Ý kiến của ĐBQH Hứa Chu Khem – Tỉnh Sóc Trăng

Thứ Sáu 15:13 10-11-2006


Kính thưa Quốc hội.

Tôi cơ bản thống nhất rất nhiều ý kiến các vị đại biểu phát biểu xung quanh về chúng ta sẽ ban hành Luật thuế thu nhập cá nhân, về tên gọi tôi cũng thống nhất là Luật thuế thu nhập cá nhân. Chúng tôi thấy có một số ý kiến cũng cần phải đề xuất trong Luật ở đây, trong quy định thì chúng ta có nói đến những thuế suất, đối tượng phải nộp, nhưng chúng tôi thấy rằng đối với Luật thuế thu nhập cá nhân thì chúng ta cũng nên nhờ Luật thuế thu nhập cá nhân để chúng ta làm tốt khâu quản lý thuế trong thời gian sau này. Đối với các nước khi có thu nhập cao người ta kích thích tiêu dùng, nếu như anh có thu nhập cao nhưng anh sử dụng đồng tiền đó vào trong những tiêu dùng hợp lý, đã chịu những khoản thuế vào đấy thì khi tính thuế thu nhập cá nhân thì người ta có thể trừ bớt tỷ lệ nào đó để khuyến khích và như vậy nó sẽ khuyến khích cho sử dụng.

Thứ nhất là trong giao dịch bán buôn tất cả mọi người sẽ đóng thuế và bán một sản phẩm có giá trong đó có thuế VAT, đây là khoản thuế người tiêu thụ đã nộp rồi, tôi nghĩ rằng những khoản thuế nào đó để khuyến khích tiêu dùng thì chúng ta cũng nên cho phép trừ vào thuế thu nhập cá nhân khi tính toán nộp thuế. Chúng tôi thấy ở một số nước, người ta mua một món hàng nhỏ thôi nhưng người ta vẫn lấy hóa đơn, như vậy chủ hàng không thể bán được sản phẩm ngoài luồng được, tất cả đều phải có hóa đơn hết. Khi tính thuế tất cả những hóa đơn đã nộp thuế VAT người ta có khấu trừ cho người nộp thì tôi nghĩ rằng trong khoản luật nên có điều khoản khấu trừ một số dạng thuế mà cá nhân đã có tiêu dùng và chúng ta cũng khuyến khích tiêu dùng.

Chúng tôi xin tham gia một ý, giả sử như luật thuế này được áp dụng thì chúng ta đã quy định cứng ở trong đó là mức khởi điểm thuế là 5 triệu hay 4 triệu, theo tôi mức này cần phải có sự tính toán cho nó có cơ sở khoa học để đưa ra với toàn dân, ta có thể tính lại một khẩu phần người sử dụng cho mức cá nhân mình trong một cuộc sống bình thường trung bình thì phải ăn, mặc, nghỉ ngơi, chuẩn bị lo xa, tích cóp, phòng cơ nhỡ hoặc khi ốm đau v.v... có những khoản chúng ta phải tính toán để cho người dân thấy cơ sở hợp lý về mặt khoa học và người ta dễ dàng chấp nhận, chứ còn ở đây chúng ta chưa có một cơ sở mà chúng tôi chỉ biết qua số liệu là 4 triệu hoặc 5 triệu thôi.

Thứ hai, trong ý này thêm thì chúng tôi cũng đề nghị như chỗ đồng chí Lê Xuân Thân đã nói là nên có một khoản, có một điều nào đó nếu trong quá trình trượt giá thì ta có thể điều chỉnh lại, với một tỷ lệ trượt giá bao nhiêu phần trăm, chẳng hạn trên 10% thì ta có thể điều chỉnh lại cho nó phù hợp để sau này việc áp dụng nó dễ dàng.

Một ý nữa chúng tôi thấy trong Nghị định kèm theo Dự thảo rất nhiều những khoản điều ghi gần giống như luật. Chúng tôi nghiên cứu tìm cách thức để triển khai luật này áp dụng như thế nào đối với người nộp và người thu, chúng tôi thấy có những điều khoản trong dự thảo luật này nó chưa được rõ.

Xin tham gia cụ thể một số chỗ:

Thứ nhất, Điều 21 ở biểu thuế toàn phần thì chúng tôi thấy nếu đã ghi như trong Điều 21 biểu thuế toàn phần thì ở đây chúng ta xác định là thuế tính trên thu nhập từ chuyển nhượng và chuyển đổi bất động sản 25%, nếu như thuế này áp dụng thì sau này thị trường bất động sản của mình là xin lỗi, nó còn đóng băng luôn. Biết là người ta có lời trong đó là bao nhiêu tỷ lệ này mà ta quy định một mức cứng như thế. Theo tôi nghĩ là cái mức này cũng nên có một mức là giá trị bao nhiêu, lợi nhuận bao nhiêu thì đóng bao nhiêu và tăng dần lên chứ không nên quy định một mức cứng là 25%. Cũng như thuế từ chuyển nhượng vốn, chuyển nhượng chứng khoán thì chúng ta cũng quy định 25%. Cái này nó cũng hợp lý, bởi vì ta xác định là thu nhập cao thì đóng cao. Cho nên mức cứng như thế này thì thị trường bất động sản không thể nào hoạt động được, trong những năm tới khi luật này áp dụng thì thị trường bất động sản có thu nhập được tới mức đó không mà phải đóng tới mức 25%. Trong biểu thuế toàn phần này thì chúng tôi thấy rằng khi liên hệ lại với cách tính thuế cá nhân không cư trú ở các Điều 25, 26, 27 thì tôi lại thấy chúng ta áp dụng một khoản đối với người không cư trú, vô hình chung chúng ta đánh trực diện vào doanh số hay giá trị vốn. Như vậy, có thể làm cho người có vốn không dùng phương pháp chuyển vốn này nữa, mà họ sẽ dùng phương pháp khác, họ sẽ chuyển tiền vốn này cho những đơn vị doanh nghiệp, cá nhân nào khác thông qua hình thức mua bán hợp đồng, trao đổi hàng hóa, những cái đó chúng ta không thể áp dụng doanh số này được, cấp thu ở các Điều 25, 26, 27 này, sẽ dẫn đến chuyện không biết người ta chuyển vốn lãi mức cỡ nào. Chúng tôi thấy từ biểu 21 biểu thuế toàn phần và liên hệ tới Điều 25, 25, 27 có thể xảy ra tình trạng người ta không thực hiện việc chuyển đổi bất động sản.

Chúng tôi nghiên cứu ở các Điều 13, 14, 15, 16, 17 và trong phần đánh thuế trên thu nhập bất thường gồm có xổ số kiến thiết, tiền thưởng, tiền nhuận bút v.v...  Cách đây khoảng hơn 10 năm, chúng tôi thấy tiền xổ số kiến thiết thưởng cho người trúng giải lúc đó đã áp dụng trên 12,5 triệu mới đóng thuế, chúng ta thấy mức đó là bất thường thôi thì đánh 10%. Cách cả chục năm mức này bây giờ lại hạ xuống 10 triệu. Cho nên chúng tôi nghĩ ta cũng nên so sánh lại thời điểm và giá cả, đồng thời cũng nên xác định khuyến khích được khi chúng ta gia nhập WTO. Trong thời gian tới, khi so sánh với các nước, sự thâm nhập nguồn vốn của các nước và thu nhập của người ngoại quốc vào Việt Nam, những thu nhập và những nguồn tiền mà chúng ta tính ở mức thấp, mức để tính thuế thấp như thế này cũng không hợp lý.

Theo tôi phải từ 20,  25 triệu để bắt đầu tính những khoản tiền thưởng và nhuận bút, bởi vì cái gì chúng ta cũng nghĩ rằng phải đóng thuế thu nhập cá nhân thì không phải là một cách hợp lý. Tôi có đọc một số bài báo, có tác giả họ nói rằng có lẽ vì Bộ Tài chính thấy rằng trong những năm tới khoản thuế sẽ bị giảm nhiều, cho nên thôi đưa ra mức thuế này để có thể tập trung thu, tận thu và đồng thời người ta cũng đề xuất là mức khởi điểm đóng thuế thu nhập cá nhân, cũng chỉ nên khởi điểm ở khoảng 1%, 2% thôi, chứ không nên khởi điểm ở 5%. Tuy nhiên, có nhiều nước hiện nay đang áp dụng ở mức khởi điểm 5%, nhưng cũng có những nước họ áp dụng ở 1%, 2%.

Điều 18, về giảm trừ gia cảnh, thì trong này chúng tôi thấy có những ý mà nên xem xét, trường hợp một người trong gia đình phải nuôi cha mẹ, nhưng không ở chung và dì cô cậu gì đó không ở chung, và thực tế là người ta phải cung cấp, nuôi dưỡng những người đó. Bởi vì những người ấy đã không còn tuổi lao động nữa,  thì trường hợp đó ta chưa có nói ở trong luật. Trong trường hợp này, người phụ thuộc này là cần sự xác nhận của chính quyền, nó là thực tế thì chúng ta cũng nên cho phép tính trừ gia cảnh đối với họ.

Trong phần thu thuế đối với lãi chênh tiền gửi tiết kiệm. Tôi nghĩ rằng, cách mà chúng ta đưa ra cũng vài nước có áp dụng, nhưng nước cận kề chúng ta thì không thu, đó là Trung Quốc. Theo tôi nghĩ tiền lãi suất tiết kiệm nếu chúng ta thu thì nó sẽ làm cho nguồn vốn huy động, hiện nay ngân hàng rất than phiền là không huy động được, cái này sẽ làm cho người ta lách luật, người ta sẽ không gửi những sổ tiết kiệm lớn như thế.

Tôi xin cảm ơn Quốc hội, xin hết.

Các văn bản liên quan