Chống tham nhũng: Cuộc chiến của toàn dân

Thứ Sáu 15:07 26-05-2006
Chống tham nhũng: Cuộc chiến của toàn dân

Chống tham nhũng thế nào có hiệu quả? Dường như câu trả lời thật sự đầy đủ và khả thi nhất vẫn còn đang ở phía trước...

Trích đăng bàn tròn trực tuyến "Chống tham nhũng: làm thế nào để hiệu quả?" do Tiền Phong Online tổ chức.

Vấn nạn tham nhũng

* Hành vi như thế nào được coi là hành vi tham nhũng? (Dương Đức Thoại, 52 tuổi, Cảng Cẩm Phả, Quảng Ninh)

- Ông Đinh Văn Minh (Phó Viện trưởng Viện KH Thanh tra (Thanh tra Chính phủ), Thường trực Tổ biên tập dự án Luật Phòng, chống tham nhũng): Tham nhũng là hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn để vụ lợi, tức là lợi dụng việc thực hiện nhiệm vụ công vụ hoặc vị trí công tác để làm những việc phục vụ cho lợi ích cá nhân.

* Báo Tiền phong có nêu một số cán bộ Thanh tra tỉnh Nam Định nhận hối lộ. Vậy xin thưa với lãnh đạo Thanh tra Chính phủ là ai sẽ đảm bảo rằng cán bộ Thanh tra sẽ không nhận hối lộ khi tiến hành thanh tra? (Đồng Văn Thành, 23 tuổi, Lớp K41/15.02. Học viện Tài chính Hà Nội)

- Ông Đinh Văn Minh: Cán bộ thanh tra cũng như bất kỳ cán bộ công chức nào cũng có thể có hành vi vi phạm pháp luật nếu bản thân người đó không có sự rèn luyện thường xuyên về đạo đức, phẩm chất và không có cơ chế giám sát có hiệu quả khi họ thực hiện công vụ nhiệm vụ.
Bất cứ ai có hành vi tham nhũng đều bị xử lý nghiêm khắc theo quy định của pháp luật.

* Thưa bác Dương Xuân Nam: Bác sẽ làm gì khi một bài báo của phóng viên có đủ chứng cứ, nhưng có một thế lực đằng sau không cho bác đăng bài? Nếu bài báo đó đăng lên, bản thân bác, người thân bác có thể bị đe dọa, bác sẽ làm gì? (Lê Hoàng, 22 tuổi, khoa Văn, ĐH KHXH&NV)

- Nhà báo Dương Xuân Nam (TBT Báo Tiền Phong): Bất cứ một thế lực nào cũng không ngăn cản được chúng tôi, tuy nhiên không phải vụ tiêu cực nào cũng có thể đưa lên báo được.

Bản thân tôi và gia đình tôi cũng nhiều lần bị đe dọa khi báo Tiền phong viết về một số vụ tiêu cực lớn. Nhưng chúng tôi vẫn tin là những thế lực tiêu cực cũng không dám ngang nhiên hoành hành...

Theo tôi nghĩ các đơn vị hạch toán kinh doanh cũng như hành chính sự nghiệp nên xây dựng chế độ hưởng thụ rất cụ thể cho các cấp lãnh đạo. Chế độ này được công khai cho toàn thể CBCNV trong đơn vị được biết như vậy người dân mới có cơ sở để giám sát.

* Ở cương vị lãnh đạo ông có thể tự nguyện tham gia xây dưng chế độ để cắt bỏ đặc quyền, đặc lợi của mình (Ví dụ: sử dụng xe công) không?(Nguyễn Đức Đạt, 53 tuổi, Ngân hàng ĐT & PT Hà Nội)

- Ông Đinh Văn Minh: Đúng! Đây là một trong những nội dung được quy định trong Dự án Luật Phòng, chống tham nhũng. Tinh thần chung là phải công khai hóa, và nếu ai được hưởng lợi vượt mức quy định sẽ bị xử lý và phải bồi thường, bồi hoàn.

* Xin hỏi ông Đinh Văn Minh: Căn cứ trên cơ sở nào mà Dự luật đề ra việc thành lập Ban chỉ đạo chống tham nhũng mà không phải là một tổ chức chuyên trách chống tham nhũng? Cơ chế giám sát, tham gia chống tham nhũng của nhân dân được Dự luật quy định thế nào?(Nguyễn Văn Hoàn, 28 tuổi, Bắc Ninh)

- Ông Đinh Văn Minh: Hiện nay, chúng ta đã có các cơ quan bảo vệ pháp luật có đủ quyền hạn để đấu tranh với tội phạm tham nhũng. Vấn đề là ở chỗ cần phải bảo đảm để các cơ quan này thực hiện được tốt chức năng, nhiệm vụ của mình. Đồng thời, có sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng thì sẽ nâng cao được hiệu quả đấu tranh chống tham nhũng.

Vì vậy, Dự án Luật Phòng, chống tham nhũng đưa ra phương án thành lập Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng chính là để thực hiện tốt sự phối hợp nói trên.

* Chống tham nhũng liên quan nhiều đến hoạt động kiểm tra, giám sát mà hoạt động này đòi hỏi phải có tính độc lập. Hiện nay ở nước ta cơ quan nào cũng có thanh tra (Thanh tra các bộ/ngành, thanh tra chính phủ, UB kiểm tra của Đảng) nhưng không hiệu quả vì "vừa đá bóng vừa thổi còi". Các ông có cho rằng cần có một tổ chức thực hiện chức năng thanh tra, giám sát độc lập? Mặt trận Tổ quốc có thể đảm nhiệm được chức năng này không? (Đỗ Xuân, 30 tuổi, 15 Cầu Giấy, Hà Nội)

- TS Nguyễn Sĩ Dũng (Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội): Việc mỗi ngành có một cơ quan thanh tra là cần thiết. Chúng ta đang sống trong một xã hội hiện đại mà các ngành đều có lĩnh vực chuyên môn rất sâu. Không phải chuyên ngành thì không thể nào biết được. Lấy ví dụ như thanh tra về thị trường chứng khoán, không phải là lực lượng thanh tra chuyên môn thì không thể phát hiện được vi phạm trong lĩnh vực này.

Vì vậy một cơ quan thanh tra chung cho mọi lĩnh vực có thể tiết kiệm được nhân lực, tài lực nhưng chưa chắc đã đảm nhận được khối lượng công việc khổng lồ và với nhiều lĩnh vực chuyên môn.

* Tại sao chúng ta không triển khai luật thuế thu nhập cá nhân như ở các nước để từ đó quản lý được nguồn thu nhập và việc sử dụng thu nhập của công dân mà phải bàn việc kê khai thu nhập trong Dự luật Phòng, chống tham nhũng, mà theo như nhiều đại biểu Quốc hội có vẻ không khả thi lắm? Thực sự ta có muốn quản lý thu nhập của công chức hay không?(Nguyễn Thị Hiền Gia, 16 tuổi, Tây Hồ, Hà Nội)

- TS Nguyễn Sĩ Dũng: Thực tế, hiện nay chúng ta có thuế thu nhập đối với những người có thu nhập cao. Đạo luật thuế này đang được triển khai thực hiện. Tuy nhiên, khó khăn đặt ra là nhận biết thu nhập chính thức của những người dân (kể cả của công chức) không phải là dễ.

Lý do là vì:
- Chúng ta có một nền kinh tế tiền mặt, mọi giao dịch đều bằng tiền mặt vì vậy ít để lại dấu vết gì.
- Hệ thống chứng từ và kế toán chưa thật phát triển.
- Đội ngũ nhân viên thuế đông đảo đang chủ yếu làm nhiệm vụ thu hơn là nhiệm vụ thanh tra. Vì vậy họ cũng không có nghiệp vụ để phát hiện những gian dối trong việc kê khai thu nhập.

- Hệ thống ngân hàng và thanh toán qua ngân hàng cũng chưa thật phát triển.

* Kính gửi ông Đinh Đình Phú. Ông là người rất dũng cảm và kiên quyết chống lại những hành vi tham nhũng về đất đai tại Hải Phòng. Nếu ông còn đang đương chức thì ông có dám làm như vậy không? Theo ông thì hiện có khoảng bao nhiêu phần trăm công chức dũng cảm như ông?

- Ông Đinh Đình Phú (Đại tá An ninh đã nghỉ hưu, hiện cư trú tại phường Ngọc Xuyên, thị xã Đồ Sơn, thành phố Hải Phòng): Theo tôi thì hiện nay có rất nhiều người cũng dũng cảm như tôi, vì họ đồng tình, nhất trí quan điểm bảo vệ Đảng, bảo vệ Nhà nước pháp quyền của dân. Họ dám làm và cung cấp thông tin cho tôi thì tôi mới tố cáo được thành công. Nhân dân ủng hộ tôi, tạo mọi điều kiện để tôi làm công việc này. Họ cũng là người dũng cảm, nhất là những phóng viên báo chí như báo Văn nghệ trẻ, Thời báo Tài chính, báo Tiền phong, Đại Đoàn kết...
Có những phóng viên báo chí còn dũng cảm hơn tôi, dám phanh phui những hành vi vi phạm pháp luật của những đảng viên cán bộ tham nhũng mà không sợ mất việc.

Tôi mong rằng địa phương nào cũng có nhiều những người dũng cảm đấu tranh chống tham nhũng, để tệ tham nhũng bị ngăn chặn và đẩy lùi.

* Làm thế nào để phân biệt một món quà biếu vì tình cảm thuần túy hay nhằm mục đích hối lộ? (Nhật Thăng, 31 tuổi, Hoàng Mai, Hà Nội)

- Ông Đinh Văn Minh: Về lý thuyết, có thể phân biệt: Quà biếu vì tình cảm khi "người đưa thực tâm, người nhận không đòi hỏi". Tuy nhiên, để phân biệt được điều này trên thực tế rất khó.

Chính vì vậy, có thể phải đưa ra một mức nào đó. Chẳng hạn, với một món quà trong dịp sinh nhật, lễ tết lên tới hàng triệu đồng khó có thể coi là đơn thuần tình cảm. Tất nhiên, đối với việc giúp đỡ nhau khi gặp khó khăn, hoặc trong trường hợp thăm hỏi khi ốm đau, tai nạn... thì tùy từng trường hợp để đánh giá món quà nào là "quá đáng" hay không?

Chính phủ sẽ có quy định cụ thể về tặng quà và nhận quà đối với cán bộ công chức (dịp tặng quà, nhận quà, mức giá trị quà tặng, những điều nghiêm cấm...).

* Tôi muốn góp ý như sau: Muốn chống được tham nhũng, nguyên tắc bất di bất dịch là phải minh bạch. Chúng ta đều biết toàn dân rất căm ghét tham nhũng cho nên ta nên lợi dụng điểm này dể phát huy. (Một sinh viên ở Nga, 25 tuổi, moscow20002002@yahoo.com)

1- Chống phải minh bạch, xử phạt nghiêm minh, thưởng vật chất và bảo vệ cho người tố giác.
2- Đánh vào tham nhũng rất khó, bởi họ có chức có quyền và lại có tiền nữa. Bởi vậy ta sẽ nhờ dân tố cáo.

* Hiện nay người ta đang nhắc nhiều tới lãng phí, vậy về bản chất nó có phải là vỏ bọc của tham nhũng không?(Lan Hương, 25 tuổi, Ba Đình, Hà Nội)

- Ông Đinh Văn Minh: Đúng là lãng phí có liên quan chặt chẽ với tham nhũng và đều gây thiệt hại rất lớn về tài sản. Người ta ví tham nhũng như hạt ngô còn lãng phí thì như... bắp ngô. Cả hai tệ nạn này đều cần phải đấu tranh mạnh mẽ.
Bạn có lý khi nói trong nhiều trường hợp bản chất của một số hành vi được coi là lãng phí là tham nhũng. Chẳng hạn, việc dùng quá tiêu chuẩn điện thoại, xe công... không đơn thuần là lãng phí. Lãng phí là thứ mất đi. Trong trường hợp trên, rõ ràng là không mất đi mà có người được hưởng lợi. Như vậy phải coi là tham nhũng.

Thêm nữa, việc lãng phí thường quy về trách nhiệm tập thể và biện pháp chủ yếu là phê bình, nhắc nhở thực chất chẳng mấy tác dụng vì không có cá nhân nào phải chịu. Chính vì vậy nên người ta hay "đổ tội" cho... lãng phí để che giấu cho hành vi tham nhũng.

Chúng ta phải phân biệt rõ giữa 2 loại hành vi này để có biện pháp xử lý thích hợp, bởi lẽ bệnh nào thuốc ấy.

* Thưa ông Đinh Văn Minh, tôi xin được hỏi là trong thời gian vừa qua Đảng và Nhà nước ta đã triệt phá được rất nhiều đường dây tham ô, buôn lậu. Nhưng trong thực tế chủ yếu là các cán bộ cấp cao? Vậy việc chống tham nhũng ở đây chủ yếu là ở các cấp lãnh đạo, điều đó thật đáng buồn phải không ông? (Lê Văn Hoàng, 30 tuổi, Bắc Ninh)

- Ông Đinh Văn Minh: Chống tham nhũng là chống ở tất cả các cấp, ngành. Chống tham nhũng cũng là chữa trị căn bệnh cho chính mình. Người tham nhũng ở những vị trí cao cũng giống như căn bệnh đó ở những bộ phận quan trọng. Càng quan trọng thì càng phải chữa trị.

Tất nhiên, thuốc có đắng thì mới giã được tật. Dù có đau đớn, cay đắng thì chúng ta vẫn cứ phải làm để bảo đảm "sự sống còn của chế độ" (Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ IX).

Chống tham nhũng: Cuộc chiến của toàn dân

* Chống tham nhũng trong thực tiễn như thế nào là có hiệu quả nhất? (Hồng Diệu, 25 tuổi)

- TS Nguyễn Sĩ Dũng: Chống tham nhũng là một công việc lớn, đụng chạm đến hầu hết các lĩnh vực đời sống, tổ chức đời sống công. Vì vậy, cách làm hợp lý nhất là trường hợp nào, lĩnh vực nào nghiêm trọng nhất thì lựa chọn làm trước và tập trung mọi nguồn lực để làm. Theo thứ tự ưu tiên thì đó là các lĩnh vực sau:

1. Lĩnh vực phân bố nguồn: Tài chính, ngân sách, nguồn tài nguyên thiên nhiên, đất đai.
2. Lĩnh vực phân bố quyền: Gồm việc giao quyền, việc giao chức.
3. Mua sắm tài sản công và hợp đồng.
4. Lĩnh vực cung ứng dịch vụ công.
5. Lĩnh vực liên quan đến công lý.

* Tôi muốn hỏi tại sao Quốc hội không thiết lập đường dây nóng để người dân tiện tố cáo tệ nạn tham nhũng khi họ nghi ngờ hoặc phát hiện? (Nguyễn Đắc Xoan, 37 tuổi, Định Công, Hoàng Mai, Hà Nội)

- TS Nguyễn Sĩ Dũng: Thực chất mỗi cơ quan nhà nước có một chức năng. Việc phát hiện, điều tra, buộc tội tham nhũng là việc của các cơ quan hành pháp. Việc gọi điện đến Quốc hội chưa chắc đã hợp lý. Vì Quốc hội không thể tổ chức hoạt động điều tra, truy tố được.

Một cơ quan được sinh ra để thực hiện chức năng và nhiệm vụ của mình. Quốc hội cũng vậy, chức năng quan trọng của Quốc hội là làm luật và giám sát.

Quốc hội phải đề ra một hệ thống pháp luật hữu hiệu để chống tham nhũng, đồng thời lắng nghe tiếng nói của người dân. Trên cơ sở đó mà thực hiện chức năng giám sát đối với các cơ quan nhà nước được giao nhiệm vụ chống tham nhũng.
Vấn đề quan trọng nhất là Quốc hội phải giám sát để tất cả các cơ quan này hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao và áp đặt chế độ trách nhiệm nếu các quan chức có liên quan không làm tốt chức năng nhiệm vụ của mình.

* Báo Tiền phong có kế hoạch gì để khuyến khích mọi người tham gia phát giác, tố cáo những hành vi tham nhũng không? Chẳng hạn như việc thưởng quà cho những người đó...?(Ngọc Dung, 23 tuổi, Hoàng Cầu, Hà Nội)

- Nhà báo Dương Xuân Nam: Chúng tôi đã và đang làm việc mà bạn nói. Những người tham gia tố cáo hành vi tham nhũng đúng sự thật thì báo Tiền Phong tìm cách bảo vệ và có những phần thưởng xứng đáng.

* Thưa ông Minh, liệu Viện Khoa học Thanh tra có tham nhũng không, và các ông làm thế nào để phòng chống tham nhũng ngay trong nội bộ mình? (Quang Minh, 35 tuổi, Hưng Yên)

- Ông Đinh Văn Minh:Viện Khoa học Thanh tra là cơ quan nghiên cứu của Thanh tra Chính phủ. Với tính chất là cơ quan nghiên cứu nên cũng ít có "cơ hội" được tiếp xúc với tài sản của công và cũng không trực tiếp giải quyết các công việc của dân nên "nguy cơ lây bệnh" tham nhũng không nhiều.

Tuy nhiên, chúng tôi cũng thường xuyên có sự kiểm tra giám sát công việc cũng như nhắc nhở cán bộ công chức để tránh những sai sót hoặc khuyết điểm có thể làm thiệt hại đến tài sản của công.

* Tham nhũng, người dân biết đến thì nhiều; còn các cơ quan chức năng thì có lẽ không thấu đáo như những gì người dân thấy. Vậy phải có biện pháp gì để tăng cường việc giám sát cũng như quản lý chặt hơn đối với nạn tham nhũng hiện nay?(Nguyễn Thùy Linh, 19 tuổi, ĐH Ngoại Thương)

- TS Nguyễn Sĩ Dũng: Để tăng cường giám sát, cần phải có một hệ thống các cơ quan làm nhiệm vụ này.

Trước hết là các cơ quan thanh tra, cơ quan kiểm toán - Đó là các cơ quan quan trọng nhất.

Quốc hội và các cơ quan dân cử có vai trò rất quan trọng nhưng thực hiện việc giám sát ở tầm chính sách và ở tầm áp dặt chế độ trách nhiệm đối với các cơ quan nhà nước.

Hệ thống các cơ quan báo chí, truyền thông.

Công chúng và các tổ chức quần chúng nhân dân. Điều quan trọng là bảo đảm điều kiện thuận lợi để nhân dân và các tổ chức quần chúng thực hiện quyền tố cáo của mình.

* Thưa ông Đinh Văn Minh, tham nhũng đã trở thành "căn bệnh hiểm nghèo" của đất nước, một "khối u ác tính của xã hội". Chính phủ có dám thẳng tay trừng trị các quan tham để làm gương hay không? (Nguyễn Đức Thành, 50 tuổi, tổ 26, phường Phan Đình Phùng, TP Thái Nguyên)

- Ông Đinh Văn Minh: Đúng! Chống tham nhũng chính là chống căn bệnh của bản thân bộ máy nhà nước cho nên không thể tránh khỏi mất mát, đau đớn. Thực tế, chúng ta đã rất kiên quyết xử lý với những người vi phạm.
Theo tổng kết của ngành Công an, từ năm 1994 đến nay, đã có 1 Bộ trưởng, 5 Thứ trưởng, 14 Chủ tịch, Phó chủ tịch tỉnh và hàng trăm cán bộ cấp vụ đã bị xử lý hình sự. Điều đó thể hiện quyết tâm và thái độ nghiêm khắc của nhà nước ta đối với tệ nạn tham nhũng.

* Xin chào ông Đinh Văn Minh, theo cá nhân ông, biện pháp nào là hữu hiệu nhất để chống tham nhũng?(Hoàng Long, 22 tuổi, quận Lê Chân, TP Hải Phòng)

- Ông Đinh Văn Minh: Theo tôi, biện pháp hữu hiệu để phòng ngừa tham nhũng là công khai minh bạch. Biện pháp hữu hiệu để chống tham nhũng là xử lý nghiêm minh, bất kể người có hành vi tham nhũng giữ chức vụ gì. Tất nhiên, việc xử lý này cũng phải được công khai.

Ở Singapore, khẩu hiệu chống tham nhũng của họ chỉ gói gọn trong 4 chữ: Chóp bu trong sạch!

* Xin hỏi TS Nguyến Sĩ Dũng và ông Đinh Văn Minh: Văn hào Pháp H. Balzac từng nói luật pháp giống như cái mạng nhện, có thể bắt được những con ruồi nhỏ nhưng lại tha những con ruồi lớn. Hai ông nghĩ thê nào về câu nói này trong việc chống tham nhũng ở Việt Nam hiện nay? (Bùi Huy Châu, 70 tuổi, Phường Tân Thạnh, TX Tam Kỳ, Quảng Nam)

- TS Nguyễn Sĩ Dũng: Ông Balzac nói chuyện ngày xưa. Thì ra ngày xưa với bây giờ cũng có nhiều chuyện khá giống nhau.
Luật pháp và áp dụng luật pháp là 2 chuyện khác nhau. Để bảo đảm nguyên tắc, mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật (hay việc mọi con ruồi đều bị dính lưới như nhau) thì chúng ta phải xây dựng được nhà nước pháp quyền. Mà xây dựng nhà nước pháp quyền lại chính là một trong nhưng nhiệm vụ trọng tâm của chúng ta hiện nay.

- Ông Đinh Văn Minh: Chúng ta đang hướng tới xây dựng nhà nước pháp quyền, mà một trong những nguyên tắc quan trọng là đảm bảo sự bình đẳng của mọi công dân trước pháp luật. Mọi hành vi vi phạm đều bị xử lý nghiêm minh.

Có thể trước kia ở Pháp cũng như bất kỳ nhà nước nào khác có những kẻ đứng trên pháp luật lũng đoạn nhà nước. Nhưng, quá trình phát triển của bộ máy nhà nước, cùng với sự đấu tranh của nhân dân, càng ngày sự lũng đoạn đó càng giảm.
Thực tế cho thấy, rất nhiều những người có chức vụ quyền hạn, thậm chí cả nguyên thủ quốc gia của một số nước cũng bị truy cứu vì hành vi tham nhũng. Ở Việt Nam cũng vậy, càng ngày chúng ta càng xử lý được nhiều vụ việc tham nhũng và trên thực tế không chỉ những "con ruồi nhỏ" mà ngay cả không ít những "con ruồi lớn" đã phải sa lưới pháp luật và chịu trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước và nhân dân.

* Liệu có thể có Đội chống tham nhũng làm việc dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Thủ tướng hoặc Tổng Bí thư hay không? Đồng thời, cho phép họ được hưởng một phần tài sản do chính Đội này điều tra ra (ví dụ 20%) hay không? (TNN, 28 tuổi, Đất cảng)

- Ông Đinh Văn Minh: Trên thực tế, hành vi tham nhũng diễn ra rất phức tạp nên việc phát hiện và xử lý cần có các cơ quan phối hợp chặt chẽ với nhau và thực hiện việc điều tra chặt chẽ thì mới có hiệu quả.

Chính vì vậy, nếu chỉ có "Đội chống tham nhũng" thì sẽ khó có thể phanh phui được những vụ án tham nhũng. Tất nhiên, trong các cơ quan bảo vệ pháp luật có thể tổ chức những đơn vị chuyên trách được trang bị hiện đại, với những cán bộ có trình độ nghiệp vụ cao để chuyên đấu tranh với các loại tội phạm này.

Theo quy định của Nhà nước, những cán bộ công chức trong cơ quan bảo vệ pháp luật có thành tích trong quá trình phát hiện và xử lý tham nhũng, sẽ được khen thưởng, kể cả thưởng về vật chất.

Tuy nhiên, mức độ khen thưởng còn tùy thuộc vào từng vụ việc cụ thể, cũng như đóng góp cụ thể của từng cá nhân, tập thể.

* Cá nhân tôi chủ quan nghĩ rằng: Trong việc chống tham nhũng hiện nay cái thiếu nhất là tinh thần chiến đấu, nếu ta có được tinh thần chiến đấu của kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ như cha ông thì chống tham nhũng sẽ thành công. Xin có đôi điều suy nghĩ gửi tới Bàn tròn. Chúc Bàn tròn trực tuyến thành công. (Dư Đức Mạnh, 37 tuổi, dmquyen@yahoo.com)

- Ông Đinh Đình Phú: Tôi đồng ý với ý kiến của bạn. Trong việc đấu tranh chống tham nhũng, đây đó, người nào đó trong cơ quan nào đó chúng còn né tránh, chưa xử lý nghiêm minh, cương quyết như lời các đồng chí lãnh đạo đã nói: Dù bất cứ người ấy là ai, ở cương vị nào đều phải xử lý nghiêm. Nghị quyết IX Trung ương cũng thể hiện tinh thần đó.

Nếu toàn dân ta có tinh thần chiến đấu như trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, dám hy sinh vì công bằng, lẽ phải, thì chúng ta cũng sẽ đẩy lùi và ngăn chặn được tệ tham nhũng. Bao giờ tôi cũng tin tưởng vào điều đó.

* Trung Quốc có cơ quan phòng chống tham nhũng riêng để chuyên trách về vấn đề này. Vậy Việt Nam cũng nên thành lập cơ quan phòng chống tham nhũng trực thuộc Chính phủ, có quyền hành pháp để điều tra về thực trạng tham nhũng hiện nay? (Trần Trọng Nghĩa, 22 tuổi, Cty RC Entertainment JSC.)

- Ông Đinh Văn Minh: Mặc dù chúng ta không tổ chức cơ quan chuyên trách chống tham nhũng, nhưng trong các cơ quan điều tra cũng đã có đơn vị điều tra chuyên về tội phạm, về quản lý kinh tế và tội phạm về chức vụ. Thực tế, hoạt động của đơn vị này rất hiệu quả.

Vừa qua, ngành công an đã tổ chức hội nghị tổng kết công tác đấu tranh tội phạm tham nhũng và đã tổng kết được nhiều vụ việc trong vòng 10 năm qua.

* Nếu phát hiện cấp trên tham nhũng thì có thể tố cáo với ai?(Nguyễn Minh Châu, 40 tuổi, Mỹ Đình, Từ Liêm, Hà Nội)

- Ông Đinh Văn Minh: Nếu phát hiện cấp trên của mình có hành vi tham nhũng thì có 2 cách:

1. Báo cáo với "thủ trưởng của thủ trưởng" (trên cấp). Ví dụ: Nếu phát hiện Chủ tịch xã có hành vi tham nhũng thì tố cáo lên Chủ tịch huyện... Ngoài ra, có thể gửi đơn hoặc trình bày trực tiếp với tổ chức Thanh tra Nhà nước.

2. Nếu thấy nghiêm trọng đến mức độ tội phạm, có thế tố giác với cơ quan điều tra hoặc Viện kiểm sát.

* Nếu nhân dân có đủ chứng cứ về một vụ tiêu cực động đến một cán bộ lãnh đạo cấp cao thì có thể gửi đơn đến đâu, ông có thể công khai địa chỉ email cá nhân?(Lê Văn Hà, 23 tuổi, Phổ Yên, Thái Nguyên)

- Ông Đinh Văn Minh: Tôi chưa rõ là "cán bộ lãnh đạo cấp cao" như bạn nói là thuộc cấp nào? Tuy nhiên, bạn có thể gửi đơn tố giác đến Thanh tra Chính phủ, Cục Điều tra tội phạm quản lý kinh tế và tội phạm về chức vụ (Bộ công an), Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao.

Ngoài ra, nếu người đó là đảng viên, bạn có thể tố giác lên Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng.

Đó là những cơ quan có thẩm quyền xem xét xử lý những đơn thư tố cáo.

- TS Nguyễn Sĩ Dũng: Theo tôi, nên gửi Ban kiểm tra Trung ương.

* Theo các ông, Dự án Luật Phòng, chống tham nhũng mà Quốc hội đang thảo luận đã thực sự đề cao được vai trò giám sát của nhân dân chưa? Cụ thể là đã có các quy định pháp lý chi tiết và khả thi để người dân được tiếp cận thông tin, các tổ chức, cá nhân phải công khai thông tin để người dân giám sát chưa? (Nguyễn Tuấn Anh, 32 tuổi, 409 Kim Mã, Hà Nội)

- Ông Đinh Văn Minh:Trong Dự án Luật Phòng, chống tham nhũng đã có nhiều quy định về vấn đề này. Trong đó có nêu nhiều nội dung bắt buộc phải công khai, hình thức công khai, cũng như quyền của công dân trong việc yêu cầu cung cấp thông tin về hoạt động của cơ quan nhà nước và trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong việc đáp ứng các yêu cầu về thông tin.

Ví dụ, điều 18: Các nội dung phải công khai; điều 19: Các hình thức công khai; điều 30: Quyền yêu cầu cung cấp thông tin của cá nhân...

- TS Nguyễn Sĩ Dũng: Tôi cho rằng vai trò giám sát của người dân đã được đề cao. Tuy nhiên, nhiều quy định về việc giám sát của người dân chưa chắc dã giải quyết được vấn đề.

Trước hết, tham nhũng trong những lĩnh vực chuyên môn sâu như tài chính, ngân hàng, chứng khoán là điều không phải người dân nào nhìn vào là cũng thấy ngay được. Ngoài ra, chống tham nhũng theo phong trào có thể làm rối công việc mà chưa chắc đã đạt được hiệu quả.

Điều quan trọng hơn là việc xác lập cho được chế độ trách nhiệm trước dân. Nghĩa là người nào không có được tín nhiệm của dân thì sẽ không được bầu, thì sẽ mất chức. Bên cạnh đó, nên tổ chức hệ thống điều tra về sự hài lòng của người dân đối với các ngành để đánh giá về công việc của các quan chức.

* Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng (cấp trung ương và cấp tỉnh) có cơ cấu bao gồm các chức vụ quan trọng của bộ máy nhà nước. Theo tôi, phạm vi quyền hạn của Ban chỉ đạo cần mở rộng hơn, không chỉ giới hạn việc chỉ đạo công tác phòng chống tham nhũng mà còn có thẩm quyền yêu cầu các cơ quan khác điều tra, thanh tra và tiến hành kỷ luật, hoặc xử lý hình sự đối với các người tham nhũng (tức là có thẩm quyền chỉ đạo xử lý các vụ việc, cán bộ công chức cụ thể). Do vậy nên cho người dân trực tiếp tố cáo đến Ban chỉ đạo?(Nguyễn Minh Vọng, 24 tuổi, vongnm@yahoo.com)

- TS Nguyễn Sĩ Dũng: Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng là một giải pháp được đề ra trong dự luật. Vì vậy chắc sẽ còn nhiều thời gian và cơ hội để thảo luận về giải pháp này. Tuy nhiên, đã chỉ đạo thì không điều hành.

* Vừa qua chúng ta đã có nhiều biện pháp chống tham nhũng, trong đó có biện pháp "kê khai tài sản khi đề bạt, bổ nhiệm". Xin các ông cho biết kết quả thực tiễn của biện pháp này trong thời gian qua? (Le Thai Nam, 39 tuổi, 4A, Vong Ha, Ha Noi)

- Ông Đinh Văn Minh: Thực hiện pháp lệnh chống tham nhũng hiện hành, chúng ta đã thực hiện việc kê khai tài sản đối với cán bộ công chức. Tuy nhiên, việc kê khai chưa thực sự có hiệu quả vì chưa có cơ chế để kiểm tra tính trung thực của việc kê khai. Bên cạnh đó, việc công khai bản kê khai tài sản còn hạn chế nên chưa tạo điều kiện để nhân dân giám sát.

Chính vì vậy, Dự án Luật Phòng, chống tham nhũng đã có những quy định để khắc phục những hạn chế nêu trên, làm cho việc kê khai thực sự là một biện pháp phòng ngừa tham nhũng có hiệu quả.

* Xin hỏi, trong bản kê khai tài sản của mình, ông đã kê khai thế nào? Ông có ủng hộ việc công khai bản kê khai của mình ở nơi cư trú? (dongnghiep, 30 tuổi, 72 Thuy Khue)

- TS Nguyễn Sĩ Dũng: Tôi đã kê khai tài sản của mình. Bản kê khai được lưu giữ ở cơ quan theo đúng quy định của pháp luật. Kê khai và công khai là 2 việc khác nhau. Với cương vị của tôi hiện nay, pháp luật mới chỉ yêu cầu phải kê khai. Việc công khai có thể xảy ra khi có người yêu cầu. Tôi ủng hộ việc kê khai tài sản đối với các quan chức có quyền ban hành quyết định.

Công khai minh bạch và bảo vệ quyền riêng tư, quyền bí mật đời tư là hai mặt của một vấn đề. Đối vói công chức họ cũng phải được bảo vệ những điều riêng tư như đối với mọi công dân. Hơn thế nữa, tôi còn cho rằng bảo vệ quyền riêng tư là quan trọng để chống tham nhũng và chống lạm quyền.

* Theo như cháu học Kinh tế Chính trị, vì 300% lợi nhuận người ta có thể giết người. Còn ở đây tham nhũng tức là tiền vào tay họ mà họ không phải đầu tư một khoản nào, vậy thử hỏi có kẻ nào tiền vào tay mình quá dễ dàng mà không sinh lòng tham hay không? Vì vậy, theo cháu nghĩ cần phải triệt tiêu tham nhũng từ gốc từ rễ của nó. (Vũ Thị Hồng Thuý, 22 tuổi, Học viện Tài chính)

- TS Nguyễn Sĩ Dũng: Xin chúc mừng vì cháu rất thuộc C.Mác. Có thể giết nguời là một chuyện, giết được hay không lại là một chuyện khác. Cũng như vậy, có mong muốn tham nhũng là một chuyện, tham nhũng được hay không lại là chuyện khác.

Đồng ý là phải chống tham nhhũng từ gốc rễ. Tuy nhiên, gốc rễ ở đâu và hình thù như thế nào thì không dễ trả lời. Phải chăng gốc rễ nó là quyền lực? Vậy thì đừng nên giao quyền cho ai một cách dễ dàng, đừng nên giao quyền cho ai một cách lâu dài, đừng nên giao quyền cho ai mà thiếu sự kiểm tra, giám sát, đừng nên giao quyền cho ai mà thiếu cơ chế chế ước quyền lực đó.

Trong khi trả lời đơn tố cáo của cán bộ trong cơ quan về vụ tham nhũng, thủ trưởng cơ quan lại bao che, trả lời sai sự thật tới cả các đồng chí lãnh đạo cấp cao nhất của Đảng, Nhà nước. Sau này cơ quan pháp luật vào cuộc mới phanh phui được vụ tham nhũng đó. Khi đó pháp luật sẽ xử lý thế nào với ông thủ trưởng đó? (Nguyễn Hùng, 40 tuổi, TP Vũng Tàu)

- Ông Đinh Văn Minh:Trong trường hợp bạn nêu tùy từng trường hợp cụ thể, thủ trưởng cơ quan đó có thể bị xử lý về:

1. Yếu kém về năng lực quản lý

2. Thiếu trách nhiệm trong quản lý.

3. Bao che cho hành vi tham nhũng

* Tôi sống xa Việt Nam đã lâu, nhưng vẫn luôn theo dõi báo chí và hiểu rõ về tình trạng tham nhũng của Việt Nam hiện nay. Tham nhũng nảy sinh từ quyền lực mà ra. Chính điều đó gây khó khăn cho công tác điều tra và giám sát. Nếu để lâu thì chỉ làm khổ cho người dân. Vậy Đảng và Nhà nước có những biện pháp gì để thi hành việc phòng và chống tham nhũng hiệu quả trong thời gian tới? Việc phòng chống luôn là quan trọng nhất, vậy chúng ta có nên lập ra một cơ quan chuyên trách có quyền hành pháp tối cao trực thuộc Đảng để thi hành nhiệm vụ này? (Trần Thị Nhung, 55 tuổi, Ba Lan)

- TS Nguyễn Sĩ Dũng: Thứ nhất là Đảng và Nhà nước rất quan tâm đến việc chống tham nhũng. Việc Chính phủ trình Quốc hội Dự án Luật Phòng, chống tham nhũng, Quốc hội đã thảo luận công khai và việc thảo luận được truyền hình trực tiếp cho người dân cho thấy quyết tâm này.

Về việc có nên thành lập một cơ quan chuyên trách có quyền hành pháp tối cao hay không là điều phải được cân nhắc, phân tích kỹ để xem đó có phải là một giải pháp hiệu năng nhất hay không. Vấn đề là tham nhũng phải được chống bằng cả hệ thống, bằng cả cách thức tổ chức đời sống xã hội và công việc của chúng ta.
Ngoài ra, cũng cần tìm được câu trả lời là chúng ta sẽ giám sát cơ quan có quyền hành pháp tối cao đó như thế nào trước khi thành lập nó.

Người tố cáo tham nhũng: có được bảo vệ?

* Tham nhũng thường liên quan đến một êkíp, một đường dây, thậm chí một bộ máy. Làm thế nào để có thể trong sạch hoàn toàn? Trách nhiệm đầu tiên có phải là người quản lý, lãnh đạo cao nhất trong ê kíp đó? Tuy có khi không phải chính một số người tham nhũng, nhưng họ đã thao túng và đồng tình. (Nguyên Hương, 29 tuổi, Bộ Quốc phòng)

- Ông Đinh Văn Minh: Đúng là như vậy, cho nên Dự án Luật Phòng, chống tham nhũng đã quy định về trách nhiệm của người đứng đầu (Mục 5, chương 2: Chế độ trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan tổ chức đơn vị khi để xảy ra tham nhũng).

* Nếu phát hiện ra tham nhũng liệu người dân có được bảo vệ bí mật và người bị phát hiện có bị xử lý nghiêm minh không? Hiện nay trong các cơ quan nhà nước có rất nhiều bất công vì có học mà không được trọng dụng, chế độ phúc lợi không công bằng do có tham nhũng ngay trong cơ quan đó,thì bức xúc đó được giải quyết như thế nào?(Lê Minh Thu, 27 tuổi, Cầu Giấy, Hà Nội)

- Ông Đinh Văn Minh: Dự án Luật Phòng chống tham nhũng cũng như Luật Khiếu nại, tố cáo hiện hành đều có quy định trách nhiệm của các cơ quan nhà nước là phải giữ bí mật cho người tố cáo, tố giác. Đồng thời, phải có biện pháp bảo vệ người tố giác khi họ bị đe dọa, trù dập, trả thù.

Việc xử lý các hành vi tham nhũng trong từng cơ quan tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể và tùy thuộc vào tính chất và mức độ vi phạm mà có hình thức xử lý thích hợp.

* Khi người chống tham nhũng bị trù dập, khủng bố (kinh tế, tinh thần) bởi người bị chống tham nhũng thì ai đứng ra bảo vệ họ? Trong một số trường hợp tôi biết, người viết đơn tố cáo hối lộ cũng bị xử bởi tội đưa hối lộ? Ta có luật bảo vệ nhân chứng, bảo vệ người tố cáo không? Nếu trường hợp người tố cáo muốn giữ bí mật suốt đời về mình thì làm thế nào? Tại sao một số cơ quan nhận được đơn tố cáo lại gửi ngược trở lại với cơ quan bị tố cáo với đầy đủ cả danh tính người tố cáo, việc này có đúng không? Tôi nghĩ rất nhiều người muốn tố cáo, nhưng sợ...! (Trần Tiến Dũng, 35 tuổi, Bắc Ninh).

- Ông Đinh Văn Minh: Tôi chia sẻ với suy nghĩ của bạn. Hiện nay quy định của pháp luật về việc xử lý người đưa hối lộ có những điểm chưa hoàn toàn phù hợp nên chưa khuyến khích được việc tố giác kẻ nhận hối lộ. Theo tôi, chỉ nên xử lý người đưa hối lộ khi họ yêu cầu người nhận hối lộ làm một việc vi phạm pháp luật có lợi cho mình.

Trong trường hợp người buộc phải "đưa hối lộ" mới được người nhận hối lộ thực hiện trách nhiệm thì không thể bị truy cứu về hành vi đó.

* Thưa ông Đinh Đình Phú, khi quyết định viết đơn gửi lên trung ương, ông có nghĩ đến "hậu quả" khi những lá đơn của mình không đến được "đích"? (Tùng, 30 tuổi, Hà Nội).

- Ông Đinh Đình Phú: Tôi cũng như mọi người dân khác, trước khi làm điều gì cũng phải có mục đích và lường trước hậu quả của việc làm đó. Từ đó mới quyết định làm được hay không. Còn khi đã quyết tâm làm thì phải tin là mình sẽ thành công. Chính thế mới thành công được!

* Những người tham nhũng đều là cán bộ dảng viên có chức quyền, chưa tháy chi bộ đảng nào phát hiện ra họ (nếu không nói là che giấu), mà thường do quần chúng thông qua báo chí phát hiện và tố giác. Các ông nghĩ sao về việc này? Vì sao chúng ta chưa phát động một phong trào toàn dân tố cáo tham nhũng (có khen thưởng thích đáng và bảo vệ người tố cáo)? (Hoàng Linh, 25 tuổi, Hoàn Kiếm, Hà Nội)

- Nhà báo Dương Xuân Nam: Đó là điều đang buồn và cũng là đáng lo. Bởi vậy, phải có những điều luật để bảo vệ những người chống tham nhũng khỏi bị trù dập. Có như vậy, mỗi cán bộ đảng viên ở các cơ quan, chi bộ mới dám đứng lên phát hiện đấu tranh với tham nhũng.

- TS Nguyễn Sĩ Dũng: Thực chất, việc tố cáo tham nhũng được ghi nhận và bảo vệ trong hệ thống pháp luật (Luật khiếu nại, tố cáo; pháp lệnh phòng chống tham nhũng...) vấn đề là phải thực thi tốt các quy định của pháp luật về việc bảo vệ người tố cáo.

Tuy nhiên, việc tố cáo theo phong trào là điều đáng phải băn khoăn. Chúng ta đã từng có một nhà nước phong trào; mọi thứ đều được phát động thành phong trào. Cách làm như vậy có thể đúng trong mấy chục năm trước đây nhưng chưa hẳn đúng trong một nhà nước hiện đại.

Ở đây theo tôi việc gì chúng ta cũng nên làm theo luật chứ không phải làm theo phong trào.

Theo Tiền Phong Online

Các văn bản liên quan