Ý kiến của ô. TRẦN HỒNG ĐỞM- Chủ tịch HĐQT Transimex Saigon

Thứ Sáu 15:46 26-05-2006
Trần Hồng Đởm
Chủ tịch Hội đồng quản trị Transimex Saigon


Sau khi nghiên cứu nội dung bố cục dự thảo Luật TM sửa đổi, bổ sung - Nhìn chung về cơ bản các điều khoản của luật TM dự thảo là sự kế thừa Luật TM 1997, nhưng có sự mở rộng khái niệm về Hàng hoá, Hoạt động thương mại, Thương nhân và phạm vi áp dụng, do vậy Luật TM dự thảo có nhiều tiến bộ hơn đồng thời sẽ có tác động tích cực trong quá trình phát triển kinh tế của nước ta trong thời kỳ hội nhập, đặc biệt là việc gia nhập WTO.
Trong dự thảo Luật TM sửa đổi, bổ sung nổi bật một số nội dung sau:

1 - Đối tượng và phạm vi điều chỉnh

Đối tượng và phạm vi điều chỉnh của Luật TM sửa đổi rộng hơn so với Luật TM 1997 là do việc thay đổi khái niệm hàng hoá, hoạt động thương mại, thương nhân và thông điệp dữ liệu (thương mại điện tử). Tuy nhiên khái niệm thương nhân cũng là một vấn đề cần được xem xét đầy đủ hơn. Vì nếu không thì từ "khái niệm" đó mọi người đều trở thành thương nhân, trong khi đó về quan hệ giao dịch dân sự đã có Luật Dân sự điều chỉnh như vậy rất có thể xảy ra những xung đột Luật trong việc áp dụng.

2 - Về bố cục

Về bố cục chủ yếu loại bỏ phần chính sách trong Chương I và tách Chương II thành 3 chương nhằm mở rộng khái niệm hoạt động thương mại (không bị hạn chế bởi 14 hành vi thương mại như trước đây). Đồng thời Luật TM dự thảo cũng được bổ sung thêm một số các hình thức hiện diện thương mại như: doanh nghiệp kiên doanh, 100% vốn nước ngoài, khái niệm dịch vụ giao nhận vận chuyển cũng được thay bằng khái niệm dịch vụ Logistics có phạm vi hoạt động rộng hơn và phù hợp với thông lệ Quốc tế.
Đánh dấu một bước đổi mới, thể hiện tính linh hoạt, năng động và bình đặng, tạo được "hành lang pháp lý" thông thoáng hơn trong hoạt động thương mại ở Việt nam.

3 - Về một số kiến nghị

Công ty Transimex Sài gòn, đã từ lâu hoạt động trong lĩnh vực kho vận, giao nhận vận chuyển hàng hoá xuất nhập khẩu đi khắp thế giới bằng nhiều lạoi hình vận chuyển khác nhau như vận chuyển trực tuyến, vận chuyển đa phương thức (nay gọi là dịch vụ Logistics). Xin nêu một số ý kiến về lĩnh vực: hàng quá cảnh, thất thoát chất xám, việc mở chi nhánh của công ty nước ngoài tại Việt nam và chế tài trong dự thảo Luật TM sửa đổi bổ sung như sau:

* Việc mở chi nhánh của thương nhân nước ngoài tại Việt nam
Tại điều (21-23) của Dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật TM 1997. Quy định còn chung chung và chưa có nhữngc hế định cụ thể nhằm hạn chế quyền và phạm vi của thương nhân nước ngoài đặt chi nhánh tại Việt nam. Lý do chúng tôi nêu vấn đề này vì trong thực tế các khâu dịch vụ nói chung và dịch vụ Logistics thì hầu như là của thương nhân nước ngoài (đã có kinh nghiệm và bề dày hoạt động lâu năm trên thế giới) thông qua các thương nhân Việt nam đề hoạt động thương mại tại việt nam. Nay nếu cho phép thương nhân nước ngoài mở chi nhánh hoạt động trong lĩnh vực Logistics với các thương nhân Việt nam mà không có sự hạn chế quyền và quy mô hoạt động thì e rằng khó tránh khỏi sự phá sản của nhiều thương nhân trong lĩnh vực này - Qua nghiên cứu nhận thấy các nước trong khu vực Asian cũngcó những quy định ràng buộc đối với hoạt động này.

* Vấn đề chống thất thoát chất xám
Tại Điều (19 và 22) của Dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật TM 1997. Quy định còn chung chung và chưa có những chế định cụ thể nhằm hạn chế, ngăn ngừa việc các chi nhánh thương nhân nước ngoài hoạt động tại Việt nam, đã luôn tìm cách lôi kéo các nhân viên chủ chốt (key staff) trong các công ty Việt nam. Tình trạng này cũng gây nên không ít những bất ổn cho các thương nhân Việt nam trong hoạt động thương mại do vậy chúng tôi kiến nghị nên có thêm chế định việc tuyển dụng nhân viên đối với các chi nhánh thương nhân nước ngoài hoạt động tại Việt nam, ngoài việc tuân thủ Bộ luật Lao động còn phải tuân thủ những quy định của Luật TM như " không có hành vi lôi kéo, dụ dỗ những nhân viên chủ chốt của công ty Việt nam có cùng lĩnh vực hoạt động".

* Về quá cảnh hàng hoá
Lợi thế vị trí địa lý nước ta đối với một số nước láng giềng do vậy cần phải có chính sách hỗ trợ để các bên đều có lợi. Cụ thể phải giảm bớt phiền hà về thủ tục hải quan tại các cửa khẩu cũng như quá trình vận hành trên bộ, nhằm tạo điều kiện cho sự phát hàng quá cảnh. (cần có chế định cụ thể, rõ ràng và thông thoáng để giải quyết vấn đề này với tầm nhìn xa trong tương lai)

* Thực hiện việc thay đổi C/O
Trong hoạt động thương mại trên thế giới việc thay đổi C/O là phổ biến và có một ý nghĩa đáng kể trong thương mại, nhưng trong dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật TM 1997 không đề cập nội dung này. Do vậy chúng tôi kiến nghị ban soạn thảo nên bổ sung vào dự thảo về chế định việc thay đổi C/O nhằm tăng tính cạnh tranh và lợi nhuận cho nước ta.

* Chế tài trong dự thảo Luật TM
Trong tình hình hoạt động thương mại sôi nổi hiện nay, đa số các Thương nhân đều mong muốn có một hành lang pháp lý thông thoáng tạo điều kiện phát huy tối đa khả năng tự thân phát triển một cách hợp pháp. Bên cạnh đó còn có một số thương nhân còn tìm mọi cách lẩn tránh sự điều chỉnh (tuân thủ luật) của luật pháp như:
- Cho công ty nước ngoài nấp bóng thương nhân Việt nam né tránh thuế cũng như các ràng buộc khác của luật pháp.
- Có công ty hoạt động thường xuyên nhưng không đắng ký kinh doanh (hoạt động chui), trốn thuế nên chi phí thấp và do vậy đã tự hạ giá dịch vụ thấp hơn giá trị thị trường gây nên sự bất bình đẳng trong hoạt động thương mại.

Hệ quả của sự việc nêu trên đã tác động xấu đến quá trình phát triển chung của nền kinh tế và nhà nước thì bị thất thu thuế. Trong dự thảo Luật TM, Chương I mục 1 Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng có nội dung "Đăng ký kinh doanh là một nghĩa vụ của Thương nhân", nhưng trong phần Chế tài và Xử lý vi phạm pháp luật về thương mại chưa được đề cập một cách cụ thể. Với thực tế nêu trên, chúng ta có thể xem đó là một hành vi gian lện thương mại và hành vi bán phá giá do vậy chúng tôi kiến nghị Ban soạn thảo nên xây dựng và bổ sung phần Chế tài và Xử lý vi phạm sao cho có tính khả thi nhằm điều chỉnh những hành vi gian lận trong thương mại một cách hữu hiệu.

TRẦN HỒNG ĐỞM - Transimex Saigon

Các văn bản liên quan