Ý kiến của ĐBQH Hứa Thị Phương – Tỉnh Thái Nguyên

Thứ Năm 09:36 09-11-2006


Kính thưa Quốc hội!

Tôi xin tham gia vào Dự thảo Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hoá một số vấn đề như sau:
Một, về sự cần thiết ban hành luật. Ngày nay cùng với sự tiến bộ nhanh chóng của khoa học công nghệ thì các sản phẩm, hàng hoá đã được sản xuất rất nhiều. Khi đã thoả mãn nhu cầu tiêu dùng về số lượng thì yêu cầu về chất lượng cũng xuất hiện như một đòi hỏi khách quan với người tiêu dùng, các nhà sản xuất kinh doanh và cơ quan quản lý Nhà nước.

Trong thời gian qua Nhà nước đã ban hành văn bản quy phạm pháp luật về quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hoá như Pháp lệnh Chất lượng hàng hoá năm 1999, cùng với gần 140 văn bản các cấp, hướng dẫn thi hành và các văn bản khác có liên quan, nhưng đến nay đã không còn phù hợp với thực tiễn phát triển trong nước và thông lệ quốc tế. Do vậy để đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội trong giai đoạn mới, nâng cao chất lượng hàng hoá xuất khẩu, kiểm soát chất lượng độ, an toàn với hàng hoá nhập khẩu, tăng cường trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng, tăng cường hiệu lực quản lý Nhà nước nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, hàng hoá và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Vì vậy, tôi tán thành với Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Khoa học, công nghệ và Môi trường là cần thiết phải ban hành luật.

Hai, về tên gọi của luật. Tôi tán thành với tên gọi của luật là Luật chất lượng sản phẩm, hàng hoá. Vì tên gọi này phù hợp với phạm vi điều chỉnh của luật, là chỉ tập trung quy định vấn đề quản lý chất lượng của sản phẩm và hàng hoá, đồng thời cũng nhấn mạnh được việc quản lý chất lượng sản phẩm ngay từ khâu sản xuất.

Ba, phân nhóm sản phẩm, hàng hoá. Theo tôi, cần bổ sung quy định về nguyên tắc các tiêu chí về an toàn, để đảm bảo sự thống nhất khi xác định nhóm sản phẩm, hàng hoá, không có nguy cơ gây mất an toàn, và nhóm sản phẩm, hàng hoá có nguy cơ gây mất an toàn đối với sức khoẻ, sinh mạng con người, thực vật, động vật, tài sản và môi trường.

Song để tạo thuận lợi cho việc áp dụng trong thực tế, theo tôi chỉ nên phân nhóm sản phẩm, hàng hoá thành hai nhóm, đó là:

Một là nhóm sản phẩm, hàng hoá thông thường.

Hai là nhóm sản phẩm, hàng hoá có nguy cơ gây mất an toàn. Bao gồm nhóm sản phẩm, hàng hoá ở nhóm hai và ba đã được quy định trong dự thảo luật, và sản phẩm hàng hoá ít có nguy cơ gây hại được quy định ở nhóm 1 trong dự thảo luật. Bởi vì, với những sản phẩm, hàng hoá trong điều kiện sử dụng bình thường và hợp lý, ít có nguy cơ gây hại cho sức khoẻ và sự an toàn của con người, động vật, thực vật và môi trường. Song nếu các sản phẩm này được sử dụng liên tục, lâu dài thì sẽ trở nên có nguy cơ gây mất an toàn đối với sức khoẻ của con người, động vật, thực vật và môi trường cụ thể.

Tại Điều 5 trong dự thảo Luật chất lượng sản phẩm, hàng hoá trình vào tháng 10, năm 2006 đã quy định về nguyên tắc quản lý chất lượng. Khi nghiên cứu điều này, tôi nhận thấy rằng: Một số khoản không phải là nguyên tắc quản lý chất lượng, như Khoản 2. nội dung của khoản này là nhà sản xuất, kinh doanh phải chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm, hàng hoá của mình, nhưng thực chất nội dung của khoản này là trách nhiệm của nhà sản xuất, kinh doanh.
Về Khoản 3, bảo đảm an toàn sức khoẻ, tính mạng con người, bảo vệ động, thực vật, tài sản và môi trường, nhưng nội dung của khoản này đã trùng với Khoản 1, Điều 8 quy định về mục tiêu quản lý Nhà nước về chất lượng.

Khoản 4, Nhà nước có biện pháp quản lý đồng bộ, tương ứng với khả năng gây mất an toàn của sản phẩm hàng hóa. Nội dung của khoản này thực chất là trách nhiệm quản lý của Nhà nước đã được quy định tại Chương III là Quản lý Nhà nước về chất lượng sản phẩm hàng hóa. Do vậy, theo tôi nên bỏ Khoản 2, Khoản 3, Khoản 4 của điều này, thêm 1 khoản vào điều này là: "Tôn trọng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của tổ chức sản xuất kinh doanh" Do đó, Điều 5 có thể thiết kế lại như sau: "Nguyên tắc quản lý chất lượng gồm có 4 khoản:

Khoản 1 là chất lượng sản phẩm hàng hóa phải đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật, phù hợp với tiêu chuẩn đã được công bố áp dụng; Khoản 2 là tôn trọng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của tổ chức sản xuất kinh doanh; Khoản 3 là bảo đảm minh bạch, công khai, rõ ràng và không phân biệt đối xử; Khoản 4 là phù hợp với thông lệ quốc tế, bảo đảm thuận lợi hóa thương mại"
Trong dự thảo luật trình vào tháng 10/2006, tại Điều 24 quy định :"Hàng hóa xuất khẩu phải kiểm tra chất lượng" Điều này có 3 khoản, tôi nhất trí với nội dung của 3 khoản này. Tại Điều 25 quy định nội dung kiểm tra chất lượng hàng hóa xuất khẩu, nội dung của điều này cũng quy định là: "Bộ quản lý chuyên ngành quy định chi tiết nội dung kiểm tra chất lượng hàng hóa xuất khẩu thuộc đối tượng quy định tại Khoản 3, Điều 24 của luật này" Tôi nhận thấy, nội dung của điều này nên chuyển thành Khoản 4, Điều 24 sẽ hợp lý và lôgíc hơn.

Do vậy, tôi đề nghị bỏ Điều 25, đưa nội dung của Điều 25 thành Khoản 4, Điều 24. Khoản 4, Điều 24 có thể viết lại như sau: "Chi tiết nội dung kiểm tra chất lượng hàng hóa xuất khẩu thuộc đối tượng quy định tại Khoản 3, Điều 24 của luật này do Bộ quản lý chuyên ngành quy định". Xin hết, cảm ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan