Ý kiến của ĐBQH Trần Thị Mai Phương – Tỉnh Long An

Thứ Năm 09:32 09-11-2006


Kính thưa Quốc hội,

Chúng ta đã chính thức được kết nạp là thành viên của WTO, các sản phẩm hàng hóa của các doanh nghiệp đang phải đối đầu với một sự cạnh tranh quyết liệt. Muốn sống còn và phát triển bền vững, các doanh nghiệp phải đảm bảo có được một sản phẩm có chất lượng. Nhưng với thực trạng sản phẩm hàng hóa của chúng ta như hiện nay chưa thực sự đáp ứng với yêu cầu tiêu dùng cả về chất lượng và giá thành., khả năng cạnh tranh sản phẩm của các doanh nghiệp còn thấp. Thâm vào đó, tình hình kinh doanh hàng giả, hàng không đảm bảo chất lượng còn rất phổ biến và khó kiểm soát. Thời gian gần đây, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm đã ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe, tính mạng và chất lượng cuộc sống của người dân. Một phần cũng do hệ thống pháp luật về chất lượng sản phẩm hàng hóa của chúng ta chưa thống nhất và đồng bộ, thiếu các hướng dẫn cụ thể trong nhiều hướng dẫn cụ thể, trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng chưa được quan tâm.

Từ những bất cập trên, tôi đồng ý với Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban khoa học công nghệ và môi trường của Quốc hội là rất cần thiết có một vài luật để điều chỉnh việc quản lý chất lượng hàng hóa. Qua đó, có thể nâng cao được chất lượng sản phẩm hàng hóa của các doanh nghiệp, góp phần xây dựng nền kinh tế có sức cạnh tranh của một nước công nghiệp hiện đại và có một khả năng tự chủ trong hội nhập. Tôi thống nhất với Báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Khoa học công nghệ và Môi trường là dự thảo đã thể chế hoá được chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước trong lĩnh vực này. Khi nghiên cứu dự thảo trình Quốc hội và dự thảo dự kiến sẽ chỉnh sửa của Ban soạn thảo, tôi thấy rằng Ban soạn thảo đã tiếp thu và sửa đổi, bổ sung nhiều điều, khoản mới. Tôi rất đồng ý với những sửa đổi, bổ sung này. Sau đây tôi xin được góp thêm một số ý vào dự thảo đã chỉnh sửa để góp phần hoàn chỉnh dự thảo hơn.

Thứ nhất, về tên gọi. Tôi thống nhất với tên gọi mà dự thảo trình với Quốc hội. Theo tôi tên gọi như thế là phù hợp, đã nhấn mạnh được việc quản lý chất lượng ngay từ lúc sản xuất, đồng thời cũng quản lý chất lượng hàng hoá khi đưa vào thị trường lưu thông theo như nội dung dự thảo đã quy định.

Thứ hai, về phạm vi điều chỉnh. Tôi đồng ý với sửa đổi, bổ sung của phạm vi điều chỉnh trong dự thảo chỉnh sửa. Theo tôi, quy định như thế đã đảm bảo đầy đủ ý nghĩa mà nội dung dự thảo đã đề cập. Đặc biệt là câu văn ngắn gọn, không lặp lại, nhưng vẫn đủ nghĩa. Theo tôi không cần thiết bổ sung thêm quy định về những vật phẩm làm ra không để đưa vào thị trường lưu thông mà để tặng, cho nghiên cứu cá nhân sử dụng nội bộ v.v...không nằm trong phạm vi điều chỉnh của luật này, như đề nghị của Báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Khoa học công nghệ và Môi trường, vì trong Điều 3 giải thích dự thảo đã định nghĩa rất rõ về sản phẩm, hàng hoá trong luật này được hiểu như thế nào, nên không sợ có sự nhầm lẫn với các vật phẩm sản xuất ra không có mục đích kinh doanh thuộc phạm vi điều chỉnh của luật này.

Điều 4 về áp dụng luật pháp. Theo tôi quy định như dự thảo chỉnh sửa thì khá phù hợp. Tuy nhiên, Ban soạn thảo cũng nên cân nhắc bỏ cụm từ "không trái với luật này" cùng với ý của dự thảo đã trình Quốc hội cho ý kiến. Bởi lẽ chúng ta đang làm luật và yêu cầu là phải có một hệ thống pháp luật thống nhất, không thể có quy định cùng một vấn đề mà luật sau lại trái với luật trước. Thế thì tại sao trong cùng một vấn đề quy định về quản lý chất lượng sản phẩm lại có sự trái ngược nhau, trong Báo cáo thẩm tra của Uỷ ban khoa học công nghệ môi trường cũng rất quan tâm đến vấn đề này, nên đã đề nghị Ban soạn thảo xem lại những quy định trái với Luật Hải quan và Luật Dân sự. Chỗ đó nếu mà chúng ta bổ sung thêm cụm từ "trái với luật này", tức là ta đồng ý với việc trái ngược nhau trong hệ thống pháp luật của ta. Tôi hiểu ý Ban soạn thảo là muốn đề cập đến các trường hợp quản lý chất lượng hàng hoá đặc thù mà các chủ thể khác quy định, thì được áp dụng theo luật chung ngành đó. Vì vậy theo tôi nên bỏ cụm từ "không trái với luật này" mà chỉ giữ lại những ý như dự thảo đã trình.

Về Điều 5, nguyên tắc quản lý chất lượng. Tôi đồng ý với những sửa đổi bổ sung trong dự thảo chỉnh sửa và để làm rõ thêm tôi xin bổ sung thêm một số ý:

Thứ nhất, trong Khoản 1. Sau cụm từ "đáp ứng quy chuẩn" tôi xin bổ sung thêm cụm từ "đã ban hành", bởi lẽ hiện nay Việt Nam có một số ngành chưa kịp chỉnh đổi theo quy chuẩn của quốc gia. Từ đó để có một quy chuẩn để tuân thủ, thì phải tuân theo các quy định riêng của ngành, lĩnh vực mình. Vì vậy trong đoạn này nên bổ sung thêm cụm từ "đã ban hành" để hiểu rõ là việc bảo đảm chất lượng thì dựa trên cơ sở ngành.

Về Khoản 5, theo tôi thì chỉ cần bổ sung thêm cụm từ "bảo đảm, minh bach, công khai" là đủ nghĩa, không cần bổ sung thêm cụm từ "rõ ràng" vì trong cụm từ "minh bạch" đã bao hàm ý nghĩa trọn có ý rõ ràng.

Về Khoản 4, thì việc bổ sung từ "đồng bộ" theo tôi nó rất chính xác, qua đó nó nhấn mạnh được nguyên tắc quản lý của Nhà nước trong lĩnh vực chất lượng hàng hoá. Đặc biệt là đối với những hàng hoá đặc thù, tôi nhất trí cao với việc bổ sung cụm từ này.

Về Điều 6, tên gọi sản phẩm hàng hoá để quản lý chất lượng, theo tôi thì dự thảo đã chỉnh sửa và đã phân loại sản phẩm hàng hoá để quản lý chất lượng rất là rõ ràng và khả thi. Tôi nhất trí với những bổ sung và sửa đổi mà dự thảo đã đề cập, qua tên gọi như Điều 6 đã chỉnh sửa, Nhà nước sẽ dễ dàng xem xét và quản lý chất lượng sản phẩm hơn.

Việc bổ sung Khoản 1, thì tôi thấy Ban soạn thảo đã lặp lại một lần nữa phạm vi điều chỉnh của luật này, chúng ta đang đề cập đến sản phẩm hàng hoá lưu thông trên địa bàn Việt Nam. Trong luật này cái đó không cần thiết phải quy định lại như Khoản 1, theo tôi thì nên bỏ.

Về Chương II, chính sách của Nhà nước về nâng cao chất lượng và khả năng cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa. Theo dự thảo chỉnh sửa, tôi thấy Ban soạn thảo đã sửa đổi và bổ sung nhiều điều khoản mới so với dự thảo trình Quốc hội. Tôi cho rằng những bổ sung và sửa đổi này rất phù hợp, qua những điều như Điều 9 nói về khuyến khích đổi mới, Điều 10 phát triển về hệ thống đo lường thử nghiệm, Điều 11 khuyến khích xây dựng áp dụng tiêu chuẩn tiên tiến v.v.... Đã nêu được chính sách quan tâm của Nhà nước trong việc nâng cao chất lượng, khả năng cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa, giúp cho các nhà sản xuất có cơ hội để nâng cao được tính cạnh tranh của sản phẩm mình.

Tuy nhiên, với Điều 8, tôi thấy nội dung không phù hợp với Chương II, vì tên của tiêu đề là mục tiêu quản lý Nhà nước về chất lượng, khác với nội dung của Chương II là chính sách Nhà nước nâng cao chất lượng và khả năng cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa. Do đó theo tôi nên chuyển Điều 8 sang Chương III là quản lý chất lượng hàng hóa sẽ phù hợp hơn.

Về Điều 20, áp dụng phương thức quản lý chất lượng, trong 3 khoản mà dự thảo chỉnh sửa đã sửa đổi thì tôi thống nhất 2 khoản, Khoản 2 và Khoản 3. Riêng Khoản 1 Ban soạn thảo cũng cần xem xét lại quy định miễn công bố tiêu chuẩn áp dụng ở các điểm a và b. Vì quy định như vậy rất dễ nhầm lẫn là các sản phẩm này sản xuất ra không cần theo một quy chuẩn nào cả, nhất la trong thời điểm chúng ta đã gia nhập vào WTO và tình hình ngộ độc thực phẩm đã xảy ra khá nhiều trong thời gian qua. Thực tế chúng ta cũng đã biết các mặt hàng này sản xuất cũng phải đảm bảo chất lượng theo Pháp lệnh vệ sinh an toàn thực phẩm, Pháp lệnh bảo vệ thực vật, kiểm dịch thực vật và Pháp lệnh thú y, quy định một số tiêu chuẩn về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật về vi sinh đảm bảo ở một mức cho phép. Do đó theo tôi không nên quy định như dự thảo chỉnh sửa mà nên quy định chất lượng ở mục a và b được quy định trong một văn bản pháp luật khác. Như vậy sẽ tránh được hiểu lầm là các sản phẩm này sản xuất không cần theo một chuẩn mực nào.

Trong Chương III, tại mục 2 về quản lý chất lượng hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, dự thảo chỉnh sửa cũng đã bổ sung một số điều mới như là Điều 24, 28, 29. Tôi cho rằng với những sửa đổi, bổ sung những điều mới này đã làm rõ chức năng cơ quan quản lý chất lượng hàng hoá xuất, nhập khẩu hơn so với dự thảo trình Quốc hội, tôi thống nhất với những bổ sung đó.
Tuy nhiên, tôi xin đề nghị Ban soạn thảo làm rõ thêm ý trong Điều 29 về tổ chức đánh giá sự phù hợp. Khoản 1, Điều 29 quy định: Tổ chức đánh giá sự phù hợp là tổ chức thuộc danh sách do cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền công bố. Theo tôi Ban soạn thảo nên quy định cơ quan có thẩm quyền là cơ quan nào vào luật, theo tinh thần hạn chế bớt những văn bản dưới luật, cho luật rõ ràng và dễ khả thi hơn.

Điều 51 về nguyên tắc bồi thường thiệt hại. Theo tôi quy định như dự thảo là không khả thi. Khoản 1 dự thảo quy định mọi thiệt hại do vi phạm quy định về chất lượng sản phẩm, hàng hoá phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời. Điều này không thực hiện được, vì việc bồi thường thiệt hại phải căn cứ vào lỗi và mức độ thiệt hại, nên không thể quy định phải bồi thường toàn bộ và kịp thời được. Vả lại quy định này không phù hợp với Điều 448  của Bộ luật Dân sự. Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc quy định lại cho khả thi hơn.

Điều 53 trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Khoản 1 quy định nhà sản xuất, nhà nhập khẩu phải bồi thường cho người bán hàng, người sử dụng hàng hoá bị thiệt hại do không đảm bảo chất lượng. Tôi đề nghị bổ sung thêm cụm từ "theo tiêu chuẩn đã công bố" để làm rõ hơn trách nhiệm của nhà sản xuất, nhà nhập khẩu. Chỉ bồi thường thiệt hại khi hàng hoá của mình không đảm bảo chất lượng đã công bố và chỉ dựa trên những tiêu chuẩn này mà hàng hoá không đủ chất lượng của các nhà sản xuất, các nhà nhập khẩu mới bồi thường. Còn nếu quy định như trong dự thảo thì không rõ ràng, dễ hiểu nhầm. Xin cảm ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan