổ sung di chúc, thay thế huỷ bỏ di chúc chung, thì phải có sự đồng ý của người kia, nếu một người đã chết thì người kia chỉ có thể sửa đổi bổ sung di chúc liên quan đến phần tài sản của mình

- Điều 667 (Hiệu lực của Di chúc): Khi di chúc có phần không hợp pháp mà không ảnh hưởng đêen hiệu lực của các phần còn lại, thì chỉ phần đó không có hiệu lực pháp luật.

- Điều 670: (Di sản dùng vào việc thờ cúng) Trong trường hợp người lập di chuc có để lại một phần di sản dùng vào viêc thờ cúng, thì phần di sản đó không được chi thừa kế và được giao cho một người được chỉ định trong di chúc quản lý để thực hiện việc thờ cúng, nếu người được chỉ định không thực hiện đúng di chúc hoặc khôg theo thoả thuận của những người thừa kế thì những người thừa kế có quyền giao phần di sản dùng vào việc thờ cúng cho người khác quản lý để thờ cúng.

Luật quy định rõ ràng như thế, nhưng trên thực tế, cả hai cấp Toà án (TAND huyên Long Thành và TAND tỉnh Đồng Nai) đều vi phạm trực tiếp một lúc 3 điều luật này. Khi chúng tôi xin giám đốc thẩm bản án, thì chính ông Phó Chánh án Toà án Tối cao có công văn trả lời bản án xử đúng pháp luật và có lợi cho các đương sự được bán nhà đất chia tiền. Hậu quả là người cha có quyền bán nhà đất đóng tiền thi hành án ôm tiền theo vợ bé và qua đời, để lại cho các đứa con ngớ ngẫn đau lòng tan nát tài sản và nguyện vọng của mẹ vì có Luật cũng như không. Do vậy, chúng tôi đề nghị khi bản án vi phạm pháp luật, vi phạm quyền sở hữu tài sản, thì Uỷ ban Tư pháp Quốc hội và ông Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Bộ trưởng Bộ Công an, Ban Nội chính TW có trách nhiệm xem xét huỷ án nhằm bảo vệ pháp chế XHCN nghiêm minh.

6.      Quy định về yếu tố nước ngoài về tranh chấp tài sản, ly hôn, khai sinh con, thừa kế.

Hiện nay, chúng ta có hướng dẩn khi tranh chấp tài sản thừa kế có yếu tố nước ngoài, cũng như việc đòi nhà cho ở nhờ thì phải qua thủ tục tố tụng và thủ tục uỷ thác tư pháp rất nhiêu khê và mất rất nhiều thời gian (từ một đến hai năm), trong khi đó phía Nguyên đơn đều ở vào tuổi tròm trèm 70 trở lên, sợ không qua nổi bản án Sơ thẩm. Chúng tôi đề nghị nên xem xét giảm bớt sự nặng nề không cần thiết. Toà án có quyền gửi thông báo bảo đảm về việc thụ lý xét xử, và  cho biết thời  hạ n trả  lời cùng việc đóng án phí theo quy định nếu có  yêu cầu phản tố  (thời hạn tối đa 01 tháng) nếu quá hạn trên mà đương sự không hồi âm và không đóng án phí, thì Toà án có quyền đưa vu án ra xét xử vắng mặt đương sự, nhằm tránh sự tự mình trói buộc Toà án của mình trong việc xét xử.

Chúng tôi cũng đề nghị cân nhắc thêm quy định về Di chúc miệng (Điều 651) vì rất khó thực hiện. Và nên công khai quy trình khi sinh cho con có yếu tố nước ngoài (thuộc thẩm quyền Sở Tư pháp- tránh tình trạng các cơ quan hướng dẫn không nhất quán người dân phải chạy tới chạy lui gỏ cửa khắp nơi), trường hợp Viêt kiều thừa kế nhà theo di chúc, nếu phần thừa kế không ảnh hưởng lớn đến tài sản (thí dụ thừa kế một phần nhà, một cái phòng thì cũng nên cho phép người Việt kiều có điều kiện về ở làm ăn và sinh sống ở quê nhà, theo nguyện vọng của cha mẹ vợ chồng con cái họ và theo chính sách Pháp luật ngày một nhân bản và cởi mở hơn.

7. Quy định về các quyền Dân sự Hiến định:

Các quyền dân sự như tự do báo chí, tự do ứng cử, quyền khiếu nại các quyết định hành chính, bản án oan sai vi phạm pháp luật, quyền phát biểu chính kiến, quyền đóng góp ý kiến tham gia việc nước, quyền lập hội và biểu tình..cũng cần phải xem xét bỏ sung nhằm phát huy dân chủ quyền làm chủ của dân và tinh thần thượng tôn pháp luật, phát triển đất nước.                                                      

Trân trọng cám ơn và kính chào.                                                                                               LS. Nguyễn Bính Châu (Đoàn Luật sư TP.HCM)

                                                           

Các văn bản liên quan