Trích ý kiến của ĐBQH Hoàng Văn Xim – Tỉnh Hà Tây

Thứ Ba 14:00 31-10-2006


 Kính thưa Quốc hội,

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Lao động tuy rằng chỉ đề cập đến một lĩnh vực, song đây là lĩnh vực rất khó và rất mới. Tôi tán thành với các nội dung chủ yếu mà Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và Ban soạn thảo đã tiếp thu và chỉnh lý rất cẩn trọng trong dự thảo lần này. Song, nghiên cứu tôi thấy có một số điểm còn băn khoăn, tôi xin được trình bày và đề nghị nghiên cứu tiếp như sau:

Thứ nhất, quy định tại Điều 165a có gì đó chưa thống nhất với quy định tại Điều 160. Tại Điều 160, Khoản 2 quy định như sau: Trong quá trình giải quyết tranh chấp lao động 2 bên tranh chấp có nghĩa vụ sau:

Tiết b: Nghiêm chỉnh chấp hành các thoả thuận đã đạt được, biên bản hoà giải thành, quyết định đã có hiệu lực của cơ quan, tổ chức giải quyết tranh chấp lao động, bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực của Toà án nhân dân. Tôi nghĩ đây là một khẳng định rất đúng. Song, tại Khoản 2, Điều 165a, ở đoạn cuối cùng của trang thứ tư lại có một đoạn ghi như sau: Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày lập biên bản hoà giải thành, nếu 2 bên không thực hiện những nội dung trong biên bản hoà giải thì được coi là hoà giải không thành. Như vậy từ chỗ hoà giải thành hai bên đã ký kết thoả thuận rồi nhưng nếu không thực hiện ta coi như là không thành.

Tôi nghĩ rằng quy định như vậy nó chưa nghiêm túc và chưa hợp lý. Cho nên tôi đề nghị bỏ đoạn ấy đi, bỏ đoạn cuối cùng ở trang 4 thì nó hợp lý hơn. Bởi vì sau khi thoả thuận xong, biên bản đã được ký kết, tôi cho rằng đây là bổ sung vào thoả ước lao động và đã là thoả ước lao động thì hai bên buộc phải thực hiện thoả ước ấy nó hợp lý hơn. Đó là nội dung thứ nhất tôi đề nghị như vậy.

Nội dung thứ hai, về thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động về quyền, quy định ở Điều 168, Khoản 1, trong tiếp thu giải trình có đề nghị bổ sung một chủ thể giải quyết tranh chấp lao động về quyền. Chủ thể thứ hai đó là cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Đọc tất cả văn bản tôi chưa xác định được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền này là cơ quan nào, tôi nghĩ nó chưa cụ thể.

Thứ hai, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ấy giải quyết ra văn bản gì, đây là quyết định kết luận việc giải quyết đó nó có giống như giải quyết khiếu nại, tố cáo hay không?

Thứ ba, giá trị pháp lý của văn bản, của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để giải quyết khiếu nại, tố cáo hay không?

Thứ ba là giá trị pháp lý văn bản của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để giải quyết như thế nào? Suy nghĩ tôi cho rằng có nên đưa chức năng cơ quan Nhà nước có thẩm quyền và giải quyết tranh chấp lao động này hay không? hay chỉ nên giải quyết ở mức hòa giải, nếu hòa giải không thành, cơ quan Tòa án sẽ giải quyết thì hợp lý hơn.

Chính vì vậy, tôi đề nghị nghiên cứu thêm về điểm đó, nếu như không quy định cơ quan Nhà nước có thẩm quyền giải quyết ở trong Điều 168, có nên thiết kế Điều 170a hay không? tôi đề nghị là nghiên cứu. Theo ý kiến của tôi không nên như vậy và nên sửa Khoản 3, Điều 169 thì hợp lý hơn.

Ở Khoản 3, Điều 169 quy định như sau: "Khi xảy ra tranh chấp lao động tập thể về quyền, dẫn đến ngừng việc tạm thời của tập thể lao động thì cơ quan Nhà nước có thẩm quyền chủ động, kịp thời tiến hành giải quyết" Ở Trong khoản này, tôi thấy phát sinh thêm một hành vi mới là ngừng việc tạm thời cho tập thể người lao động, vậy thì ngừng việc tạm thời của tập thể của người lao động này có phải là đình công không? Nếu như không phải đình công thì trình tự như thế nào? phạm vi như thế nào? Nếu đưa khái niệm này vào thì lại thêm một nội dung khác mà chúng ta cần phải nghiên cứu và giải quyết. Theo tôi, Khoản 3 nên giải quyết theo tinh thần là xác định cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phải có trách nhiệm kiểm tra để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động và người sử dụng lao động. Như vậy, nó chắc chắn và nó cụ thể hơn.

Vấn đề thứ ba, tôi muốn đề cập đó là việc lấy ý kiến đình công, tôi cho rằng mục đích của việc lấy ý kiến để chuẩn bị cho đình công là phải xác định được trong số người lao động ai đồng ý và ai không đồng ý, tỷ lệ người đồng ý là bao nhiêu. Trên cơ sở đó mới quyết định được vấn đề đình công, với mục đích như vậy, quy định tại Điều 174a tôi thấy rằng chưa đạt được yêu cầu.

Thứ nhất, Khoản 1, Tiết a quy định đối với doanh nghiệp hoặc bộ phận doanh nghiệp dưới 300 lao động thì lấy ý kiến bằng hình thức bỏ phiếu của người lao động, tôi nhất trí là bỏ phiếu, song phiếu đó phải ghi rõ họ và tên đồng ý hay không đồng ý và chữ ký của người lao động thì nó mới bảo đảm được tính chắc chắn của yêu cầu này.

Tiết b quy định đối với doanh nghiệp có nhiều công nhân hơn, nhiều lao động hơn thì lấy ý kiến của một số các cán bộ đại diện thì nó dẫn đến một số vấn đề vướng mắc như thế này.
Một, nếu lấy ý kiến của những người đại diện thì chúng ta không xác định được là trong số người lao động ai đồng ý, ai không đồng ý, về sau này giải quyết quyền lợi về kinh tế là khó khăn, vì theo quy định của Điều 174 người tham gia đình công không được hưởng lương. Vậy thì không xác định được người nào tham gia đình công, ai không thì xác định làm sao được vấn đề trả lương đối với quyền lợi người lao động.

Thứ hai, nó lại khó cho người cán bộ cơ sở, nếu người cán bộ cơ sở xin ý kiến của người lao động trong bộ phận của mình, nếu một số người lao động đồng ý, một số người lao động không đồng ý thì người lao động đó thể hiện thái độ như thế nào? Lại khó cho người cán bộ cơ sở.

Thứ ba, hiện nay đã có một số doanh nghiệp là chủ sử dụng lao động có những chế độ, chính sách riêng đối với một số cán bộ, cán bộ công đoàn, cán bộ quản đốc, cán bộ tổ trưởng sản xuất. Như vậy, quyền lợi của những người này chưa chắc đã giống như quyền lợi của người lao động nói chung. Nếu những người này không đồng ý đình công, nhưng quyền lợi của người lao động bị vi phạm thì vấn đề này ta giải quyết như thế nào? Tôi cho rằng nếu quy định như Khoản đ là chưa đảm bảo yêu cầu. Cho nên tôi đề nghị trên cơ sở ý kiến giải trình của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, đoạn 1 của Điều 164a ta chỉ quy định như sau: Ban chấp hành công đoàn hoặc đại diện tập thể người lao động tổ chức lấy ý kiến người lao động để chuẩn bị cho đình công.

Thứ nhất là lấy ý kiến hoặc chữ ký trực tiếp.

Thứ hai, lấy ý kiến bằng cách bỏ phiếu. Song phiếu đó phải bảo đảm các nội dung theo yêu cầu.

Vấn đề thứ tư, Điều 179 về xử lý vi phạm. Khoản 1, Điều 179 quy định: Khi đã có kết luận của Tòa án về cuộc đình công bất hợp pháp, mà người lao động không trở lại làm việc thì tùy theo mức độ vi phạm để xử lý kỷ luật theo Luật lao động, theo Luật vi phạm hành chính hoặc là truy cứu trách nhiệm hình sự theo Bộ Luật Tố tụng hình sự" Tôi cho rằng, việc truy cứu trách nhiệm hình sự theo Bộ luật hình sự thì tôi thấy không khả thi. Bởi vì là tập thể đông người nếu truy cứu thì truy cứu ai? Theo tôi, trong trường hợp này thì ở khoản đó ta nên bỏ đoạn "truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ Luật hình sự" Đối với người lao động mà không chấp hành theo bản án thì sẽ xử lý kỷ luật bằng Bộ Luật lao động, bằng xử phạt hành chính chứ không thể truy cứu theo trách nhiệm hình sự được, và ở Khoản 2 đã quy định rằng, những người nào tiếp tục gây mất trật tự v.v... thì mới truy cứu trách nhiệm hình sự thì hợp lý hơn.

Các văn bản liên quan