Ý kiến của Hội luật gia Tp. Đà Nẵng

Thứ Hai 11:09 22-05-2006
GÓP Ý DỰ THẢO LUẬT SỞ HỮU TRÍ TUỆ

Hội luật gia Tp. Đà Nẵng.

Sau khi nghiên cứu Dự thảo Luật Sở hữu trí tuệ, chúng tôi thấy nội dung và bố cục dự thảo lần này được soạn thảo đầy đủ, chi tiết và đã điều chỉnh được hầu hết các quan hệ pháp luật phát sinh trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ, góp phần tạo động lực cho hoạt động sáng tạo, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho các tổ chức và cá nhân của nước ta trong việc đầu tư những sản phẩm trí tuệ, từng bước hội nhập kinh tế quốc tế và Tổ chức thương mại thế giới (WTO).

Chúng tôi tham gia một số nội dung mà Quốc hội cần tham khảo ý kiến trước khi quyết định như sau:

1. Về mối quan hệ giữa Luật Sở hữu trí tuệ (SHTT) với các quy định về quyền sở hữu trí tuệ trong Bộ luật Dân sự

Chúng tôi thống nhất với ý kiến thứ nhất là quyền SHTT là một loại quyền dân sự cần được pháp luật dân sự ghi nhận và bảo vệ, nên những nguyên tắc chung về quyền SHTT phải được Bộ luật Dân sự quy định với tư cách là một quyền dân sự. Các chi tiết và cụ thể về việc xác lập, bảo hộ và thực thi đầy đủ, thống nhất và đồng bộ trong Luật SHTT.

2. Về thời gian bảo hộ quyền tác giả và các quyền khác liên quan.

Chúng tôi đồng tình với ý kiến là Việt Nam trong giai đoạn này cần đáp ứng các tiêu chuẩn bảo hộ tối thiểu để gia nhập WTO cho nên trong thời hạn bảo hộ quyền tác giả và các quyền liên quan là 50 năm cho phù hợp với thông lệ quốc tế và các điều ước quốc tế đa phương trong lĩnh vực quyền tác giả và quyền liên quan (đặc biệt là công ước Berne mà Việt Nam đã gia nhập tháng 10/2004) vì ở đây có sự cân bằng lợi ích giữa chủ sở hữu quyền tác giả và công chúng được triệt để áp dụng là sau khi kết thúc thời hạn bảo hộ thì mặc nhiên tác phẩm sẽ thuộc về quảng đại quần chúng, có lợi cho chúng ta sớm được tiếp cận với các thành tựu văn hoá nghệ thuật nước ngoài. Còn đối với Hiệp định thương mại Việt Mỹ mà ta đã cam kết thì trong dự thảo cần ghi nhận “tôn trọng sự cam kết đã ký với Mỹ trong trường hợp này thì thời hạn bảo hộ là 75 năm”.

3. Về sử dụng thuật ngữ thương hiệu

Theo chúng tôi, thuật ngữ “thương hiệu” ở Việt Nam ta quen dùng theo một nghĩa chung nhất là chỉ các đối tượng sở hữu công nghiệp mà bản chất xuất phát từ nguồn gốc thương mại bao gồm: nhãn hiệu hàng hoá, dịch vụ; xuất xứ hàng hoá, nguồn gốc địa lý hàng hoá cho nên nếu tiếp tục sử dụng thuật ngữ này trong dự thảo thì không có gì trở ngại hay hiểu nhầm các đối tượng SHTT khác.

4. Vấn đề quản lý nhà nước về SHTT

Theo chúng tôi, nội dung quản lý nhà nước về SHTT không đơn giản mà có nhiều vấn đề phải được ghi nhận một cách cụ thể nhằm bảo đảm vai trò và trách nhiệm của nhà nước trong quản lý về SHTT. Chính vì thế mà vấn đề quản lý nhà nước không chỉ gói gọn trong một điều của luật mà cần giành riêng một chương với nội dung đầy đủ, chi tiết nhằm quy định rõ vấn đề quản lý nhà nước về SHTT

5. Vấn đề trách nhiệm bồi thường thiệt hại và phương thức giải quyết tranh chấp.

Theo chúng tôi, tình trạng xâm phạm quyền SHTT ở nước ta ngày càng nhiều và nhiều vụ việc rất phức tạp khó giải quyết, việc bồi thường thiệt hại vật chất do hành vi xâm phạm quyền SHTT chưa được thoả đáng nên chưa có tác dụng răn đe và phòng ngừa chung về mặt xã hội. Vì vậy, theo chúng tôi không nên đưa loại vi phạm này ra cho cơ quan trọng tài giải quyết theo thỏa thuận 2 bên trong tranh chấp bồi thường thiệt hại mà cần thiết phải do cơ quan toà án giải quyết nhằm mang tính răn đe, phòng ngừa chung, đồng thời đảm bảo công tác thi hành án sau này. Chúng tôi cũng cho rằng, xâm phạm quyền SHTT thì không những bị xử lý hành chính mà còn phải buộc bổi thường thiệt hại thoả đáng thì mới thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật, từng bước nâng cao hiệu quả cuộc đấu tranh phòng chống những hành vi xâm phạm quyền SHTT ở nước ta.

Trên đây là những ý kiến của Hội luật gia Tp. Đà Nẵng tham gia dự thảo Luật SHTT.

Các văn bản liên quan