Ý kiến của Ông Vũ Khắc Thư – Tập đoàn Điện lực Việt Nam

Thứ Hai 08:34 09-05-2011

Tôi nhận được Dự thảo Nghị định này cách đây 2 ngày, vì thời gian có hạn nên tôi xin phát biểu với tư cách chuyên gia, cán bộ làm về pháp chế của EVN. Nếu có thời gian, chúng tôi sẽ phải gửi Dự thảo đến tất cả các đơn vị thành viên để xin ý kiến, sau đó tổng hợp lại. Trên cơ sở công tác tại EVN tôi đã được biết thực trạng về tiếp xúc, chăm sóc, quản lý khách hàng dùng điện. Mảng kinh doanh chính của chúng tôi là khách hàng dùng điện.

Về quy định pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng: đứng về phía doanh nghiệp, chúng tôi hoàn toàn ủng hộ việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật về bảo vệ người tiêu dùng. Bởi vì bảo vệ được quyền lợi người tiêu dùng thì quyền lợi của doanh nghiệp cũng được bảo vệ. Hai mối quan hệ này có tính chất cộng sinh với nhau chứ không hề có mâu thuẫn với nhau về quyền lợi cả.
Về những quy định chung mà Ban Soạn thảo muốn lấy ý kiến thì tôi xin có một vài ý kiến như sau:

Thứ nhất, quy định về cá nhân hoạt động thương mại độc lập thường xuyên không phải đăng ký kinh doanh. Tôi ủng hộ ý kiến 1 là phải quản lý cả trong và ngoài chợ, trung tâm thương mại. Theo phương án này sẽ tạp được hành lang pháp lý để dần đưa các hoạt động của đối tượng này vào quản lý cho phù hợp với quy định của pháp luật đồng thời cũng phù hợp với Điều 17 "Hợp đồng bán hàng tận cửa" đối tượng có khả năng hoạt động ngoài chợ và trung tâm thương mại.

Thứ hai, quy định về việc hoàn thành nghĩa vụ đăng ký hợp đồng mẫu và điều kiện giao dịch chung. Tôi ủng hộ ý kiến thứ hai.

Thứ ba, quy định về giao nhiệm vụ gắn với nhiệm vụ của Nhà nước cho tổ chức hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Theo tôi, tôi ủng hộ ý kiến 1. Theo đó sẽ tập trung hơn, sẽ nâng cao hiệu quả của các tổ chức tham gia. Tuy nhiên, điều này cũng có thể mở rộng hơn khuyến khích các tổ chức khác tự nguyện tham gia. Các tổ chức này tham gia sẽ không có sự hỗ trợ.

Về các điều khoản cụ thể của hợp đồng, tôi xin có ý kiến góp ý như sau:
Tại Chương III. Hợp đồng giao kết với người tiêu dùng và điều kiện giao dịch chung. Mục 1-Quản lý hợp đồng theo mẫu và điều kiện giao dịch chung. Tôi thấy rằng quy định này, với EVN sẽ có điểm chưa phù hợp, đặc biệt là với hợp đồng mua bán điện. Hiện nay, hợp đồng của chúng tôi do Bộ Công thương ban hành, không phải doanh nghiệp đăng ký. Tôi không hiểu là Ban Soạn thảo đã lấy ý kiến Vụ năng lượng và Vụ điều tiết điện lực chưa? Theo tôi nên lấy ý kiến của 2 cơ quan này trực thuộc Bộ. Và trong Nghị định cũng nên mở rộng ra bằng việc quy định dẫn chiếu quy định áp dụng đối với hợp đồng mẫu nên áp dụng Luật chuyên ngành. Bởi vì hiện nay Luật Điện lực và các văn bản hướng dẫn thi hành đã quy định rất rõ việc xây dựng hợp đồng mẫu như thế nào, rồi thẩm quyền ban hành, điều kiện để được ban hành nữa. Trong Nghị định này thì không thể quy định rõ từng trường hợp như thế được.

Về các điều khoản khác: Điều 14. Yêu cầu hủy bỏ, sửa đổi các điều khoản, điều kiện giao dịch chung trong trường hợp không thuộc phạm vi phải nghiên cứu. Theo tôi cần quy định người tiêu dùng cũng có quyền yêu cầu cơ quan quản lý Nhà nước về bảo vệ quyền lợi cho mình: yêu cầu cá nhân, tổ chức kinh doanh sửa đổi hoặc hủy bỏ nội dung trong Điều này. Như vậy, nó sẽ mở rộng phạm vi bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng hơn.

Điều 15. Hợp đồng giao kết từ xa, tại khoản 1 nên bổ sung thêm quy định tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin về hợp đồng, đó là phải cung cấp thêm các thông tin về xuất xứ hàng hóa và thời hạn bảo hành của hàng hóa. Đối với trường hợp giao kết hợp đồng từ xa thì người tiêu dùng không thể biết được những điều này và đối với doanh nghiệp cần phải có. Chẳng hạn EVN chúng tôi mua hàng từ xa chắc chắn là yêu cầu phải cung cấp giấy tờ thông tin về xuất xứ hàng hóa và chế độ bảo hành thì chúng tôi mới mua.
Điều 16, khoản 1 chúng tôi đề nghị bổ sung thêm nội dung: quy định rõ phạm vi cung cấp dịch vụ cũng như phương thức cung cấp dịch vụ. Phạm vi và phương thức cung cấp là quan trọng, cần phải đưa vào.
Khoản 4, điểm a, quy định về trả tiền thì nên để cho hai bên tự thỏa thuận trong hợp đồng. Không nên quy định bắt buộc. Ví dụ như EVN chúng tôi có hoạt động kinh doanh viễn thông, trường hợp viễn thông di động thì phần lớn khách hàng dùng thuê bao trả trước. Họ sẽ trả tiền trước, dùng dịch vụ sau. Hoặc một số dịch vụ khác cũng như vậy.

Trên cơ sở những quy định chung của Dự thảo Nghị định, đặc biệt quy định về đăng ký hợp đồng cũng như xây dựng hợp đồng mẫu. Chúng tôi có một số ý kiến như vậy.
Tôi xin hết, xin cảm ơn.

Các văn bản liên quan