Ý kiến của ĐBQH Nguyễn Thị Thu Hồng – Tỉnh Thừa Thiên – Huế

Thứ Hai 14:19 30-10-2006

Kính thưa Quốc hội,

Mặc dù nhiều đại biểu trước cũng đã phát biểu, nhưng tôi cảm thấy mình sẽ rất thiếu sót nếu không nói một điều rằng Ban soạn thảo đã rất công phu và nghiêm túc trong việc nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh sửa các ý kiến của đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 9 và tại Hội nghị Đại biểu Quốc hội chuyên trách vừa rồi. Tôi thấy rằng với 30 điều Dự thảo mới và hầu hết các điều trên tổng số 63 điều được sửa chữa, chỉnh lý đó thể hiện thái độ làm việc rất trách nhiệm và chúng tôi thấy qua đọc, nghiên cứu thì rất nhiều điều đã cụ thể và tin rằng luật này nếu được Quốc hội thông qua thì tính khả thi rất cao.

Tuy nhiên, tôi xin phát biểu thẳng vào 2 vấn đề.

Thứ nhất, về việc cần thiết hay không cần thiết việc lập Quỹ hỗ trợ đổi mới công nghệ quốc gia.

Hai là một loạt vấn đề liên quan đến hợp đồng chuyển giao công nghệ.

Vấn đề thứ nhất, về Quỹ hỗ trợ đổi mới công nghệ quốc gia quy định tại Điều 44. Quan điểm của tôi là tán thành việc thành lập Quỹ này với các mục tiêu quy định ở Khoản 1 và nguồn hình thành quỹ trong đó có một phần là trích từ ngân sách Nhà nước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã giải trình rất thuyết phục về nội dung này. Tuy nhiên, để có thêm cơ sở thực tiễn và lý luận cho quan điểm của mình, tôi đã nghiên cứu nhiều tài liệu, đặc biệt là các Báo cáo của Chính phủ qua các kỳ báo cáo trước Quốc hội, cùng các tài liệu liên quan đến vấn đề chuyển giao công nghệ ở các nước trong khối tổ chức thương mại thế giới, tôi xin nêu thêm một số lý do sau đây để bày tỏ quan điểm của mình:

Thứ nhất, đã nhiều kỳ họp và tại nhiều diễn đàn, tôi luôn trăn trở một điều với Báo cáo của Chính phủ là khả năng cạnh tranh của nền kinh tế của chúng ta còn yếu. Tại Báo cáo số 24 ngày 8/4/2006 của Thủ tướng Chính phủ trình bày tại kỳ họp thứ 9 đã nêu tốc độ đổi mới công nghệ của trong hầu hết các doanh nghiệp rất chậm, lĩnh vực công nghệ ít ngành, ít lĩnh vực sử dụng công nghệ tiên tiến. Với những con số so sánh quan tâm với một số nước, như Thái Lan người ta sử dụng công nghệ cao là 30%, Malayxia là 51%, Singapore là 73%, còn Việt Nam hiện nay tỷ lệ sử dụng công nghệ cao chỉ là 2%. Đây là Báo cáo chính thức của Chính phủ trình bày tại kỳ họp thứ 9.

Nếu xét về sức cạnh tranh, doanh nghiệp Việt Nam chỉ xếp thứ 62/75 nước và nền kinh tế xếp thứ 60/75 nước. Chúng ta cứ nói mãi một thực trạng là yếu tố khoa học công nghệ chiếm tỷ trọng nhỏ đóng góp vào sự tăng trưởng, chủ yếu vẫn là yếu tố vốn và lao động. Vậy để khắc phục nhanh tình trạng này với yêu cầu của giai đoạn năm 2006 - 2010 là đẩy nhanh tốc độ đổi mới công nghệ trong các ngành kinh tế phát triển công nghệ cao, hiện đại hoá công nghệ truyền thông thì cần phải có một sự hỗ trợ trực tiếp, có một giải pháp mạnh và quyết liệt hơn, hay nói cách khác là việc thành lập quỹ này tôi cho cũng là một giải pháp mạnh để hỗ trợ một cách trực tiếp và nhanh chóng nhất. Còn nếu chậm thì chúng ta có khi mất thời cơ hoặc có khi rơi vào tình trạng nhập các công nghệ lạc hậu.

Lý do thứ hai, xét về tiềm lực của doanh nghiệp chúng ta thì Chính phủ cũng đã báo cáo trong 5 năm, năm 2001 - 2005 đã có 146.000 doanh nghiệp thành lập với tổng vốn đăng ký 306 nghìn tỷ. Mặc dù con số doanh nghiệp tăng lên 2,6 và số vốn đăng ký tăng 7,7 lần so với 10 năm trước đây là điều đáng mừng. Song nếu chia bình quân ra thì tỷ lệ doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn chiếm tỷ trọng rất cao và bình quân vốn đăng ký của một doanh nghiệp chỉ là 2 tỷ trên một doanh nghiệp.

Tôi tán thành cách đặt vấn đề trong Báo cáo giải trình của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội là nhằm góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp trong bối cảnh hội nhập, thì việc hỗ trợ và tăng cường tiềm lực cho các doanh nghiệp nói chung, đặc biệt các doanh nghiệp vừa và nhỏ là rất cần thiết. Tất nhiên chúng tôi cũng tán thành quan điểm không trợ giúp tài chính trực tiếp mà hỗ trợ thông qua việc đổi mới công nghệ từ quỹ này. Ví dụ như hỗ trợ lãi suất vay và bảo lãnh vay vốn hoặc hỗ trợ vốn. Hiện trạng việc chuyển giao công nghệ trên thế giới nói chung phổ biến vẫn là chuyển giao từ các nước công nghiệp sang các nước đang phát triển và Việt Nam chúng ta tôi nghĩ cũng trong tình hình chung đó. Như vậy bên cạnh việc phải làm chủ cách sử dụng công nghệ nước ngoài nhập vào và làm cho chúng thích ứng với những điều kiện trong nước thì chúng ta quan trọng hơn, lâu dài hơn là phải tạo ra được công nghệ từ hoạt động, nghiên cứu, ứng dụng phát triển công nghệ của chính chúng ta và nếu không có sự hỗ trợ cho hoạt động này để ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp công nghệ, cũng như các quy định khác trong dự thảo thì những yếu kém trong việc ứng dụng phát triển công nghệ mới của nền kinh tế chúng ta vẫn sẽ mãi là bài ca muôn thủa.

Lý do thứ ba, theo tổng kết của các nước đã gia nhập tổ chức thương mại thế giới thì thị trường công nghệ chứa đựng nhiều yếu tố rủi ro, trong đó có yếu tố chúng tôi rất quan tâm đó là vấn đề thông tin bất đối xứng, tức là người bán biết công nghệ nhiều hơn về người mua. Khi nghiên cứu thực tiễn này ở Việt Nam chúng tôi thấy điều này phù hợp, bởi lẽ hiện nay công nghệ chủ yếu chúng ta vẫn đang nhập về nhiều hơn là công nghệ xuất khẩu ra. Như vậy bên cạnh việc tham gia vào quá trình thích ứng và làm chủ công nghệ chúng ta phải tập trung cho việc đào tạo nhân lực, vốn con người và Nhà nước cũng phải đầu tư vào đây để giúp cho các doanh nghiệp có nguồn nhân lực đủ mạnh mới có thể đẩy nhanh được quá trình nghiên cứu, đổi mới quá trình ứng dụng công nghệ.

Từ 3 lý do đã phân tích trên đây, chúng tôi đề nghị nên lập Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia ở trong luật này. Tuy nhiên tôi cũng đề nghị ghi rõ trong dự thảo luật tại Tiết đ, Khoản 2, Điều 44, không ghi là hỗ trợ vốn chung chung mà phải ghi rõ là hỗ trợ vốn cho việc đầu tư đổi mới công nghệ, còn hỗ trợ vốn doanh nghiệp thì có thể là hỗ trợ vốn cho nhiều việc khác của doanh nghiệp.

Thứ hai là về hợp đồng chuyển giao công nghệ, tôi xin phát biểu mấy băn khoăn sau đây:
Băn khoăn thứ nhất của tôi là trong ý kiến tiếp thu tại Trang 9 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thì có nêu một ý kiến rằng: "có ý kiến đề nghị bổ sung hình thức hợp đồng bằng miệng để phù hợp với Bộ Luật dân sự" và nghiên cứu, tiếp thu ý kiến này thì dự thảo luật đã bổ sung tại Điều 4 là hoạt động chuyển giao công nghệ được quy định tại Luật công nghệ và luật khác thì áp dụng quy định của Bộ Luật dân sự.

Chúng tôi nghiên cứu lại quy định của Bộ Luật dân sự thì đúng là đã có quy định tại Khoản 1, Điều 401 hình thức hợp đồng dân sự có thể được giao kết bằng lời nói, bằng văn bản, hành vi cụ thể, khi pháp luật đó không quy định loại hợp đồng đó phải được giao kết bằng hình thức nhất định. Song khi nghiên cứu Điều 757, Chương 36 về Chương chuyển giao công nghệ, trong Bộ Luật dân sự thì luật đã quy định rằng: "việc chuyển giao công nghệ phải được thực hiện trên cơ sở hợp đồng bằng văn bản" Và khoản 3 cũng đã quy định tiếp "việc sửa đổi, bổ sung, gia hạn, hủy bỏ hợp đồng chuyển giao công nghệ cũng phải được lập thành hợp đồng bằng văn bản". Như vậy việc quy định tại Khoản 1 Điều 19, hình thức hợp đồng bằng văn bản, hoặc các hình thức có giá trị tương tự, tương đương như văn bản là đúng quy định của Bộ Luật Dân sự, phù hợp với quy định tại Luật Giao dịch điện tử vừa rồi mà Quốc hội đã thông qua, chứ không thể nói rằng, trong hợp đồng chuyển giao công nghệ thì có hợp đồng bằng lời nói.

Băn khoăn thứ hai của tôi là tôi tán thành với băn khoăn của đại biểu Huỳnh Minh Hoàng đã phát biểu trước tôi là các quy định tại Điều 28 và Điều 29, tôi thấy nó hơi rườm rà và tôi xin nói cụ thể như sau:

Ví dụ như tại Điều 28 chúng ta quy định là có công đoạn cấp phép sơ bộ sau ký kết hợp đồng chuyển giao rồi mới được cấp phép chính thức. Nhưng để đi đến ký kết hợp đồng chuyển giao và trong quy định tại Điều 20 Luật này thì trong nội dung hợp đồng có đến 15 điểm mà trong đó có điểm là phạm vi thời điểm giá, định giá chuyển giao công nghệ. Nếu người ta đã đi đàm phán ký hợp đồng rồi, xong rồi anh về anh thẩm định lại và nói là không được nữa nghĩa là anh không chấp thuận cho người ta nhập khẩu hoặc xuất khẩu như vậy sẽ rất lãng phí mà trước đó để đi đến quá trình đàm phán, để ký kết hợp đồng phải có quá trình môi giới, định giá, xúc tiến rồi thẩm định v.v... tôi thấy rất nhiều quy trình.

Chính vì vậy có thể nghiên cứu lại thủ tục này đơn giản để làm sao theo quan điểm của Luật Doanh nghiệp chúng ta đề cao tính tự chịu trách nhiệm của các hành vi của các tổ chức và cá nhân liên quan đến hoạt động này. Còn cơ bản là chúng ta phải tiến hành theo cơ chế hậu kiểm, anh đề ra những công nghệ không được nhập và công nghệ hạn chế nhập. Các tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động này căn cứ vào đó để có thể biết mình cần phải làm gì, được làm gì và không được làm gì? Tôi nghĩ như vậy nó thuận lợi hơn. Còn nếu như theo quy định trong xử lý vi phạm hợp đồng: nếu một trong các bên vi phạm hợp đồng thì xử phạt nặng theo quy định của Dự thảo này. Trong điều kiện của nước ta chủ yếu nhập về, hiện nay hướng đến là ta sẽ xuất, nhưng nhập về nếu khi vi phạm thì thông thường tôi nghĩ rằng có thể thiệt thòi về các doanh nghiệp mình nhiều hơn. Tôi cũng tán thành việc phải quy định chặt vấn đề xuất, nhập khẩu, nhưng thủ tục nên gọn lại và nên theo cơ chế hậu kiểm. Tức là bước 1, bước 2 nên gộp làm một, là chúng ta cấp giấy phép và đề nghị trong Dự thảo của Luật cũng nên cân nhắc cái cụm từ "xin cấp phép" được lặp lại, tôi đếm tất cả là 9 lần ở các góc độ khác nhau, như việc xin phép, việc xin phép mới, để được cấp phép, việc xin phép. Như vậy cụm từ này trong 2 điều lặp lại đến 9 lần thì tôi nghĩ rằng nó dễ tạo ra cảm giác xin, cho. Nên chăng, chúng ta điều chỉnh lại cụm từ này là việc đề nghị cấp phép phù hợp với Luật Doanh nghiệp và phù hợp với các luật khác mà luật chuyên ngành chúng ta vừa ban hành, để làm sao nó thể hiện tính bình đẳng giữa các cơ quan quản lý Nhà nước và các pháp nhân liên quan đến họat động này.

Các văn bản liên quan