Ý kiến của ĐBQH Nguyễn Nghiễm – Tỉnh Bình Phước

Thứ Hai 14:24 30-10-2006

Kính thưa Quốc hội,

Trước hết, tôi xin bày tỏ sự nhất trí của mình với nhiều ý kiến phát biểu trước tôi. Say đây tôi xin góp ý kiến vào một số điều luật:

Thứ nhất, về Điều 5: "Quy định về chính sách của Nhà nước đối với hoạt động chuyển giao công nghệ" Tôi đồng tình với rất nhiều ý kiến là đề nghị cần quy định những chính sách cụ thể của Nhà nước, để tổ chức và cá nhân tham gia hoạt động chuyển giao công nghệ được hưởng quyền lợi gì? chế độ gì? và những chính sách cụ thể gì? Để từ đó, chúng ta thúc đẩy hoạt động chuyển giao công nghệ và phát triển thị trường công nghệ ở nước ta.

Qua nghiên cứu nội dung quy định tại Điều 5, tôi thấy cả 5 khoản này đều hàm chứa những nội dung mang tính khuyến khích, động viên chung chung, không mang tính quy phạm pháp luật. Cụ thể, Khoản 1 quy định: Khuyên khích, tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân hoạt động chuyển giao công nghệ phục vụ nhu cầu phát triển nhanh, bền vững kinh tế, xã hội của đất nước. Tôi nghĩ hoạt động chuyển giao công nghệ thì không chỉ phục vụ cho nhu cầu phát triển nhanh, bền vững kinh tế, xã hội mà còn phải phục vụ cả nhu cầu về bảo vệ môi trường và tăng cường quốc phòng, an ninh của đất nước. Với suy nghĩ như vậy, tôi xin được chỉnh sửa một số các khoản trong Điều 5 như sau:

Khoản 1 tôi xin được chỉnh sửa như sau: Tổ chức, cá nhân hoạt động chuyển giao công nghệ phục vụ nhu cầu phát triển nhanh, bền vững kinh tế, xã hội, bảo vệ mô trường, tăng cường quốc phòng, an ninh của đất nước thì được tạo điều kiện thuận lợi trong hoạt động. Nếu công nghệ chuyển giao đạt hiệu quả cao thì được khen thưởng theo quy định của pháp luật.
Khoản 2 xin được chỉnh sửa như sau: Tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động chuyển giao công nghệ có quyền và nghĩa vụ được quy định tại Điều 25, Điều 26 của luật này.

Khoản 3 xin được thiết kế như sau: Tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động chuyển giao công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp công nghệ, chuyển giao công nghệ kịp thời, các kết quả nghiên cứu và sản xuất thì được hưởng ưu đãi từ quỹ đổi mới công nghệ quốc gia quy định tại Điều 44 luật này.

Khoản 4 xin được thiết kế là "Hoạt động chuyển giao công nghệ ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn, địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn, ngoài việc được hưởng ưu đãi từ quỹ đổi mới công nghệ quốc gia còn được ưu đãi về thuế quy định tại Điều 49 của luật này".

Riêng Khoản 5 với nội dung "chủ động hội nhập, nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế và tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân hợp tác quốc tế trong chuyển giao công nghệ". Tôi nghĩ đây không phải là chính sách mà là định hướng cho hoạt động chuyển giao công nghệ trong hội nhập và hợp tác quốc tế. Do vậy tôi đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu có thể thu hút Khoản 5 này vào Điều 7 quy định về trách nhiệm của Chính phủ đối với hoạt động chuyển giao công nghệ, tôi cho rằng như vậy sẽ phù hợp hơn là để tại Điều 5.

Thứ hai, về Điều 14 quy định về công nghệ hạn chế chuyển giao từ nước ngoài vào Việt Nam, từ Việt Nam ra nước ngoài. Qua nghiên cứu điều này tôi thấy nội dung quy định của điều luật không khớp với tên gọi của điều luật. Tên của điều luật là công nghệ hạn chế chuyển giao từ nước ngoài vào Việt Nam, từ Việt Nam ra nước ngoài. Theo tên của điều luật tôi nghĩ đây là quy định về những danh mục công nghệ hạn chế chuyển giao từ nước ngoài vào Việt Nam. Nhưng thực chất nội dung của điều luật lại quy định về mục đích của việc hạn chế công nghệ chuyển giao vào Việt Nam và từ Việt Nam ra nước ngoài, không chỉ ra được những công nghệ hạn chế chuyển giao và nó không khớp với tên của điều luật. Mặt khác tôi thấy cách thiết kế của điều luật, tôi nghĩ Ban soạn thảo cần xem xét lại đoạn đầu, đoạn dẫn dắt trước khi đi vào các khoản cụ thể của điều luật thì có ghi là: "Trong trường hợp cần thiết Nhà nước hạn chế một số công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam", theo tôi quy định như vậy là không rõ.

Bởi vì trong trường hợp cần thiết sẽ là những trường hợp như thế nào, không có định tính, định lượng cụ thể sẽ dẫn đến tuỳ tiện trong thực hiện và nếu như không muốn chuyển giao một công nghệ nào đó, thì cơ quan có thẩm quyền sẽ viện dẫn nhiều lý do cho rằng luật quy định trong trường hợp cần thiết, để gây khó dễ cho cá nhân, tổ chức có công nghệ chuyển giao.

Do vậy tôi đề nghị cần quy định cụ thể hơn, rõ ràng hơn về những công nghệ hạn chế chuyển giao và bỏ cụm từ "trong trường hợp cần thiết".

Về tên của điều này, tôi đề nghị quy định là "Công nghệ hạn chế chuyển giao từ nước ngoài vào Việt Nam", là đủ và bỏ đoạn "từ Việt Nam ra nước ngoài", bởi vì, tôi nghĩ là không có nước nào mà pháp luật lại quy định là hạn chế xuất khẩu công nghệ dù là công nghệ lạc hậu ra nước ngoài cả. Bởi lẽ công nghệ có thể là lạc hậu đối với kinh tế của nước này, nhưng lại là cần thiết và phù hợp với quốc gia khác có nền kinh tế kém phát triển và cũng như nước mình thì các nước khác người ta cũng sẽ có quy định là công nghệ hạn chế chuyển giao từ nước ngoài vào nước họ.

Ba, về Điều 28. Điều này quy định về thủ tục cấp giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu công nghệ thuộc danh mục công nghệ hạn chế xuất khẩu, nhập khẩu. Tại Khoản 2 của Điều 28 có quy định "trong thời hạn 30 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, cơ quan cấp phép xuất khẩu, nhập khẩu có trách nhiệm xem xét hồ sơ và trả lời bằng văn bản chấp thuận sơ bộ, hoặc không chấp thuận", ở đây cụm từ "chấp thuận sơ bộ" tôi thấy cần được làm rõ chấp thuận đó là chấp thuận như thế nào. Nếu không tôi đề nghị bỏ từ "sơ bộ" để nội dung Khoản 2 được rõ và dễ hiểu. Về Khoản 5 thì quy định trong trường hợp nội dung "chính" của hợp đồng xuất khẩu, nhập khẩu công nghệ đã được cấp phép có thay đổi thì pháp nhân xuất khẩu, nhập khẩu công nghệ phải xin giấy phép mới. Tôi cũng thấy quy định như vậy là chưa rõ, nội dung "chính" của hợp đồng là những nội dung gì, và nếu có "chính" thì sẽ có phụ. Do vậy, tôi cũng đề nghị phải làm rõ nội dung này, nếu không tôi đề nghị bỏ từ "chính" như vậy thì Khoản 5, Điều 28 sẽ rõ hơn, dễ hiểu hơn và tránh được việc tuỳ tiện trong áp dụng luật.

Thứ tư, về Điều 29, quy định về hồ sơ xin cấp phép xuất khẩu, nhập khẩu công nghệ thuộc danh mục công nghệ hạn chế xuất khẩu, nhập khẩu. Tại Khoản 2 của điều này quy định là: "Hồ sơ xin cấp giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu công nghệ", tại Điểm b quy định: "văn bản chấp thuận sơ bộ của cơ quan cấp phép xuất khẩu, nhập khẩu công nghệ". Tôi đề nghị cũng cần làm rõ "chấp thuận sơ bộ" là chấp thuận như thế nào? "nội dung của chấp thuận sơ bộ" là những gì, nếu không tôi cũng đề nghị bỏ từ "sơ bộ" để điều luật gọn, dễ hiểu hơn và dễ trong quá trình áp dụng luật.

Các văn bản liên quan