Ý kiến của ĐBQH Hoàng Văn Minh – Tỉnh Nghệ An

Thứ Năm 09:57 31-08-2006

Thưa Hội nghị. Tôi xin phép được tham gia một số ý kiến về dự án Luật cư trú như sau:
Trước hết, tôi muốn chia sẻ với những nội dung mà một số vị đại biểu Quốc hội phát biểu, cũng như ý kiến đã được tiếp thu trong báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ở đây chúng tôi thấy có một số vấn đề mà chúng tôi còn băn khoăn và nêu lên suy nghĩ của mình.
Thứ nhất, đúng là trong tình hình hiện nay của chúng ta khi quản lý cư trú đang còn có những ý kiến khác nhau. Đây là vấn đề chúng tôi nghĩ rằng nó cũng phụ thuộc nhiều yếu tố, điều kiện cụ thể của chúng ta. Hơn nữa phương án Chính phủ trình hiện nay cho rằng chọn giải pháp hộ khẩu là có tính ưu việt hơn. Tôi thì tôi có suy nghĩ đúng là trong tình hình hiện nay xung quanh vấn đề hộ khẩu có nhiều ý kiến cũng thấy rất bức xúc và mong muốn có sự đổi mới.
Tuy nhiên, về phương diện quản lý thì Chính phủ cho rằng, tốt nhất trong tình hình hiện nay vẫn là quản lý theo hộ khẩu. Nhưng khi mình ban hành Luật cư trú này thì một vấn đề tôi cho rằng cũng cần phải có giải đáp là từ những bức xúc của cuộc sống thì dự án Luật cư trú này nó đáp ứng được cái gì. Để sổ hộ khẩu cũng được, nhưng nó có khắc phục được những bức xúc hiện nay trong cuộc sống không, những cản trở, những khó khăn đó chúng ta có giải quyết được không. Đây là một vấn đề tôi nghĩ nói chung trong thuyết trình chưa rõ, có gì đổi mới so với hiện tại không. Bởi vì cái hiện tại là cái cũng đang còn nhiều ý kiến, thấy dân cũng đang bức xúc. Vậy thì luật của chúng ta ở đây đáp ứng tình hình đó như thế nào, tôi nghĩ cần phải được lý giải rõ hơn.
Thứ hai, chúng tôi cũng tranh thủ đọc qua bản tiếp thu lần này, có thể nói có nhiều nội dung rất tốt. Tuy nhiên, chúng tôi thấy rằng cũng còn những vấn đề trong dự án luật sử dụng quá nhiều từ theo quy định của pháp luật. Đầy là Dự án luật liên quan đến từng người dân, có thể nói từng con người một ở trong xã hội. Nhưng quy định trong đó rất nhiều cái quy định theo pháp luật, mà chúng tôi cứ hình dung phải theo pháp luật là theo như thế nào. Ở đây nên chăng chúng tôi cũng mong muốn đề nghị Ban soạn thảo cùng với cơ quan Ủy ban thẩm tra nên có thiết kế cụ thể hơn, minh bạch hơn. Bởi vì tất cả những cái mà đụng chạm đến quyền của người dân thì phải cố gắng tối đa đến mức thực sự minh bạch. Chúng ta mới hy vọng rằng mới giải quyết được tình hình bảo là gây khó khăn, phiền hà v.v... Nếu không tình hình này nó cũng khó khắc phục được. Điểm thứ nhất chúng tôi thấy vậy.
Thứ hai, trong Dự án luật này chúng tôi thấy một điểm thiếu rất quan trọng, tức là quản lý cư trú này là trách nhiệm của Chính phủ, của chính quyền các cấp. Nhưng trong Dự án luật này rất mờ nhạt, vai trò Chính phủ và Ủy ban nhân dân các cấp không được đề cập một cách thỏa đáng, theo tôi phải xác định rõ. Công an hộ khẩu chỉ là cơ quan chuyên môn giúp chính quyền, chứ thực ra quản lý cư trú phải là Uỷ ban nhân dân các cấp và chúng tôi đề nghị phải phân cấp rất nặng, phải giao trực tiếp cho Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn trực tiếp quản lý cư trú dân cư. Bởi vì đó là nơi gắn bó từng con người một, từng đối tượng một, chứ không phải ở cấp trung gian để quản lý mà phải trực tiếp từ xã, phường, thị trấn, phải xác định rõ trong Luật Cư trú, nếu không thì vai trò này không được thể hiện rõ. Đó là ý kiến thứ hai.
Ý kiến thứ ba, chúng tôi cho rằng trong luật này, điểm chúng ta tranh luận nhưng để thiết kế tạo điều kiện giải quyết được những tình trạng bất cập hiện nay trong quản lý về cư trú. Tôi thấy quy định về điều kiện để đăng ký cư trú phải quy định rất rõ, minh bạch, chứ không thể quy định như thế rồi lại đến khi bàn đến chỗ khác lại gắn thêm một điều kiện khác nữa.
Có ý kiến tranh luận, ví dụ như có ý kiến của đồng chí Lý nêu thì cũng có ý kiến tranh luận là thế thì quyền của chủ sở hữu thế nào, theo tôi chính quy định lâu nay chúng ta đã làm cho chủ sở hữu rất khó khăn trong vấn đề bảo đảm quyền sở hữu của mình. Hai quan hệ khác nhau, tôi thuê nhà ở, tôi có chỗ ở hợp pháp thì tôi được đăng ký hộ khẩu, tại sao lại phải bắt buộc người cho thuê đồng ý cho tôi nhập hộ khẩu. Quy định như vậy mình vô hình chung cột chủ sở hữu tài sản vào trong việc đăng ký hộ khẩu, cho nên khi xử lý tài sản của chủ sở hữu lại phụ thuộc vào anh mình bắt buộc phải đồng ý, thấy có vô lý không? Trong xã hội công dân, xã hội theo pháp luật mọi cái nó đã tuân thủ theo quy định rồi, hợp đồng nhà, thuê nhà, ở nhờ nhà, mượn nhà, tất cả vấn đề đó thể hiện ở hợp đồng, Bộ Luật Dân sự quy định rồi, Luật Nhà ở quy định rồi, anh phải bảo đảm quy định, còn chủ sở hữu đối với nhà đó người ta có quyền sử dụng, định đoạt nhà đó, tại sao phải có người khác can thiệp bắt người ta liên quan đến chuyện thoả thuận vấn đề cư trú, thường trú hay không thường trú, việc đó Nhà nước quản lý.
Còn Nhà nước quy định rằng một người có nơi ở hợp pháp đương nhiên người ta được đăng ký, chứ có quan hệ gì đến chủ sở hữu, tại sao lại gắn chủ sở hữu nhà đó vào trong việc đăng ký. Cho nên vô hình chung chúng ta làm cho sự vật nó phức tạp lên và các quan hệ trong xã hội nó thiếu minh bạch, khi xảy ra câu chuyện gì đó thì ai cũng tựa hồ như mình có quyền, nhưng lại không minh bạch, đó là thiếu sót chúng tôi cho rằng trong luật phải thể hiện, điều kiện để được đăng ký thường trú là phải dứt khoát, nó rõ. Thôi thì mình cứ chấp nhận chuyện thường trú. Tất nhiên, thuật ngữ "thường trú" ngày xưa chứ bây giờ nói thường trú cũng không hẳn đâu, nhưng khi người ta đăng ký là phải có điều kiện, đó là gì thì phải quy định chặt chẽ trong luật một, hay hai điều kiện, đó là cái thứ nhất chúng tôi thấy rằng cần phải tính, ví dụ nói rằng có nhà ở hợp pháp hay có chỗ ở hợp pháp thì cũng nên tính, chúng tôi thiên về hướng chỉ cần quy định là có chỗ ở hợp pháp là được. Chỗ ở này có thể là nhà của họ, có thể là họ thuê, họ ở nhờ, hoặc nhà mượn thì tất cả cái đó là khi làm thủ tục đăng ký là có hợp đồng kèm theo, thế là rất chặt chẽ, không phát sinh gì tranh chấp sau này.
ồiề thủ tục, chúng tôi đề nghị cũng quy định rất cụ thể, về thủ tục bây giờ chúng ta cũng phải xem luật này ra đời nó so với thực tế chúng ta bớt được loại giấy tờ gì không, trong này tôi thấy cũng không được thuyết trình rõ. Tôi đọc qua thấy rằng vẫn đủ các loại như vậy, ví dụ phiếu trình báo, phiếu thông báo, phiếu báo là như thế nào, giấy chuyển từ chỗ này sang chỗ khác, tờ khai.v.v...
Về thủ tục, hồ sơ nên có cái gì. Theo tôi, tối đa cũng chỉ hai loại giấy tờ thôi, ví dụ một cái là người ta khai đề nghị đăng ký, hai là nếu có di chuyển người ta chỉ cần tờ di chuyển đó là được, tất nhiên trong tờ khai thì có các yếu tố khác, thế là đủ, còn để kiểm tra người đó có đúng hay không, tất nhiên họ kèm theo giấy tờ tuỳ thân các thứ thì đó là chuyện kiểm tra, chứ không phải là thủ tục bắt buộc vấn đề này khi giải quyết.
Thứ hai nữa là cùng việc đăng ký cư trú thì tại sao ở thành phố trực Trung ương lại phải giao cho quận mà không giao cho phường? Tôi nghĩ nên giao cho Ủy ban phường, nơi trực tiếp quản lý dân cư là tốt nhất, chứ không nên để đến quận cũng gây phiền hà không cần thiết. Vấn đề nữa là trong khi giải quyết, chúng tôi thấy có một vấn đề cần phải xử lý là việc chuyển nơi thường trú ở trong một huyện, hay là giữa các xã trong các huyện với nhau thì thủ tục này có nên đặt ra như đăng ký thường trú bình thường không? Hay là chọn giải pháp rất đơn giản, người ta chuyển tới đó thì người ta đăng ký tại xã hoặc là phải người ta đến ở. Còn việc chuyển chỗ này sang chỗ khác là quản lý thì Nhà nước, chứ không lại bắt công dân phải đi làm tất cả các thủ tục để đi chuyển thì không cần thiết. Nên chăng các thủ tục đó chỉ ra từ tỉnh này sang tỉnh khác? Theo tôi nên theo hướng như vậy để đơn giản hóa các thủ tục. Có như vậy mới hạn chế được sự nhũng nhiễu và gây khó khăn cho người dân.

Các văn bản liên quan