Ý kiến của ĐBQH Nguyễn Đình Lộc – Thành phố Hồ Chí Minh

Thứ Hai 14:53 30-10-2006

Kính thưa Quốc hội,

Tôi xin phát biểu một số ý kiến về dự án luật này như sau:

Chúng tôi cũng rất hoan nghênh như nhiều đồng chí đại biểu khác đã phát biểu rằng dự án luật này đã chỉnh lý được rất nhiều điều, số lượng chỉnh lý có lẽ được gần một nửa dự thảo luật. Tuy nhiên chúng tôi cũng có băn khoăn như một vài đồng chí khác rằng luật này theo chúng tôi đang thiếu một ý tưởng theo chúng tôi là khá quan trọng, còn lớn đến đâu chúng tôi chưa dám nói. Khi nói đến chuyển giao công nghệ chúng ta nghĩ ngay đến trình độ phát triển hiện nay của đất nước và phương châm phát triển hiện nay của chúng ta, đó là đi tắt đón đầu. Chúng ta có thể đi tắt nếu như chúng ta biết tiếp thu công nghệ của nhiều nước khác, chúng ta cũng có thể đón đầu, nếu như chúng ta biết tiếp thu các công nghệ tiên tiến của các nước và không nghĩ rằng mình lạc hậu, thì không tính đến.

Có vấn đề rất lớn mà tôi nghĩ là trong Luật chưa đề cập được hoặc là tư tưởng chưa thể hiện rõ là những quy định này cũng giống với những quy định về chuyển giao công nghệ của nhiều nước khác. Đương nhiên, chúng ta có nhấn mạnh đến vùng sâu, vùng xa và một vài đặc thù của Việt Nam chúng ta hiện nay là còn khó khăn, nhưng nói chung việc đánh đồng việc chuyển giao công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam và từ Việt Nam ra nước ngoài thì chúng tôi cho rằng đó chính là vấn đề lớn. Vì chúng ta phải biết rằng, các nước phát triển có một chính sách chuyển giao công nghệ hoàn toàn khác, nếu như chúng ta không tính đến đặc thù này rồi đánh đồng giữa chuyển giao từ nước ngoài vào Việt Nam cũng như chuyển giao từ Việt Nam ra nước ngoài thì sẽ có những hậu quả mà nhiều khi chúng ta không lường hết được.

Chúng tôi có đọc một tài liệu của các chuyên gia lớn của Trung Quốc viết dịch sang tiếng Việt, đây là tài liệu có tính tổng kết giai đoạn phát triển vừa rồi của Trung Quốc, trong đó có nhấn mạnh một ý rằng, Trung Quốc phải mạnh dạn và sớm chuyển giao những công cụ, những công nghệ bắt đầu lạc hậu cho các nước châu Á, Châu Phi, những nước đang rất lạc hậu. Một trong những biểu hiện chúng ta biết được chẳng hạn như là Xi măng lò đứng. Người ta sẵn sàng chuyển giao cho mình bằng một gia rất rẻ, hoặc là cho nợ, hoặc là cho không và người ta cũng có thể sẵn sàng không những được chuyển giao và còn đầu tư vào Việt Nam chúng ta những cái đó, để người ta chỉ biết tiếp thu những công nghệ tiên tiến của nước ngoài vào.

Vì vậy, chúng tôi cho rằng ở những điều cấm, điều hạn chế đang đánh đồng việc chuyển giao từ Việt Nam ra nước ngoài cũng như từ nước ngoài vào Việt Nam. Chuyển giao ra nước ngoài có lợi ích của đất nước chuyển giao, cũng như chuyển giao vào Việt Nam có lợi ích của chúng ta là khác nhau. Chúng tôi có cảm giác chúng ta đang đánh đồng 2 hình thức này, ngược xuôi này và từ đó đặt ra những vấn đề là chính sách chuyển giao công nghệ của chúng ta thực sự như thế nào, mang tính đặc thù như thế nào?

Phản ánh đặc thù dân tộc và đặc thù của bước phát triển hiện nay. Đó là điều chúng tôi xin đề cập trước hết và cũng muốn rằng dự thảo luật, đương nhiên là dự thảo luật chỉnh lý khá tốt trên cơ sở tiếp thu những ý kiến của các đại biểu đã phát biểu lần trước. Nhưng rõ ràng các vấn đề đó nó chưa thật thể hiện rõ và phải chăng đây là ý tưởng phải được thể hiện trong nhiều điều chứ không chỉ riêng một điều, nhất là trong Chương I những chính sách khuyến khích chuyển giao công nghệ từ Việt Nam ra nước ngoài khác và từ nước ngoài vào Việt Nam là khác, không phải đánh đồng như nhau. Về mặt này tôi cũng không đồng ý với đồng chí Nguyễn Nghiễm khi nói rằng chúng ta hoàn toàn khuyến khích chuyển giao vì chúng ta lạc hậu, cho nên chuyển giao cho ai cái gì thì chúng ta chuyển giao, tôi nghĩ rằng như thế không đúng.

Có những công nghệ mang tính đặc thù dân tộc và cũng có lần tôi đã báo cáo trước Quốc hội khi các nước Châu Phi, nơi trồng rất nhiều hạt điều, điều lộn hột thì người ta thấy công nghệ của Việt Nam rất hay và người ta muốn mình chuyển sang cho người ta, nhưng chính xí nghiệp, những người công nhân đang làm ở xí nghiệp đó, chúng tôi có dịp vào thăm thì người ta phản đối, cuối cùng chúng ta không chuyển giao. Như thế chúng ta vẫn có công nghệ do phát triển lâu dài của dân tộc, chúng ta tích lũy được, nó trở thành một đặc thù riêng của chúng ta mà không phải sẵn sàng chuyển giao cho người khác. Cho nên chuyển giao ra nước ngoài và chuyển giao từ nước ngoài vào Việt Nam đó là 2 phương diện mà chúng ta đều phải tính toán rất kỹ, đưa ra những quy định thật chặt chẽ. Nhất là trong điều kiện mà chúng ta đang chủ trương tự do kinh doanh thì việc nhập và xuất công nghệ cũng là tự do, nhưng vấn đề quản lý Nhà nước đặt ra như thế nào? Vì có một điều chúng tôi băn khoăn, có nhiều công nghệ có tính chất truyền thống Việt Nam, sản xuất ra hàng đặc thù Việt Nam thì chúng ta mời các chuyên gia nước ngoài hoặc các du khách nước ngoài vào thăm quan một cách dễ dàng. Tôi có hình dung không biết trong trường hợp đó họ có mang máy ảnh riêng không?

Họ chụp hết các thao tác của chúng ta, riêng thao tác thôi cũng có ý nghĩa của nó. Trong trường hợp này chúng ta rất hăng hái vui vẻ giới thiệu, rất vô tư trong việc giới thiệu cho người nước ngoài, nhưng không biết rằng chính chúng ta đang chuyển giao công nghệ cho người ta. Những chuyện này chúng ta phải cảnh giác như thế nào và nhất là nhân dân chưa có đầy đủ kiến thức về mặt này thì rất vui vẻ khi mà được người nước ngoài vào thăm quan, họ rất sướng.

Cho nên tôi nghĩ rằng, chính sách ở đây rất khác nhau, vậy mà trong dự án luật này không hề lộ một ý nào đó về sự khác nhau này, nhất là những điều cấm hoặc hạn chế chuyển giao. Đó là điều đầu tiên chúng tôi muốn phát biểu.

Đi vào cụ thể, chúng tôi thấy Chương I là chương chiếm đến gần 1/3 của dự thảo luật này, vì luật có 63 điều mà Chương I là 18 điều. Nhưng vừa rồi đồng chí Hà Quang Dự đã phát biểu là việc quản lý Nhà nước với nội dung 6 điều như thế này thì tại sao chúng ta không xây dựng thành một chương riêng. Vì có 6 điều mà nói rất đầy đủ, toàn diện và những luật khác chúng ta vẫn có một chương dành riêng cho quản lý Nhà nước. Nhất là trong lĩnh vực này là tự do nhưng tự do trong khuôn khổ pháp luật như thế nào là cả một vấn đề rất lớn. Vấn đề là đề cao tự do, nhưng phải nhấn mạnh quản lý Nhà nước, vì vậy chúng tôi đề nghị nên tách 6 điều, hay ít ra trong Chương I chỉ có 1, 2 điều về quản lý Nhà nước còn nên xây dựng thành một chương riêng và làm cho Chương I trở nên chặt chẽ hơn. Vì khi nói đến Chương I là nói đến những vấn đề nguyên tắc, những nguyên lý của lĩnh vực đó. Khi người ta nghiên cứu luật thì trước hết người ta nghiên cứu kỹ Chương I để xem chính sách của chúng ta thể hiện như thế nào, dù ít nhưng cô đọng để người ta dễ nhớ. Ở đây, chúng ta lại kéo dài ra thành 18 Điều, là điều mà theo tôi có lẽ không nên. Đó là vấn đề thứ hai.

Tiếp nữa, chúng tôi cho rằng cách sử dụng của chúng ta cũng chưa thật chuẩn, chẳng hạn như trong Chương I, Điều 1, chúng ta nói đến phạm vi thì nói đến tổ chức, cá nhân tự học. Nhưng ở chương sau, khi đi vào cụ thể hoá thì chúng ta chỉ dùng một khái niệm là pháp nhân chuyển giao công nghệ, như thế nghĩa là thế nào? Chúng ta nhớ rằng bên cạnh pháp nhân thì còn thể nhân. Mà dự thảo Nghị định, có Điều 32 lại nói cá nhân hoạt động chuyển giao công nghệ, cá nhân tức là thể nhân, nó không phải là pháp nhân. Nên chủ thể ở phần sau chỉ nói lên pháp nhân không thôi thì như thế rõ ràng đã bỏ mất, cá nhân không thể là pháp nhân, pháp nhân phải là một tổ chức, nó khác với một thể nhân. Đó là điều chúng tôi thấy cần phải xem xét.

Tiếp nữa có Điều 17 nói về hình thức chuyển giao công nghệ. Chỗ này chúng tôi rất hoan nghênh, vì khi nói hình thức chuyển giao công nghệ thì không nên đơn thuần nghĩ rằng đó là hợp đồng. Vì đầu tư nước ngoài vào Việt Nam ở đây xây dựng tại các doanh nghiệp lớn đó cũng là một hình thức người ta chuyển giao công nghệ. Vì người Việt Nam mình vào làm ở đấy thì học được công nghệ của họ. Cho nên tôi rất hoan nghênh Điểm b. Nhưng Điểm c thì có vấn đề, các hình thức hoạt động chuyển giao công nghệ khác, chuyển giao công nghệ khác nhưng có bị cấm không? Cho nên vẫn thiếu mất mấy từ "do pháp luật quy định". Nhưng do pháp luật quy định có chậm không? Pháp luật có nhiều trường hợp là chưa quy định nhưng chuyển giao này rất cần thiết, hình thức này rất cần thiết. Vậy có một quy định như thế nào đây để thể hiện được rằng chỗ này rất thoáng, nhưng rất chặt, không phải là các hình thức chuyển giao khác muốn như thế nào cũng được. Hình thức chuyển giao khác đó là ai quyết định? Do cá nhân quyết định hay do quy định của Nhà nước

Các văn bản liên quan