Về pvi đchỉnh của Luật PCTN:Người có chvụ, qhạn

Thứ Sáu 15:08 26-05-2006
Về phạm vi điều chỉnh của Luật phòng chống tham nhũng: Người có chức vụ, quyền hạn

Theo Diễn đàn Doanh nghiệp ngày 12/08/2005


Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã quyết định tổ chức lấy ý kiến nhân dân, các ngành, các cấp về dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng và Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Đó là việc làm có ý nghĩa rất lớn nhằm thực hiện mục tiêu "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra" trong việc xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN VN. Về dự thảo Luật Phòng chống tham nhũng, từ số này, Diễn đàn Doanh nghiệp xin giới thiệu môt số bài viết của Luật gia Vũ Xuân Tiền - Giám đốc Công ty tư vấn VFAM Việt Nam với tiêu đề chung: Luật Phòng, chống tham nhũng: Cần cụ thể và triệt để hơn.

Điều 1: Của dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng (sau đây gọi là Dự thảo Luật - DTL) quy định về Phạm vi điều chỉnh của luật; gồm hai phương án:

Phương án 1: Luật chỉ điều chỉnh hành vi tham nhũng của người có chức vụ, quyền hạn thuộc khu vực nhà nước.

Phương án 2: Luậtđiều chỉnh hành vi tham nhũng của người có chức vụ quyền hạn và lợi dụng chức vụ, quyền hạn vì vụ lợi thuộc khu vực nhà nước và khu vực ngoài nhà nước.

Với mỗi phương án đều có nội dung khác nhau trong điều khoản của luật. Câu hỏi được đặt ra là: chọn phương án nào trong các phương án đã dự thảo? Hoặc đưa ra một phương án khác? Nội dung của điều khoản này nên như thế nào cho chặt chẽ và hiện thực?

Để giải đáp những câu hỏi trên, theo chúng tôi cần xuất phát từ khái niệm về tham nhũng. Khoản 2 Điều 1 DTL quy định: "Tham nhũng là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn đó để thực hiện hành vi trái pháp luật vì vụ lợi".

Khái niệm trên cũng chưa hoàn toàn chính xác. Tham nhũng chỉ gắn liền với một quyền hạn nhất định. Thông thường, người có chức vụ thì có những quyền hạn nhất định gắn với chức vụ đó. Song, không ít trường hợp, người có chức vụ nhưng "ngồi chơi, xơi nước" thì không thể tham nhũng được. Ngược lại, một người không có chức vụ gì nhưng lại có quyền hạn rất lớn khi giải quyết một công việc nào đó lại có điều kiện rất thuận lợiđể tham nhũng.

Từ khái niệm trên có thể thấy, người có thể thực hiện hành vi tham nhũng có hai nhóm:

-Người có chức vụ: Đó là những người có một chức vụ nào đó trong bộ máy công quyền, trong các cơ quan quản lí nhà nước, trong các tổ chức chính trị - xã hội, trong các doanh nghiệp.... Chẳng hạn ông tổ trưởng dân phố, ông phó chủ tịch, chủ tịch UBND từ cấp Phường, xã trở lên, lãnh đạo ngành thuế từ cấp đội phó, đội trưởng đội thu thuế trở lên,v.v... Thông thường, người có chức vụ thì đương nhiên có quyền hạn. Và với kẻ tham nhũng thì tận dụng triệt để quyền hạn đã có để mưu cầu lợi ích cá nhân là chuyện không có gì lạ ở nước ta hiện nay.

-Người có quyền hạn: Người có quyền hạn là người có chức vụ và cả người không có chức vụ nhưng có quyền hạn trong công tác. Chẳng hạn, một cán bộ địa chính cấp phường, tuy không có chức vụ gì trong hệ thống các chức vụ của UBND cấp phường nhưng lại có quyền hạn rất to, có điều kiện để tham nhũng rất lớn khi làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho dân; một nhân viên thuộc chi cục thuế khi thực hiện nhiệm vụ quyết toán thuế có quyền hạn rất lớn, có thể ép các chủ doanh nghiệp "kính biếu" đến cả trăm triệu đồng,v.v...

Người có chức vụ, quyền hạn không chỉ có ở khu vực nhà nước mà có ở cả các lĩnh vực khác như các hiệp hội, các tổ chức chính trị - xã hội, các công ty không thuộc khu vực nhà nước. Chẳng hạn, những người lãnh đạo các hiệp hội vẫn có thể biến số tiền do các hội viên đóng góp thành tài sản cá nhân của mình; chủ tịch hội đồng quản trị, tổng giám đốc các công ty cổ phần vẫn có thể gian lận qua chứng từ kế toán và thực hiện các giao dịch nội gián để thu lợi cho cá nhân mình...

Từ những lí do trên, chúng tôi đề nghị về phạm vi điều chỉnh của Luật Phòng, chống tham nhũng sử dụng phương án 2 với nội dung của Điều 1 như sau:

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

1. Luật này quy định về các biện pháp phòng ngừa, phát hiện hành vi tham nhũng, xử lí người có hành vi tham nhũng, tài sản tham nhũng và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân trong phòng, chống tham nhũng.

2. Tham nhũng là hành vi của người có quyền hạn do có chức vụ hoặc vị trí công tác, đã lợiquyền hạn đó để thực hiện hành vi trái pháp luật vì vụ lợi.

3. Người có quyền hạn là người giữ chức danh lãnh đạo, quản lí trong cơ quan quản lí nhà nước; các tổ chức, đơn vị được thành lập theo quy định của pháp luật hoặc điều lệ của tổ chức; người được giao thực hiện nhiệm vụ, công vụ và có quyền hạn khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ đó.

Các văn bản liên quan