Ý kiến của Ls. Nguyễn Văn Hậu – Hội Luật gia Tp.HCM

Thứ Sáu 10:18 04-04-2008

GÓP Ý CHO DỰ THẢO LUẬT ĐĂNG KÝ GIAO DỊCH BẢO ĐẢM
--------------

I) NHỮNG VẤN ĐỀ CHỦ YẾU TRAO ĐỔI

1) - Đối tượng đăng ký:
 

Bổ sung trường hợp quy định phải  đăng ký “Thế chấp nhà ở, công trình xây dựng” và sửa đổi “thế chấp quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất” Trong khoản 1 điều 3 của dự thảo luật đăng ký giao dịch bảo đảm, nhằm cụ thể giao dịch bảo đảm này phải đăng ký và thống nhất với quy định tại khoản 3 điều 38 của dự thảo.z
 
Khoản 1 Điều 323 BLDS quy định: “Giao dịch bảo đảm là giao dịch dân sự do các bên thỏa thuận hoặc pháp luật quy định về việc thực hiện biện pháp bảo đảm được quy định tại khoản 1 Điều 318 của Bộ luật này”. Và khoản 1 Điều 318 BLDS quy định chỉ gồm 7 biện pháp bảo đảm là: cầm cố, thế chấp, đặt cọc, kỹ cược, ký quỹ, bảo lãnh, tín chấp. Nhưng các trường hợp b, c, d, đ, e và g của dự thảo đều không phải là giao dịch bảo đảm theo quy định tại Điều 318 của Bộ luật Dân sự và cũng không có tính chất của giao dịch bảo đảm vì chúng không nhằm bảo đảm cho bất kỳ nghĩa vụ nào mà chỉ là nhằm bảo đảm cho bên có quyền ưu tiên thanh toán khi xảy ra sự kiện bên có nghĩa vụ sử dụng các tài sản là đối tượng của các giao dịch đó làm tài sản bảo đảm cho nghĩa vụ của mình. Đề nghị xem xét việc gọi tên các giao dịch này cũng như gọi tên việc đăng ký các giao dịch này để tránh xung đột về khái niệm với Bộ luật Dân sự và tính chất của giao dịch bảo đảm.
 
2) Phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật Đăng ký giao dịch bảo đảm
      
Thống nhất phương án ý kiến thứ nhất là  “Luật Đăng ký giao dịch bảo đảm điều chỉnh việc đăng ký giao dịch bảo đảm đối với tất cả các loại tài sản, bao gồm đăng ký giao dịch bảo đảm nói chung và đăng ký giao dịch bảo đảm bằng động sản, tàu bay, tàu biển, quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất, nhằm thống nhất pháp luật trong lĩnh vực này”. Vì Quy định theo hướng như vậy không chỉ nhằm đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ hóa pháp luật trong lĩnh vực này, mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình nghiên cứu, tìm hiểu, viện dẫn và áp dụng pháp luật về giao dịch bảo đảm đối với các tổ chức, cá nhân và các cơ quan, nhân viên Nhà nước trong quá trình thực thi công vụ liên quan đến giao dịch bảo đảm.
 
3)- Cơ cấu của dự thảo: Không có ý kiến
 
4)- Vấn đề tổ chức các cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm 
 
Tôi thống nhất Phương án thứ nhất – Giữ nguyên hiện trạng hệ thống cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm như hiện nay, bởi lẽ Phương án này sẽ đảm bảo được tính nhất quán và rõ ràng trong việc phân chia thẩm quyền, tránh tình trạng đăng ký trùng và các vấn đề khác có thể phát sinh do cơ chế trao đổi thông tin giữa các cơ quan đăng ký chưa thực sự hoàn thiện.
 
5)- Thời điểm đăng ký giao dịch bảo đảm bắt đầu có hiệu lực
 
Tôi đồng ý việc đăng ký giao dịch bảo đảm bắt đầu có hiệu lực kể từ thời điểm cơ quan đăng ký nhận được hồ sơ đăng ký hợp lệ. Kể từ thời điểm này, giao dịch bảo đảm có giá trị pháp lý đối với người thứ ba. Quy định này bảo đảm quyền lợi cao nhất cho những người tham gia giao dịch. Việc nhập vào cơ sở Hệ thống dữ liệu quốc gia các giao dịch bảo đảm hoặc đã được ghi nhận vào Sổ đăng ký là công việc của cơ quan quản lý Nhà nước.      

  6)- Vai trò của công chứng viên trong việc yêu cầu đăng ký giao dịch bảo đảm
 
Tôi hoàn toàn thống nhất theo dự thảo chọn ý kiến thứ hai : Dự thảo cần quy định Công chứng viên có trách nhiệm yêu cầu đăng ký giao dịch bảo đảm đối với những hợp đồng mà mình đã công chứng vì nếu quy định như thế thẩm quyền của công chứng viên là đương nhiên được quyền nếu được yêu cầu không phải phiền hà làm thủ tục ủy quyền theo quy định của pháp luật dân sự.
 
7)- Thời hạn có hiệu lực của việc đăng ký giao dịch bảo đảm
 
Điều 9 của dự thảo luật đăng ký giao dịch bảo đảm có hai phương án, theo tôi nên chọn phương án (1) là “ Thời hạn có hiệu lực của việc đăng ký giao dịch bảo đảm bằng động sản được tính từ thời điểm đăng ký quy định tại Điều 13 của Luật này đến thời điểm chấm dứt hiệu lực đăng ký được kê khai trong đơn yêu cầu “. nhằm hạn chế việc phải gia hạn việc đăng ký giao dịch bảo đảm nếu thời hạn đăng ký giao dịch bảo đảm đó chỉ hơn 5 năm là phải đăng ký lại lần thứ hai, mất thời gian cho cả hai bên./.
 
II) NHỮNG VẤN ĐỀ GÓP Ý MỞ RỘNG
 
Luật này cần khắc phục sự bất cập của Bộ luật Dân sự ở một điểm mấu chốt nhất là phân biệt rõ giữa giá trị pháp lý của giao dịch bảo đảm và giá trị pháp lý của đăng ký giao dịch bảo đảm. Cần khẳng định theo một hướng duy nhất đã được quy định tại khoản 3, Điều 323 của Bộ luật Dân sự là “Trường hợp giao dịch bảo đảm được đăng ký theo quy định của pháp luật thì giao dịch bảo đảm đó có giá trị pháp lý đối với người thứ ba, kể từ thời điểm đăng ký”. Đồng thời cần loại bỏ quy định tại khoản 2, Điều 5 của Dự luật là “Giao dịch bảo đảm có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký trong trường hợp pháp luật quy định việc đăng ký là điều kiện có hiệu lực của giao dịch đó.” (tương tự như quy định tại khoản 2 của Điều 323, Bộ luật Dân sự). Giao dịch bảo đảm xuất phát từ sự tự nguyện, hợp pháp phải có hiệu lực pháp lý ngay với các bên giao dịch. Việc công chứng giao dịch bảo đảm chỉ là lựa chọn tự nguyện hoặc có ý nghĩa hoàn tất thủ tục hành chính. Việc đăng ký giao dịch bảo đảm chỉ có giá trị với người thứ 3, chứ không phải lại có giá trị ngược lại, quyết định giá trị pháp lý của giao dịch bảo đảm như hiện nay.
 
Cần lấy mục tiêu phục vụ tốt nhất nhu cầu của người dân làm mục tiêu căn bản khi soạn thảo Luật đăng ký giao dịch bảo đảm. Để thực hiện mục tiêu này, Luật cần quy định theo hướng không giới hạn các giao dịch bảo đảm có thể được đăng ký và đơn giản hóa các thủ tục đăng ký, tạo điều kiện cho người dân có thể tiếp cận dễ dàng nhất với các thông tin về những giao dịch bảo đảm đã được đăng ký. Chính vì vậy,  quyền được tiếp cận thông tin chính xác, đầy đủ và cơ bản là nhu cầu chính đáng của người dân và cũng là trách nhiệm của cơ quan công quyền với vai trò quản lý nhà nước để bảo vệ trật tự công. 
   
Trên đây là một số ý kiến đóng góp của tôi với bản Dự thảo Luật đăng ký giao dịch bảo đảm, góp phần bảo vệ hiệu quả các quyền dân sự và lợi ích chính đáng của mọi tổ chức, cá nhân trong giao lưu dân sự và thương mại. 
  
Luật sư Nguyễn Văn Hậu-Trưởng ban tuyên truyền Hội luật gia  TP. Hồ Chí Minh

Các văn bản liên quan