Ý kiến của ĐBQH Nguyễn Thị Hồng Minh – Tỉnh An Giang

Thứ Hai 14:56 30-10-2006

Kính thưa Quốc hội,

Tôi xin phát biểu một số ý kiến xung quanh Luật Chuyển giao công nghệ. Trước hết tôi thấy dự án luật này đã được Ban soạn thảo tiếp thu rất tốt tất cả các ý kiến phát biểu và bổ sung so với dự thảo luật đã trình trong kỳ họp Quốc hội trước.

Tuy nhiên xuất phát từ thực tiễn phát triển của ngành thuỷ sản, cũng là một lĩnh vực của nông nghiệp ngày càng gia nhập vào thị trường rất mạnh mẽ, chúng tôi xin có một số ý kiến như sau:
Tôi thấy luật này rất quan tâm đến các doanh nghiệp riêng lẻ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, các doanh nghiệp nói chung, nhưng chưa quan tâm đến việc xây dựng một cộng đồng sản xuất của những người sản xuất mà đáp ứng ngày càng cao theo tiêu chuẩn của thị trường, đặc biệt là trong nông thôn, trong này nói rất nhiều về công nghệ sạch, công nghệ thân thiện môi trường. Công nghệ sạch, công nghệ thân thiện môi trường không thể một người ứng dụng được, mà phải có sự tham gia của cả một cộng đồng sản xuất của những người nông dân. Chẳng hạn một doanh nghiệp sản xuất mật ong sạch, không có thuốc trừ sâu thì không thể nằm trong một vùng mà xung quanh toàn là những người sử dụng thuốc trừ sâu.

Chính vì thế luật này chưa quan tâm đến yếu tố đặc thù của nông nghiệp nông thôn là hướng tới xây dựng một ngành sản xuất mà gồm nhiều người tham gia, đáp ứng tiêu chuẩn cao của thị trường. Tôi nói ví dụ như trong thực tiễn của chúng tôi hiện nay là vừa rồi với sự giúp đỡ của Chính phủ Thụy Sĩ trong mấy năm qua thì tổ chức SIPO của Thụy Sĩ đã giúp cho một lâm ngư trường của Cà mau xây dựng đáp ứng tiêu chuẩn tôm sinh thái. Tôm sinh thái có sự tham gia của rất nhiều hộ nông dân và họ cũng đã đưa ra nhiều lớn đào tạo, nhiều lớp chuyển giao, trong đó bên cạnh chuyện các tiêu chuẩn, các quy định nâng cấp sản xuất thì phải có vấn đề về tổ chức quản lý rất là quan trọng, các kiến thức, kinh nghiệm về quản lý.

Điểm thứ hai là Chính phủ Thụy Sĩ yêu cầu khi bán sản phẩm ra cho một tổ chức thì họ đồng ý là khách hàng nước ngoài được trích lại cho cộng đồng ở đấy một khoản để thành lập một quỹ phát triển sản phẩm sinh thái ở Cà Mau. Quỹ đó hiện nay do Hội Thủy sản Cà Mau đang quản lý.

Hiện nay, đối với sản phẩm thủy sản xuất khẩu thì thế giới là người ta yêu cầu chi xuất nguồn gốc, người ta yêu cầu tiêu chuẩn thì luôn luôn đòi hỏi phải có sự tham gia của một cộng đồng, từ những người sản xuất nhỏ lẻ, từ những hộ lẻ sản xuất nguyên liệu cho đến các doanh nghiệp chế biến. Cho nên các doanh nghiệp sản xuất thức ăn tất cả thành một tổ hợp, một complex để thực hiện các tiêu chuẩn cao. Rõ ràng những giải pháp về sản xuất để phát triển sản xuất trên quy mô lớn là rất quan trọng.

Thứ hai, với sự tham gia của nhiều người, trong đó có nhiều hộ nhỏ chứ không phải chỉ có doanh nghiệp vừa như trong dự luật.

Thứ ba, phát sinh một yêu cầu nếu khi người ta có quỹ, không phải quỹ Nhà nước, không phải quỹ doanh nghiệp mà của một cộng đồng do nguồn lực khác đóng góp thì pháp luật quy định như thế nào? Hiện nay Quỹ đối với tôm sinh thái Cà Mau nó không có phát triển được và nó không thực hiện đúng theo yêu cầu Sicpo của Thụy Sỹ là hỗ trợ. Bởi vì tôm sinh thái muốn được bán ở thị trường phải được tổ chức thế giới công nhận mà tổ chức thế giới công nhận thì mời vào, mỗi một lần mời vào chuyên gia như thế kinh phí rất lớn, vài chục ngàn đô la, nhưng cần phải có quỹ như vậy và Thụy Sỹ họ thấy trước việc đó, họ đề ra nhưng hiện nay quỹ này không có cơ sở. Việc như thế trong nông nghiệp đang rất nhiều và tôi muốn nói tôm sinh thái là dòng sản phẩm hiện nay trên thế giới đang có nhu cầu rất lớn, mỗi năm vài chục tỷ đô la và đang tăng trưởng rất nhanh, những người tiêu dùng có kiến thức, đa số những người tiêu dùng có thu nhập họ rất muốn dùng sản phẩm này. Chính vì thế tôi có một số kiến nghị đề nghị bổ sung, điều chỉnh trong luật này như sau:

Thứ nhất là trong Điều 3, công nghệ ở đây các đồng chí quy định công nghệ là các giải pháp, quy trình, bí quyết kỹ thuật có kèm hoặc không kèm công cụ, phương tiện dùng để biến đổi các nguồn lực thành sản phẩm. Tôi đề nghị bổ sung là các giải pháp, quy trình, bí quyết kỹ thuật dùng để biến đổi hoặc tổ chức phối hợp thành sản phẩm hàng hóa. Thêm chữ "hàng hóa" vào đây vì sản phẩm của công nghệ không phải là hàng hóa thì chắc chắn trong điều kiện kinh tế thị trường chúng ta cũng rất cần chữ "hàng hóa".

Thứ hai, Điều 11 đối tượng chuyển giao công nghệ, điểm b giải pháp kỹ thuật, giải pháp hợp lý hóa tổ chức sản xuất. Thêm chữ "tổ chức" vào thì nó mới đúng. Hợp lý hóa nhưng trong đó phần tổ chức cũng hết sức quan trọng mà việc tổ chức sản xuất của chúng ta hiện nay đang còn rất nhiều vấn đề chúng ta phải chuyển giao, chúng ta phải thuê chuyên gia từ nước ngoài vào.

Điều 13, ở đây các đồng chí có nêu "công nghệ được khuyến khích chuyển giao", tôi thấy nên bổ sung một số, ở đây các đồng chí nói rất chung chung, nhưng tôi đề nghị trong điều đối với công nghệ khuyến khích chuyển giao ra đến nông thôn thì nó cụ thể hơn. Tôi đề nghị ngoài công nghệ sạch, công nghệ thân thiện môi trường, công nghệ sinh thái, công nghệ sản xuất giống, các công nghệ về chọn giống và di truyền, trong nông nghiệp, nông thôn những công nghệ này hết sức quan trọng. Nên tôi đề nghị bổ sung vào trong Điều 13 là được khuyến khích chuyển giao và ghi rõ như vậy, thì nó phù hợp với điều kiện của nông nghiệp chúng ta hiện nay.

Trong Điều 38, tổ chức dịch vụ giám định công nghệ, các đồng chí ở đây có ghi "giám định hoạt động kiểm tra xác định các chỉ tiêu của công nghệ đã được chuyển giao so với các chỉ tiêu ghi trong hợp đồng". Nhưng bên cạnh chuyện giám định mà trên cơ sở hợp đồng nó có yêu cầu giám định thì còn có chuyện công nhận. Ví dụ: Nuôi tôm sinh thái hoặc nuôi tôm theo chứng chỉ của những tổ chức thế giới mà người ta rất cần phải có sự công nhận và có những chuyên gia nhất định. Tôi đề nghị thêm "hoạt động công nhận" ở đây, ngoài chuyện giám định công nhận mà công nhận thì đi kèm với việc có giấy chứng nhận và đi kèm việc được đưa lên sản phẩm của người được công nhận là được sử dụng lôgô của tổ chức công nhận đó trên sản phẩm của mình.

Người tiêu dùng chỉ nhìn vào logo là người ta biết sản phẩm này đã được đáp ứng các tiêu chuẩn nào đấy. Tôi đề nghị dịch vụ giám định, dịch vụ công nhận cũng nên làm cụ thể hoá ra trong các điều về giám định, hoặc là trong khái niệm về giám định cần bổ sung thêm khái niệm về công nhận, tôi đề nghị là như vậy. Việc giám định viên trong Điều 38 các đồng chí có nêu: Có kinh nghiệm 3 năm làm việc trong lĩnh vực công nghệ cần giám định. Riêng việc có chứng chỉ chuyên môn thì tôi đề nghị chỉ cần ghi có chứng chỉ chuyên môn về lĩnh vực giám định là đủ, không cần phải trong trường hợp pháp luật quy định có chứng chỉ chuyên môn. Vì trong thực tế tất cả những việc công nhận, ví dụ nuôi tôm theo một hệ tiêu chuẩn nào đấy hoặc là sản xuất sản phẩm sinh thái theo hệ tiêu chuẩn nào đấy, thì những người đi công nhận luôn luôn phải có chứng chỉ, phải được đào tạo.

Ví dụ, vừa rồi chúng tôi đã mời tổ chức ACC của thế giới vào để đào tạo cho các giám định viên hoặc các thanh tra viên để người ta công nhận. Lớp học này 1 học viên phải đóng cả hàng nghìn đô la để được học và được cấp chứng chỉ, người ta đào tạo rất bài bản. Cho nên tôi nghĩ không cần phải ghi được pháp luật quy định mà chỉ cần có chứng chỉ là đủ và 3 năm làm việc trong lĩnh vực chuyên môn là phù hợp. Còn nói công nghệ được giám định thì nó rất cụ thể, chuyên môn phù hợp tôi cho như thế là được.

Điều 40, ở đây tôi đề nghị phải cụ thể hơn vì lĩnh vực công nghệ khuyến khích chuyển giao cho vùng nông thôn, địa bàn kinh tế xã hội khó khăn, địa bàn kinh tế đặc biệt khó khăn. Tôi đề nghị phải cụ thể hơn, tức là công nghệ trong lĩnh vực bảo vệ, phát triển nguồn gen, công nghệ sinh sản nhân tạo, công nghệ chọn giống di truyền và công nghệ sạch, công nghệ sinh thái, công nghệ thân thiện môi trường. Trong Điều 13 ở trên các đồng chí có nói là công nghệ sạch, công nghệ thân thiện môi trường, nhưng trong Điều 40 lại không nói rõ. Tôi đề nghị bổ sung những điểm thiếu trong Điều 13 đã có, mà Điều 40 không có cũng như bổ sung thêm những vấn đề về công nghệ sản xuất giống nhân tạo, công nghệ chọn giống di truyền, công nghệ sinh thái. Vì công nghệ sinh thái với công nghệ sạch và công nghệ thân thiện môi trường cũng có những điểm khác nhau. Nhưng sinh thái hiện nay là một dòng sản phẩm nông nghiệp mà đang được ưa chuộng trên thế giới và đang được phát triển. Tôi nghĩ nên ghi vào Điều 40 như vậy.
Điều 44, có ghi quỹ đổi mới công nghệ quốc gia, trong này là hỗ trợ xúc tiến chuyển giao, Điểm a chuyển giao đổi mới hoàn thiện công nghệ được khuyến khích quy định tại Điều 13 của luật này đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ. Tôi đề nghị bổ sung ngoài doanh nghiệp vừa và nhỏ là các tổ chức cộng đồng của những người sản xuất, các tổ chức cộng đồng có thể là các tổ chức hội nghề nghiệp bao gồm nhiều người sản xuất tham gia vào trong cộng đồng, có thể là hội của những người sản xuất tôm sinh thái, hội của những người sản xuất rau sinh thái, rất nhiều những tổ chứ cộng đồng đó, vì nếu chúng ta không tổ chức như tôi vừa nói ở trên là sản xuất nông nghiệp là sản xuất mang tính cộng đồng, mang tính xã hội, mang tính tất cả những yếu tố, vì quỹ thị trường, về môi trường đếu rất gắn bó với cộng đồng. Cuối cùng tôi thống nhất với ý kiến của đồng chí Nguyễn Đình Lộc về việc quản lý, ban hành các danh mục mà công nghệ cần phải quản lý trong việc nhập, xuất, điều này hết sức quan trọng.

Các văn bản liên quan