Ý kiến của Ông Đỗ Việt Dũng – Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA)

Thứ Hai 09:51 09-05-2011

Tôi xin phép có ý kiến như sau:

Trong Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có một số Điều quy định về trách nhiệm bồi thường chưa được rõ. Đề nghị làm rõ trong Nghị định nếu không sẽ rất là khó thực hiện và nhiều vấn đề xảy ra. Tôi lấy ví dụ Điều 42 quy định tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa dịch vụ có nghĩa vụ chứng minh mình không có lỗi gây ra thiệt hại. Tuy nhiên, Điều 23 của Luật thì nói rằng tổ chức cá nhân kinh doanh hàng hóa dịch vụ có trách nhiệm bồi thường thiệt hại do hàng hóa mình cung cấp có khuyết tật kể cả trong trường hợp mình không biết và không có lỗi. Như vậy có một câu hỏi là: khoản 2 Điều 42 của Luật chắc hẳn phải có ý nghĩa gì đó? Việc "chứng minh mình không có lỗi" cần được làm rõ.

Tôi thấy trong Báo cáo của Ban soạn thảo Luật trình Quốc hội vào tháng 10/2009 có đưa ra khái niệm "trách nhiệm nghiêm ngặt" và trang 16 của Báo cáo này có nói: khác với trách nhiệm của thương nhân đối với sản phẩm dựa trên yếu tố lỗi bất cẩn. Trách nhiệm nghiêm ngặt chỉ áp dụng cho khâu sản xuất nghĩa là không áp đặt lên khâu thiết kế và cảnh báo do phát sinh những khuyết tật ngoài mục đích chính của thiết kế ban đầu. Tuy nhiên, Điều này chưa được thể hiện ở đâu trong Luật, đề nghị Nghị định phải làm rõ. Vì cái này đã báo cáo Quốc hội. Chứ theo bây giờ thì doanh nghiệp phải bồi thường kể cả khi không biết, khi không có lỗi trong cả 3 khâu: thiết kế, sản xuất và quảng cáo. Như vậy là đặt ra tiêu chuẩn rất cao. Trách nhiệm nghiêm ngặt này rất là mới và cao, riêng áp dụng với khâu sản xuất thôi và chỉ có ở các nước phát triển. Các ngành công nghiệp Việt Nam đều non trẻ, liệu có thể chịu được các chi phí như thế này không? Tôi thấy nên điều chỉnh lại để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam một con đường nào đó.

Xin có ý kiến thứ 2 về khái niệm "trong thời gian bảo hành thì doanh nghiệp phải cung cấp hàng hóa tương tự hoặc có giải pháp khác được người tiêu dùng chấp nhận". Đề nghị Nghị định làm rõ khái niệm "hàng hóa tương tự như thế nào". Ví dụ trong VAMA có những đời xe bây giờ không sản xuất nữa. Cung cấp một đời xe hiện tại người tiêu dùng không chấp nhận. Cái đó rất là khó khăn. Việc thực hiện một giải pháp khác được người tiêu dùng chấp nhận thì phải cụ thể hóa.

Thứ ba, tôi xin có ý kiến, hiện nay Luật có một điểm chưa rõ là: trong thời hạn bảo hành nếu quá 3 lần bảo hành thì doanh nghiệp phải đổi sản phẩm mới cho người tiêu dùng. Vậy thì, 3 lần bảo hành là cùng một lỗi hay là các lỗi khác nhau. Tôi lấy ví dụ, một chiếc ô tô có thời hạn bảo hành 2 năm, 3 năm... Khi bảo hành các lỗi khác nhau thì thay cả cái xe hay là thay từng bộ phận. Quy định như hiện nay thì không rõ. Hiện nay đang bảo hành 2, 3 năm là phổ biến. Với những quy định của Luật như thế này thì tôi e rằng, các doanh nghiệp sẽ cắt ngắn thời hạn bảo hành xuống thành 3 đến 6 tháng. Như vậy là mục đích của Luật đặt ra không đạt được.

Trên đây là ý kiến của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam và chúng tôi cũng rất hoan nghênh sự ra đời của Nghị định này. Luật Bảo vệ người tiêu dùng đã đóng góp cho sự phát triển của một xã hội dân sự. Tuy nhiên, đề nghị xem xét làm sao cho phù hợp với điều kiện hoàn cảnh rất là khó khăn hiện nay của doanh nghiệp Việt Nam đang còn non trẻ.

Các văn bản liên quan