Ý kiến của ĐBQH Lê Xuân Thân – Tỉnh Khánh Hoà

Thứ Sáu 15:05 10-11-2006


Kính thưa Quốc hội.

Có lẽ tôi cùng với một số không ít đại biểu khi nghiên cứu và phát biểu về dự luật này thì điều đầu tiên chúng tôi quan tâm nhất đó là tính khả thi của Luật Thuế thu nhập cá nhân. Vì chúng ta thường xây dựng pháp luật để đối với những vấn đề mà chúng ta kiểm soát được. Riêng thuế thu nhập cá nhân, theo suy nghĩ của tôi, trước tiên phải kiểm soát được thu nhập cá nhân của dân cư Việt Nam chúng ta. Làm thế nào để kiểm soát được thu nhập cá nhân này, đây là một trong những nội dung không biết bao nhiêu năm qua chúng ta cũng đã làm, cho tới giờ này, chúng ta thấy rằng cũng chưa thể nói rằng chúng ta đã kiểm soát được thu nhập.

Vì vậy, cho nên để làm thế nào mang tính khả thi, khi luật được thông qua, để chúng ta xem như vậy thu nhập của từng cá nhân công dân, cũng như người nước ngoài như Dự thảo luật đề cập là chúng ta biết một tháng là bao nhiêu tiền, từ đó chúng ta mới tính được bao nhiêu thì mới định được suất thuế. Như vậy, ở chỗ này tôi nghĩ là Ban soạn thảo, Chính phủ cũng nên suy nghĩ, các công việc mà Ban soạn thảo đề nghị cũng như trong Tờ trình của Chính phủ, nói rằng sẽ làm cái này cái khác để  bảo đảm cho việc tổ chức thực hiện luật sau khi thông qua, để bảo đảm được tốt. Tôi nghĩ là những nội dung đó phải làm trước, tôi nghĩ là ngay trong năm 2007, Chính phủ phải trình và được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét cho một đề án về việc thực thi các giải pháp để kiểm soát thu nhập dân cư. Trước tiên là kiểm soát thu nhập của cán bộ, công chức, vì toàn bộ các đối tượng chịu thuế đồng loạt cán bộ công chức và nhân dân nói chung thì điều trước tiên là phải kiểm soát thu nhập, thu nhập bao nhiêu thì mới định ra thuế, nếu ta làm không khéo sẽ dẫn đến tình trạng vi phạm Luật Thuế, đặc biệt là tội trốn thuế sẽ rất nhiều, chúng ta sẽ thấy tình trạng vi phạm pháp luật sẽ rộng, rất lớn. Chính vì vậy, cho nên tôi nghĩ phải có những đề án đi trước một bước để cuối năm 2007 Quốc hội khoá XII xem xét thông qua luật này, năm 2008 bắt vào thực hiện ngay, năm 2009 có căn cứ và có cơ sở. Cùng với đó, tôi cũng đề nghị nên tổng kết Pháp lệnh đối với những người có thu nhập cao, pháp lệnh này được ban hành năm 2001 và 2004 có sửa đổi nâng mức lên. Trong thực tiễn 6 năm qua chúng ta thực hiện như đối với pháp lệnh này thì những đối tượng nào chúng ta làm được, những đối tượng nào chúng ta khó khăn chưa làm được? Vì sao như vậy để chúng ta có giải pháp, để bắt tay vào việc thực hiện luật thuế này trong năm 2009 cho nó có hiệu quả.

Vấn đề thứ hai, vấn đề tên luật, tôi nghĩ tại vì chúng ta có pháp lệnh thu nhập cao trước và hiện nay rồi, cho nên bây giờ chúng ta mới bàn, cao hay là thu nhập cá nhân. Theo tôi có lẽ nên thoát ly khái niệm thu nhập cao và chỉ là thuế thu nhập cá nhân và thuế thu nhập cá nhân tất nhiên ở mức nào đó chúng ta mới xác định trách nhiệm nghĩa vụ của người công dân là phải đóng thuế.

Vấn đề thứ ba, mức chịu thuế tôi thấy chúng ta ngồi đây, năm 2006 bây giờ thời điểm là tháng 11, chúng ta mới bàn 4 triệu hay 5 triệu để rồi đưa ra lấy ý kiến của toàn dân, tôi nghĩ 1 năm nữa cũng tháng 11 năm 2007 tình hình kinh tế sẽ khác đi và chắc chắn đất nước ta sẽ phát triển. Vì vậy mức 4 hoặc 5 triệu có thể các đại biểu Khóa XII còn phải bàn, nhưng rõ ràng xác định một mức cho nó tương đối phù hợp thì theo tôi nên xác định mức mà Ủy ban Kinh tế và Ngân sách đã thẩm định và có ý kiến đó là mức 5 triệu. Mức này phải có một thước đo cụ thể mới xác định được, nếu như đưa ra chung chung nó rất khó, cho nên cũng phải tính đến việc sự phát triển của xã hội, kinh tế xã hội trong vài năm, để tránh việc sửa đổi luật tôi cũng đề nghị có một điều luật ủy quyền cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội khi tình hình về trượt giá tới bao nhiêu phần trăm thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội có thể cho phép Chính phủ hoặc chính Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh cái này. Điều này cũng phải được ghi trong luật để tránh tình trạng cứ vài năm lại sửa mức chịu thuế. Như vậy cũng phải tính toán trước. Đó là ý kiến đề xuất của tôi.

Thứ tư, về nhóm thu nhập chịu thuế. Tôi thấy có nhiều ý kiến trái ngược nhau ở chỗ tiền gửi tiết kiệm. Tôi nghĩ là, chúng ta định ra chính sách thuế thì chúng ta nhìn cái chung, tổng thể, toàn dân.

Ở đây, chúng ta có 2 loại thuế: trực thu và gián thu. Trong trực thu thì chúng ta đánh thuế thu vào doanh nghiệp và cá nhân thì chúng ta mới đánh thuế vào đối tượng thu nhập cao.
Bây giờ, ta phải tính đến việc, xem tổng thể toàn diện trong tất cả địa bàn dân cư như thế nào?
Riêng tiền gửi tiết kiện thì tôi nghĩ cán bộ, công chức, viên chức, đặc biệt là các vị về hưu và những người nông dân bình thường làm ra được một vụ lúa hoặc trúng một mùa tôm, nói chung họ không kinh doanh gì khác, họ giữ lấy vốn thì họ lại đem gửi tiết kiệm để lấy tiền lãi hàng tháng, hoặc hàng quý, hoặc nửa năm, một năm để họ bù vào các chi phí. Đó mới là vấn đề lớn, chứ đối tượng các doanh nhân và đặc biệt là các đại gia như đã có đại biểu thì có lẽ số gửi tiết kiệm lấy tiền lãi thì không bao nhiêu, bởi vì người ta đưa số tiền lớn như vậy, đưa vào kinh doanh. Vì vậy, phải xem xét không coi đối tượng, nhóm thu nhập chịu thuế từ khoản tiền tiết kiệm. Ở đây, chúng tôi có một chính sách làm thế nào để khích lệ, động viên việc gửi tiền tiết kiệm của nhân dân và đó là số đông của xã hội.

Vấn đề tiếp theo, đối với Dự thảo luật có 33 điều thì tôi thấy thiếu, nên đề nghị Ban soạn thảo nên có nghiên cứu, bổ sung thêm một điều về các nguyên tắc về thu và nộp thuế thu nhập cá nhân, vì đây là một thuế, thể hiện rất cụ thể về nghĩa vụ cơ bản của công dân đã được Hiến pháp quy định. Chính vì vậy, những nguyên tắc đặc biệt là nguyên tắc công khai, công bằng là những nguyên tắc mà chúng ta cần phải khẳng định ngay trong Dự thảo luật để toàn dân biết:
những đối tượng nào và thủ tục công khai như thế nào cho phù hợp và bổ sung thêm một chương về khiếu nại, tố cáo, khởi kiện và xử lý vi phạm. Hơn ai hết trong lĩnh vực này chúng ta có đầy đủ các pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính, về xử lý trách nhiệm hình sự ở Điều 161 của Bộ luật hình sự và một số các quy định về khởi kiện về hành vi, hành chính, về quy định hành chính của công dân. Chính vì vậy, tôi nghĩ dứt khoát phải có một chương về vấn đề này, tuy rằng những vấn đề này có thể được quy định ở các văn bản luật khác, nhưng ngay trong luật này khi người dân tiếp cận có thể thấy được ngay quyền khởi kiện, quyền khiếu nại, tố cáo và việc xử lý vi phạm ngay trong quy định của luật này rất cần thiết.

Một số điều cụ thể để thi hành luôn luật này, vì nói như các đại biểu khác đã phát biểu có nghĩa là dự thảo nghị định rất giống với dự thảo luật. Chính vì vậy cho nên bổ sung thêm những điều mới trong dự thảo nghị định vào trong Dự thảo luật và nâng số lượng điều luật lên và như vậy nó mang tính chất có thể tổ chức thi hành ngay được. 

Tôi đề nghị như vậy và Ban soạn thảo cũng nên cân nhắc thêm một số các quy định cũng như một số các khái niệm. Ví dụ như cách quy định về đối tượng chịu thuế và đối tượng không chịu thuế. Phân tích của các đại biểu khác trước tôi cũng đã nói rồi, tôi nghĩ giữa hai đối tượng không chịu thuế và đối tượng chịu thuế thì ta chọn lấy một, theo tôi đề xuất quy định rất cụ thể về đối tượng phải chịu thuế. Vì đây là nghĩa vụ của người công dân và quy định của luật chúng ta cũng cần phải rõ ràng những đối tượng A, B, C rất cụ thể, đây là những đối tượng chịu thuế theo Luật thuế thu nhập cá nhân.

Ý kiến cuối cùng, việc sử dụng một số từ ngữ trong văn bản Dự thảo luật, cũng nên cân nhắc, ví dụ: Ngay trong đối tượng thi hành, đối tượng áp dụng của luật cũng như là giải thích ở Điều 3 về khái niệm cá nhân tôi thấy giải thích như thế thì chúng ta sót một đối tượng hết sức quan trọng , vì nếu công dân và người nước ngoài theo pháp luật công dân là người có quốc tịch Việt Nam, người nước ngoài là người có quốc tịch nước ngoài, không phải là người có quốc tịch Việt Nam, còn một đối tượng nữa do xung đột pháp luật về quốc tịch, chúng ta có một đối tượng thứ ba mà rất nhiều văn bản luật chúng ta cũng đã quy định, đó là người không có quốc tịch, cũng phải là đối tượng chịu thuế giống như người nước ngoài và công dân Việt Nam, một số các từ ngữ khác, tôi đề nghị Ban soạn thảo nên xem xét thêm vì không có thời gian để phát biểu. Xin cám ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan